Chủ nhật | 17/12/2023

Để phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy tối đa sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao có nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên so với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn thì nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu đề ra.

Nguồn nhân lực chất lượng cao còn "khan hiếm"

Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực non trẻ ở Việt Nam, chiếm hơn 3,6% GDP của cả nước. Mục tiêu là đến năm 2030, tỷ trọng này phấn đấu đạt 7% GDP, với 220.000 nhân lực trực tiếp và gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.

Thay đổi tư duy, đầu tư xứng tầm để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam PGS.TS Lê Anh Tuấn

Tuy nhiên, số lượng nhân lực văn hóa chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn đang khiêm tốn.

Theo Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết: Trong những năm gần đây, lực lượng tham gia vào quá trình sáng tác văn hóa, nghệ thuật đã có sự tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, giàu bản sắc. Nhưng, kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu cũng như những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đặc biệt, số lượng nhân lực văn hóa chất lượng cao vẫn còn thiếu. Đội ngũ đạo diễn có tầm biết quản trị nghệ thuật, nghiên cứu thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, một số ngành nghề của học viện nói riêng và các trường đào tạo khác nói chung gặp nhiều khó khăn trong bồi dưỡng nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch. Đặc biệt, khâu tuyển sinh đầu vào, lượng thí sinh đăng ký không nhiều, nhất là đối với các ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… Cùng với đó, chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu cho sự phát triển này. Bởi muốn phát triển công nghiệp văn hóa, có kiến thức về nghệ thuật thôi thì chưa đủ mà còn cần có kiến thức về tài chính, nhìn nhận đúng đắn về chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời hiểu biết về thị trường.

Cũng theo PSG.TS Lê Anh Tuấn, mặc dù nhu cầu của của nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo nhưng hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn nhiều bất cập. Hơn nữa, thiếu các tiêu chí cụ thể trong đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ cho các tài năng thực sự. Đây cũng là một rào cản, tạo sự "khan hiếm" nguồn vốn đầu vào đối với nhiều lĩnh vực văn hóa.

Thay đổi tư duy, đầu tư xứng tầm để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Con người là yếu tố quan trọng và quyết định sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa

Trong khi đó, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho rằng việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển là do tư duy làm văn hóa nghệ thuật của những người trong ngành văn hóa chưa thay đổi phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.

"Con người là yếu tố quan trọng và quyết định sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa. Chúng ta thường hay nói đến muốn phát triển văn hóa lên một tầm cao mới, cần phải có những tác phẩm đỉnh cao, vậy để có được những tác phẩm chất lượng đó, ai sẽ là người làm? Đó chính là con người. Với sự phát triển của kinh tế xã hội hiện nay, tôi cho rằng tư duy của những người làm văn hóa nghệ thuật cần phải có sự thay đổi. Bởi nếu một người làm công tác văn hóa nghệ thuật không cập nhật về kiến thức, sự thay đổi và phát triển của xã hội sẽ dẫn đến những tác phẩm họ sáng tạo ra trở nên lạc hậu so với thời cuộc. Đặc biệt, khi nói đến công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa ngoài phục vụ tuyên truyền những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước thì nó cũng phải có giá trị về mặt kinh tế. Trong khi đó, những người làm văn hóa nghệ thuật của chúng ta hiện nay chưa tiếp cận được đầy đủ với cơ chế kinh tế thị trường nên những tác phẩm vẫn đang ở mức độ an toàn, chưa có sự bứt phá" - PGS.TS Nguyễn Đình Thi nói.

