Thứ 5 | 19/04/2018
Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Ủy ban Liên Chính phủ công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã thông qua quyết định số 6.COM.8.23 ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Sau 6 năm di sản Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung đã cam kết trong Chương trình hành động về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ” (Giai đoạn 2012 - 2015); Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020). Các biện pháp bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị di sản Hát Xoan được thực hiện một cách bài bản, khoa học theo đúng các quy định của UNESCO và pháp luật Việt Nam hiện hành, được các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các nghệ nhân và cộng đồng các phường Xoan ghi nhận, đánh giá cao. Những nỗ lực đó của tỉnh Phú Thọ đã được UNESCO ghi nhận, coi là trường hợp điển hình, khuyến cáo các quốc gia có biện pháp bảo vệ các di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp
Ngày 08 tháng 12 năm 2017, Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã thông qua Quyết định số 12.COM11.c đưa “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh Hát Xoan vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự khẳng định của quốc tế về giá trị Hát Xoan và đóng góp cho sự củng cố các di sản khác, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Việc Hát Xoan được chuyển từ Danh sách khẩn cấp sang Danh sách đại diện sẽ là kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam góp phần vào kinh nghiệm chung của quốc tế; góp phần nâng cao nhận thức của quốc gia về cách ứng xử đối với các di sản văn hóa.
Ngày 03 tháng 02 năm 2018, tại miếu Lãi Lèn - Nơi phát tích di sản Hát Xoan Phú Thọ, Không gian văn hóa thực hành Hát Xoan xưa nhất, thuộc làng Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Hát Xoan Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy Hát Xoan để di sản quý báu này thấm sâu, lan tỏa, hòa quyện trong đời sống, tại Lễ đón Bằng UNESCO, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc Hát Xoan Phú Thọ được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một minh chứng sinh động, góp phần nâng cao nhận thức, phương pháp ứng xử đối với các di sản văn hóa, nhất là các di sản trong tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, đây là lần đầu tiên và duy nhất, một di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp được ra khỏi danh sách và ghi nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này đã tạo những tiền lệ tốt đẹp cho các khu vực, quốc gia khác học hỏi kinh nghiệm của chính phủ Việt Nam, chính quyền và người dân Phú Thọ trong tiến trình bảo vệ những di sản văn hóa có nguy cơ mai một của quê hương.
Tại Lễ đón Bằng UNESCO, Chương trình hành động quốc gia Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” (Giai đoạn 2018 - 2023) đã được đồng chí Bùi Minh Châu - UVBCHTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ công bố với 7 nội dung trọng tâm là nền tảng để Phú Thọ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan. Đó là:  
 1. Tiếp tục cập nhật kết quả kiểm kê hàng năm, tư liệu hóa di sản Hát Xoan Phú Thọ và các bài bản thực hành của các phường Xoan, người nắm giữ và không gian văn hóa gắn với di sản; khích lệ truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường Xoan.
2. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản Hát Xoan Phú Thọ; Nghiên cứu, sản xuất các chương trình nghe nhìn về Hát Xoan giúp cộng đồng nhận diện giá trị di sản,nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cập nhật thông tin về Hát Xoan tại các cơ quan chuyên môn và các trang Website về Hát Xoan tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng tiếp cận với Hát Xoan.
3. Khuyến khích và hỗ trợ các phường Xoan, các nghệ nhân tiếp tục đẩy mạnh truyền dạy Hát Xoan cho con em trong các phường Xoan và nhất là cho cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng nghệ thuật trình diễn. Tổ chức các cuộc liên hoan, giao lưu định kỳ giữa các phường Xoan, các câu lạc bộ, các trường học về Hát Xoan.
4. Tiếp tục tôn vinh các nghệ nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, thực hành và truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản.
5. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước, tổ chức tập huấn về các biện pháp bảo vệ di sản cho các phường Xoan và cán bộ văn hóa cơ sở. Huy động các nguồn lực xã hộị, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm  hỗ trợ cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan. Tiếp tục phục hồi các không gian cho Hát Xoan và tục kết nghĩa, Hát cửa đình ở những nơi thờ cúng Hùng Vương.
