Thứ 2 | 26/08/2024

     Bảo tàng Hùng Vương hiện lưu giữ rất nhiều hiện vật khảo cổ, nhiều nhất trong số đó là hiện vật gốm. Trên vùng đất Phú Thọ, hiện vật gốm bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, được hoàn thiện dần về kỹ thuật chế tác, hoa văn trang trí và chủng loại trong các nền văn hóa tiếp theo là Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Các hiện vật gốm trải qua hàng nghìn năm trong lòng đất, chịu tác động của nhiều dịch chuyển địa chất nên đa số không còn nguyên vẹn. Vì thế, để công chúng có thể chiêm ngưỡng những minh chứng lịch sử là hiện vật gốm hoàn thiện, Bảo tàng Hùng Vương đã luôn chú trọng công tác nghiên cứu nhằm phân loại, chọn lựa, ghép nối để thực hiện phục chế đối với các mảnh gốm tìm được trong các đợt khai quật.

Bảo quản mảnh gốm di chỉ Xóm Rền - văn hóa Phùng Nguyên tại Bảo tàng Hùng Vương

     Phục chế hiện vật nói chung, hiện vật gốm nói riêng là một trong những công việc quan trọng của các bảo tàng, đó là quá trình khôi phục hiện vật về trạng thái gần giống ban đầu sau khi bị hư hỏng, nứt vỡ hoặc mất mát một phần. Quá trình này không chỉ nhằm bảo vệ giá trị vật chất mà còn bảo tồn giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử của hiện vật. Đây là công việc quan trọng và cần thiết, đòi hỏi cán bộ làm công tác phục chế phải có sự cẩn trọng, tính kiên nhẫn, lòng yêu nghề, say nghề và tình yêu đối với hiện vật - một hiện thân đặc biệt của di sản văn hóa còn được lưu giữ đến hôm nay.
Bảo tàng Hùng Vương hiện lưu giữ, bảo quản hàng vạn mảnh gốm thu được qua các đợt khai quật khảo cổ, trong số đó kỳ vọng có thể chọn lựa, phục chế để giới thiệu được đến với công chúng thêm nhiều hiện tác phẩm gốm hoàn thiện. Để đạt được mục tiêu đó, cán bộ phụ trách kho của bảo tàng phải có kế hoạch làm nhiều bước công việc khác nhau. Đầu tiên, phải tập hợp, đánh giá chi tiết về các mảnh gốm theo các di chỉ ở các lần khai quật. Các mảnh gốm được phân loại về độ xốp, về kiểu hoa văn[1], về hình dạng[2] đoán định phù hợp. Đối với hiện vật vỡ nhưng vẫn xác định được hình dạng ban đầu thì cần ghi chép chi tiết hiện trạng hiện vật, bao gồm các vết nứt, mức độ hư hỏng và mảnh vỡ đoán định có thể sẽ tìm được để ghép phù hợp. Song song với việc ghi chép, nhóm phục chế sẽ phải chụp ảnh toàn bộ hiện vật và các phần bị hư hỏng để làm tài liệu đối chiếu, tham khảo trong quá trình phục chế.
     Sau khi xác định được hiện vật cần phục chế, nhóm phục chế sẽ tập hợp các bộ phận thuộc hiện vật bị vỡ dời, ghi chép, chụp ảnh và bắt đầu làm sạch bề mặt. Quá trình làm sạch cần sử dụng khăn và bàn chải mềm, với các phương pháp làm sạch nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn, cặn bã và tạp chất trên bề mặt hiện vật mà không gây tổn hại. Với hiện vật bị dính các vật hoặc tạp chất không mong muốn, cần cẩn thận xác định rõ và đưa ra phương pháp loại bỏ chúng một cách cẩn thận bằng các dung dịch phù hợp.
    Bước tiếp theo là phân loại mảnh vỡ bằng cách sắp xếp và phân loại chúng theo kích thước, hình dạng và vị trí trên hiện vật. Có thể ướm tạm hoặc gá tạm các mảnh vỡ để kiểm tra sự tương thích, có phù hợp với hiện vật hay không. Quá trình này vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc đảm bảo không gây hư hại cho các mảnh vỡ. Mục đích là ghép tương đối các mảnh vỡ lại với nhau, giúp kiểm tra được tính hợp lý trước khi gắn cố định để phục chế hiện vật hoàn thiện.

