Thứ 3 | 16/04/2019
Nghệ nhân Hà Thị Sóng sinh ngày 02/1/1940 tại khu Phắt, xã Lai Đồng và lớn lên trong một gia đình dân tộc Mường có truyền thống về hát Rang, hát Ví qua nhiều thế hệ, từ bố, mẹ, cô, chú, anh, chị em. Năm 20 tuổi bà đi xây dựng gia đình tại xóm Vường 1, xã Lai Đồng. Năm 1968, bà tham gia công tác ở địa phương và được giữ chức vụ Hội trưởng hội phụ nữ xã. Trong quá trình công tác và sự đam mê về làn điệu hát Rang, hát Ví. Do đó bản thân bà vừa tham gia công tác phong trào vừa tìm hiểu, học hỏi qua nhiều thế hệ với mục đích giữ gìn, bảo tồn về làn điệu hát Rang, hát Ví của người Mường.
 

Nghệ nhân Hà Thị Sóng truyền dạy hát rang, hát ví cho các thế hệ tại nhà riêng
 
Bà đã tìm hiểu và học được các thế hệ truyền lại, được nghe các bậc anh chị hát trong các ngày lễ tết của người Mường. Bà đã được học hát Rang, hát Ví từ các chú, cậu, anh chị tiêu biểu như: Chú Hà Văn Dánh, sinh năm 1910 (đã mất); cậu Hà Văn Danh, sinh năm 1915 (đã mất); anh trai Hà Bá Chiếng, sinh năm 1921(đã mất); chị gái Hà Thị Rành, sinh năm 1918 (đã mất). Ngoài ra bản thân bà còn theo học từ các anh, chị tổ chức hát Rang, hát Ví trong các ngày lễ cưới, mừng nhà mới, lễ xuống đồng….đến khi biết hát Rang, hát Ví thì những làn điệu này đã thấm sâu vào tâm thức của bà. Đến nay bà đã nắm vững và trình diễn xuất sắc cả trăm câu Rang cổ cùng những câu hát do bà tự ứng khẩu, sáng tác trong suốt mấy chục năm. Với vốn ngôn từ phong phú, khả năng ứng tác thiên phú, nhanh nhạy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà cũng có thể nhanh chóng có những câu hát mới phù hợp với hoàn cảnh mà vẫn đằm thắm, mượt mà. Bà đã từng sáng tác lời Rang tuyên truyền dân số, mừng con dâu mới, mừng huyện Thanh Sơn đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang... bằng những ý tứ mới mẻ, làm mê đắm đông đảo khán giả. Bà cho biết thêm, khi hát cần thể hiện khả năng luyến láy, cách nhả chữ, nhấn nhá, lấy hơi, giữ hơi để có lời hát, đúng điệu hát, thể hiện ý nghĩa của từng điệu hát, như: Khi hát các âm thanh nối tiếp nhau phải có sự liên kết, nối liền nhau, không đứt quãng để tạo thì giọng hát mới mượt mà, mềm mại thể hiện được ý nghĩa, tình cảm cũng như chất giọng của người Mường trong câu hát.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, hát Rang, hát Ví đã làm bạn với bà và giúp bà vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với niềm đam mê giữ gìn vốn cổ quý báu của dân tộc, nghệ nhân Hà Thị Sóng đã tự mày mò, ghi chép lại những lời cổ của điệu hát với mong muốn để dành cho con cháu sau này. Đã có nhiều người trong xã Lai Đồng và các xã lân cận như xã Kiệt Sơn, xã Đồng Sơn…vì yêu thích điệu hát Rang hát Ví của dân tộc Mường tìm đến bà để theo học. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Hà Thị Sóng vẫn rất minh mẫn nói về làn điệu hát Rang, hát Ví, bà cho biết: Đồng bào dân tộc Mường vốn có truyền thống yêu ca hát, phổ biến là tục hát Rang, hát bỉ (tiếng phổ thông là hát ví). Không biết hát Rang, hát Ví có từ bao giờ, chỉ biết rằng điệu hát này được các cụ cao niên người Mường trong làng truyền lại cho thế hệ con cháu đến hôm nay. 
Bà kể nguồn gốc của các điệu hát Rang, hát Ví này xuất phát từ làn điệu đẻ đất, đẻ nước của người Mường. Hát Rang, hát Ví là loài hình truyền miệng, không có chữ viết, câu hát mộc mạc, đằm thắm, bình dị và giản đơn rất gần gũi với giao tiếp đời thường. Hát Rang là dân ca phong tục của người Mường, không có hình thức đối đáp nam nữ, là tiếng hát bản địa của người Mường, do người Mường sáng tác và hát bằng ngôn ngữ Mường, vừa mang tính truyền thống cao, vừa mang tính hiện thực lại có tính lãng mạn rất đậm đà sâu sắc. Về hát Rang có 2 làn điệu, đó là: Rang nếp và Rang tẻ.
Hát bỉ (hát ví): Hát Ví chỉ có một làn điệu chính đó là hát đối đáp nam nữ chủ đề về tình yêu đôi lứa. Hát Ví hay ở chỗ người hát không gọi tên sự việc cụ thể mà hát ra bằng sự ví von mang đậm chất trữ tình, lãng mạn. Vào dịp lễ hội, đối đáp có thể diễn ra từ khi khai hội cho đến lúc hội tan, đối đáp để mời nhau uống rượu, để trai gái xứ Mường bày tỏ tình cảm hay hẹn ước.
 

