Thứ 5 | 19/12/2019
Ngày 18/12/2019, tại Khách sạn Sài Gòn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; kết quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Hồ Đại Dũng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung ương; Bộ Công An; Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành trong cả nước.
  
Toàn cảnh Hội nghị
 
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đại Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã khẳng định Hội nghị lần này là dịp để tỉnh Phú Thọ có cơ hội được trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội của các địa phương, mong nhận được những ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, về lễ hội để tìm ra những giải pháp thích hợp để nâng cao  nhận thức của các tầng lớp nhân dân về văn hóa ứng xử và việc thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội hiện nay. Đối với Phú Thọ, đồng chí rất vui mừng khi biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá tốt về công tác quản lý lễ hội của tỉnh Phú Thọ trong những năm qua. Lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà quản lý lĩnh vực văn hóa, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành văn hóa phát triển một cách tốt nhất góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Tỉnh Phú Thọ hiện nay có trên 246 lễ hội, trong đó có 01 lễ hội quy mô cấp quốc gia. Năm 2019, các lễ hội đều được các địa phương triển khai đảm bảo đúng quy trình tổ chức lễ hội tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP gồm: thực hiện thủ tục thông báo tổ chức lễ hội với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, xây dựng kế hoạch, chương trình, xây dựng nội quy lễ hội, thành lập ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể. Sau khi tổ chức xong lễ hội đều có báo cáo bằng văn bản gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp. Cơ bản thực hiện đúng các quy định và văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo phần lễ trang nghiêm, thành kính, phần hội vui tươi, lành mạnh.
  
Đồng chí Hồ Đại Dũng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị
 
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng diễn ra sôi nổi, đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng, với nhiều hoạt động phong phú như trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, trò chơi dân gian…
Đối với một số lễ hội còn để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động làm việc với cơ quan quản lý của địa phương, chính quyền các cấp để tìm các giải pháp nhằm thay đổi hình thức tổ chức và có những chỉ đạo kịp thởi để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Việc tổ chức phục dựng hiệu quả các hoạt động lễ hội góp phần khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền các địa phương đã quan tâm tới công tác cơ sở hạ tầng, mở rộng khu vực đón tiếp, biển chỉ dẫn, nơi trông giữ phương tiện giao thông, xây dựng công trình vệ sinh công cộng hợp chuẩn, bố trí lực lượng thu gom, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến của nhân dân…
Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được bố trí khoa học, hợp lý xa khu vực di tích. Trước mùa lễ hội, các địa phương đều tổ chức quán triệt, yêu cầu các điểm kinh doanh ăn uống phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, không tăng giá, ép giá du khách, không bày bán động vật hoang dã. Không để các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch…
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích và lễ hội được đảm bảo. Ban quản lý, ban tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức lễ hội năm 2019 còn một số hạn chế cần khắc phục đó là: vẫn còn hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; công tác quy hoạch khu vực dịch vụ bán hàng ở một số lễ hội chưa được sắp xếp khoa học, còn lấn chiếm cảnh quan, khuôn viên di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích, lễ hội chưa được xử lý kịp thời; một số di tích, lễ hội vẫn còn hiện tượng thắp hương trong nội tự, đốt vàng mã nhiều; ở một số lễ hội nội dung còn sơ sài; cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng ở một số di tích, lễ hội chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân…
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, Lãnh đạo UBND các huyện và Ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thẳng thắn, trao đổi một số ý kiến, vướng mắc sau 01 năm thực hiện Nghị định, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã thảo luận và làm rõ những vẫn đề còn tồn tại.
  
Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố phát biểu tham luận tại Hội nghị
 
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị: Để thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2020, Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu lãnh đạo chính quyền các cấp, địa phương trong công tác triển khai thực hiện quản lý, tổ chức lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ; có kế hoạch triển khai hiệu quả hơn nữa sự phối hợp giữa ngành văn hoá với các cơ quan, ban ngành trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội; triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện sai phạm và những biểu hiện không phù hợp để kịp thời xử lý, điều chỉnh…
Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com