6. Xây dựng chương trình, biên soạn, xuất bản các tài liệu giáo dục về Hát Xoan để đưa Hát Xoan vào trường học phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng cấp học trong hệ thống các trường học.
7. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước. Phát huy giá trị di sản, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Chương trình hành động quốc gia Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” (Giai đoạn 2018 - 2023) đã và sẽ được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, giải pháp thực hiện hàng năm. Năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 04/01/2018 về Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ năm 2018; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Kế hoạch số 01/KH-SVHTTDL ngày 10/01/2018 về Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ năm 2018. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là: Tiếp tục triển khai công tác truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trên các phương tiện thông tin và truyền thông của Trung ương và địa phương; nâng cấp chuyên trang Hát Xoan Phú Thọ cả tiếng Việt và tiếng Anh trên Cổng giao tiếp điện tử tỉnh; đẩy mạnh công tác phục hồi các tập tục liên quan tới hát Xoan; tiếp tục đưa di sản hát Xoan vào trường học; nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan và mở lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy Hát Xoan trong trường học; tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam gắn với vinh danh “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” và “Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ”; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hành Hát Xoan tại các phường Xoan, đặc biệt là việc tiếp tục truyền dạy Hát Xoan cho các đối tượng trong cộng đồng, nhất là các cháu thanh, thiếu nhi tại các phường Xoan; hoàn thành việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi và đưa vào sử dụng các di tích gắn với Hát Xoan; hoàn chỉnh, bổ sung thêm hiện vật tại Nhà trưng bày nghệ thuật Hát Xoan trong khuôn viên miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì.
Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh, phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ thông qua du lịch và ngược lại du lịch có đóng góp đáng kể trong quảng bá giới thiệu di sản. Sự kết nối ở đây không chỉ đơn thuần là việc kết nối các di tích, di sản văn hóa mà đó còn là sự kết nối giữa các ngành, các địa phương; kết nối giữa cư dân các điểm du lịch - các phường Xoan gốc với du khách; kết nối giữa các hoạt động quản lý, khai thác văn hóa, du lịch với kinh tế… và đặc biệt là sự kết nối giữa các tỉnh, vùng, miền trong Chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”; “Chương trình du lịch 8 tỉnh Tây Bắc”, “Chương trình hợp tác phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc Sông Hồng 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ”. Trong đó, tập trung kết nối giữa các địa danh, di sản văn hóa biểu biểu của các tỉnh với di sản Hát Xoan; xây dựng trang Web cho du lịch cội nguồn của tỉnh nhằm tăng cường, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch cội nguồn, về những địa chỉ/sản phẩm văn hóa - du lịch đặc thù, những điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái hấp dẫn  ở tỉnh Phú Thọ tới các cơ quan thông tấn, báo chí, đơn vị truyền thông, các Hãng lữ hành... nhằm tăng cường hiệu quả lan toả của công tác tuyên truyền. Thông qua đó kết nối, đảm bảo để khách du lịch trong nước, quốc tế có thể tiếp cận với di sản văn hóa vùng đất Tổ; tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa cội nguồn để xây dựng thương hiệu du lịch của Phú Thọ. Nhiều điểm tham quan du lịch, nhiều hoạt động dịch vụ tham quan du lịch gắn với di sản được mở ra. Đặc biệt, ngày 04/4/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ phối hợp với UBND thành phố Việt Trì tổ chức Chương trình công bố sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” và tour du lịch hàng ngày Hà Nội -Phú Thọ. 
Di sản Hát Xoan ngày nay càng gắn bó chặt chẽ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đây thực sự là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Với sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các Bộ, ngành trung ương; sự tham gia, đóng góp, giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, các nhà khoa học, các chuyên gia và trên hết là sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân và cả cộng đồng tỉnh Phú Thọ đảm bảo cho di sản Hát Xoan Phú Thọ được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại./.
 
Đoàn đại biểu Việt Nam tại kỳ họp thứ 12 - Ủy ban Liên chính phủ (Ảnh: st)

Phòng QL di sản văn hóa - Sở VHTTDL
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com