Thứ 3 | 16/10/2018
Lễ hội đền Lăng Sương được tổ chức tại đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; vào ngày sinh của Đức Thánh Tản, ngày 15 tháng Giêng. Ngoài dịp chính hội, lễ hội đền Lăng Sương còn tổ chức vào ngày hóa của Thánh Mẫu vào ngày 25 tháng Mười (âm lịch).
Huyền thoại về Sơn Tinh - Thánh Tản là một trong những huyền thoại được hình thành từ rất sớm trong buổi bình minh dựng nước của dân tộc Việt Nam. Cốt lõi của lịch sử chính là tín ngưỡng thờ một vị thần núi nằm trong hệ thống tín ngưỡng thờ thiên thần của người Việt Cổ. Có nơi thờ chính, cũng có nơi thờ vọng nhưng Lăng Sương tự hào là mảnh đất sinh ra Thánh Tản, điều này không chỉ căn cứ vào truyền thuyết, thần tích đền Lăng Sương mà còn có rất nhiều bản thần tích và tư liệu khác đều thống nhất cho rằng động Lăng Sương là nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng Đức Thánh Tản - một vị thần trong Tứ bất tử của tín ngưỡng bản địa. Điều đó làm cho lễ hội đền Lăng Sương mang một ý nghĩa riêng biệt, độc đáo mà lễ hội khác không có được.
 
 

Đoàn rước Lễ hội đền Lăng Sương
(ngày 15 tháng Giêng)

Lễ hội đền Lăng Sương là sự khẳng định và tiếp nối việc bảo tồn, phát huy vai trò của người anh hùng văn hóa - Đức Thánh Tản Viên Sơn - được hình thành vào thời kỳ đầu của nền văn hóa và văn minh của người Việt. Bên cạnh đó, lễ hội đền Lăng Sương cũng là một tiếng nói góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương, nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt, là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc, nổi tiếng của vùng núi Tản, sông Đà, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của dân tộc đối với Đức Thánh Tản, đồng thời bổ sung cho tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Lễ hội đền Lăng Sương thể hiện sự gắn kết giữa lễ nghi, trò diễn, truyền thuyết và di tích hết sức mật thiết; vừa mang ý nghĩa của tín ngưỡng nông nghiệp như tục “rước nước” về đền. Từ các truyền thuyết phong phú đã cho ra đời một số hèm tục như: tục thả diều, tục kiêng gọi hành… rất thú vị và độc đáo của quê hương Trung Nghĩa. 
 

Chạy quân” trong Lễ hội đền Lăng Sương
(ngày 15 tháng Giêng)
 
Trong lễ hội đền Lăng Sương, chúng ta còn thấy sự gắn kết giữa lễ nghi, trò diễn, truyền thuyết và di tích hết sức mật thiết. Quá trình diễn xướng ở đây vừa là diễn xướng thần tích về Tản Viên như tục rước Thánh, trò chạy quân, lễ tế bò… vừa mang ý nghĩa của tín ngưỡng nông nghiệp như tục “rước nước” về đền. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ý nghĩa tưởng niệm vị thánh và ý nghĩa tín ngưỡng thờ lúa cũng là đặc điểm chung của các lễ hội làng truyền thống trên vùng đất Tổ.
Văn hoá ẩm thực cũng là một khía cạnh đặc sắc của Lễ hội. Lễ vật tế thần có thịt lợn sống, thịt bò thui, gà rừng, xôi nếp nương, gan trần, thịt đốt, ninh mọc, cơm lam…, phản ảnh rất rõ nét phương thức ẩm thực của người Việt cổ và người Mường. Những cách chế biến giản đơn mà đậm nét xưa cũ của cư dân Văn Lang - Âu Lạc. Sự kết hợp giữa các loại hình thần thoại và truyền thuyết, lễ hội và văn hoá ẩm thực đã tạo nên các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của lễ hội đền Lăng Sương.
Lễ hội đền Lăng Sương còn đề cao sự trân trọng của những cư dân nông nghiệp đối với nguồn nước đã nuôi dưỡng sự sống của họ từ ngàn xưa. Những nghi thức lấy nước, rước nước đã phản ánh được tri thức bản địa hài hòa với môi trường, đồng thời thể hiện cách ứng xử rất gần gũi, thân thiện, gắn bó với môi trường của con người nơi đây.
      

