Trong những năm qua, nhất là sau khi Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (năm 2011), công tác bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xoan đã được các cấp, các ngành tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh, thực hiện với tầm nhìn có tính chiến lược. Công tác này được thực hiện đồng bộ từ việc kiểm kê di sản với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của Hát Xoan; hỗ trợ khẩn cấp việc trao truyền từ các nghệ nhân cao tuổi cho học trò kế cận; tổ chức các lớp truyền dạy và thực hành hát Xoan trong cộng đồng và trường học; củng cố 4 phường Xoan với nền tảng vững chắc, số lượng người nắm vững hát Xoan và lớp khán giả của Hát Xoan tăng lên nhiều lần… Để có được những thành công đó, không thể không kể đến vai trò của Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ - một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ.
Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim đã tham mưu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện mở các lớp truyền dạy hát Xoan và có chính sách đãi ngộ đối với các CLB, các nghệ nhân truyền dạy, các thành viên tham gia học hát Xoan; hướng dẫn hoạt động và xây dựng các CLB hát Xoan và dân ca Phú Thọ; tổ chức hội diễn, liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ; biểu diễn giao lưu, giới thiệu, quảng bá di sản hát Xoan; tuyên truyền thông qua hoạt động chiếu phim, sáng tác tranh cổ động, tuyên truyền lưu động…
Việc đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy Hát Xoan là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nội dung quan trọng quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của Hát Xoan, phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi, truyền dạy cho thế hệ trẻ để Hát Xoan ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Trong những năm từ 2011 – 2017, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim đã tham mưu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện mở 13 lớp truyền dạy hát Xoan do các nghệ nhân của 4 phường Xoan gốc truyền dạy. Các lớp truyền dạy Hát Xoan có những tên gọi không giống nhau nhưng chủ yếu được chia làm ba loại chính đó là: Lớp đào tạo nghệ nhân kế cận; Lớp truyền dạy Hát Xoan cộng đồng; Lớp tập huấn Hát Xoan. Đối tượng học viên tới tham gia học các lớp truyền dạy Hát Xoan bao gồm nhiều thế hệ và thành phần trong xã hội, từ những bậc cao niên, trung niên, thanh niên tới các em thiếu niên, nhi đồng; từ những người dân lao động tự do, nông dân, công nhân, doanh nhân tới các cán bộ công chức, viên chức, hưu trí… Tất cả đều đến với tinh thần tự nguyện, yêu quý trân trọng và mong muốn bản thân được trực tiếp tham gia vào các hoạt động trình diễn, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hoá Hát Xoan Phú Thọ.
Mục tiêu của lớp đào tạo nghệ nhân kế cận là nhằm phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi trong việc đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận những kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghệ thuật trình diễn hát Xoan cổ để hát Xoan được lưu giữ, bảo tồn một cách bền vững (Các lớp này tập trung ở các phường Xoan gốc An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái).
Đối với các lớp hát Xoan cộng đồng, đây là lớp dành cho nhiều thành phần trong xã hội có nhu cầu hiểu biết, yêu thích hát Xoan, sau khi được truyền dạy sẽ góp phần tuyên truyền giới thiệu di sản hát Xoan tới mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để mọi người thấy được những giá trị độc đáo của hát Xoan, giúp cho các học viên vận dụng, đưa hát Xoan vào hoạt động văn nghệ cơ sở và hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp đạt kết quả tốt, góp phần tích cực vào các hoạt động quảng bá, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Xoan Phú Thọ để hát Xoan ngày càng lan tỏa trong cộng đồng
Còn đối với những lớp tập huấn Hát Xoan, đây là lớp được mở cho các đối tượng chủ yếu là cán bộ văn hoá, hạt nhân văn nghệ, giáo viên các trường học... Đây là những hạt nhân nòng cốt ở cơ sở có thể trực tiếp tham gia các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền và tổ chức hướng dẫn Hát Xoan trong phong trào văn hoá văn nghệ ở cơ sở và hệ thống các trường học trên địa bàn của tỉnh.
