Sáng ngày 09/5/2022, Bảo tàng Hùng Vương đã tổ chức Trưng bày lưu động giới thiệu chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo của Việt Nam” tới các thầy, cô giáo và gần 1000 học sinh của Trường Phổ thông trung học Yên Lập, huyện Yên Lập.
Thực hiện Kế hoạch số 3404/KH-UBND ngày 05/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Sáng ngày 09/5/2022, Bảo tàng Hùng Vương đã tổ chức Trưng bày, tuyên truyền lưu động giới thiệu chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo của Việt Nam” tại Trường Phổ thông trung học Yên Lập nhằm giới thiệu các hình ảnh, tư liệu, những căn cứ pháp lý, bản đồ về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua các thời kỳ lịch sử; những chính sách của đảng và Nhà nước về vấn đề chủ quyền biển đảo; hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của quân, dân ở đảo và hoạt động của Đảng bộ, nhân dân Phú Thọ hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc Việt Nam.
Học sinh Trường PTTH Yên Lập nghe thuyết minh về quần đảoTrường Sa-Hoàng Sa
Tới dự và tham quan trưng bày có ông Đinh Hải Nam-UVBTVHU- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Lập, cùng các ông/bà là trưởng, phó các phòng, ban chức năng của huyện, các phóng viên thuộc Đài Truyền thanh huyện tới dự và đưa tin cho chương trình.
Tại cuộc trưng bày, Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ đã giới thiệu đến học sinh và giáo viên Trường Phổ thông trung học Yên Lập nội dung các thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, gồm 05 châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa, Trường Sa (các châu bản số 4 và 5, châu bản số 6, châu bản số 12 và 13). Và các bản đồ của Việt Nam thời nhà Nguyễn: Bản đồ thời vua Minh Mệnh - năm 1838, bản đồ do Đỗ Bá soạn năm 1696, bản đồ Quốc địa đồ vẽ hình thể thời Nguyễn; bản đồ các nước phương Tây và Trung Quốc, Nhật Bản vẽ: Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương; Bản đồ do Peter (người Hà Lan) vẽ năm 1594, trên bản đồ này quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi được chú thích Pracel (Hoàng Sa), còn vùng đất liền trong bờ biển miền Trung được ghi là Costa de Pracel; Bản đồ Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (bản đồ của nhà Thanh vẽ năm 1904; Bản đồ Trung Quốc - Nhật Bản thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam; Bản đồ Trung Quốc do Herman Moll thực hiện, xuất bản tại Luân Đôn năm 1723 (Không có đảo Trường Sa và Hoàng Sa).
Tâm điểm của cuộc trưng bày là 03 hiện vật đá san hô được lấy từ các đảo Sinh Tồn, Colin, Lendao của quần đảo Trường Sa, do Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ ngày 18/8/2011. Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, là biểu tượng cho chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam trên biển. Đưa 03 viên đá chủ quyền chính - phần đất thiêng nơi tiền tiêu về với học sinh Trường Phổ thông trung học Yên Lập là đưa đến câu chuyện lịch sử về truyền thống đấu tranh, yêu nước, tri ân sâu sắc đối với những người đã có công trong công cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Học sinh Trường PTTH Yên Lập tham quan Đá chủ quyền Trường Sa
Hoạt động trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo của Việt Nam” đã giới thiệu đến giáo viên và học sinh Trường Phổ thông trung học Yên Lập những minh chứng xác thực về vấn đề chủ quyền biển, đảo trong lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức, trách nhiệm của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống của cha ông đấu tranh, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phòng Trưng bày-Tuyên truyền - Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