Thứ 4 | 22/03/2017
Từ xa xưa, ông cha ta đã xây dựng nên các ngôi đền thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là Đền Hùng) thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú  Thọ. Đó là biểu hiện lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước. Ngày nay, nhà nước lại đầu tư xây dựng thêm hai ngôi đền thờ  Quốc Mẫu Âu Cơ và Quốc Tổ Lạc Long Quân - là bậc Thủy Tổ, nhằm qui tụ những giá trị văn hóa tâm linh về vùng đất thiêng Đền Hùng.
Theo Ngọc phả cổ truyền, do Hàn Lâm viện Trực học sĩ: Nguyễn Cố phụng mệnh triều đình nhà Lê thời Hồng Đức biên soạn năm 1470 đã ghi chép lại: Từ thời Kinh Dương Vương đến Lạc Long Quân, rồi đến thời các Vua Hùng đều chọn đất Phong Châu làm nơi đóng đô (còn gọi là Kinh đô Văn Lang - thuộc Việt Trì ngày nay). Kính Thiên lĩnh điện được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh để các đời Vua làm lễ thờ trời đất.
Sau thời Hùng Vương - An Dương Vương, đất nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc thống trị trên một nghìn năm. Chúng muốn đồng hóa dân tộc ta, nên các dấu tích thời Hùng Vương đều bị tàn phá. Đến nay, truyền thuyết còn lưu lại nhiều câu chuyện về thời Hùng Vương, trong đó có những câu chuyện kể về: Các Vua Hùng họp bàn việc nước tại khu vực Hùng Vương Tổ miếu (Đền Trung). Vua Hùng thứ 6 lập đền thờ Thánh Gióng sau khi chiến thắng giặc Ân và việc nhường ngôi cho Lang Liêu người con hiếu thảo cũng tại nơi này. Khi Vua Hùng thứ 6 trước khi băng hà có dặn lại: Hãy chôn ta trên núi Cả (núi Nghĩa Lĩnh) để trên núi cao còn trông nom bờ cõi cho con cháu. Đến khi Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán, khi lên ngôi Thục Phán - An Dương Vương đã dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề với trời đất: Sẽ đời đời bảo vệ cơ nghiệp họ Hùng và hương khói Lăng miếu Tổ tiên.
Nói thế để biết về vùng đất thiêng Đền Hùng, đã được ông cha ta lựa chọn từ xa xưa để làm nơi điều hành đất nước. Con cháu về sau lập nên những ngôi đền để hương khói phụng thờ Tổ tiên. Trên đỉnh núi có Kính Thiên Lĩnh Điện (còn gọi là Đền Thượng), xuống dưới có đền Trung (hay Hùng Vương Tổ miếu) và đền Hạ. Cả 3 ngôi đền đều thờ các Vua Hùng và hai Bà Công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng thứ 18. Về sau, tưởng nhớ công đức của hai Bà Công chúa, nhân dân đã xây dựng riêng ngôi đền dưới chân núi để  hương khói thờ phụng (còn gọi là đền Giếng).
Theo nội dung Ngọc phả còn ghi lại: Sau khi Lạc Long Quân lấy Âu Cơ làm vợ đã sinh sống ở đô thành Phong Châu. Bà Âu Cơ sinh ra “một bọc bạch ngọc”, sau nở thành trăm người con trai tại núi Nghĩa Lĩnh, có “ao sen, đỉnh ngọc”. Đó là “Trời sinh Thánh Vương trị nước, giúp bốn biển thanh bình, quốc gia yên vui, cả trăm hoàng tử đều ở thềm Rồng, điện Thượng”. Về sau, khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân bảo với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, chủng loại khác nhau, hợp lại thực khó” (những đoạn văn để trong ngoặc kép đều được trích trong Ngọc Phả). Từ đó Lạc Long Quân dẫn 49 người con về vùng biển, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên vùng núi cao để cùng nhau mở mang bờ cõi. Người con trưởng Hùng Quốc Vương ở lại làm vua, truyền được 18 đời.
Ngày nay, đất nước thái bình và ngày càng thịnh vượng, tưởng nhớ công lao trời biển của cha “Rồng”, mẹ “Tiên”, tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch cho phép xây dựng thêm hai ngôi đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ và Quốc Tổ Lạc Long Quân nằm trong vùng đất linh thiêng Đền Hùng.
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ được xây dựng năm 2001 trên núi Vặn (Ốc Sơn) trong “Tam Sơn Cấm địa” (ba ngọn núi cấm hay ba ngọn Tổ Sơn). Theo truyền thuyết bà là “Tiên” nên đền được xây dựng trên đỉnh núi gần với mây trời. Từ chân núi khách hành hương phải vượt qua 525 bậc đá, dốc lên đền dựng đứng, rất vất vả. Nhưng khi lên đến đỉnh núi, tới nơi thờ Mẫu, thì như có phép mầu nhiệm, mọi người đều khỏe mạnh, phấn chấn.