Lớp Truyền dạy và Thực hành hát Xoan năm 2017 thu hút gần 90 học viên tham gia. Ảnh: Quách Sinh
Trong chương trình truyền dạy, các học viên đều được các nghệ nhân Hát Xoan đến từ 04 phường Xoan gốc (Phù Đức,Thét, Kim Đái, An Thái), cán bộ sở Văn Hoá, Thể Thao và Du lịch, giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo giảng dạy về lịch sử, ý nghĩa của Hát Xoan và những kỹ năng cơ bản về nghệ thuật trình diễn Hát Xoan Phú Thọ. Nội dung truyền dạy tập trung chủ yếu là các bài Hát Xoan cổ (các quả cách, các nghi thức trình diễn theo lối hát nghi lễ hay còn gọi là hát thờ và hát hội). Việc truyền dạy được thực hiện chủ yếu theo phương pháp truyền thống, người dạy (các nghệ nhân, cán bộ hướng dẫn) trao truyền trực tiếp các kỹ năng hát, múa, trống, phách, trình diễn…cho học viên. Trong quá trình truyền dạy các nghệ nhân đã truyền dạy thực hành được 30 bài bản Hát Xoan. Thời gian mỗi lớp kéo dài từ 01 đến 03 tháng tuỳ theo điều kiện đối tượng học viên của mỗi lớp (Cơ quan đơn vị, hạt nhân văn nghệ, cán bộ văn hoá…) và tính chất yêu cầu (đào tạo nghệ nhân kế cận hay truyền dạy cộng đồng), việc mở các lớp truyền dạy hát Xoan được căn cứ theo kế hoạch và điều kiện thời gian, kinh phí mở lớp của mỗi cơ quan đơn vị, địa phương mà tổ chức được một lớp hay nhiều lớp đồng thời.
Sau 7 năm diễn ra hoạt động mở lớp truyền dạy Hát Xoan, số lượng và chất lượng thực hành Hát Xoan trong cộng đồng ngày càng được nâng lên. Tạo được phong trào hát Xoan có sức lan toả trong mọi tầng lớp nhân dân của 4 phường Xoan gốc và các địa phương vùng lân cận. Hát Xoan Phú Thọ được tổ chức Quốc tế (UNESCO) biết đến và công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp đã trở thành niềm tự hào của toàn thể người dân Đất tổ. Xuất phát từ niềm tự hào đó, ai cũng muốn hiểu biết nhiều hơn, sâu hơn, có trách nhiệm hơn với vốn di sản quí báu của quê hương, của dân tộc, việc thời gian gần đây các tiết mục tham gia trình diễn Hát Xoan thường xuyên xuất hiện trong phong trào văn hoá văn nghệ của các địa phương là lẽ đương nhiên. Chính vì vậy mà việc tổ chức các lớp truyền dạy Hát Xoan đã đáp ứng được phần nào nhu cầu chính đáng của người dân và kế hoạch bảo tồn phát huy giá trị Hát Xoan của Tỉnh. Thành công của các lớp truyền dạy là đã phát huy được vai trò trao truyền của các nghệ nhân đến từ các phường Xoan gốc, đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi. Bằng lòng nhiệt tình, sự say mê, tâm huyết vốn có, các nghệ nhân đã giúp các học viên mau chóng nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng thực hành Hát Xoan, hiện nay tại các phường Xoan gốc đã bắt đầu hình thành thế hệ nghệ nhân kế cận và các đào, kép trẻ nhiều thế hệ, có thể gửi gắm niềm tin nơi đây vẫn luôn là nơi giữ lửa để Hát Xoan mãi trường tồn như nó đã vốn có trong dòng chảy văn hoá của dân tộc.
