Thứ 5 | 14/04/2016

Ngày 31/3/2016, hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ chính thức được gửi đến UNESCO để đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân dịp này, phóng viên Đặc san Thông tin đối ngoại đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) về quá trình xây dựng hồ sơ và những giải pháp để Hát Xoan phát triển, lan tỏa bền vững.



Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa trả lời phỏng vấn của phóng viên PTV
 

Phóng viên: Thưa Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, là người trực tiếp cùng với tỉnh Phú Thọ tham gia xây dựng báo cáo hồ sơ Hát Xoan đề nghị tổ chức UNESCO đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xin bà cho biết quá trình xây dựng hồ sơ được tiến hành như thế nào?

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý: Ngay từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, chúng ta đã có mong muốn trong thời gian gần nhất Hát Xoan được chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để làm được điều đó, mục tiêu đầu tiên đặt ra là đưa Hát Xoan sớm ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể rất tốt, nhất là Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nỗ lực rất lớn mà tỉnh đã làm bởi hầu như chưa có một di sản nào được Thủ tướng phê duyệt như Hát Xoan. Trên cơ sở hành lang pháp lý đó, tỉnh đã tiến hành rất nhiều việc với những biện pháp cụ thể trong 4 năm qua để bảo vệ Hát Xoan. Đến năm 2014, nhận thấy Hát Xoan đã thoát ra khỏi tình trạng khẩn cấp, Phú Thọ bắt tay vào đánh giá hiện trạng Hát Xoan vào thời điểm đó. Tuy nhiên, theo yêu cầu UNESCO sau 4 năm mới được nộp báo cáo và phải giải trình rõ ràng, cụ thể đã có những biện pháp gì bảo vệ di sản, tương lai tiếp theo của di sản sẽ như thế nào.

Năm 2015, chúng ta đã làm báo cáo đánh giá hiện trạng Hát Xoan và gửi UNESCO đúng kỳ hạn trước ngày 15/12/2015. Sau khi gửi báo cáo, UNESCO thấy rằng Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để bảo tồn di sản Hát Xoan. Trong báo cáo đó, chúng ta khẳng định rằng Hát Xoan đã hết khẩn cấp và muốn chuyển sang danh sách đại diện. Tại hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tổ chức hồi tháng 12/2015, Ủy ban Liên Chính phủ đã thảo luận hơn một tiếng đồng hồ về vấn đề này, bởi chính UNESCO cũng chưa có một hướng dẫn cụ thể nào cho việc sau khi hết khẩn cấp thì các di sản phải làm gì. Câu hỏi của Việt Nam đưa ra cùng với một báo cáo rất cụ thể về kết quả đã làm được buộc Ủy ban Liên Chính phủ và các quốc gia thành viên thảo luận và thống nhất ra một quyết định đặc cách cho Hát Xoan được lập hồ sơ đệ trình trước ngày 31/3/2016 để UNESCO xem xét vào năm 2017.

Sau khi có Quyết định của Ủy ban Liên Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập tức thông báo cho UBND tỉnh Phú Thọ. UBND tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban Chỉ đạo và phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa xây dựng hồ sơ. Các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóangay lập tức đã đánh giá hiện trạng Hát Xoan ở thời điểm hiện tại và tổ chức quay phim tất cả các trình diễn về Hát Xoan trong dịp đầu năm 2016. Sản phẩm phải nộp UNESCO là một hồ sơ khoa học với các tài liệu kèm theo, trong đó quan trọng nhất là có một bộ phim 10 phút về hiện trạng của Hát Xoan. Bộ phim này phải chứng minh được các tiêu chí sau: Thứ nhất, Hát Xoan là một di sản đặc sắc, đại diện của cộng đồng Phú Thọ. Thứ hai, là phải trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác thể hiện bằng những gương mặt cụ thể của các thế hệ đang tham gia trình diễn và thực hành Hát Xoan. Thứ ba là thể hiện sức sống trong đời sống hiện nay, đó là việc phát triển của các câu lạc bộ, những người yêu thích và công chúng của Hát Xoan. Thứ tư là Hát Xoan có tầm nhìn đối với thế hệ trẻ, với việc có nhiều trường học đưa Hát Xoan vào trong chương trình giảng dạy, các tiết học lịch sử địa phương, văn hóa âm nhạc. Tất cả các yếu tố đó làm nên giá trị của Hát Xoan cũng như chứng minh Hát Xoan thoát khỏi tình trạng khẩn cấp.

