Chủ nhật | 23/04/2023

     Được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Hạ Hòa, ngày 22/4/2023 UBND xã Xuân Áng long trọng tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Địa điểm lịch sử “Nghĩa trủng Xuân Áng” xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa.
     Tham dự buổi lễ, có đồng chí Nguyễn Bá Khuyến - Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư thường trực huyện ủy huyện Hạ Hòa, cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể của huyện; đại diện lãnh đạo phòng Quản lý di sản văn hóa; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể xã Xuân Áng; đại diện các các doanh nghiệp, doanh nhân đóng trên địa bàn, du khách thập phương và con em quê hương về dự đông đủ. 

Đồng chí Nguyễn Bá Khuyến - Phó Giám đốc Sở VHTTDL  trao bằng xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh và tặng hoa chúc mừng cho đại diện lãnh đạo xã Xuân Áng và BQL di tich

     Tọa lạc trên khuôn viên 513m2 thuộc xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, địa điểm lịch sử Nghĩa trủng Xuân Áng là nơi an nghỉ của 103 nghĩa sỹ yêu nước đã hy sinh trong phong trào Cần Vương, chống thực dân Pháp do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo ở vùng thượng du Bắc Kỳ tại căn cứ Tiên Động (xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê) vào thế kỷ XIX, được Lãnh binh Bùi Hữu Khanh quy tập hài cốt về an táng tập thể tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa.
     Nghĩa trủng Xuân Áng là di tích đầu tiên được tìm thấy ở phía Bắc thuộc loại hình di tích đặc thù này, là nơi thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của nhân dân đối với những nghĩa sỹ đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc.
 

Khu tưởng niệm Nghĩa trủng Xuân Áng huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