Chắp gắn các mảnh vỡ của âu gốm phát hiện tại xã Minh Đài - huyện Tân Sơn

     Sau khi các mảnh vỡ được ghép thành hiện vật tương đối hoàn thiện, nhóm phục chế sử dụng keo và chất kết dính phù hợp cho từng loại gốm hoặc mục đích bảo tồn[3]. Các mảnh vỡ sẽ lần lượt được gắn vào đúng vị trí, đảm bảo chúng được kết nối chắc chắn và khớp với nhau một cách chính xác.
     Với những hiện vật gốm còn thiếu mảnh, công việc tiếp theo là điền khuyết các phần mất/thiếu. Với những bộ phận thiếu của hiện vật, việc điền khuyết đòi hỏi độ thẩm mĩ hoặc chính xác cao, cần phải tạo khuôn để tạo ra những phần khuyết đó cho phù hợp hình dạng và cấu trúc ban đầu của hiện vật. Tuy nhiên, những người có kỹ năng phục chế tốt hoàn thoàn có thể tự tạo hình để điền khuyết các phần thiếu bằng chất liệu phù hợp, sau đó hoàn thiện bề mặt để đồng bộ với phần còn lại của hiện vật.
     Cuối cùng, hiện vật gốm đã phục chế sẽ được hoàn thiện và bảo quản để tránh bị hư hỏng lại. Khi đưa ra trưng bày, công chúng sẽ được nghe thuyết minh về nguồn gốc, xuất xứ, thời kỳ lịch sử và bối cảnh văn hóa của hiện vật, quá trình phát hiện và khai quật cũng như chi tiết các bước phục chế từ đánh giá hiện trạng, làm sạch, ghép mảnh vỡ, điền khuyết đến hoàn thiện. Các hình ảnh minh họa khi trưng bày sẽ cho thấy sự khác biệt về hiện trạng của hiện vật trước và sau khi phục chế.
     Việc phục chế hiện vật gốm đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và hiểu biết về kỹ thuật phục chế. Người phục chế hiện vật gốm phải đảm bảo nắm rõ lịch sử, nguồn gốc và đặc điểm của hiện vật để có phương pháp phục chế phù hợp, cũng như phải có hiểu biết nhất định về các loại gốm, kỹ thuật chế tác và các chất liệu sử dụng. Quá trình làm việc phải tuân thủ nguyên tắc nhằm bảo vệ tính nguyên bản của hiện vật. Luôn giữ nguyên các phần nguyên bản của hiện vật, tránh làm thay đổi cấu trúc và hình dạng ban đầu. Vì thế, quá trình phục chế chỉ thực hiện những can thiệp tối thiểu cần thiết để bảo tồn và phục chế hiện vật theo đúng phương pháp và mục đích đã đặt ra.
     Quá trình phục chế hiện vật gốm cũng đòi hỏi phải sử dụng chất liệu phù hợp không gây phản ứng hoặc làm tổn hại thêm cho hiện vật. Đồng thời phải ghi chép chi tiết, đầy đủ các bước thực hiện, vật liệu sử dụng, tình trạng hiện vật trước và sau khi phục chế. Các bản ghi chép này phải được lưu trữ để làm tài liệu tham khảo cho những lần phục chế hiện vật có chất liệu tương tự sau này.
     Hiện nay, Bảo tàng Hùng Vương đã phục chế được 34 hiện vật chất liệu gốm. Quá trình phục chế các hiện vật gốm đều đảm bảo tính khoa học, đạt được hiệu quả bảo tồn, bảo lưu cơ bản giá trị lịch sử, nghệ thuật của hiện vật. Công việc này có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn lịch sử, văn hóa gắn với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng các dân tộc tỉnh Phú Thọ từ thủa sơ khai. Hiện vật được phục chế không chỉ chứa đựng những câu chuyện, giá trị, kinh nghiệm của con người thời đại nó được tạo tác, mà còn chứa đựng tư duy, sản phẩm vật chất của những con người đã chắp ghép các mảnh vỡ lịch sử thành hiện vật hoàn thiện hôm nay. Sự tỉ mỉ và làm việc khoa học của cán bộ bảo tàng trong quá trình phục chế tạo ra những chiếc bình gốm, nồi gốm chứa đựng tri thức của cả quá khứ và hiện tại, đưa đến cho công chúng những cung bậc cảm xúc sâu lắng khi đứng trước hiện vật. Việc phục chế còn giúp duy trì và bảo tồn những giá trị này cho các thế hệ tương lai, giúp họ hiểu rõ hơn về quá khứ và cội nguồn của mình.

Hiện vật gốm phục chế được trưng bày

     Với bảo tàng và công chúng, những hiện vật gốm phục chế làm phong phú thêm cho chủ đề trưng bày, đồng thời còn cung cấp nhiều tri thức về qui trình, kỹ thuật tạo tác ra sản phẩm gốm của cả quá khứ và hiện đại, tạo ra nhiều trải nghiệm, xúc cảm cho khách tham quan; mang tới thêm giá trị, ý nghĩa khoa học cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu. Với cộng đồng, hoạt động phục chế hiện vật gốm tại bảo tàng không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn và bảo vệ những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu, mà còn đóng góp vào giáo dục, nghiên cứu, phát triển kinh tế và thiết thực nâng cao nhận thức cộng đồng trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa quý báu của cha ông./.

Nguyễn Thị Xuân Ngàn
Hội Di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ

 


[1] Hoa văn thừng-chải, khắc vạch, chấm thô,…

[2] Hình thuộc mảnh miệng, mảnh thân, mảnh đáy,…
[3] Nếu phục chế hiện vật chỉ cho mục đích phục vụ trưng bày tại bảo tàng thì không cần sử dụng loại keo hoặc chất kết dính có đặc tính chống nước.

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com