Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca nghi lễ gắn với tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước để cầu mong mưa thuận, gió hoà, cây cối mùa màng bội thu và được hát trong các lễ hội mùa xuân tổ chức tại các ngôi đình làng trên vùng quê Đất Tổ Hùng Vương. Vì vậy, có một số nhà nghiên cứu còn cho rằng Hát Xoan có từ thời Hùng Vương dựng nước và Hát Xoan có liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên quê hương Phú Thọ- Đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan còn có tên gọi khác là "Hát cửa đình" hay "Ca môn đình" đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tuy vậy, kể từ sau khi Hát Xoan được bảo vệ khẩn cấp, có một số vấn đề cần được hiểu và thống nhất dựa trên căn cứ về tư liệu khoa học và thực tế lịch sử của Hát Xoan đã bị mai một hơn 60 năm, nay mới được phục hồi và làm " sống lại " một di sản văn hoá phi vật thể đặc trưng của miền quê trung du Phú Thọ.
Vấn đề thứ nhất: Thế nào là cửa đình ? Trong kiến trúc truyền thống của ngôi đình làng của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ xuất hiện từ cuối thế kỷ XV và phát triển mạnh vào thế kỷ XVI- XVII- XVIII và cuối thế kỷ XIX thường sử dụng dạng thức kiến trúc chữ nhất ( - ) và chữ đinh ( T ) tuỳ theo mặt bằng địa hình, vị trí và nguồn kinh phí xây dựng đình của từng địa phương. Dạng kiến trúc chữ nhất có kiến trúc đơn giản, phổ biến là kết cấu kiến trúc đình ba gian hai dĩ, có nơi là năm gian hai dĩ. Bố trí thờ tự tại gian giữa của đình gọi là thượng cung ( phần linh hồn của ngôi đình), diện tích còn lại gọi là tiền đình. Dạng kiến trúc chữ đinh có tiền đình ba gian hai dĩ hoặc năm gian hai dĩ. Phần thượng cung được bố trí nối từ gian giữa của đình lùi vào phía trong tương đương một gian là nơi bố trí thờ tự. Thượng cung có kiến trúc sàn để bố trí đồ thờ ( khí tự) ở trên cao nên gọi là thượng cung, phần kiến trúc phía trước thượng cung gọi là tiền đình. Do cách bố trí thờ tự như vậy, nên dân gian gọi phía trước thượng cung- nơi thờ Thành hoàng làng và các bậc Thánh, Thần là cửa đình. Chính vì vậy, ở phía trước thượng cung, tại các ngôi đình trang trí cửa võng bằng gỗ có ba cạnh vuông góc sát vào cột đình và xà gồ của đình, được trạm chổ tứ linh hoặc hoa văn rất đẹp để thể hiện tính chất linh thiêng của ngôi đình. Vì Hát Xoan là hát nghi lễ thờ Thành hoàng- Thánh- Thần nên được tổ chức hát tại đây, ngay trước của võng- cửa thượng cung- cửa đình- trong lòng của tiền đình chứ không phải là hát ở cửa đình là cửa ra- vào từ sân đình vào tiền đình.
Vấn đề thứ hai: Chính vì hát ở cửa đình là nơi linh thiêng, cung kính như vậy nên Hát Xoan được tổ chức thành các phường theo từng cửa đình do những đào, kép Hát Xoan phải là những "trai thanh, gái lịch" chưa vợ, chưa chồng tuổi từ 15 đến 18, 20 đến hát trước cửa đình, chứ không phải do các cụ cao tuổi hát. Hát Xoan hiện nay sau một vài năm phục dựng vẫn do các nghệ nhân cao tuổi thực hành chính là do Hát Xoan đã bị mai một từ sau cách mạng thánh 8/1945 đến nay đã hơn 60 năm, những đào, kép thuở 18, 20 ngày xưa, nay đã là những cụ ông, cụ bà 70, 80, 90 tuổi còn nhớ và truyền dạy Hát Xoan cho các con, các cháu, các chắt. Do vậy, để phục dựng Hát Xoan thì phải cần các cụ cao tuổi trình diễn và truyền dạy chứ không phải Hát Xoan là do những người cao tuổi trình diễn. Đây có thể nói là thời gian "quá độ" của quá trình phục hồi di sản Hát Xoan sau hơn 60 năm bị lãng quên. Vì thế, để bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan Sở VH,TT & DL đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho các nghệ nhân kế cận ở các lứa tuổi khác nhau: Trung niên, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng để trở thành lớp nghệ nhân tiếp tục thực hành Hát Xoan trong các cửa đình theo nghi thức truyền thống vốn có. Như vậy, có thể sau một vài năm tới, các nghệ nhân Hát Xoan cao tuổi chỉ tham gia truyền dạy Hát Xoan mà thôi, hay nói một cách khác đó là "những người giữ lửa cho Hát Xoan; những báu vật nhân văn sống" của Hát Xoan Phú Thọ.
Vấn đề thứ ba: Về trang phục Hát Xoan hiện nay cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng: Trang phục Hát Xoan hiện nay đang dùng cũng là bộ trang phục truyền thống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ trong lịch sử. Để có được bộ trang phục Hát Xoan như vậy đã phải tổ chức các cuộc hội thảo, xin ý kiến của nhiều chuyên gia về văn hoá dân gian. Cho đến nay ( 2014), sau 5 năm tiến hành phục dựng và trình diễn để làm hồ sơ (2009) và được UNESCO công nhận ( 2011), thì trang phục Hát Xoan bước đầu đã được đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý và quần chúng nhân dân đồng tình chấp nhận và bước đầu đã trở thành " biểu tượng văn hoá của Hát Xoan Phú Thọ" mỗi khi xuất hiện trình diễn phục vụ đồng bào trong nước và đồng bào ở ngoài nước và du khách quốc tế. Mặc dù vậy, công tác sưu tầm, nghiên cứu để tìm ra các tư liệu thành văn, tư liệu ảnh phản ánh trang phục Hát Xoan trong lịch sử để làm căn cứ khoa học phục dựng một cách chân xác nhất về trang phục Hát Xoan Phú Thọ vẫn cần được tiếp tục.
Một số ý kiến trao đổi trên đây nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của Hát Xoan trong đời sống cộng đồng các phường Xoan và các địa phương liên quan đến Hát Xoan trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để phấn đấu đến năm 2016 đề nghị UNESCO đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và tiếp tục đề nghị Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đặng Đình Thuận
Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa