Thứ 3 | 08/10/2024

                              Nguyễn Thị Hoàn – Phòng Phát triển tài nguyên du lịch

      Du lịch nông thôn (Rural Tourism) là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã…; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn. Du lịch nông thôn là chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn, để khai thác các giá trị ở vùng nông thôn như cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn (bản làng, nhà truyền thống), các thiết chế văn hóa làng (đình, đền, giếng nước…), các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông…), gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của cư dân không ở nông thôn hoặc ở vùng nông thôn khác. Phát triển du lịchnông thôn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống. Tham gia hoạt động du lịch nông thôn, người dân còn có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều đối tượng du khách, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng, tư duy…, đặc biệt là giới trẻ có thể thay đổi suy nghĩ, cải thiện hành vi, thậm chí là có định hướng tương lai thấu đáo hơn.
       Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các Chủ trương, định hướng để thúc đẩy lĩnh vực du lịch nông thôn phát triển, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 khẳng định “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/08/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xác định “Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bềnvững các tiêu chí nông thôn mới”. Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã ghi nhận sự phát triển nhất định, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống, sản phẩm OCOP trở thành đặc sản địa phương và tăng thêm giá trị cũng nhờ vào du lịch. Những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm; tri thức, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức nhờ vào du lịch.
      Là một tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, Phú Thọ có nhiều lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, phong phú, hấp dẫn, trong đó phải kể đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốcở huyện Tân Sơn; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, Ao giời- Suối Tiên ở huyện Hạ Hòa; thác Mây, thác Mơ ở huyện Thanh Sơn; hồ Ly xã Thượng Long, huyện Yên Lập, các vùng cảnh quan làng quê dọc hai bên bờ các dòng sông... bên cạnh đó, vùng Đất Tổ mang trong mình nhiều giá trịvăn hóa đặc thù của nền văn minh sông Hồng – một trong những cái nôi đầu tiên của văn minh lúa nước - nơi đây còn lưu giữ được hệ thống di tích lịch sử văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân ven sông Hồng từ phong tục, tập quán đến ẩm thực, nơi đây cũng đang duy trì và phát triển nhiều nghề truyền thống như nghề làm bánh chưng, bánh dầy, nghề trồng và chế biến chè, nghề đan lát, nghề làm tương, nghề chế biến mỳ, miến... có khả năng khai thác phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch.

Du khách nước ngoài tham gia trải nghiệm hái chè và cấy lúa cùng bà con nông dân tại Long Cốc, huyện Tân Sơn

     Tỉnh Phú Thọ đã sớm định hướng để du lịch nông thôn phát triển, đã ban hành Kế hoạch số 837/KH-UBND ngày 15/3/2023 về việc triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, qua đó đã tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng 6 điểm du lịch nông thôn, đến nay đã có 05 điểm du lịch nông thôn được công nhận làđiểm du lịch cấp tỉnh là Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô; Điểm Du lịch văn hóa đền Mẫu Âu Cơ; điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc; điểm du lịch cộng đồng bản Dù, xã Xuân Sơn; điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Cỏi, vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn; cũng đã có 02 sản phẩm (dịch vụ du lịch cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì và dịch vụ du lịch cộng đồng Xuân Sơn, huyện Tân Sơn) được triển khai xây dựng và được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và bước đầu đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như: Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, du lịch cộng đồng Long Cốc gắn với trải nghiệm khách du lịch được tham gia vào quy trình hái chè, chế biến chè, cấy lúa, gặt lúa, đánh bắt cá...; sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, được khai thác gắn với làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm trải nghiệm phục vụ khách du lịch như trải nghiệm gói bánh chưng, trải nghiệm làm mỳ, làm kẹo, giã bánh giầy; các làng nghề sản xuất tương, làng nuôi cá lồng, đan lát tại trung tâm du lịch Thanh Thủy; làng nghề nón lá làng Dền, Gia Thanh; làng nghề nón lá Sai Nga, Cẩm Khê đã trở thành các điểm thăm quan mua sắm phục vụ khách du lịch... Ngoài ra một số đồi chè có cảnh quan đẹp tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy đã được khảo sát, đánh giá và xây dựng thành điểm đến, điểm dừng chân phục vụ khách tham quan chụp ảnh, ghi hình, góp phần tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến tham quan; các sản phẩm làng nghề gắn với tuyến du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh đang được quan tâm đầu tư khai thác.
     Sản phẩm du lịch nông thôn đang phát triển trở thành loại hình du lịch mới thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, mở rộng không gian phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, khắc phục tính mùa vụ của các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên sản phẩm du lịch nông thôn vẫn chưa phát triển mạnh, chưa nhân rộng đến các địa phương có thế mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn tài nguyên vốn có, chưa gắn kết được các thương hiệu sản phẩm nông nhiệp OCOP mỗi xã một sản phẩm với bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên tại mỗi địa phương để hình thành, xây dựng được nhiều điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp nông thôn, nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn còn hạn chế… 

Du khách tham gia trải nghiệm gói bánh chưng tại nhà cổ Hùng Lô, TP Việt Trì

     Để sản phẩm du lịch nông thôn Phú Thọ phát triển xứng tầm và bền vững cần có sự chung tay, góp sức của những chuyên gia đầu ngành, những doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dịch vụ du lịch, sự quyết tâm của người dân tham gia, đặc biệt là sự lãnh chỉ đạo của các cấp, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan. Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục có những định hướng hình thành các không gian để phát triển các khu, điểm du lịch khu vực nông thôn; duy trì và hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc trưng của quê hương Phú Thọ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cơ sở dịch vụ du lịch trong lĩnh vực du lịch nông thôn.
     Các cấp chính quyền cần tiến hành khảo sát, đánh giá đầy đủ, toàn diện về tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn, từ đó xây dựng quy hoạch, đề ra các chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý; Đẩy mạnh hoạt động du lịch nông thôn gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng của địa phương và chế biến thành sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo, giữ gìn, phát huy thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm du lịch, nâng cao vai trò của các địa phương, mỗi người dân và các doanh nghiệp để gắn phát triển du lịch với Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân; Đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại) trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp; Tổ chức cho nông dân có điều kiện và có tâm huyết làm du lịch tham gia các đợt học tập kinh nghiệm mô hình du lịch nông thôn đã hoạt động hiệu quả ở các địa phương có loại hình du lịch nông thôn phát triển.
Các cấp, các ngành cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn; khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch nông thôn, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn mới; hỗ trợ người dân trong việc mời gọi các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát và tổ chức kết nối các tour, tuyến, các điểm đến du lịch nông thôn; tư vấn, đào tạo cho người dân trong kỹ năng giao tiếp, phục vụ, hướng tới xây dựng các mô hình du lịch nông thôn có tính khả thi cao./.

 

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com