Thứ 5 | 23/11/2017
Ngày 24/11/2011, Ủy ban Liên Chính phủ công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã thông qua quyết định số 6.COM.8.23 ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Ngay sau khi được UNESCO ghi danh và tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn - 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có Chương trình hành động về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2012 - 2015). Ngày 07/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020). Quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những năm qua đã được các cấp ủy, chính quyền, ban ngành quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cùng với sự tham gia tích cực, chủ động của nghệ nhân, cộng đồng các phường Xoan và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Các biện pháp bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị di sản Hát Xoan được thực hiện một cách bài bản, khoa học theo đúng các quy định của UNESCO và pháp luật Việt Nam hiện hành, được các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các nghệ nhân và cộng đồng các phường Xoan ghi nhận, đánh giá cao.
Những nỗ lực đó của tỉnh Phú Thọ đã được UNESCO ghi nhận, coi là trường hợp điển hình, khuyến cáo các quốc gia có biện pháp bảo vệ các di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam và tỉnh Phú Thọ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 họp tại Namibia ngày 04/12/2015 đã ban hành Quyết định số 10.COM 19 cho phép Hát Xoan Phú Thọ là trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên và ngoại lệ được tiến hành lập hồ sơ gửi UNESCO để xem xét chuyển từ  Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhận loại vào năm 2017. Ngày 25/3/2016, hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) gửi đến UNESCO đúng thời gian quy định.
Các hoạt động bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền, các phường Xoan và cộng đồng thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ với tầm nhìn có tính chiến lược, toàn diện, sâu sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được tổ chức nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến với đời sống cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Phú Thọ, Cổng giao tiếp điện tử tỉnh, UBND thành phố Việt Trì, Hội Di sản văn hóa tỉnh… chú trọng tuyên truyền về những kết quả đạt được và đặc biệt khẳng định những nỗ lực của Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị và xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Sở Ngoại vụ đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan Phú Thọ trên Đặc san Đối ngoại Phú Thọ, Website song ngữ của Sở, phối hợp với Báo Thế giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương, tuyên truyền đến nhân dân cũng như bạn bè trên thế giới hiểu về những giá trị độc đáo và nâng cao nhận thức về di sản bằng nhiều ngôn ngữ. Sở Thông tin và Truyền thông biên dịch tin, bài viết về  Hát Xoan Phú Thọ sang tiếng Anh đăng tải trên Cổng giao tiếp điện tử tỉnh nhằm quảng bá về những nét văn hóa đặc sắc của Hát Xoan Phú Thọ ra thế giới, đồng thời xây dựng chuyên mục và biên tập, cập nhật video clip các bài Hát Xoan. Xuất bản 2.000 cuốn Đặc san Thông tin và Truyền thông, đặc san Thông tin Đối ngoại song ngữ Việt - Anh, trong đó có đăng tải bài viết và hình ảnh về di sản Hát Xoan. Báo Phú Thọ đã tăng tải trên 150 lượt tin, bài, ảnh tuyên truyền về Hát Xoan trên các ấn phẩm Báo Phú Thọ với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng có chất lượng cao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình có nhiều bài viết chuyên sâu tuyên truyền về những tấm gương Nghệ nhân Hát Xoan tiêu biểu, các di tích liên quan đến Hát Xoan, công tác truyền dạy và thực hành Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền quảng bá di sản di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, phục hồi các tập tục liên quan Hát Xoan, các hoạt động đưa di sản Hát Xoan vào trường học, việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các Nghệ nhân Hát Xoan... UBND thành phố Việt Trì tuyên truyền cổ động trực quan đậm nét về di sản Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trên các trục đường thành phố, xây dựng video clip về nội dung tuyên truyền biểu diễn Hát Xoan phát trên các bảng điện tử.