     Phong trào Cần Vương kháng Pháp trong cả nước nói chung và phong trào Cần Vương kháng Pháp năm 1884 do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo tại căn cứ Tiên Động, Lãnh binh Bùi Hữu Khanh và Nghĩa trủng Xuân Áng tại xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nói riêng đã được ghi chép trong nhiều tài liệu chính sử.
     Tháng 4/1884, sau khi chiếm xong hầu hết Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã dồn lực tập trung hai binh đoàn, chia làm hai mũi tiến công đánh chiếm thành Hưng Hóa. Trấn thủ thành Hưng Hóa lúc bấy giờ là Tuần phủ kiêm Chánh sứ sơn phòng Nguyễn Quang Bích và quân sỹ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thành. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch, sau hai ngày đêm chiến đấu ác liệt nhưng cuối cùng thành Hưng Hóa vẫn bị thất thủ. Quân Pháp đưa tàu chiến truy đuổi, đồng thời triều đình nhà Nguyễn ra lệnh bãi binh và triệu hồi Nguyễn Quang Bích trở về kinh thành. Sau khi Hiệp ước Hác - măng được ký kết, trước sự đầu hàng của triều Nguyễn, Nguyễn Quang Bích không chịu tuân theo, ông sai người nộp trả ấn tín rồi rút lên vùng Tiên Động thuộc thượng huyện Cẩm Khê, lập căn cứ khởi nghĩa chống Pháp.
     Ngày 5/7/1885, sau khi cuộc tấn công của phái kháng chiến vào các căn cứ của Pháp tại Kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy ra phía Bắc. Sau khi rời bỏ kinh thành Huế chạy ra Quảng Trị, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương kêu gọi cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, đã được văn thân sĩ phu và nhân dân khắp Bắc, Trung, Nam nhiệt liệt hưởng ứng. Phong trào kháng Pháp miền Thượng du Bắc Kỳ trong thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ XIX được hội tụ ở phong trào Cần Vương do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo. Suốt dải sông Đà, sông Hồng, sông Chảy, từ Sơn Tây, Hưng Hóa lên tới vùng biên giới phía Bắc, bằng sự uy tín của mình Nguyễn Quang Bích đã thu hút được rất nhiều tướng giỏi như: Nguyễn Văn Giáp (Đốc Giáp), Đề Kiều, Hà Công Cấn (Tán Áo), Đốc Ngữ, Lãnh Hoan, Đề Vân, Đề Thành, Đề Dị, Lãnh Doãn, Đề Mạc... trong đó, có người con kiên trung của vùng đất Hạ Hòa, Phú Thọ là Lãnh binh Bùi Hữu Khanh.
    Bùi Hữu Khanh tức “Danh” sinh năm Mậu Tý (1828) tại làng Xuân Áng, tổng Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Với tinh thần giàu lòng yêu nước lại có điều kiện về kinh tế, ông rất tích cực tham gia phong trào chống Pháp, chiêu mộ nghĩa binh, tích trữ lương thảo, mua sắm vũ khí.... Bùi Hữu Khanh được chủ tướng Nguyễn Quang Bích tin tưởng, phong chức Lãnh binh (nên nhân dân thường gọi là Lãnh Khanh) chỉ huy quân từ Ngòi Giành lên ngòi Vần vào đến Mỹ Lung (Yên Lập), phía Bắc căn cứ Tiên Động. Ông đã cùng Lãnh Đa, Đề Mạc xây dựng cơ sở kháng chiến tại Xuân Áng và liên kết với Đề Ngân ở Ấm Thượng, Mai Tùng, Lãnh Chấp ở Vĩnh Chân, Lãnh Chấp ở Bảo Toàn, Tán Dật ở Lang Sơn... thường xuyên tổ chức các trận chống càn của địch ở Lang Sơn, Ấm Thượng, Động Lâm, Xuân Áng, Ngòi Lao … bảo vệ vững chắc cho căn cứ Tiên Động suốt từ năm 1884 đến tháng 11/1886.
     Cuối năm 1886, quân Pháp tổ chức hai đợt tấn công vào khu trung tâm. Khi quân Pháp mở cuộc tiến công tại căn cứ Tiên Động, Lãnh Khanh (Bùi Hữu Khanh) cùng quân sỹ, dân làng Xuân Áng dàn quân ra chiến đấu bảo vệ các đồn trại của mình ở cửa ngòi Vần, ngòi Lớn, ngòi Lao và góp phần bảo vệ căn cứ Tiên Động. Trận đầu bị pháo kích, quân ta có 5 binh sỹ hy sinh, Lãnh Khanh cho quân lính đưa thi hài về làng, chọn đất Đồng Quán của gia đình mình làm Nghĩa trủng chôn cất. Giặc Pháp liên tiếp mở các cuộc tiến công càn quét vào căn cứ Tiên Động và đánh phá các đồn trại. Nghĩa quân Xuân Áng luôn chủ động tập kích quân địch tại đồn Ngòi Lao và đánh địch càn quét ở nhiều vị trí khác gây cho chúng nhiều thiệt hại về binh lực và vũ khí, thiết thực bảo vệ căn cứ Tiên Động. Giặc Pháp không đánh phá được căn cứ Tiên Động buộc phải cho quân rút lui.
     Năm 1887, Lãnh Khanh đã quy tập các liệt sỹ Cần Vương tử trận ở mặt trận phía bắc của căn cứ Tiên Động, hy sinh trong suốt 3 năm thành một “Nghĩa trủng”. Việc Lãnh binh Bùi Hữu Khanh quy tập 103 hài cốt nghĩa sĩ hy sinh tại căn cứ Tiên Động về an táng tập thể tại xã Xuân Áng là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, sống chết có nhau của những nghĩa sỹ tham gia phong trào Cần Vương.
       Địa điểm lịch sử Nghĩa trủng Xuân Áng ngày nay thuộc khu 11, xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, gồm hai địa điểm chính:
      * Khu tưởng niệm: Được tôn tạo vào năm 2012, khuôn viên rộng 513m2, nằm trang nghiêm, tĩnh lặng dưới bóng cây đa, với hai cấp nền, tường bao xây xung quanh, khu vực này có mộ gió, bia đá và bia khắc văn tế.
Khu tưởng niệm là chốn đi, về của những nghĩa sỹ đã hy sinh trong phong trào Cần Vương kháng Pháp để bảo vệ quê hương, đất nước và cũng là nơi để những người đang sống đến tưởng nhớ, tri ân những liệt sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
     * Nghĩa trủng Xuân Áng: Nghĩa trủng cách khu tưởng niệm khoảng 50m về phía Tây Bắc, hiện chỉ còn dấu tích được nhận biết bởi những lớp đá cuội to xếp khít với nhau, bên trên lau sậy mọc um tùm. Ông Nguyễn Văn Thế, đại diện dòng họ Nguyễn ở làng Xuân Áng cho biết: “Khi ông còn nhỏ thường chăn trâu ở gần khu vực Nghĩa Trủng, ông nhớ có lần đã đếm được 10 mô nấm, có đường kính chừng 2m, cao 1m, trên mặt nấm được đắp khá bằng phẳng. Những nấm mộ tập thể này quây quần bên một gốc cây đa rất to, cũng phải 4 - 5 người ôm mới xuể…”
Hơn một thế kỷ trôi qua, trải qua bao dâu bể thời gian với những biến cố thăng trầm của lịch sử, Nghĩa trủng Xuân Áng hiện nay là địa điểm lịch sử tôn vinh, ghi nhớ công lao của 103 nghĩa binh Cần Vương hy sinh trong các trận chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên chiến tuyến Ngòi Lao. Đây là biểu tượng sáng ngời của tinh thần anh dũng, bất khuất, đạo lý sống trọng nghĩa, trọng tình của dân tộc Việt. Di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu thể hiện tinh thần đoàn kết và ý chí chiến đấu ngoan cường của các văn thân sỹ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, là nghĩa trủng duy nhất còn lại ở phía Bắc và được tổ chức Lễ tế nghĩa sỹ Cần Vương để tri ân các bậc tiền nhân, những người đã khuất vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm và được duy trì cho tới ngày nay.
 

Các đồng chí đại biểu dâng hương tưởng niệm tại khu tưởng niệm

     Thay mặt lãnh đạo đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Xuân Áng, đồng chí Nguyễn Xuân Lộc - Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã phát biểu và cam kết: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã Xuân Áng và BQL di tích sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ để nhân dân địa phương và du khách thập phương hiểu về ý nghĩa tâm linh, giá trị lịch sử, văn hóa của địa điểm “Nghĩa trủng Xuân Áng” đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân để mọi người có ý thức gìn giữ; việc bảo vệ, tôn tạo di tích thực hiện đúng theo quy định. Tích cực triển khai công tác xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực trong nhân dân, kêu gọi các nhà hảo tâm, các cơ quan đơn vị đóng góp tôn tạo, tu bổ di tích ngày càng khang trang để Địa điểm lịch sử “Nghĩa trủng Xuân Áng”, trở thành một trong những địa chỉ đỏ gắn với hoạt động “Hành trình đến với các địa danh lịch sử” giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu nhi, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước góp phần xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu đẹp.                                        

 Phương Hà - Phòng Quản lý Di sản văn hóa

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com