Thứ 3 | 07/05/2024

baophutho.vnThời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức cho học sinh tham quan, giao lưu, trải nghiệm Hát Xoan tại các phường Xoan cổ. Qua đó, giáo dục các em về việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Hát Xoan.

Học sinh Trường Phổ thông CLC Hùng Vương tham gia Hát Xoan cùng nghệ nhân và du khách nước ngoài tại Đình Hùng Lô, TP Việt Trì.

Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan đã được biên soạn và đưa vào chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ, theo chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 - 2022 đã góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, nhiều nhà trường đã tổ chức các buổi trải nghiệm cho học sinh tham gia Hát Xoan cùng các nghệ nhân.

Hàng năm, tại các miếu, đình làng Xoan cổ thuộc các xã Kim Đức, Phượng Lâu và Hùng Lô, TP Việt Trì đón hàng nghìn học sinh tham gia trải nghiệm trình diễn “Hát Xoan làng cổ”.

 

Học sinh giao lưu cùng “bà trùm” phường Xoan cổ Nguyễn Thị Lịch.

Năm học 2023-2024, Trường Phổ thông chất lượng cao Hùng Vương, TP Việt Trì đã tổ chức cho hơn 200 học sinh khối tiểu học tham gia trải nghiệm Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức và đình Hùng Lô, xã Hùng Lô, TP Việt Trì. Tại đây, các em học sinh đã được tham quan tại nhà trưng bày di sản nghệ thuật Hát Xoan bao gồm hệ thống tài liệu, hình ảnh, hiện vật, bản đồ, phim tài liệu khoa học... Đồng thời, được nghe giới thiệu, trải nghiệm, hiểu rõ hơn về nghệ thuật Hát Xoan, lịch sử hình thành và tồn tại của di sản; cảm nhận, được thưởng thức biểu diễn Hát Xoan, giao lưu cùng các nghệ nhân, sống trong không gian diễn xướng Xoan một cách chân thực và sống động nhất...

Học sinh Trường THPT Việt Trì tham gia trải nghiệm Hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn.

Cô giáo Dương Thị Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông CLC Hùng Vương cho biết: Trong chương trình giảng dạy, nhà trường đã dành một số tiết học nhất định trong bộ môn Âm nhạc, lồng ghép trong các giờ học tự chọn, sinh hoạt tập thể hoặc hoạt động ngoại khóa để dạy Hát Xoan. Sau khi học sinh thi học kỳ, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh tham gia quay video giới thiệu về Hát Xoan bằng Tiếng Anh cho các du khách nước ngoài tại hai điểm trên. Đến nay, đã có khoảng 170 học sinh đăng ký tham gia chương trình này.

Là một cơ sở giáo dục tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động dạy học trên lớp với giáo dục di sản văn hóa, Trường THPT Việt Trì đã có nhiều đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn, được coi là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình “Trường học gắn với di sản”. Nhà trường đã tổ chức cho 1.000 học sinh khối 10 và 11 tham gia trải nghiệm Hát Xoan với các nghệ nhân phường Xoan gốc tại Miếu Lãi Lèn. Bên cạnh được học và giao lưu Hát Xoan, các em học sinh còn được trải nghiệm các cuộc thi tìm hiểu về di sản; bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn di sản.

Cô giáo Phạm Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Trì chia sẻ: Ngay từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng chương trình học theo nội dung giáo dục địa phương và tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp gắn với Hát Xoan. Từ nay đến hết năm học, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng Hùng Vương. Tại đây, các em học sinh được các hướng dẫn viên bảo tàng cùng các nghệ nhân Hát Xoan giới thiệu về lịch sử, về trang phục và trực tiếp thực hành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.

Hướng dẫn viên của Bảo tàng Hùng Vương giới thiệu về lịch sử và trang phục Hát Xoan cho học sinh.

Là một trong những trường đi đầu trong tổ chức truyền dạy, trải nghiệm và trình diễn về Hát Xoan, Trường Tiểu học Gia Cẩm, thành phố Việt Trì đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện bằng xây dựng kế hoạch giảng dạy ngay từ đầu năm học. Ngoài dạy hát trong giờ âm nhạc, Trường còn đưa vào hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đến nay, 100% học sinh các lớp đều được tìm hiểu và học Hát Xoan; trong đó yêu cầu đối với học sinh từ lớp hai thuộc trên năm bài Xoan cổ. Câu lạc bộ Hát Xoan nhà trường được thành lập từ năm học 2015-2016 và luôn có khoảng 100 học sinh tham gia. Câu lạc bộ thường xuyên giao lưu với các phường Xoan cổ trong thành phố, các khu dân cư, giao lưu Hát Xoan các cấp, biểu diễn chào mừng các sự kiện chính trị của tỉnh, thành phố và ngành giáo dục. Qua đó, các em phát triển nhiều kỹ năng mềm, sự tự tin và ý thức giữ gìn, lưu truyền di sản.

100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung Hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ Hát Xoan cấp trường.

Việc tổ chức cá buổi trải nghiệm gắn với Hát Xoan không những tăng tính thực tiễn trong giảng dạy, mà còn là phương pháp hiệu quả nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh. Thông qua các hoạt động giao lưu, các em đã được phát triển nhiều các kỹ năng mềm, song trên hết là sự tự tin, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng và ý thức gìn giữ, lưu truyền di sản Hát Xoan.
Thanh Trà
Dẫn nguồn: 
Tăng cường trải nghiệm Hát Xoan cho học sinh (baophutho.vn)

 
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com