Đền thờ Quốc Mẫu được xây dựng theo kiến trúc hình chữ đinh (J), diện tích đền chính rộng 137m2, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Hệ thống cột, xà, hoành, dui làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, tường bao bằng gạch bát. Ngôi đền xinh xắn hòa cùng với cảnh sắc thiên nhiên thật là ngoạn mục.
Nội thất của ngôi đền từ bàn thờ đến hoành phi, câu đối đều được dát vàng. Hậu cung có tượng  Quốc Mẫu Âu Cơ được đúc bằng đồng, dát vàng, xinh đẹp như tiên nữ. Với khuôn mặt đoan trang phúc hậu, hai cánh tay dang ra như đang muốn ôm ấp, che chở cho con cháu. Tượng Quốc Mẫu được đặt trong khám thờ dát vàng, tượng trưng như ngự nơi cung cấm.
Bên cạnh đền chính, còn có Tả vu, Hữu vu là nơi đón khách và sắm lễ. Phía ngoài bên dưới có nhà Bia ghi công đức của Quốc Mẫu; Trụ biểu, Tứ trụ, Cổng tam quan, nhà đón tiếp khách và các hạng mục sân, vườn, điện nước, bãi đỗ xe dưới chân núi.
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ được khánh thành vào tháng 12 năm 2004, từ đó đến nay, có hàng triệu lượt đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về thăm viếng, tri ân đối với Tổ Mẫu - Người Mẹ sinh thành ra dân tộc Việt.
Năm 2007, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân tiếp tục được đầu tư xây dựng tại núi Sim, thuộc xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1km. Nơi đây có vị trí đắc địa, ở vào thế “Sơn chầu, thủy tụ”. Núi Sim trông tựa như một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước mặt là hồ Hóc Trai và xa hơn là sông Hồng chảy xuôi về biển.
Đền chính có diện tích 210m2, kiến trúc chữ đinh (J) truyền thống. Toàn bộ phần khung của đền được làm bằng gỗ lim ; mái lợp ngói mũi hài có đầu đao mô phỏng thuyền rồng Đông Sơn. Nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh. Nội thất của đền từ bàn thờ đến hoành phi câu đối đều dát vàng. Hậu cung đặt tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân dáng vẻ uy nghiêm, khuôn mặt vừa thông minh sắc xảo, vừa nhân hậu. Tượng được đúc bằng đồng, nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá chạm khắc hoa văn theo một số hình tượng của văn hóa Đông Sơn.
Bên cạnh đền chính, có Tả vu, Hữu vu, nhà bia ghi công đức của Đức Quốc Tổ; Trụ biểu hai bên thể hiện quyền uy. Phía trước đền còn có cổng Biểu tượng, Tứ trụ và những công trình phụ trợ thuộc hạ tầng kỹ thuật.
Toàn bộ khu vực đền được đặt ở vị trí như trên lưng một con rùa lớn, đầu hướng về phía hồ nước hình bán nguyệt, tạo thêm vẻ linh thiêng cho ngôi đền. Lạc Long Quân là “Rồng”, nên đền được đặt ở vị trí dưới chân núi, gần hồ nước, tăng thêm sức mạnh cho Đức Thánh Tổ.
Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân được khánh thành năm 2009. Từ đó đến nay cũng có tới hàng triệu lượt đồng bào về thăm viếng, tri ân đối với Quốc Tổ.
Như vậy, ngày nay con cháu mới có điều kiện xây dựng hai ngôi đền thờ  Quốc Mẫu Âu Cơ, Quốc Tổ Lạc Long Quân về nơi vùng đất thiêng Đền Hùng, đo dó không thể nói đây là nơi thờ “vọng”. Những ngôi đền mới được xây dựng gần đây, cùng với đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Hạ Hòa) và đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Bình Đà, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ - nay là Hà Nội) sẽ mãi mãi được con cháu phụng thờ, trường tồn với thời gian.
Đến Đền Hùng ngày nay, du khách không chỉ về núi Nghĩa Lĩnh thắp nén hương thơm tri ân công đức các Vua Hùng, mà còn được thăm viếng đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ. Nơi quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa về vùng đất linh thiêng nguồn cội. Đó là biểu hiện của lòng thành kính và biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước, đạo hiếu muôn đời của con dân đất Việt.

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Khôi
 Chủ tịch Hội KHLS Phú Thọ
 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com