Thứ 5 | 02/11/2023

baophutho.vnTrong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo gắn với phát triển du lịch về cội nguồn, góp phần bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Hạ Hòa.


Đền Mẫu Âu Cơ đang được trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

     Từ khi tái lập huyện đến nay, ngoài việc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, Hạ Hòa còn tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân thực hiện tốt công tác bảo tồn các loại hình di sản trên địa bàn, tiến hành trùng tu, nâng cấp, song vẫn giữ được nguyên trạng do lịch sử để lại. Trong quá trình khai thác, tận hưởng các giá trị văn hóa, có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở; phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa.

Hiện nay, huyện có 68 di tích lịch sử - di sản văn hóa; trong đó, có 21 di sản là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 7 di tích lịch sử quốc gia; 14 di tích văn hóa cấp tỉnh.

     Các di sản văn hóa vật thể nổi bật, gắn với văn hóa tâm linh như Đền Mẫu Âu Cơ, Bảo vật quốc gia Tượng Mẫu Âu Cơ, Đền Chu Hưng, Đền Nghè - Đình Đông; các di tích lịch sử cách mạng như Chiến khu Vần - Hiền Lương, Chiến khu 10 Đại Phạm. Các di sản văn hóa phi vật thể như Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Chu Hưng. Danh lam, thắng cảnh như Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên... đã tạo cho Hạ Hòa có một không gian văn hóa đa dạng, phong phú. Đồng chí Lê Trường Giang - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho rằng: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch ở Hạ Hòa, trước hết cần phát huy hơn nữa sự liên kết giữa Đền Hùng - Đền Mẫu Âu Cơ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời kết nối, khai thác, phát triển du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế - xã hội.

    Đặc biệt, công tác lập hồ sơ di tích, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các di tích lịch sử được quan tâm thực hiện. Lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được vinh danh (Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, lễ hội truyền thống Đền Chu Hưng); các di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng và chuẩn bị hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đền Mẫu Âu Cơ. Tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 5 di tích: Đền Thượng, Đình Khế (xã Hương Xạ), đền Nghè - đình Đông (xã Văn Lang), đình Phú Yên (xã Bằng Giã), đình Trắng (xã Đan Thượng)... Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết khoảng 10-15 di tích (di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh) đang bị xuống cấp. Dự kiến mỗi năm từ 2 đến 3 di tích theo tình hình thực tế tại các địa phương.


Năm 2022, Đền Nghè - Đình Đông (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) đã được tu bổ và đưa vào phục vụ nhân dân 

     Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động; tổ chức các chương trình, hoạt động tương tác, xã hội hóa trong công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa... Mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài huyện tham gia đầu tư vào hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; gắn phát triển các di sản văn hóa với phát triển du lịch. Thực hiện tốt việc quảng bá giới thiệu về di tích, danh thắng dưới nhiều hình thức như: Phim tư liệu, in sách, tờ gấp nhằm mục đích phục vụ nhu cầu giáo dục về văn hóa, vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

     Cùng với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên cũng được giữ gìn nhằm phục vụ hoạt động phát triển du lịch. Công tác quảng bá và xúc tiến đầu tư du lịch đã có bước đổi mới, nhận được sự quan tâm, ghi nhận của du khách thập phương và các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư.

      Huyện cũng đã hoàn thành công tác khảo sát, lập và phê duyệt quy hoạch các danh lam thắng cảnh Đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên, Đầm Vân Hội... để kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn có mặt hạn chế, khó khăn, bất cập, nhất là chưa huy động có hiệu quả các nguồn lực từ xã hội hóa cho lĩnh vực này. Tình trạng xâm hại di tích vẫn còn diễn ra tại một số nơi; hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên...

       Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng chí Ngô Anh Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa đã được công nhận xếp hạng có nguy cơ bị mai một, xuống cấp. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm văn hóa gắn với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn cho phát triển văn hóa và du lịch huyện Hạ Hòa.

Đinh Tú
Dẫn nguồn: 
Về vùng đất có nhiều di sản văn hóa (baophutho.vn)

 

 

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com