Phần tế chính
Đền Lăng Sương tương truyền được xây dựng từ thời Thục An Dương Vương, là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh và bộ tướng Cao Sơn, Quý Minh. Cùng với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản, đền Lăng Sương còn thờ Thánh Mẫu Đinh Thị Đen - người có công sinh ra Thánh Tản. Bởi vậy đền Lăng Sương còn có tên gọi là đền Thánh Mẫu.
Hằng năm đền Lăng Sương mở lễ hội cổ truyền vào ngày 25 tháng 10 âm lịch (là ngày giỗ Mẫu sinh ra Thánh Tản) và tổ chức giỗ chính là vào rằm tháng Giêng (là ngày sinh Thánh Tản). Theo bà con nơi đây, cứ đến Tết Nguyên đán thì cũng là lúc nhà nhà, dòng họ, các giáp chuẩn bị cỗ bàn, quần áo, mũ mão cùng nhiều vật dụng cho ngày lễ hội. Sáng 15 tháng Giêng, các giáp rước cỗ ra đền và tập trung thành đoàn rước từ đền ra sông Đà để lấy nước về làm lễ và đón mẹ nuôi của Thánh Tản bên Ba Vì về dự tiệc sinh Thánh. Tục lấy nước cũng thể hiện sự tôn thờ thần nước của cư dân lúa nước của người Việt xa xưa.
Trong tiết xuân se lạnh, du khách gần xa về dự hội đền Lăng Sương không chỉ để cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn mà còn được tìm hiểu thêm về lịch sử của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Thanh đến từ Thành phố Hà Nội cho biết: “Năm nào tôi cũng về với lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức của các bậc thánh nhân, cầu bình an, sức khỏe cho cả gia đình. Lễ hội cũng là dịp để chúng tôi hiểu thêm và tự hào về truyền thống lịch sử, cội nguồn của dân tộc”.
Đồng chí Trần Phù Tiêu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
và đồng chí Nguyễn Hữu Điền - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy cùng các đại biểu thắp hương tại đền Lăng Sương
Theo ông Hà Ngọc Viên - Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa: “Lễ hội đền Lăng Sương được tổ chức hằng năm nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ con cháu, tri ân công đức các bậc thánh nhân, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Hiện nay, đền Lăng Sương đã được lập quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa tâm linh phục vụ du khách thập phương và phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch của huyện Thanh Thủynói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung”.
Lễ hội diễn ra trong 4ngày, từ ngày 9 - 12/2/2017 (tức từ ngày 13 - 16tháng Giêng năm Đinh Dậu) với phần lễ là rước kiệu và tế; phần hội có giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian.
Một số hình ảnh tại lễ hội