Thứ 5 | 05/09/2024

baophutho.vnPhú Thọ - vùng đất hội tụ và lưu giữ những giá trị di sản văn hóa đặc sắc, là miền đất cội nguồn của dân tộc, nơi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Vinh dự, tự hào là con dân Đất Tổ, những năm qua, các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã thể hiện tình cảm sâu nặng với tiền nhân, trọng trách lớn lao trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa bằng các chương trình hành động cụ thể, hiệu quả thiết thực.

Năm 2022 Đình Hùng Lô (TP Việt Trì) được tu sửa tuân thủ nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng.

Nơi lưu giữ lễ hội văn hóa truyền thống Việt

Theo số liệu rà soát, kiểm kê năm 2023, tỉnh Phú Thọ có 967 di tích, phế tích; trong đó có 324 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng (1 Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích Quốc gia và 250 di tích cấp tỉnh); 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan đến di sản Hát Xoan; 5 bảo vật Quốc gia.

Cùng với các giá trị văn hóa vật thể như đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Phú Thọ còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, hèm tục, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực dân gian... mang đậm sắc thái đất cội nguồn.

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn phong phú, đa dạng, có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa, tái hiện những sinh hoạt nông nghiệp, những sự kiện lịch sử, với nghi lễ, trò diễn được cử hành như một nghi thức tưởng niệm, thờ cúng các Vua Hùng đã có công dựng nước; các nhân vật lịch sử đã có công với dân với nước; những người khai thiên lập địa, dựng làng, giữ nước; thể hiện tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ thần thành hoàng, thờ tổ tiên, thờ mẫu,...

Nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đình Hùng Lô, Đền Lăng Sương, hội Trò Trám, hội Phết Hiền Quan, bơi chải Bạch Hạc, Hát Xoan Kim Đức, Phượng Lâu, ném chài Vân Luông, rước voi Đào Xá, giã bánh giầy Mộ Chu Hạ, nấu cơm thi Gia Dụ,... Có nhiều lễ hội mà tầm ảnh hưởng đã lan tỏa rộng ra cả nước và ở nước ngoài như Lễ hội Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, bơi chải Bạch Hạc...

Phú Thọ còn có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng khác như: Hát Ghẹo, Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Chàm thau, Đâm đuống, múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Chuông, múa Rùa, múa Chim gâu, múa Xúc tép,... Các truyền thuyết Hùng Vương, truyền thuyết Hai Bà Trưng, Truyện cười Văn Lang và các món ăn đặc sắc như: Xôi ngũ sắc, lợn thui, cá đốt, bánh tai, bánh chưng, bánh giầy... đã khẳng định những dấu tích văn hóa, tín ngưỡng, cuộc sống, phong tục tập quán vô cùng phong phú của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Trình diễn cồng chiêng dân tộc Mường, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Các di tích được xếp hạng đều được tổ chức khoanh vùng bảo vệ theo quy định. Hàng năm Sở thực hiện rà soát kiểm kê, bổ sung danh mục để phục vụ tốt cho công tác quản lý, tra cứu tư liệu. Nhiều di tích tiêu biểu đã trở thành sản phẩm du lịch - văn hoá hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế; đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương; tạo việc làm, nâng cao đời sống của Nhân dân nơi có di tích và lễ hội”.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vùng Đất Tổ

Nhận thức vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, nhiều năm nay Phú Thọ luôn tập trung nguồn lực, triển khai nhiều hoạt động để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Tính đến tháng 3/2023, tỉnh đã thực hiện tu bổ, tôn tạo 273 lượt di tích, với tổng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 1.422 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là trên 516 tỷ đồng) và nguồn vốn xã hội hóa gần 685 tỷ đồng.

Các di tích xuống cấp đều được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích.

Trong quá trình triển khai đều có sự tham gia phối hợp, giám sát của Nhân dân và chính quyền địa phương. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy được những giá trị văn hoá do cha ông để lại, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của Nhân dân; đồng thời giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn của dân tộc.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí dành cho tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Hiện nay, nhiều di tích bị xuống cấp song chưa có kinh phí để đầu tư. Một số di tích được hỗ trợ kinh phí, nhưng do mức hỗ trợ thấp nên chỉ tiến hành tu bổ chống xuống cấp trước mắt, không mang tính bền vững, có nguy cơ sập đổ, mất an toàn cho người dân và các di vật, cổ vật trong di tích.

Một số hiện vật tiêu biểu trong các di tích chưa được bảo quản, giữ gìn đúng kỹ thuật, khoa học, phù hợp với quan điểm bảo tồn nên đã xảy ra tình trạng bị xuống cấp, thậm chí bị mục nát, đặc biệt là các tư liệu hiện vật bằng chất liệu giấy như các sắc phong, thần phả,...
Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác tu bổ, tôn tạo di tích nhất là các di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ... và chưa tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị các di tích trong cộng đồng.

Khôi phục nghề dệt của đồng bào Mường, xã Kim Thượng huyện Tân Sơn.

Cùng với đó, một số nội dung giữa Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng còn chồng chéo nên thời gian thực hiện các thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt việc tu bổ, tôn tạo các di tích bị kéo dài, gây khó khăn cho công tác tu bổ, tôn tạo và huy động nguồn kinh phí đầu tư. Công tác nghiên cứu, quảng bá chưa phong phú; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn ở cơ sở còn thiếu và yếu...

Do đó, để bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát bổ sung danh mục kiểm kê di tích; lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; tăng cường công tác quản lý di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền và giáo dục văn hóa; đồng thời mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho các cán bộ văn hóa cơ sở, cộng đồng và chủ nhân sáng tác, sở hữu của các di sản văn hóa. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa được quốc tế, quốc gia công nhận, các di sản mang tính đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ, tạo nên bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ, thu hút sự quan tâm của Nhân dân và du khách.
Thúy Hằng
Dẫn nguồn: 
https://baophutho.vn/chung-tay-bao-ve-di-san-216935.htm

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com