baophutho.vnNếu coi tham nhũng, tiêu cực là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm đã và đang là nguy cơ gây suy giảm niềm tin, đe dọa sự sống còn của Đảng, Nhà nước, dân tộc thì phương thuốc đặc trị từ gốc chính là các giải pháp phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây là một trong những nội dung chủ đạo đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định qua nội dung các bài viết trong cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà gia đình có công với cách mạng tại tỉnh Tuyên Quang.Ảnh: tapchicongsan.org.vn
Muốn trị bệnh, trước hết phải hiểu rõ bản chất, “nhận diện” đúng đắn, đầy đủ về căn bệnh. Mở đầu cuốn sách, trong bài viết “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!”, đồng chí Tổng Bí thư đã đặt ra những câu hỏi lớn: “Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn? Đặc biệt là phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới?”. Đây cũng là những nội dung căn cốt về lý luận và thực tiễn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.
Theo đồng chí Tổng Bí thư: “Chúng ta đều biết, tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả...”; đồng thời khẳng định: “Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”.
Đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, nhận thức về tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều thay đổi, bước tiến mới đầy đủ, khách quan, đúng bản chất vấn đề: “Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng...”.
Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta thời gian qua là những minh chứng rõ ràng, cụ thể cho những phân tích, tổng kết mang tính định hướng chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư. Hàng loạt các cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ giữ các chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước đã vướng vòng lao lý đều có chung nguyên nhân chủ quan: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mới đây, trong phiên họp Quốc hội, phát biểu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có đại biểu Quốc hội đã cảm thán: “Củi đưa vào lò toàn là loại gỗ quý hiếm, rất là xót xa”! Tiếc thương, xót xa khi đồng chí của mình sai phạm, thân bại danh liệt, bị trừng phạt trước pháp luật là tâm lý bình thường của mỗi con người, tuy nhiên, có lẽ đại biểu này đã thiếu một ý quan trọng: Không phải “củi” đưa vào lò toàn là “gỗ quý hiếm”, mà đã từng là “gỗ quý hiếm”. Để trưởng thành, được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các cán bộ, đảng viên phải trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện liên tục; khẳng định được năng lực, trình độ, đạo đức, lối sống qua những việc làm, hành động cụ thể trong suốt quá trình công tác, sinh sống, được tổ chức, đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Thời điểm này, họ thực sự là “gỗ quý hiếm”, những nhân tố tích cực đóng góp công sức cho tổ chức, quốc gia, dân tộc. Tiếc rằng, theo thời gian, những “gỗ quý hiếm” này đã thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, sa ngã trước cám dỗ vật chất, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhắm mắt đưa chân làm những việc vi phạm pháp luật, vụ lợi cá nhân mà gây tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trở thành “củi mục” gây hại, buộc phải “đưa vào lò”.!
Không thể đổ lỗi cho “cơ chế” theo kiểu: “Có làm là có sai”, “không biết thế nào là đúng, thế nào là sai”, “nay đúng, mai sai, ngày mai lại đúng”... để ngụy biện cho các hành vi sai trái, vụ lợi cá nhân mà vi phạm pháp luật hoặc “mũ ni che tai”, làm việc cầm chừng, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đúng là giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với thực tiễn cuộc sống luôn có khoảng cách, tuy nhiên, mọi vướng mắc, bất hợp lý phát sinh đều được cơ quan lập pháp bàn bạc, thảo luận, điều chỉnh hợp tình, hợp lý, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ngay trong các vụ đại án mới được đưa ra xét xử gần đây, các bị cáo nguyên là quan chức chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số cán bộ giữ chức vụ cao trong cả nước. Đây là minh chứng rõ ràng, sống động nhất cho việc vi phạm pháp luật hoàn toàn do ý thức chủ quan cá nhân với động cơ vụ lợi không trong sáng chứ không liên quan gì đến cơ chế, chính sách. Cùng với đó, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung; đồng thời, góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi.
Chúng ta đã có hệ thống quy phạm pháp luật đồng bộ, cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức cũng ngày càng được đảm bảo để “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề quan trọng mang tính căn cốt còn lại là đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cách đây 100 năm, ngày 20/5/1924, trong “Thư gửi đồng chí Pêtơrốp” (Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận định bất hủ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mới đây, ngày 9/5, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Tuân thủ nghiêm túc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những điều đảng viên không được làm, quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng, là mỗi cán bộ, đảng viên đã và đang góp sức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”. Từ đó, sức chiến đấu, vai trò, vị thế của Đảng sẽ ngày càng được nâng cao, trường tồn cùng dân tộc. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ giảm thiểu, triệt tiêu. Niềm tin với Đảng, Nhà nước của Nhân dân ngày càng sắt son, bền chặt.
Vũ Thanh
Dẫn nguồn: Trị tận gốc (baophutho.vn)