Các lớp truyền dạy Hát Xoan cộng đồng và tập huấn Hát Xoan đã thực sự phát huy tính tích cực, khả thi thể hiện qua việc chất lượng tăng lên của phong trào tìm hiểu và học Hát Xoan trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến nay ngoài số Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca của tỉnh thì hầu hết các đội văn nghệ, các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đều đã có những hạt nhân văn nghệ được tập huấn, được truyền dạy về Hát Xoan và Hát Xoan đã xuất hiện trong hầu hết các chương trình văn hoá nghệ thuật, liên hoan, hội thi hội diễn phong trào văn hoá nghệ thuật của tỉnh. Đã xuất hiện những tiết mục trình diễn Hát Xoan thành công, đặc sắc, gây ấn tượng của các huyện, thị vốn không phải là vùng có thế mạnh về dân ca nói chung, Hát Xoan nói riêng.
Bên cạnh công tác truyền dạy hát Xoan, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim còn đặc biệt quan tâm đến công tác hướng dẫn hoạt động và xây dựng các Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Trong 7 năm qua, Trung tâm đã thường xuyên hướng dẫn, xây dựng, thẩm định hồ sơ và trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 37 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Số thành viên tham gia các câu lạc bộ lên đến hơn 1000 người. Trung bình mỗi câu lạc bộ có số buổi hoạt động từ 15 - 20 buổi/năm, tham gia truyền dạy hát Xoan tại cộng đồng từ 1-2 lớp/câu lạc bộ/năm, mỗi lớp khoảng 20 - 30 người tham gia học tập. Hàng năm, các câu lạc bộ đã tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức, mở các lớp truyền dạy hát Xoan tại cộng đồng dân cư, tham gia liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, phục vụ lễ hội và các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ được thành lập và hoạt động tại các cơ quan, ban ngành đoàn thể, các trường học phổ thông, các xã, phường, thị trấn và các khu dân cư trong tỉnh.
Để Hát Xoan lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim đã tham mưu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức các hội diễn, liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ. Trong 7 năm (2011 - 2017), Trung tâm đã thực hiện đôn đốc, hướng dẫn 13 huyện, thành, thị tham gia 7 kỳ hội diễn, Liên hoan hát Xoan và dân ca Phú Thọ phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Nội dung mỗi chương trình tham gia đều có từ 30 - 50% tiết mục hát Xoan trình diễn, phục vụ hàng vạn lượt người xem.
Trình diễn hát Xoan tại Liên hoan văn nghệ quần chúng, hát Xoan và dân ca Phú Thọ năm 2017. Ảnh: Quách Sinh
Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim còn tích cực tham gia hoạt động biểu diễn giao lưu, giới thiệu, quảng bá di sản hát Xoan. Trong 7 năm qua, Trung tâm đã tổ chức xây dựng các chương trình, tiết mục hát Xoan tham gia trình diễn tại các tỉnh, thành trong cả nước như: trình diễn hát Xoan tại tuần lễ Du lịch Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa; tham gia Hội diễn NTQC do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức tại tỉnh Sơn La; Tham gia Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn; Tham gia Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc tại Hà Nội; Tham dự Fetival Di sản Quảng Nam; Tham gia Liên hoan các Làng văn hóa các dân tộc mở rộng vùng Tây Bắc tại tỉnh Hà Giang; Liên hoan Văn hóa dân gian tại thành phố Đà Lạt tỉnh lâm Đồng… trung bình mỗi năm đơn vị còn tổ chức từ 18 - 20 lượt các chương trình, tiết mục hát Xoan để biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành. Tổ chức thực hiện tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động và hướng dẫn cơ sở hàng nghìn lượt mẫu tranh cổ động về Hát Xoan Phú Thọ và di sản văn hóa.
Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim còn tham mưu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện chính sách đãi ngộ đối với các câu lạc bộ, các nghệ nhân truyền dạy, các thành viên tham gia học hát Xoan và tích cực tham gia tuyên truyền về Hát Xoan thông qua các hoạt động chiếu phim với gần 1700 buổi mỗi năm.
Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và truyền dạy hát xoan của Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim trong 7 năm vừa qua trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ là những đóng góp tích cực vào nội dung quan trọng trong hồ sơ đề nghị đưa di sản hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong tháng 12 năm 2017.
Trần Thị Ngân
Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim