Thứ 2 | 26/10/2015
1.Hát Xoan - Thần quyền giữa chốn đình chung.
  Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý của vùng đất Tổ Hùng Vương. Bắt nguồn từ tục hát thờ cúng các Vua Hùng, Hát Xoan thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Có 3 hình thức hát Xoan: Hát thờ cúng các Vua Hùng và Thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát hội giao duyên nam nữ.
Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các phường xoan gốc đều nằm trong những ngôi làng cổ trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, nay là địa bàn thuộc tỉnh Phú Thọ, vì vậy hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước...
Mặc dù, bốn phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu thuộc tỉnh Phú Thọ nhưng hát Xoan lại ghi dấu ấn tại nhiều làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng thuộc địa bàn của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Bởi lẽ, từ xa xưa bốn phường Xoan cổ này thường được cộng đồng 30 làng trong 18 xã thuộc địa bàn hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn mỗi dịp lễ hội tại địa phương.
Hát Xoan Phú Thọ vốn ngay từ khi ra đời đã có 3 hình thức trình diễn cơ bản nhất, vừa chặt chẽ lại vừa mở rộng: Hát Xoan phường; hát Xoan đoàn và hát Xoan nước nghĩa.
Hát Xoan phường gắn với làng xã, gắn với các ngôi đình làng thờ Vua Hùng và thờ Thành hoàng làng. Đó chính là việc các phường Xoan: Kim Đái, Thét, Phù Đức (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu) cùng đến hát thờ ở Miếu Lãi Lèn và ở Đền Hùng. Họ hát những bài khẩn nguyện, mời Vua, chúc Vua và những bài hát nghi lễ.
Hát Xoan đoàn là việc các phường Xoan gốc thành lập đoàn đi hát ở các cửa đình theo tục giữ cửa đình. Mỗi phường Xoan thường có những cửa đình chính của mình để hàng năm đến hát thờ.
Hát Xoan nước nghĩa là hình thức giao lưu trong quan hệ giữa làng có phường Xoan gốc với những làng có cửa đình mời phường Xoan đến hát thờ hàng năm.
Như vậy dù có trình diễn dưới hình thức nào thì Hát Xoan cũng đều gắn với Thần quyền nơi giữa chốn đình chung. Gạt đi tất cả những chi tiết không đáng tin, từ cốt lõi của truyền thuyết chúng ta xác nhận được: Hát Xoan là lối hát có lịch sử rất lâu đời, một lối hát cổ xưa của người nông dân Việt; Vùng Xoan gốc nằm trọn trong vùng kinh đô Văn Lang xưa; Hát Xoan từng bước được dân gian hóa thành lời khẩn nguyện hát thờ Vua, điều đó khẳng định tính nghi lễ trong hát Xoan; Đình làng là không gian thiêng để bảo tồn Hát Xoan Phú Thọ; Yếu tố Thần quyền trong câu hát là đặc trưng nổi nét của Hát Xoan.
Tuy nhiên trong những thành tố được nhận biết ấy yếu tố Thần quyền là biểu hiện rõ nét nhất trong Hát Xoan thờ cúng Vua Hùng, thờ cúng Thành hoàng làng. Có thể nói tục thờ này đã chứa đựng sự xâm nhập mạnh mẽ của Nho giáo; hiện tượng Nho giáo hóa nghi thức thờ cúng Thành hoàng làng ở đình với mục đích sử dụng Thần quyền để củng cố địa vị vương quyền của nhà nước phong kiến. Theo đó, hàng năm Vua phong thần cho các Thành hoàng làng, quy định các thể thức tế tự, nghi lễ thờ cúng Thành hoàng làng ở đình. Đình làng là nơi vương thất “tiểu triều đình”, nơi Thành hoàng hưởng tế lễ theo nghi thức cung đình.
 Hát xoan gắn với việc thờ cúng Thành hoàng ở đình làng nên cũng chịu sự tác động của hiện tượng Nho giáo hóa tín ngưỡng Thành hoàng. Trong lời ca hát xoan ta thấy có nhiều chỗ đã đồng nhất Thành hoàng làng với Vua. Hiện tượng này cho thấy việc tôn thờ Vua Hùng làm Thành hoàng làng đã nằm trọn trong tâm thức Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người nông dân vùng Đất Tổ.
Thay lời khấn theo tập tục cổ truyền bằng lời khấn cầu Vua thông qua những lời ca tiếng hát mà người dân dâng lên trong dịp lễ hội. Như vậy rõ ràng vai trò của Thành Hoàng làng cũng được đề cao ngang hàng với vai trò của Vua. Phải chăng Thành hoàng ở các làng xoan đã được nhân dân thành kính, đồng nhất gọi là “Vua”, là đại vương. Đây cũng chính là một biểu hiện của sự thành công trong việc thực hiện mục đích sử dụng thần quyền để củng cố vương quyền của nhà nước phong kiến. Theo đó, Vua muốn nhờ sức mạnh của Thành Hoàng làng  thay mình cai trị dân chúng ở các làng xã.
Có được thành công đó phải kể đến vai trò của Nho giáo đã từng bước đưa Thần quyền thâm nhập vào hát Xoan qua con đường lễ nghi thờ cúng. Chính các nhà Nho là những người đã tham gia vào biên soạn và sáng tác bài bản hát xoan.


Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
 
2.Hát Xoan - Cuộc chơi của kẻ sĩ.
Hát Xoan có trên 2000 câu hát; vài chục làn điệu, khi các phường trình diễn tuy lời lẽ có một số ca từ khác nhau song về cơ bản Hát Xoan Phú Thọ được trình diễn có lề, có lối và chia thành 3 chặng hát rõ rệt: Hát nghi lễ; Hát quả cách; Hát giao duyên.
Nho giáo vào nước ta ngay từ đầu công nguyên. Tới thế kỷ thứ XV, Nho  giáo được nhà nước phong kiến Việt Nam tôn làm quốc giáo. Cũng từ đây Nho giáo dần thâm nhập một cách sâu rộng vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, văn hóa Việt Nam, trong đó có các thể loại ca nhạc. Hát xoan Phú Thọ  cũng nằm trong số những thể loại ca nhạc chịu ảnh hưởng của Nho giáo.
Sự thâm nhập những yếu tố Nho giáo vào hát xoan là ở một số quan niệm về mối quan hệ Vua tôi, về việc học hành, thi cử, về các lớp người trong xã hội. Tuy nhiên trong rất nhiều thế kỷ đầu tiên, Nho giáo không gây được ảnh hưởng gì đáng kể trong đời sống nhân dân cũng như xã hội Việt Nam nói chung. Dần dần theo thời gian, giai cấp phong kiến Việt Nam ngày càng tìm thấy trong tư tưởng tam cương ngũ thường của Nho giáo một chỗ dựa vững chắc đảm bảo cho trật tự của xã hội phong kiến. Do đó, Nho giáo dần được tiếp nhận vào những vị trí đáng kể trong xã hội. Với vị trí độc tôn này, Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc tới hát xoan.
Nho giáo quan niệm “Đạo làm người không có gì cốt yếu bằng làm cho luân lý được trong sáng: Vua tôi có nghĩa, cha con có tình thân, vợ chồng có riêng biệt, anh em có thứ bậc, bè bạn có tin cậy. Giữ được tốt năm mối quan hệ ấy thì xã hội hòa mục, gia đạo yên vui”.
Tinh thần Nho giáo nói trên đã phần nào được phản ánh trong lời ca xoan. Đó là việc đề cao mối quan hệ tốt đẹp giữa Vua với dân bằng những lời chúc tụng Vua hay ca ngợi ơn đức của Vua và ca ngợi sự hùng mạnh của vương triều (Giáo pháo, Kiều giang cách, Nhàn ngâm cách, Xoan thời cách, Tứ dân cách, Bợm gái, Hát đúm).
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, khi tư tưởng Nho giáo độc tôn, người ta phân chia dân làng xã ra bốn hạng, gọi là “tứ dân”, tức sĩ, nông, công, thương. Trong số bốn hạng người này thì sĩ, tức là những người có học, bậc quân tử được coi trọng nhất.
Việc đề cao kẻ sĩ chính là một trong những chủ trương của nhà nước phong kiến gắn liền với chủ trương coi trọng giáo dục. Kẻ sĩ ở đây hầu như đồng nhất với nho sĩ. Kẻ sĩ được miễn thuế, miễn lao dịch. Nhà nước phong kiến còn có chính sách tôn vinh người học giỏi, chọn người hiền tài ra làm quan thông qua con đường học tập, thi cử. Khi đã thi đỗ, nếu không làm quan, làng xã cũng lấy ruộng công trích ra để biếu.
Coi trọng kẻ sĩ và coi trọng giáo dục là chủ trương song hành của nhà nước phong kiến. Mục đích của việc học tập được nhà nước phong kiến xác định rõ ràng, đó là: hành đạo, giúp Vua, giúp nước. Chính bởi vậy mà đề cao việc học hành, thi cử đã trở thành một nhiệm vụ chính trị cơ bản của giai cấp thống trị.
Có thể thấy nội dung liên quan tới việc học hành thi cử cũng như mơ ước được thành đạt trên con đường học hành thi cử được phản ánh trong khá nhiều bài bản hát xoan (Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Hạ thời cách, Tứ mùa cách, Thuyền chèo cách,  Đối dãy cách, Chơi dâu cách,  Bợm gái,  Gài hoa, Hát đúm).
Cũng dưới thế lực tinh thần của Nho giáo độc tôn, trong xã hội phong kiến người ta đề cao trách nhiệm của người phụ nữ đối với nam giới nói chung qua thuyết lý “tam tòng”: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Như vậy, chí ít là trong gia đình, người đàn ông xưa đóng vai trò quan trọng hơn người phụ nữ. Quan niệm này dường như cũng được phản ánh trong hát xoan thông qua vai trò của người đứng đầu phường xoan và thông qua việc lựa chọn những người tham gia diễn xướng. Vì thế, trong cơ cấu tổ chức của phường xoan, người đứng đầu bao giờ cũng là một người đàn ông đứng tuổi, có uy tín, biết chữ Nôm và đã từng tham gia diễn xướng Hát Xoan lâu năm. Người này được gọi là ông trùm phường.


Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
 
3. Hát Xoan - Vui trọn tình dân.
Hát Xoan Phú Thọ thực chất là lối hát cửa đình (Khúc môn đình), do đó chỉ hát trong những ngày lễ hội, hát vào thời gian nhất định (chủ yếu vào mùa xuân), hát các bài hát lề lối theo một trình tự nhất định. Song ngay từ trước Cách mạng tháng 8/1945, việc trình diễn lề lối của hát Xoan Phú Thọ đã không hoàn toàn cứng nhắc. Bên cạnh hát lề lối: hát nghi lễ (hát trong một buổi sáng hoặc cả buổi tối, hoặc một ngày) đã có hát mở rộng lề lối (hát vào ba ngày), hát ngoài đình, hát ở bến sông, hát giao duyên trong lễ hội Đền Hùng, hát ở chùa Dâu.
Ngày nay, trong thời đại phát triển, hội nhập quốc tế, văn hóa dân tộc đã vượt khỏi lũy tre làng đến với các vùng, miền khắp cả nước và xa hơn nữa đến cả với sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới. Hát Xoan Phú Thọ đã bước ra khỏi cửa đình, khỏi chốn đình chung để lên sân khấu. Từ các phường Xoan gốc (mỗi phường không quá 20 người), nay Hát Xoan đã lan tỏa đến đông đảo cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở Phú Thọ, trong những ngày lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương, hát Xoan đã được nghệ nhân các phường Xoan gốc, các CLB hát Xoan và các đội văn nghệ quần chúng trong tỉnh, các trường học phổ thông, chuyên nghiệp và các cơ quan đơn vị đem về tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng, phục vụ hàng triệu lượt du khách thăm viếng Đền Hùng.
Nhiều địa phương trong cả nước như: Thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh nằm trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch vòng cung Tây Bắc... đã mời tỉnh Phú Thọ cử đoàn nghệ nhân hát Xoan tham gia các hoạt động sự kiện của mình.
Là một trong những sản phẩm văn hóa dân gian, tồn tại trong môi trường dân gian song có thể tìm thấy ở hát xoan những chứng tích bộc lộ sự tác động của dòng văn hóa cung đình đối với dòng văn hóa dân gian trong thời kì phong kiến.


Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
 
          Thần quyền, kẻ sĩ, lòng dân và tình người đã hòa quyện vào nhau, nâng đỡ cho nhau trường tồn và phát triển. Qua dòng thời gian, Hát Xoan dân ca nghi lễ, tiếng hát hội làng mùa xuân, một diễn xướng dân gian độc đáo, đằm thắm tình người, tình đời, làm xôn xao cuộc sống và đạo lý làm người…Hát Xoan do nhân dân sáng tạo, nhân dân tự giữ gìn, nuôi dưỡng, phát triển, tự tạo ra niềm vui để ước vọng, một ước vọng cao đẹp, rất nhân văn, mang đậm bản sắc vùng trung du Đất Tổ Vua Hùng./.
                                                 
Phạm Bá Khiêm
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com