Hoạt động thực hành và truyền dạy Hát Xoan: Cộng đồng, đặc biệt là các phường Xoan đã thể hiện sự quyết tâm giữ gìn Hát Xoan lâu bền cho các thế hệ con cháu bằng việc không ngừng truyền dạy và hăng hái luyện tập nâng cao kỹ năng, chất lượng trình diễn Hát Xoan. Các nghệ nhân cao tuổi tiếp tục phát huy tốt những hiểu biết, các kỹ năng, bí quyết nghề của mình cho sự nghiệp trao truyền di sản, khuyến khích các thế hệ trẻ tuổi theo đuổi và tiếp nối sự nghiệp của những lớp nghệ nhân già. Các phường Xoan duy trì tổ chức các hoạt động thực hành, trình diễn, truyền dạy Hát Xoan với đủ các thế hệ từ cao niên đến khá đông đảo đội ngũ lớp trung niên và các cháu thanh, thiếu nhi (số lượng thành viên các phường Xoan tăng 81 thành viên so với kỳ kiểm kê tháng 3/2016). Việc phục hồi và bảo tồn các bài bản Xoan cổ tại các phường Xoan và Câu lạc bộ hát xoan được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nội dung bài bản Hát Xoan cổ của các phường Xoan đã được bảo tồn, truyền dạy và duy trì thực hành qua nhiều thế hệ theo đặc trưng của Hát Xoan cổ tập trung vào các lứa tuổi, nòng cốt là các nghệ nhân của các phường Xoan thường xuyên biểu diễn, truyền dạy. Các phường Xoan đã khôi phục và duy trì tục lệ Hát Xoan truyền thống (Hát thờ, hát Nghi lễ, hát hội) vào các kỳ tiệc lệ tại không gian thờ cúng (miếu Cấm, miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Thét, đình Kim Đái) và ở một số làng có tục kết nghĩa gắn với Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương. Nhờ sự tích cực truyền dạy của một số nghệ nhân cùng với sự hỗ trợ về công tác tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nghệ nhân cao tuổi đã truyền dạy, đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận (thuộc lứa tuổi 30 - 60), hàng 100 con em của các phường Xoan với nhiều thế hệ đã được đào tạo qua các lớp Hát Xoan do các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Những nghệ nhân kế cận tiếp tục được các nghệ nhân lão thành đào tạo nâng cao về kỹ năng Hát Xoan tiếp tục duy trì thực hành và dạy Hát Xoan trong các phường Xoan, các câu lạc bộ và ở cả trường học. Đồng thời, nhiều Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca đã trình diễn hát Xoan thường xuyên tại các không gian thờ cúng, tạo ra vùng Xoan lan tỏa rộng khắp ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Hỗ trợ về vật chất và kinh phí: Hoạt động truyền dạy, thực hành và trình diễn hàng năm ở 4 phường Xoan do Trùm phường và cộng đồng tổ chức với sự hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất của các cấp chính quyền. Mặc dù khó khăn về kinh phí, nhưng năm 2016, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục hỗ trợ cho 4 phường Xoan, mỗi phường 30 triệu đồng/năm; thành phố Việt Trì hỗ trợ mỗi phường Xoan 25 triệu đồng/năm.
Bên cạnh các phường Xoan, ở Phú Thọ còn có nhiều nhóm những người yêu thích Hát Xoan tự thành lập các câu lạc bộ. Tỉnh Phú Thọ hiện có 34 Câu lạc bộ cấp tỉnh với 1.557 thành viên tham gia (tăng 270 thành viên so với kỳ kiểm kê tháng 3/2016). Ngoài ra, Hát Xoan còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 64 Câu lạc bộ cấp huyện với 1.325 thành viên và 42 Câu lạc bộ cấp xã với 1.430 thành viên). Đối với các Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở lựa chọn truyền dạy một số bài bản Hát Xoan ở 3 chặng Hát Xoan cổ, đối tượng tham gia là đại diện ban chủ nhiệm, hạt nhân tiêu biểu của 34 Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ trên địa bàn tỉnh. Tháng 10/ 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai tập huấn bồi dưỡng kỹ năng trình diễn Hát Xoan cho 87 thành viên là hạt nhân các Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh.
