Thứ 2 | 27/02/2017
Với 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội cách mạng và 5 lễ hội tôn giáo, Phú Thọ sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn dân tộc. Lễ hội ở Phú Thọ là hoạt động có ý nghĩa văn hóa tinh thần từ lâu đời, có sức hấp dẫn thu hút mọi tầng lớp trong xã hội và ngày càng trở thành một nhu cầu, khát vọng của cả cộng đồng dân tộc.

Các lễ hội đã thực sự phát huy giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng, hướng tới mục tiêu hướng thiện, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, khôi phục những giá trị văn hóa và các nghi thức truyền thống, vừa đảm bảo giữ được bản sắc vừa phù hợp với cuộc sống đương đại.

 
 

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại lễ khai hội Đình Thạch Khoán - Ngôi đình có niên đại và kiến trúc cổ duy nhất còn lại
của người Mường Thanh Sơn.


Một nghi thức không thể bỏ qua trong các lễ hội truyền thống đó là Hèm tục trong tế lễ. Hèm tục là một bộ phận có tính lễ nghi và tục lệ trong thờ lễ, trong hội đám. Đó là một lễ thức nhất thiết phải tuân thủ không thể tùy tiện thay đổi hoặc bỏ qua. Hèm tục chủ yếu là thuộc các lễ dâng thần và cách thức ẩm thực sau lễ. Hèm tục cũng thường gắn  với sự tích thần được thờ lễ, hoặc đó là sở thích riêng của thần về ẩm thực hoặc đó là biểu hiện một tình tiết, một sự kiện đáng ghi nhớ trong tiểu sử, trong thần tích của thần.

Một số Hèm tục tiêu biểu trong các lễ hội ở Phú Thọ như: Xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) có tục  bày cỗ trên rế lót lá, xôi bày giữa, chung quanh bày thịt luộc và chả. Cỗ này được gọi là cỗ khao quân chia làm 3 bậc: Tầng trên là lễ dâng tử sĩ, tầng giữa lễ dâng quân sĩ nói chung và tầng chót là các thủ lĩnh quân sự địa phương. Xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ) lại có hèm mổ lợn tế ngày 5 tháng Giêng, trước khi bắt lợn có lệ những người dự đánh nhau dữ dội. Khi mổ lợn không ai được nói, ông từ là người bắt phèo. Khi ăn cỗ vặn nhỏ đèn và cũng ăn yên lặng. Làng Thúc Phê (thị trấn Hưng Hóa - huyện Tam Nông) có tục cướp rượu. Làng có hai giáp, giáp đăng cai sửa rượu lễ bằng nếp cái, cúng rượu mộng. Tế xong chủ tế rước hũ rượu ra sân đình, mọi người đưa bát chìa tay tranh cướp lấy khước... Đặc biệt vùng đất Tổ Hùng Vương còn có nhiều hèm tục độc đáo về tế lễ bằng thịt lợn như: Thôn Danh Hựu (xã Cổ Tiết - huyện Tam Nông) vào hội ngày 3 tháng Giêng có tục cướp xôi và đuôi lợn, ai cướp được đuôi lợn thì giáp đăng cai sẽ chuộc bằng 5 miếng thịt thủ. Xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) tế Tản Viên mồng 3 tết, thịt lợn bày một mâm 99 miếng, một mâm 42 miếng, cứ một miếng xấp lại một miếng ngửa. Các hình thức trong tế lễ và ẩm thực như vậy phản ánh và tái hiện qua tín ngưỡng những hình thức sinh hoạt của một xã hội cổ sơ vào thời kỳ bộ lạc nguyên thủy chứ không thể là sinh hoạt và  lễ nghi của nền văn minh Đại Việt. Vì thế giữ lại các hèm tục cổ chính là sợi dây nối hiện tại với thời kỳ lịch sử thuở sơ khai của dân tộc.

Một nét độc đáo nữa trong lễ hội vùng đất Tổ đó là Lễ sát sinh hiến tế. Dù hiện nay, nhiều nghi lễ đang bị lên án nhưng không thể phủ nhận bên cạnh những nghi thức có tính bạo lực cần loại bỏ thì ở nhiều địa phương, sát sinh được gọi là lễ vì không còn là việc giết mổ thông thường mà thành nghi lễ, có hình thức trò diễn, có giá trị thẩm mỹ cao, thu hút khán giả. Trong việc sát sinh, người ta kiêng giết chó và vịt dâng lễ mà phổ biến là lợn và gà. Đặc biệt lợn là vật dâng lễ có mặt ở khắp các cuộc tế lễ đình đám, được gọi là lợn thờ, có nơi gọi là ông đô hay ông cầu... Việc chọn lợn, mua lợn, nuôi lợn cùng có những điều lệ không thể bỏ qua theo quy ước của làng. Con lợn hiến tế phải đen tuyền không pha những sợi lông trắng. Việc sát sinh hiến tế chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, riêng thôn Phú Phong (xã Cao Xá - huyện Lâm Thao) việc sát sinh quan trọng này lại do nữ chủ trì. Đình Phú Phong thờ 5 vị tướng đánh giặc tử trận. Ngày 15 tháng 10 làng làm lễ tế cờ xuất quân. Làng cử hai thanh nữ đôn đốc các giáp đưa lợn ra đình, mỗi giáp mang đến 2 hay 3 lợn, các thanh nữ sẽ chọn con nào được mổ. Các cô chỉ con nào, chủ tế đổ rượu  vào mồm con ấy, có nghĩa là nó sẽ được làm vật hiến tế. Lễ khảo sát để chọn người giết mổ cũng do các cô quyết định. Lợn mổ rồi chia thành 24 nén thịt luộc dâng lễ với 36 nén xôi. Ở các xã Thanh Uyên và Xuân Quang (huyện Tam Nông) có tục thi cỗ lễ không đâu có, đó là thi vừa chạy vừa nấu thịt. Theo đó mỗi giáp cử ra một đội 9 người, lột da lợn, lấy da nó làm nồi luộc thịt, bốn người nắm 4 góc da lợn cho da hơi chũng xuống, bỏ thịt và đổ nước vào đó. Năm người cầm đuốc chạy theo đốt lửa luộc thịt, vừa chạy vừa nấu, chạy tới đình mà thịt chín dâng lễ là được giải.

