Thứ 4 | 02/12/2015
          Cuộc hành trình vĩ đại của dân tộc ta từ vùng đất Tổ triển khai mở đất mở nước từ thuở các vua Hùng trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Miền đất Phú Thọ đã có một cuộc hành trình để di sản hát Xoan Phú Thọ trở thành một di sản của nhân loại. Đây là cuộc hành trình đặc biệt mà cộng đồng các dân tộc trên đất Phú Thọ đã và tiếp tục trải qua. Ngày 24/11/2011 Ủy ban liên quốc gia của UNESCO tại Bali, Indonesia đã chính thức công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
1. Cuộc hành trình đi tìm di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ” là một cuộc hành trình đầy thử thách chứa đựng tâm nguyện của cộng đồng người dân Đất Tổ tự hào về nơi cội nguồn dân tộc. Mục tiêu là nơi đất Tổ với núi mẹ Nghĩa Lĩnh Đền Hùng phải trở thành di sản của nhân loại được UNESCO công nhận.
          Nhớ lại ngày đầu tiên khi lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành văn hóa tham mưu để báo cáo Chính phủ xem xét đưa Đền Hùng phải trở thành di sản đại diện của nhân loại với nhận thức về một lễ hội, một di tích mà cả nước hàng năm cứ đến ngày Giỗ Tổ lại trẩy hội về miền đất thiêng. Không ở đâu trên thế giới lại có một miền đất mà trăm họ từ miền núi đến đồng bằng, từ Bắc vô Nam, già trẻ gái trai nô nức hành hương vào dịp Giỗ Tổ 10/3 âm lịch.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giổ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
                                                                                                                                                (Ca dao)
          Câu ca ấy đã đi vào tiềm thức trở thành nhận thức và hành động có ý thức của người Việt Nam một cách mạnh mẽ trong suốt thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đặc biệt là vào đầu thế kỷ 21.
2. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945; ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - người con Quảng Nam là Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trì làm lễ dâng hương tại đền Hùng.
          Ngày 19/9/1954 kết thúc 9 năm gian khổ kháng chiên với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bác Hồ về thăm Đền Hùng và nói chuyện với đại Đoàn quân Tiên Phong, Người nói:
“ Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
          Sau ngày thống nhất Tổ quốc, năm 1977 lên thăm Đền Hùng, Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói: “Phải xây dựng Đền Hùng để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng”.
          Từ những ý tưởng sâu xa của Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã biến thành ý chí của cả cộng đồng người dân miền đất được cả nước giao phó làm “ông từ giữ đền”.
          Khúc dạo đầu sau nhiều băn khoăn, tìm tòi là xin chủ trương xây dựng hồ sơ “ Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học thời đại đồng thau sắt sớm ở Phú Thọ” với lý do là nếu trình UNESCO về Đền Hùng thì rất khó khả thi. Tiêu chí “di sản” có giá trị nổi bật toàn cầu luôn là yêu cầu và tiêu chí hàng đầu của một thực thể muốn trở thành di sản văn hóa thế giới.
          Ngày 11/7/2007 Chính phủ ký văn bản 3867/VPCP-VX về việc lập hồ sơ “Di tích Đền Hùng và di tích khảo cổ đồng thau sắt sớm ở Phú Thọ” với ý nguyện phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kết quả nghiên cứu các di tích thuộc thời đại đồng thau sắt sớm ở Phú Thọ có thể là cơ sở quan trọng để giải quyết vấn đề Đền Hùng là khu di sản thế giới vì đó là nơi tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
          Ngày 7/7/2008 UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Vă hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc hội thảo tại Trung tâm hội nghị tỉnh với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trên các lĩnh vực: sử học, khảo cổ học, văn nghệ dân gian dưới sự chủ trì của ông Lưu Trần Tiêu - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam và bà Nguyễn Thị Kim Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở VH,TT&DL và kết luận hội thảo là cần ưu tiên xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
3. Sau hội thảo lãnh đạo tỉnh Phú Thọ giao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu để tìm hướng đi thích hợp. Đền Hùng vẫn được coi là tâm điểm, với sự nhạy cảm giáo sư Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam gợi ý hãy tìm ở văn hóa Phú Thọ vì văn hóa vật thể hội thảo năm 2007 đã chỉ rõ con đường này cũng khó. Nhưng với ý chí, mục tiêu “ Mọi con đường đều dẫn tới thành Roma”, ngày 28/12/2008 tại khách sạn Thái Bình I, cuộc tọa đàm hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học Trung ương và địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình ra một số di sản văn hóa phi vật thể từ Trò Trám xã Tứ Xã, hát Xoan, hát Ghẹo, hát Trống quân Hữu Bổ, hội Phết Hiền Quan để lựa chọn và cái gì đến đã đến, hội thảo đã có một quyết định lịch sử lựa chọn Hát Xoan Phú Thọ.
