Thứ 3 | 01/10/2024

Bài và ảnh: Phạm Thanh Hòa
Phòng Phát triển tài nguyên Du lịch

      Vườn quốc gia Xuân Sơn (sau đây gọi tắt là VQG Xuân Sơn) thuộc địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, được thành lập theo quyết định số 49/2002/QĐ –TTg ngày 17/4/2002 của Thủ tướng chính phủ về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn thành VQG Xuân Sơn là một trong 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích gần 15.048 ha. Đặc biệt, đây là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với diện tích 2.432ha, độ cao từ 700m - 1.300m - là hệ sinh thái điển hình của miền Bắc nước ta với kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới còn tồn tại khá nhiều loài động, thực vật quý hiếm đặc trưng cho vùng núi Bắc bộ, rất có giá trị nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, giáo dục môi trường và phát triển du lịch.

Vườn quốc gia Xuân Sơn

     Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch VQG Xuân Sơn đến năm 2025 tại Quyết định số 3307/QĐ-UBND ngày 20/10/2010, nhằm khoanh vùng, bảo vệ và kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch VQG Xuân Sơn; năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Khu Du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia, đồng thời, phương án phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2030, xác định phát triển Khu du lịch vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong năm trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, ngày 13/6/2024, tại Quyết định số 509/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn là địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia của vùng trung du và miền núi phía Bắc và được nêu trong nhóm dự án ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng địa điểm tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Phú Thọ tập trung kêu gọi các nguồn lực xây dựng và phát triển Khu du lịch VQG Xuân Sơn trở thành một khu du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch sinh thái gắn tham quan hang động, thác, cảnh quan, nghiên cứu hệ sinh thái; du lịch văn hóa gắn tham quan, tìm hiểu bản sắc dân tộc thiểu số, làng nghề, di chỉ khảo cổ, tham quan di tích; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, cắm trại... Ngoài ra, sự phát triển của khu du lịch VQG Xuân Sơn gắn với các khu du lịch trọng điểm khác của tỉnh như Đền Hùng, suối khoáng nóng Thanh Thủy, Đền mẫu Âu Cơ... hình thành các tuyến du lịch có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của tỉnh.

Sơ đồ vị trí điểm đến tại khu du lịch VQG Xuân Sơn

      Với ý nghĩa đó, việc xây dựng định hướng, xác định không gian phát triển du lịch tại VQG Xuân Sơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả. Dựa trên Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch VQG Xuân Sơn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, không gian phát triển khu du lịch VQG Xuân Sơn bao gồm 08 xã thuộc VQG (Đồng Sơn, Kiệt Sơn, Kim Thượng, Lai Đồng, Minh Đài, Tân Sơn, Xuân Đài, Xuân Sơn) và 03 xã cửa rừng (Tân Phú, Thạch Kiệt, Văn Luông) với diện tích 43.791 ha và được phát triển theo 04 phân khu: Khu du lịch sinh cảnh (vùng lõi VQG Xuân Sơn), khu đô thị du lịch dịch vụ thương mại Thạch Kiệt – Tân Phú, khu đô thị du lịch văn hóa, thể thao Minh Đài – Văn Luông, khu trang trại và nuôi thả động vật bán hoang dã… Với không gian phát triển tương đối rộng cùng vị trí địa lý nằm trên tam giác ranh giới giữa 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La, là cửa ngõ vùng Tây Bắc, VQG Xuân Sơn có khả năng liên kết với các điểm du lịch trọng điểm khác của tỉnh Phú Thọ (Đền Hùng, nước khoáng nóng Thanh Thủy...), các tỉnh khác trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (Yên Bái, Điện Biên...), các vườn quốc gia lân cận (Tam Đảo, Ba Vì)… Cùng với các giá trị nổi bật của tài nguyên du lịch tự nhiên (hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên) và tài nguyên du lịch văn hóa (các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ, làng nghề truyền thống và văn hóa bản địa các dân tộc thiểu số Dao, Mường) còn lưu giữ được nét nguyên sơ đã tạo cho VQG Xuân Sơn nhiều thuận lợi trong việc hình thành những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách. Dự báo trong thời gian tới, VQG Xuân Sơn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khoảng 2 triệu lượt khách vào năm 2025 (khách lưu trú đạt gần 300 nghìn lượt) và khoảng 5,5 triệu lượt khách vào năm 2030 (khách lưu trú đạt hơn 800 nghìn lượt) đến tham quan, trải nghiệm, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng mạnh vào năm 2025, đạt khoảng 57,57%/năm, doanh thu du lịch tăng cao góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Sơn.... trở thành động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ đối với du lịch Phú Thọ.

Khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tắm suối tại VQG Xuân Sơn

     Để đạt được mục tiêu xây dựng VQG Xuân Sơn trở thành khu du lịch quốc gia, trong thời gian tới, UBND các cấp, các ngành trong tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch tại VQG Xuân Sơn, đồng thời đưa ra những định hướng đầu tư phát triển khu du lịch VQG Xuân Sơn theo từng mục tiêu cụ thể như sau:

     Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Xuân Sơn làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật; phát triển đồng bộ hạ tầng, dịch vụ du lịch, đáp ứng các tiêu chí công nhận khu du lịch quốc gia; xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, phát triển khu du lịch quốc gia.

     Thứ hai, tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó tranh thủ những ưu đãi từ Chính phủ về các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, quảng bá tuyên truyền; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; trên cơ sở đó thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch, dịch vụ nhằm hình thành sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

     Thứ ba, thu hút khách du lịch, tạo việc làm cho người lao động: Dịch vụ du lịch tại VQG Xuân Sơn phát triển cùng với Khu du lịch quốc gia Đền Hùng sẽ trở thành động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ nói riêng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, việc tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thị trường, khai thác các nguồn du khách đến từ các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc, các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và có thể khai thác thêm luồng khách từ khu vực miền Trung – Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh.

     Thứ tư, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tại VQG Xuân Sơn như: Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch bảo tồn, các quy định phát triển du lịch dựa trên định hướng và các giải pháp về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường tại VQG Xuân Sơn. Công tác phát triển sinh kế cộng đồng, khai thác hợp lý, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch được thực hiện theo hướng phát triển bền vững, giúp cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng được cải thiện sinh kế, chuyển sang làm dịch vụ, có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo.

      Thứ năm, thực hiện các biện pháp phát triển các điểm đến, dịch vụ du lịch tại Vườn quốc gia Xuân Sơn như:

      Hình thành và kiện toàn tổ chức quản lý điểm đến du lịch; xây dựng điểm du lịch đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch, đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực xây dựng, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp điều kiện thực tế và quy định hiện hành nhằm đa dạng hóa loại hình du lịch nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của điểm đến; trên cơ sở tìm kiếm, khai thác những giá trị độc đáo, nổi bật của điểm đến thực hiện tuyên truyền quảng bá các sự kiện, sản phẩm, dịch vụ, địa danh và điểm tham quan đến với đông đảo du khách.

      Tăng cường quan tâm, thực hiện công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ thuyết minh viên tại điểm, đội ngũ nhân viên, lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển khu du lịch quốc gia: chuyên nghiệp trong cách đón tiếp, phục vụ du khách, nhiệt tình, chu đáo, trau dồi các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, trình độ ngoại ngữ… mang lại ấn tượng và sự hài lòng cho khách du lịch khi sử dụng dịch vụ tại các điểm du lịch.

      Tổ chức quản lý, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải khách du lịch, lưu trú, ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên du lịch và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch tại điểm du lịch theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường tại điểm du lịch; đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, lắp đặt biển bảng chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm... đáp ứng các yêu cầu phục vụ khách du lịch. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch theo Quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.


 

 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com