Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh?
Ông Nguyễn Ngọc Lân: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành trong tỉnh, số lượng, chất lượng của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thành viên trong Hội Doanh nhân tỉnh tăng dần theo từng năm.
Thành lập năm 2006, đến nay Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp hội viên. Bình quân hằng năm, các doanh nghiệp thành viên tạo ra khoảng 10.000 tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách tỉnh trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hơn 20.000 nghìn lao động với bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Những con số trên đã minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nhân trẻ cùng các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh như: Công ty cổ phần tập đoàn Cát Vàng, Công ty cổ phần Xây dựng Đất Việt, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập, Ngân hàng VietCombank Phú Thọ…
Phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với các doanh nhân, doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thường xuyên nắm tình hình của doanh nghiệp thành viên để có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với lãnh đạo tỉnh xem xét, giải quyết nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp thành viên với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nâng cao trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp, phát triển hoạt động kinh doanh. Đến nay, các doanh nghiệp là hội viên của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh từng bước phát triển nhanh và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đã tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế - xã hội của tỉnh như: Thương mại - dịch vụ, xây dựng, công nghệ thông tin... phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, các thành viên trong Hội luôn tích cực tham gia các chương trình chung tay vì sự phát triển cộng đồng như: Phối hợp với Tỉnh đoàn thực hiện chương trình hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp thanh niên; phối hợp với Đại học Hùng Vương tiếp nhận thực tập, tuyển chọn nhân lực tạo đầu ra cho sinh viên; vận động hội viên tham gia quyên góp, ủng hộ quỹ xã hội, từ thiện, tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, trẻ khuyết tật, gia đình nghèo… Tính riêng trong năm 2020, Hội đã xây dựng 13 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với ngành Y tế khám bệnh, cấp thuốc miễn phí đối với các xã khó khăn và gia đình chính sách; thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trẻ còn đóng góp nhân lực, hỗ trợ máy móc thiết bị, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Với những thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh và các mặt công tác khác, trong năm 2020, 28 tập thể, cá nhân đã được Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển cộng đồng Doanh nhân trẻ tỉnh. Nhiều hội viên của Hội đạt được nhiều giải thưởng có uy tín của các bộ, ngành trung ương và của tỉnh như: Sao Vàng Đất Việt, Sao Đỏ, Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, Doanh nhân văn hóa tiêu biểu ASEAN, Doanh nhân tiêu biểu Đất Tổ…
Phóng viên: Dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hội đã có những giải pháp như thế nào để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thành viên trong Hội?
Ông Nguyễn Ngọc Lân: Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Trong khi đó, doanh nghiệp của tỉnh nói chung và các doanh nghiệp thành viên nói riêng đa phần ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành phố đã gây khó khăn trong việc cung ứng, xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, giá cả của một số mặt hàng giảm; việc vận chuyển hàng hóa, nhất là chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao dẫn đến việc sụt giảm doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp thành viên, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động…
Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến khó lường, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, cơ cấu lại từng ngành nghề kinh doanh để kịp thời có những hành động cụ thể cho phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, Hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp thành viên cùng tương trợ lẫn nhau. Đó là giúp nhau tiêu thụ sản phẩm cùng ngành hàng hoặc có liên quan, tạo điều kiện cho các bên có nguồn thu và giảm bớt các chi phí lưu thông; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thế hệ trẻ…
Hội tích cực hỗ trợ các doanh nhân nâng cao trình độ quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm; chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tiếp thị, tìm kiếm mở rộng thị trường để duy trì ổn định sản xuất, đón cơ hội sau những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Phóng viên: Hội có những định hướng như thế nào trong hoạt động để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, đưa các hội viên cùng phát triển?
Ông Nguyễn Ngọc Lân: Để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trước mắt Hội nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đặt ra trong năm 2021. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp ngoài hiệp Hội; mở rộng giao thương với các doanh nghiệp thuộc hệ thống Doanh nhân trẻ trong Cụm trung du Bắc Bộ cũng như cả nước; ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển nền kinh tế số, tăng năng suất lao động, hiệu quả trong tiết kiệm chi phí, tạo ra lợi nhuận cho các doanh nghiệp thành viên.
Cùng với đó, Hội tiếp tục tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tham gia vào Hội. Các thành viên trong Hội thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tháo gỡ, hỗ trợ, đồng hành cùng nhau trong sản xuất kinh doanh; tìm kiếm các mô hình kinh doanh có lợi thế để đầu tư sản xuất; quan tâm đến công tác an sinh xã hội…
Thời gian qua, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và địa phương bằng những hành động thiết thực, việc làm cụ thể trong việc tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; luôn lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp; giảm lãi suất cho vay; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; hỗ trợ công nghệ sản xuất… Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đầu tư đổi mới, sáng tạo vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính; phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp vào đầu tư; tiếp tục đồng hành để doanh nghiệp được thực hiện quyền kinh doanh của mình trong môi trường thuận lợi.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Liên Linh (thực hiện)
Dẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/