Nghệ nhân Hà Thị Sóng ghi chép, biên soạn lời hát Rang, hát Ví.

Tình yêu với điệu hát Ví đã thôi thúc bà Sóng tiếp tục truyền lại cho con cháu mình, để điệu hát Ví mãi duy trì trong đời sống văn hóa cộng đồng. Bản thân bà được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ và để lưu giữ được những làn điệu hát Rang, hát Ví, truyền thuyết của người Mường. Vì vậy, bà đã tổ chức được 02 lớp học có 40 người theo học, chương trình học bản thân bà Sóng đã tự soạn thành chương trình, có lịch học cụ thể, thời gian tổ chức học vào ban ngày hoặc ban đêm và trong các ngày lễ, tết. Đến nay số người theo học cơ bản đã nắm được nguồn gốc, truyền thuyết của người Mường và các làn điệu hát Rang, hát Ví.
Hiện nay bản thân bà còn tham gia câu lạc bộ người cao tuổi của xã, tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ dưỡng sinh. Tham gia các phong trào đó và trau dồi những kinh nghiệm về hát Rang, hát Ví cho mọi người. Từ năm 1980 đến nay bản thân bà được tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ của huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, tham gia trình diễn hát rang, hát ví trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và đều đạt được giải thưởng; Đài truyền hình tỉnh Phú Thọ, đài truyền hình Trung ương về quay thu hình về làn điệu hát Rang, hát Ví và được phát trên kênh VTV5 Đài truyền hình Việt Nam. Năm 2014, Truyền hình Nhân dân quay thu hình viết tin về làn điệu hát Rang, hát Ví của người Mường. Ngoài ra bà còn được huyện tổ chức thu băng và tham gia các chương trình trình diễn dân gian được tổ chức tại huyện.
Trong quá trình công tác tại địa phương bằng lòng đam mê và sự phấn đấu nhiệt tình từ năm 1968 đến năm 1991 và cả khi về nghỉ hưu với chức vụ hội trưởng hội phụ nữ xã. Bản thân bà được tặng thưởng nhiều danh hiệu do thành tích phấn đấu và tích cực tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy hát Rang, hát Ví phục vụ cộng đồng địa phương, như: Được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huy chương vì sự nghiệp phụ nữ; Chiến sỹ thi đua nhiều năm; Bằng khen của Hội Phụ nữ tỉnh, giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, Hội Phụ nữ huyện tặng thưởng; Giấy khen của Sở Văn hóa, Thông tin Phú Thọ đã có thành tích xuất sắc trong liên hoan nghệ thuật Cồng chiêng và diễn xướng dân gian của tỉnh Phú Thọ lần thứ Nhất năm 2004.
Với những cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ, truyền dạy ở lĩnh vực: nghệ thuật trình diễn dân gian. Ngày 08 tháng 3 năm 2019, bà Hà Thị Sóng đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” tại Quyết định số 355/QĐ-CTN. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng đối với cá nhân bà Sóng, mà còn là niềm tự hào của quê hương Lai Đồng nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung, trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc./.
 
                                        Thanh Thủy - Phòng Quản lý Di sản văn hóa.
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com