Nghi lễ bái vọng, mời Thánh Tản và bà Ma Thị Cao Sơn Thần về dự lễ hội
 (ngày
15 tháng Giêng

Một điều nét đặc biệt khác trong lễ hội này là hiện tượng nhìn “gió thổi cờ bay” để nhận biết việc các vị thánh, thần đã “trở về” với cộng đồng. Có thể nói, đây là sự chiêm nghiệm của người dân Lăng Sương khi tham gia lễ hội đã đúc kết thành tri thức dân gian liên quan đến tự nhiên, để từ đó gắn các yếu tố tự nhiên với lễ hội khiến cho sinh hoạt văn hóa này trở nên đậm nét tâm linh, thiêng liêng và huyền ảo.
Về mặt tổ chức lễ hội, từ công tác chuẩn bị, các nghi lễ diễn ra, cách thức trình diễn (diễn xướng) trong lễ hội có sự sắp xếp rất hợp lý đúng theo trình tự phần nghi lễ trước, phần trò chơi dân gian sau. Các giá trị tâm linh - văn hóa - nghệ thuật được kết hợp đan xen tạo nên sự đa dạng độc đáo trong lễ hội. 
 

Rước nước vào Đền
(ngày 15 tháng Giêng)
 
Từ khi được khôi phục lại đến nay, lễ hội đền Lăng Sương đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh có một ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của cộng đồng nhân dân nơi đây. Đây là lễ hội có nét đặc thù và mang tính tổng hợp cao bởi nó hàm chứa gần như đầy đủ các loại hình của văn hóa phi vật thể như: Ngữ văn dân gian (đó là các câu chuyện truyền thuyết, các câu chuyện truyền miệng từ đời này qua đời khác như: truyền thuyết về bụi lau, giếng Thanh Thiên, hòn đá quỳ, gò Đống Bò…), Nghệ thuật trình diễn (tái hiện một số tích xưa) đã tạo nên một sân khấu trình diễn dân gian vô cùng đặc sắc, Tập quán xã hội và tín ngưỡng (thờ cúng, làm đồ tế lễ, tục kết nghĩa, hèm, kiêng kỵ..), Tri thức dân gian (tri thức về ẩm thực rất phong phú được thể hiện qua các lễ vật dâng Thánh với các nghi lễ và cách thức chế biến mang bản sắc rất riêng). Lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư mà còn là dịp để cộng đồng cùng góp công, góp sức cùng tôn vinh vị thánh của mình. 
 

Trình diễn nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Mường tại lễ hội Đền Lăng Sương 
(ngày 15 tháng Giêng)

Lễ hội Lăng Sương là một biểu tượng của sự đoàn kết các dân tộc Việt Nam từ trong lịch sử cho đến ngày nay. Lễ hội có sự tham gia của đại diện cộng đồng người Mường và người Việt, khẳng định và chứng minh sự liên kết, gắn bó bền chặt từ trong tín ngưỡng (cùng thờ 2 người mẹ của Thánh Tản Viên) cho đến tình cảm như trong một nhà giữa người có công sinh thành với người có công dưỡng dục. Truyền thống đạo đức ấy được duy trì và phát huy cho đến ngày nay, để sợi dây bền chặt giữa người dân Việt - Mường vẫn liên tục, tạo nên sức mạnh cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với những giá trị tâm linh - văn hóa - nghệ thuật được kết hợp đan xen tạo nên sự đa dạng độc đáo, ngày 04/9/2018, tại Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội đền Lăng Sương, huyện Thanh Thủy cùng với 7 di sản văn hóa phi vật thể khác trên cả nước đã chính thức vinh dự được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018.
 
                                             Phương Hà - Phòng Quản lý di sản văn hóa
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com