 

Liên hoan Văn nghệ quần chúng, hát Xoan và dân ca Phú Thọ tại Lễ hội Đền Hùng năm 2017 - Ảnh: Quách Sinh

 
Đặc biệt trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu - 2017, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng, hát Xoan và dân ca Phú Thọ, tổng số 44 đội tham gia với 235 tiết mục và gần 1200 diễn viên (tăng 3 CLB và 138 diễn viên, nghệ nhân so với năm 2016). Hầu hết các tiết mục tham gia của các đội đều có sự chuẩn bị chu đáo, chất lượng được nâng cao so với liên hoan năm 2016. Nhiều chương trình của các đơn vị được dàn dựng đan xen giữa tiết mục Xoan cổ và các tiết mục khai thác từ chất liệu dân ca, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Đồng thời, trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, thành phố Việt Trì tổ chức Liên hoan Hát Xoan cho đối tượng là thanh, thiếu nhi Việt Trì lần thứ tư với sự tham gia của 120 diễn viên với 18 tiết mục của 06 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố. Các Câu lạc bộ Hát Xoan của thành phố Việt Trì đã tích cực tham gia nhiều hoạt động biểu diễn giao lưu để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng như đã tổ chức 72 chương trình Hát Xoan và văn nghệ quần chúng định kỳ tại vườn hoa Công viên Văn Lang thu hút trên 3.000 lượt nhân dân và du khách tham dự. Các phường Xoan và các câu lạc bộ Hát Xoan trên địa bàn thành phố tham gia biểu diễn, phục vụ 14 đoàn/280 lượt người nước ngoài đến tham quan du lịch; 50 đoàn/150 đoàn khách các tỉnh xem biểu diễn Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn và đình Hùng Lô trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương....,  tham gia trình diễn Hát Xoan tại lễ khai mạc triển lãm ảnh “ Đất nước con người Asean” năm 2017, quảng bá Hát Xoan tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban UNESCO Việt Nam. Tham gia chương trình “ Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa phục vụ nhân dân và du khách trọng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng…. Các chương trình biểu diễn quảng bá Hát Xoan trong thời gian qua đã được quan tâm cả số lượng và chất lượng, các chương trình biểu diễn quảng bá có sự kết hợp giữa các diễn viên của các đơn vị nghệ thuật và các nghệ nhân, các thế hệ của các phường Xoan gốc, chủ yếu do các diễn viên trẻ tham gia biểu diễn, gây ấn tượng đối với nhân dân cả nước và du khách nước ngoài.
Tiếp tục đưa di sản Hát Xoan vào trường học, nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan và mở lớp truyền dạy cho giáo viên: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nghiên cứu, biên soạn xuất bản sách đĩa DVD và tổ chức tập huấn Hát Xoan cho giáo viên dạy âm nhạc trong các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2016 - 2018). Tổ chức 03 lớp tập huấn truyền dạy Hát Xoan cho 258 học viên là giáo viên có trình độ âm nhạc từ trung cấp trở lên, đang tham gia giảng dạy tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tiếp tục nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan trong 652 trường học; Dự án ký âm xong 31 bài Xoan cổ và tổ chức Hội đồng thẩm định lần 1, hiện đang tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện về ca từ, tiêu đề, nguồn tài liệu, để phục vụ cho việc in sách làm tài liệu Hát Xoan. Đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong việc cung cấp tài liệu nhằm lưu giữ, phổ biến, trao truyền Hát Xoan cho các giáo viên dạy âm nhạc trong các trường phổ thông và các Câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh.
 100% các trường Tiểu học (298 trường), Trung học cơ sở (259 trường) đưa Hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn âm nhạc. Các bài Hát Xoan được đưa vào trong kế hoạch giảng dạy chính khóa do giáo viên âm nhạc đảm nhiệm. Các đơn vị thực hiện tốt như các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở thành phố Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Đoan  Hùng. Ngoài việc đưa Hát Xoan vào giảng dạy, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở sử dụng Hát Xoan trong các hoạt động giáo dục tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ trong và ngoài nhà trường… Đối với các trường Trung học phổ thông, Hát Xoan được tổ chức trong các hoạt động tập thể, các buổi ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tại các lễ hội, hội thi, hội diễn... Các bài Hát Xoan luôn được lựa chọn để biểu diễn trong Chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Nhà giáo việt Nam 20/11, Lễ Khai giảng, Bế giảng năm học, ngày hội trường, đón trường chuẩn quốc gia. Một số cơ sở giáo dục đã thành lập và duy trì Câu lạc bộ, Đội văn nghệ Hát Xoan, như các Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì, Chuyên Hùng Vương, Công nghiệp Việt Trì, Nguyễn Tất Thành, Vũ Thê Lang…; tổ chức nhiều chương trình giao lưu và tuyên truyền về giá trị Hát Xoan với nghệ nhân các phường Xoan.