          Như vậy sự day dứt của các cấp các ngành, các nhà khoa học và nhân dân đã được giải tỏa. Niềm tin tưởng như được tiếp lửa để lao vào chặng đường mới cũng đầy cam go. Không có gì đơn giản mà chỉ có chữ “đơn giản” mà thôi.
          Cuối năm 2008, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ một lần nữa lại tổ chức chuyến điền giã về các miền còn lưu dấu tích hát Xoan, đến các nhà sưu tầm, nghiên cứu, từ hội ý đến hội nghị giao ban để đầu năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Chính phủ đồng ý cho triển khai xây dựng hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” tại văn bản số 5547/VPCP - KGVX ngày 12/8/2009, Phó Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” trình Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
          4. Từ ý chí quyết tâm đến hội thảo, lại một lần nữa lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao, du lịch cùng các nhà nghiên cứu đi làm phim tư liệu, gặp gỡ nghệ nhân ở 4 làng xoan cổ và 20 cửa đình của các làng xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Nắng mưa, đường gập gềnh không ngăn được bước chân của cán bộ đi đến tận gia đình các nghệ nhân, các di tích… để tìm “hạt ngọc” của dân ca hát Xoan . Những bến sông xưa, cửa đình, cửa miếu được các già làng cho biết cái ngày đi hát thờ và cả hát giao duyên trữ tình của các làng xoan. Từ giám đốc Viện Âm nhạc Lê Văn Toàn, nhà nghiên cứu cao niên Đặng Hoành Loan tới cán bộ phòng Di sản, Bảo tàng Hùng Vương không quản ngày đêm lặn lội ghi chép , ghi hình, phỏng vấn nghệ nhân. Tư liệu dày dặn, bản đồ không gian vùng xoan được bổ sung dần. Đây chưa phải là cuộc tổng điều tra, mà triển khai điều tra, khảo sát, sưu tầm các tư liệu về Hát Xoan nhằm đánh giá hiện trạng, các hình thức sinh hoạt liên quan tới Hội Xoan và nghệ thuật hát Xoan. Trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng  9/2009 đến hết tháng 10/2009 các nhà khoa học, cán bộ ngành văn hóa tập trung tìm hiểu chủ yếu về cách tổ chức sinh hoạt văn hóa, các di tích, di vật gắn với hát Xoan; các địa danh, trang phục, dụng cụ, âm nhạc, tài liệu chữ viết, chữ Hán nôm…
          5. Ngày 13/10/2009 tại thành phố Việt Trì Anh hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, phối hợp với Việt Âm nhạc tổ chức hội thảo khoa học. Chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở VH,TT&DL và  PGS.TS.NGƯT Lê Văn Toàn PGĐ Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, NS.Đặng Hoành Loan – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia.
          Tham gia hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu của Trung ương và địa phương, các nhà quản lý và đại diện cộng đồng địa phương các xã vùng Xoan. Hội thảo đã kết luận với 8 vấn đề:
          Thứ nhất: Xác định và thống nhất những quan điểm, cách tiếp cận, nghiên cứu cơ bản về hát Xoan.
          Thứ hai: Tiến trình điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về hát Xoan từ nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, từ trí nhớ, ký ức của cộng đồng, từ đó nghiên cứu, thẩm định và phân loại di sản văn hóa phi vật thể.
          Thứ ba là tiếp tục Hội thảo để xác định giá trị và biện pháp bảo vệ về giá trị truyền thống của hát Xoan trong xã hội đương đại, xác định giá trị nghệ thuật và văn hóa của hát Xoa và quảng bá, tuyên truyền phổ biến trong tình hình hiện nay.
          Thứ tư: Cần phục hồi và làm sống lại hát Xoan trong đời sống cộng đồng, trong nhận thức xã hội, trong môi trường diễn xướng, môi trường công chúng cho hát Xoan.
          Thứ năm là các biện pháp truyền dạy và hỗ trợ thực hành hát Xoan trong cộng đồng. Lấy 4 cộng đồng làng Xoan gốc là chủ thể của hát Xoan, phục hồi, phát huy giá trị của hát Xoan.
          Thứ sáu là cần đưa hát Xoan và giảng dạy  ngoại khóa trong các trường phổ thông của Phú Thọ.
          Thứ bảy là xây dựng mạng lưới các cơ quan tổ chức, các nhà nghiên cứu và cộng đồng để xây dựng hồ sơ hát Xoan như hồ sơ viết, phim, bản đồ, ảnh, bản cam kết, danh mục kiểm kê, tư liệu hóa về hát Xoan.
          Thứ tám là cam kết phục hồi, truyền dạy, nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội, xây dựng hồ sơ có chất lượng….
          6. Ngày 11/12/2009 tại công văn số 4335 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ với Viện Âm nhạc, Cục Di sản văn hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Hát Xoan Phú Thọ” và “Đêm Xoan ngoại giao” nhằm tìm hiểu những thông tin cần thiết từ các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế về nghệ thuật hát Xoan để bổ sung vào hồ sơ hát Xoan Phú Thọ để trình UNESCO xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đồng thời giới thiệu quảng bá tới du khách trong và ngoài nước về loại hình nghệ thuật độc đáo này.
          Công việc đan xen và dồn dập, ngày 25/12/2009 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 4938 thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” gồm 13 đồng chí do ông Nguyễn Doãn Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, ông Trần Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL và bà Nguyễn Thị Kim Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ làm Phó trưởng ban. Tiếp theo ngày 28/12/2009 Bộ VH,TT&DL ra quyết định giao Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Sở VHTTTDL Phú Thọ xây dựng hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” và hai đơn vị này có trách nhiệm phối hợp với Cục Di sản văn hóa thực hiện quy trình, tham vấn ý kiến chuyên môn để sớm thông qua Hội đồng Di sản văn hóa phi vật thể để báo cáo Lãnh đạo Bộ. Như chúng ta đã biết công việc dồn dập, thời gian như “bóng câu qua cửa sổ” bởi hạn nộp hồ sơ chậm nhất ngày 20/3/2010, nộp hồ sơ đã hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ để gửi đi UNESCO. Hồ sơ gồm 4 bộ bằng hai thứ tiếng Việt, Anh, nếu có thêm bản tiếng Pháp thì càng tuyệt.
          Ngày 15/1/2010 tại phòng họp số 1 của UBND tỉnh Phú Thọ đã diễn ra hội thảo Quốc tế về hát Xoan Phú thọ. Tới dự có đông đảo các nhà nghiên cứu Quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Miama, Lào, Campuchia, Pháp, Anh, Mỹ… Cuộc hội thảo đã thành công ngoài mong đợi đã tập hợp in kỷ yếu bằng tiếng Anh về hát Xoan Phú Thọ”.
          Trước đêm Ngày hội thảo các đại biểu Quốc tế và trong nước đã được xem trình diễn hát Xoan Phú thọ tại ngôi đình Lâu Thượng – Một ngôi đình xếp hạng di tích Quốc gia về nghệ thuật điêu khắc từ thế kỷ XVII. Một đêm hát Xoan cổ Phú Thọ thật linh thiêng, giàu cảm xúc. Đây là lần đầu tiên các vị khách quốc tế được xem Xoan cổ tại Phú Thọ.
