Thứ 6 | 25/08/2023
( Kỷ niệm 69 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng 19/9/1954- 19/9/2023)
BÀI HỌC TỪ LỜI DẠY CỦA BÁC
DỰNG NƯỚC PHẢI ĐI ĐÔI VỚI GIỮ NƯỚC
Đặng Đình Thuận
  Hội Di sản văn hóa Phú Thọ
     Cách ngày nay 69 năm, ngày 19 tháng 9 năm 1954 trong không khí vui mừng, phấn khởi trước thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ " Lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu". Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: Miền Bắc nước ta xây dựng CNXH; Miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quyền tay sai để tiến tới thống nhất đất nước. Trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng trong hai ngày 18 và 19 tháng 9 năm 1954. Tại Đền Giếng trong khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng - Nơi thờ tự hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái Vua Hùng, sáng ngày 19 tháng 9 năm 1954, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ chỉ huy thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong ( sư đoàn 308 ) trong bối cảnh các trung đoàn thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong đang hành quân về tập kết để tiếp quản thủ đô Hà Nội.
     Ngồi tại Đền Giếng, chỉ tay lên đền Thượng, Bác hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Rồi Bác giải thích, đây chính là Đền thờ Vua Hùng, tổ tiên chúng ta, người sáng lập nước ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được đất nước ta thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang và đế quốc. Nay do quân và dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội”.
Sau đó, Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở Miền Nam ta còn phải xây dựng Miền Bắc vững mạnh để giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Chính tại nơi đây, trong cuộc gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ Đại đoàn quân Tiên Phong, Bác Hồ đã có câu nói bất hủ để lại cho muôn đời con cháu hôm nay và mai sau:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
     Lời căn dặn của Bác là sự tổng hợp, khái quát lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang đến thời kỳ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, tiếp đến các triều đại Ngô; Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Mạc, Hậu Lê, Nguyễn. Đó là bài học dựng nước phải luôn luôn đi đôi với giữ nước. Lịch sử qua các triều đại Phong kiến độc lập tự chủ Việt Nam cho thấy một quy luật có yếu tố chủ quan đó là cứ mỗi khi nhà nước Phong kiến sau khi đã phát triển cực thịnh và đi dần vào suy yếu, nội bộ bất hòa mất đoàn kết, chia rẽ bè phái, tranh giành quyền lợi “nồi da nấu thịt”, nền kinh tế bị trì trệ, đình đốn, đời sống nhân dân bị bần cùng hóa, nghèo khổ cơ cực thì kẻ thù bên ngoài nhòm ngó và mang quân sang xâm lược nước ta. Trước sức mạnh của quân thù, nhà nước Phong kiến và quân dân ta đều phải tạm rút lui để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ khi quân thù suy yếu và quân dân ta sau khi đã củng cố bộ máy chính quyền nhà nước, xây dựng lực lượng quân sự đủ mạnh, có đủ lương thực và quân đội để phản công lại quân thù, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Quá trình diễn biến của quy luật lịch sử đã được Bác nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau bắng lời dạy sâu sắc không bao giờ được lãng quên và mất cảnh giác trước những tham vọng âm mưu xâm lược thôn tính của ngoại bang. Muốn vậy, thì nhà nước phải luôn luôn quan tâm xây dựng đất nước ổn định về chính trị, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh, đủ sức để bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn giang sơn gấm vóc Việt Nam.
     Lời Bác dạy tại Đền Hùng năm ấy không chỉ nói với Đại đoàn quân Tiên Phong mà Bác còn muốn nói với toàn quân, toàn dân ta; với mọi thế hệ; không chỉ nói với thế hệ ngày ấy mà còn nói với thế hệ hôm nay và cả với các thế hệ mai sau như một mệnh lệnh vang vọng ngàn năm, trường tồn cùng với đất nước, với dân tộc Việt Nam. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, mà lời nói ấy còn có nội hàm khái quát hóa thành một quy luật tất yếu của lịch sử dân tộc Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam đó là bài học: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, nước phải mạnh thì mới giữ được nước và ngược lại muốn giữ được nước thì nước phải mạnh, đã trở thành chân lý và sức mạnh tinh thần to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giúp cho quân và dân ta vượt bao gian khổ, hy sinh, làm theo lời Bác" đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, đất nước được độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc.
     Lời dặn dò ân cần và chí tình của Bác vẫn còn ý nghĩa thời sự trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới với nhiều mối quan hệ ngoại giao “đa phương hóa, đa diện hóa” Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị dựa trên nguyên tắc “ không quan hệ theo bè cánh mà tôn trọng lẽ phải và luật pháp quốc tế” để làm đối tác với tất cả các nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là giải pháp quan trọng  và căn cốt để thực hiện hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước như Bác đã dạy. Mối quan hệ ngoại giao quốc tế của Việt Nam với hình tượng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ví như “ cây tre Việt Nam” rất dẻo dai, uyển chuyển khôn khéo những cũng rất cứng rắn, dẻo dai và khỏe khoắn trước phong ba bão táp không bị ngã gục và không bao giờ bị đánh bại. Bài học giữ nước trong giai đoạn hiện nay còn được Tổng bí thư khẳng định và phát triển bằng nguyên tắc phù hợp đó là phải “ giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy” và phải chủ động trong mọi tỉnh huống, không bị động trước mọi âm mưu xâm lược và phải bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng đất, vùng biên giới, vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19 tháng 9 năm 1954 tại Đền Hùng, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
 
     Thấm nhuần  và thực hiện lời dạy của Bác, hơn lúc nào hết, nhân dân ta đang thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ngày càng “ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược dựng nước và giữ nước đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc đi lên CNXH vì mục tiêu " Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh!".
     Ghi dấu sự kiện lịch sử, tại địa điểm trước cửa Đền Giếng, một tấm bia đã được dựng lên ghi dấu sự kiện lịch sử về lời nói ấy của Bác vang lên từ Đền Hùng như một lời hiệu triệu thiêng liêng, một bài học sâu sắc mang hồn thiêng của non sông đất nước, âm vang mãi trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc cho muôn đời con cháu mai sau./.
Việt Trì, tháng 9-2023
            Đ.Đ.T
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com