Nếu như giết mổ lợn khá phổ biến trong hoạt động tế lễ của các lễ hội thì giết mổ trâu thường dành cho những lễ hội lớn và cũng có những hình thức đã thành lễ thức, phần nào phản ánh về sinh hoạt xã hội thời cổ đại. Bên cạnh hình thức đập đầu trâu được áp dụng trong khá nhiều lễ hội thì các xã có hình thức "nồi da nấu thịt" trong lệ mổ trâu làm cỗ ở Phú Thọ là: Xuân Quang, Hiền Quan, Hương Nha, Hương Nộn, Tam Cường (huyện Tam Nông), Lương Lỗ (huyện Thanh Ba), Hợp Hải (huyện Lâm Thao) và Văn Lang (huyện Hạ Hòa). Ở các xã trên lễ dâng thần chỉ luộc lòng, tim, gan và quả cật còn thịt chia cho giáp sau khi tế xong. Trong các lễ vật, quả cật là quan trọng nhất, đặt vào rế bện bằng dây rừng lót lá chuối hay lá ngõa. Ngoài lợn và trâu, lễ hội ở Phú Thọ còn các hình thức hiến tế bằng cá và thường là cá gỏi, ăn cá tươi sống với các loại rau thơm và một thứ nước chấm riêng. Những ngày làng vào đám tế thần, cả làng nô nức đi đánh cá để lấy cá làm lễ theo tục lệ. Các làng hiến tế sát sinh bằng cá có: Làng An Thái (xã Phượng Lâu), xã Chu Hóa  - thành phố Việt Trì; xã Tứ Xã, xã Kinh Kệ - huyện Lâm Thao; Dị Nậu, Xuân Quang, Hiền Quan - huyện Tam Nông. Những hình thức sát sinh hiến tế trong lễ hội vùng Đất Tổ dù là cách này hay cách khác đều rất độc đáo và cổ sơ.

Ngoài ra tín ngưỡng phồn thực và tục thờ lễ sinh thực khí cũng là một nét văn hóa độc đáo trong các lễ hội truyền thống của miền quê Tổ. Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng về sinh sản, tín ngưỡng về phồn thịnh của sản xuất, thịnh vượng của mùa màng, tín ngưỡng của người trồng trọt, trước hết là nghề trồng lúa nước. Tín ngưỡng phồn thực có nét đặc thù là biểu hiện thông qua hình tượng sinh thực khí và hành động tính giao nam nữ. Các nghi lễ được thực hiện rất đa dạng nhưng đều xoay quanh cái trục giao phối nam nữ, hòa hợp âm dương và biểu tượng chủ yếu là hình tượng "giống" của đàn ông và đàn bà  mà thuật ngữ khoa học thế giới là “linga” và “yoni”, còn nhân dân ta thời trước gọi là “nõ” và “nường” và cả một cặp được gọi là “kén”. Thờ lễ sinh thực khí hay thờ  lễ “nõ, nường” là biểu hiện chủ yếu và đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực.

Thờ lễ sinh thực khí, hình thức lễ mật không rước và hình thức rước được tổ chức ở các xã: Hương Nha, Hiền Quan  - huyện Tam Nông; Tứ Xã - huyện Lâm Thao. Ngoài ra còn nhiều xã có hình thức cướp "kén" lấy may như:  Xã Dị Nậu, Cổ Tiết - huyện Tam Nông; Phú Lạc huyện Cẩm Khê. Trong các nghi lễ phồn thực và thờ lễ sinh thực khí, có  một số đã được cách điệu hóa và nghệ thuật hóa mang những yếu tố nghệ thuật như: Tính giao nam nữ được thể hiện qua điệu múa, hình tượng nỏ, nường được cách điệu hóa thành những cây bông và một số lễ nghi thực hành quan hệ âm dương cũng được chuyển thành những hình thức sân khấu, hình thức "trò". Dù đã được cách điệu hóa và nghệ thuật hóa nhưng tính lễ nghi vẫn rõ nét, vẫn là chủ đạo như trong các lễ hội: Rước ông Khưu bà Khưu, múa Tùng Dí, múa Mó Cá, cây bông và tục cướp bông.

Lễ hội dân gian là một di sản đặc biệt để lưu giữ, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Đến với lễ hội, người dân không chỉ được hưởng thụ tinh thần văn hóa dân tộc, tâm lý cộng đồng mà còn được trực tiếp sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa để đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống tinh thần của chính mình. Vì thế việc nâng cao ý thức, ứng xử văn minh trong lễ hội là vấn đề quan trọng nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội nói riêng và cũng là cách khẳng định vẻ đẹp của cảnh sắc và con người miền Đất Tổ nói chung.

 

Ngồn: baophutho.vn
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com