Thay đổi tư duy, đầu tư xứng tầm để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

Nhưng hiện nay, các ngành nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương... gặp khó khăn trong tuyển sinh viên

Bên cạnh đó, những yếu tố khác để hỗ trợ cho con người sáng tác như: cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại… vẫn chưa được đầu tư đầy đủ và xứng tầm. PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho biết: "Đối với trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, một trong những yêu cầu đối với giảng viên, cán bộ nhà trường là cần phải xác định luôn luôn cập nhật kiến thức mới, phải tiếp cận nhanh với những tiến bộ trên thế giới và trong nước. Vì vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện để thầy cô tiếp cận với các xu hướng, khuynh hướng sáng tác mới trên thế giới và những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, điều đáng tiếc rằng, trên thế giới những công nghệ hiện đại đã xuất hiện, nhưng ở Việt Nam, không chỉ trường Sân khấu - Điện ảnh mà nhiều cơ sở đào tạo khác cũng chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại để đáp ứng được nhu cầu của thầy cô, sinh viên. Vì vậy, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy và tạo điều kiện cho sinh viên sáng tác, thực hành môn học".

Cần được đầu tư xứng tầm

Trước thực trạng đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của văn hóa nghệ thuật trong đời sống xã hội. Nhà nước cần phải thay đổi về cơ chế, chính sách, luật pháp và cách ứng xử với văn hóa, đặc biệt cần thay đổi cơ chế chính sách đối với các trường – nơi mà đào tạo ra các nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho văn hóa.

Thay đổi tư duy, đầu tư xứng tầm để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 4.

Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh PGS.TS Nguyễn Đình Thi

PGS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ: "Chúng ta cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa nghệ thuật ở các cấp giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo ở Việt Nam. Giải pháp này bao gồm việc thay đổi chương trình đào tạo trong các trường và cơ sở đào tạo ngành nghề sáng tạo văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc... Đồng thời, tập trung khai thác và nâng cao năng lực sáng tạo của các cá nhân, nhóm, cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam; phát huy tối đa sự đa dạng của các sáng tạo văn hóa và tạo điều kiện cho sức sáng tạo trở thành một đặc trưng văn hóa vừa có tính bản sắc, độc đáo và vừa có tính phù hợp với xu thế sáng tạo của thế giới".

"Bên cạnh đó, Nhà nước, các cơ quan ban ngành cũng cần phải có những chính sách đầu tư hỗ trợ xứng tầm với tiềm năng của các giảng viên, nghệ sĩ làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hơn nữa. Bởi, họ là những người rất năng động, chủ động, nhạy bén với thời cuộc nhưng họ cũng rất cần sự quan tâm động viên, khuyến khích từ phía nhà nước hay các nhà quản lý. Nếu chúng ta nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nghệ sĩ sẽ giúp cho họ có định hướng, động lực để phát triển sáng tạo nhiều hơn nữa phục vụ cho công cuộc phát triển văn hóa, chấn hưng văn hóa trong thời gian tới" – PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy, đầu tư xứng tầm để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa - Ảnh 5.

Cần tạo điều kiện cho những nghệ sĩ trẻ sáng tạo và thực hành nghề nghiệp

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, muốn phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, những người nghệ sĩ, nhà quản lý cần phải thay đổi tư duy làm văn hóa nghệ thuật, bứt phá ra khỏi vùng an toàn, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho thế hệ trẻ sáng tạo - đó chính là một trong những yếu tố quan trọng để có sự phối hợp hài hòa giữa người sáng tạo, người làm văn hóa nghệ thuật với các cơ quan quản lý.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, thay đổi về tư duy là cả một quá trình nên không thể đòi hỏi có kết quả ngay được. Và yếu tố con người, sự thay đổi tư duy là quan trọng nhất nhưng cũng cần có những yếu tố phụ trợ khác để phát triển. Vậy nên, Nhà nước cần đầu tư một cách đồng bộ mới có hiệu quả, đồng bộ về sự quản lý, sáng tạo, cùng các cơ sở vật chất khác để tạo điều kiện cho sự sáng tạo ấy phát triển./.

Thương Nguyễn
Dẫn nguồn: Thay đổi tư duy, đầu tư xứng tầm để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp văn hóa (bvhttdl.gov.vn)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com