Bảo vệ “Báu vật nhân văn sống” là một trong những nhiệm vụ luôn được chú trọng trong nhiều năm qua thông qua các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân (như đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức trình diễn, khai thác truyền nghề, tài trợ tài chính để lưu giữ, truyền dạy di sản...). Công nhận danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ là nhằm tôn vinh công lao những “Báu vật nhân văn sống”, đồng thời, đề cao nhận thức về vai trò, vị trí của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Năm 2015, 17 Nghệ nhân Hát Xoan đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước  “Nghệ nhân ưu tú”. Năm 2017, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai thực hiện công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Hai - năm 2018, trong đó có các Nghệ nhân Hát Xoan. Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (là cơ quan Thường trực của Hội đồng xét tặng cấp tỉnh) đã tiếp nhận và thẩm định 27 hồ sơ đề nghị xét tặng, trong đó có 14 hồ sơ của các Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ (06 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, 08 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú). Danh hiệu“Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ” đã được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng chó 52 người (34 người năm 2012, trong đó 3 nghệ nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc; 18 người ở Phú Thọ năm 2015). Tiếp tục thực hiện “Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành, đặc biệt là các xã có phường Xoan gốc trên địa bàn thành phố Việt Trì đưa công tác Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ” lần thứ Ba - năm 2018 vào Kế hoạch công tác năm 2018.
Bảo tồn, phục hồi không gian văn hóa Hát Xoan: 20/30 di tích đình, miếu là nơi có tục lệ Hát Xoan thờ thần vào dịp đầu xuân - Không gian văn hóa thực hành và bảo tồn di sản Hát Xoan được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện cho trình diễn Hát Xoan thờ thần. Trong đó, 4 đình, miếu ở 4 phường Xoan (An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái) được tu bổ, phục hồi hoàn chỉnh, tất cả các phường Xoan gốc có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để tổ chức các lớp truyền dạy, cũng như thực hiện các nghi lễ, trình diễn hát Xoan gắn với việc thờ cúng các Vua Hùng. Năm 2016 - 2017, tỉnh Phú Thọ đã cấp kinh phí 2,4 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo đình Thét và 3,0 tỷ đồng tôn tạo miếu Lãi Lèn. (Chưa kể kinh phí tu bổ, phục hồi các không gian trình diễn hát thờ ở các địa phương khác trong  tỉnh).
Sưu tầm, phục chế, bổ sung tài liệu, hiện vật, tổ chức trưng bày chuyên đề về Hát Xoan Phú Thọ được duy trì tại Bảo tàng Hùng Vương. Đặc biệt, trong khuôn viên miếu Lãi Lèn có Nhà trưng bày nghệ thuật Hát Xoan khá hiện đại với nội dung trưng bày tài khoa học các tài liệu, hiện vật, hình ảnh và đầy đủ tiện nghi về điều kiện trình diễn Hát Xoan được coi là một bảo tàng duy nhất về Hát Xoan Phú Thọ, là nơi giới thiệu, trình diễn về Hát Xoan phục vụ du khách. Chắc chắn miếu Lãi Lèn sẽ là một điểm tham quan ấn tượng để du khách trong nước và quốc tế có thể trải nghiệm,tìm hiểu và thưởng thức giá trị nghệ thuật của di sản Hát Xoan Phú Thọ, hiểu biết thêm về di sản văn hoá vùng đất Tổ…
   Kết quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã và đang chứng minh sức sống bền vững của Hát Xoan Phú Thọ trong đời sống cộng đồng; thể hiện sự đúng đắn trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là sự khẳng định những nỗ lực cố gắng của các nghệ nhân, cộng đồng và của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ đề nghị tổ chức UNESCO đưa Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017./.
                                                  
                 Phòng Quản lý di sản văn hóa
                                                                        Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com