Thực hiện Kế hoạch 2500/KH - UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh và sự phân công của Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ Hát Xoan của Sở VH,TT&DL một sự kiện đáng ghi nhớ là từ 20/01/2010 đến 30/01/2010 một nhiệm vụ quan trọng là tổ chức ghi âm, ghi hình Hát Xoan Phú Thọ nhằm xây dựng bộ phim Master 60 phút, phim Master 10 phút tiếng Việt, tiếng Anh và đĩa CD phục vụ hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ. Lực lượng huy động nghệ nhân 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu, công việc là phỏng vấn, quay cảnh rước kiệu, cảnh quan viên, chức sắc xem Hát Xoan ở đình Lâu Thượng , Đền Hùng, thu thanh ở Đài Phát thanh truyền hình. Hôm nào cũng vậy từ 8 giờ sáng các xe ô tô chở đón nghệ nhân, có hôm thu thanh đến 23, 24 giờ đêm mới xong rồi đưa nghệ nhân trở về làng. Cuộc vật lộn với đường làng lầy lội và giá rét, năm ấy sao mà rét thế. Cả cán bộ Viện Âm nhạc, cán bộ Sở, cán bộ Bảo tàng đưa đón phục vụ cùng các nhà quay phim, Biên tập viên của Viện Âm nhạc. Tất cả mọi người đều khẩn trương nhưng cẩn trọng vì thước phim, lời thu âm phải chuẩn xác.
7. Ngày 30/03/2010 toàn bộ Hồ sơ Di sản Hát Xoan đã được chuyển tới Paris thủ đô của nước Pháp, nơi có trụ sở tổ chức UNESCO.
Hồ sơ đi rồi, công việc vẫn còn tiếp tục, đó là một sự kiện đặc biệt “Đêm Hát Xoan ngoại giao” đầy ấn tượng tại Bảo tàng dân tộc học VIệt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội. Đêm ấy có đông đủ Đại sứ,Tham tán văn hóa hầu hết các quốc gia, tổ chức UNESCO, Bộ Ngoại giao và thủ đô Hà Nội tới dự. Hình ảnh, ánh sáng và lời ca âm điệu nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ làm bừng sáng cả không gian vốn trầm mặc của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.
Sự chờ đợi lặng lẽ và cả hồi hộp , lo âu hơn một năm , cái gì đến đã đến, giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ đã được tổ chức UNESCO đã đánh giá cao. Ngày 24/11/2011 tại Thành phố biển Bali xinh đẹp của nước Cộng hòa Indonexia, Ủy Ban liên chính phủ tổ chức UNESCO đã công bố ghi danh Hát Xoan Phú Thọ. Hôm ấy nắng biển Bali lộng gió, cả đoàn đại biểu Việt Nam, trong đó có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thật vinh dự tự hào và cả sung sướng trào dâng nước mắt. Những giọt nước mắt và nụ cười rạng rỡ vì Phú Thọ - Đất Tổ Vua Hùng đã có một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo mang giá trị lịch sử, giá trị nhân văn cao cả được vinh danh.


Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Công  nhận hát xoan là di sản VHPVT tại Bali - Indonesia
 
          Lời kết. Có thể nói để hoàn thành cuộc hành trình đưa Hát Xoan Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, cộng đồng tỉnh Phú Thọ đã đi trọn 5 năm. Ngần ấy năm, không dài so với lịch sử Hát Xoan Phú Thọ từ thời Hùng Vương dựng nước, nhưng là cả một sự vượt khó của Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ngành, cán bộ và nhân dân miền Đất Tổ. Thách thức và vinh quang vẫn còn đó là tiếp tục thực hiện 8 Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ  và phát huy giá trị Di sản Hát Xoan Phú Thọ để một lần nữa Hát Xoan Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Nguyễn Anh Tuấn
Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com