Có thể khẳng định, quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một lộ trình khoa học và có tính pháp lý, chứ không phải là sự ngẫu nhiên. Việc nỗ lực trong suốt 4 năm của chúng ta để bảo vệ Hát Xoan và mong muốn của cộng đồng đã được UNESCO ghi nhận.

Phóng viên: Sau những nỗ lực phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan, bà đánh giá như thế nào về khả năng hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý: Theo như hiện trạng Hát Xoan hiện nay thì có thể thấy Hát Xoan có khả năng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng ta đã đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Trước đây rất ít người có thể truyền dạy Hát Xoan, nhưng nay đã có 62 nghệ nhân kế cận được đào tạo có khả năng truyền dạy. Cùng với đó, cộng đồng các phường Xoan phát triển rất mạnh mẽ, có phường Xoan lên đến hàng trăm người với nhiều thế hệ tham gia Hát Xoan. Đặc biệt, chúng ta có lộ trình kế hoạch rõ ràng đến tận năm 2020 cho tương lai của Hát Xoan. Bởi vậy, khả năng thuyết phục UNESCO không phải quá khó vì chúng ta có cứ liệu, con số và kết quả cụ thể.

Phóng viên: Thưa Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, trong trường hợp Hát Xoan được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phí vật thể đại diện của nhân loại, thì Phú Thọ cần tập trung vào những việc gì để Hát Xoan phát triển, lan tỏa một cách bền vững?

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý: Điều quan trọng nhất là Phú Thọ nên tập trung cho 4 phường Xoan gốc để nâng cao chất lượng nghệ thuật và khả năng truyền dạy của những nghệ nhân chủ chốt. Đồng thời phải làm sao con em 4 phường Xoan gốc có tình yêu, có trách nhiệm trong việc bảo vệ Hát Xoan và tiếp tục sự nghiệp mà cha ông đã sáng tạo, gìn giữ.

Bên cạnh đó, chúng ta nên nhận thức rằng danh hiệu vừa là vinh dự nhưng vừa là trách nhiệm. Với trách nhiệm ấy, chúng ta phải có nhiều biện pháp khác nhau như: Giáo dục trong trường học; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các chương trình nghệ thuật để Hát Xoan biểu diễn, thể hiện và cộng đồng có điều kiện để giới thiệu di sản của mình; Hát Xoan có thể tham gia vào dịch vụ du lịch, vừa mang lại sự hãnh diện cho cộng đồng nhưng cũng là sự động viên để cộng đồng có được phần thưởng xứng đáng từ những hoạt động đó.

Điểm nữa cần quan tâm, đó là tạo cơ hội để Hát Xoan cổ, Hát Xoan đích thực của cộng đồng được sống như: Trình diễn trong các không gian đình, đền, miếu mà cha ông vẫn thường biểu diễn; được giao lưu, biểu diễn với cộng đồng và các đình, đền khác có tục thờ cúng Hùng Vương.

Đặc biệt, chúng ta phải ghi nhớ rằng, Hát Xoan bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, có mối liên hệ mật thiết đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho nên phải làm sao để hai di sản này cùng song hành, cùng hỗ trợ, cùng tương tác với nhau tạo thành một chỉnh thể di sản độc đáo của đất Tổ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý về những trao đổi quý báu này.
 

Nguồn: phutho.gov.vn

 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com