Thứ 3 | 08/04/2025

Nguyễn Hương – Phòng QLVH&GĐ

      Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương là mảnh đất chứa đầy di tích khảo cổ học. Dấu vết xa xư­a nhất của con ngư­ời để lại ở đây là vào thời đại đồ đá cũ với nền văn hoá Sơn Vi. Đó là cái nôi của sự xuất hiện con người thời đại đá cũ cách đây hàng vạn năm. Trên mảnh đất Phú Thọ, cách ngày nay 4000- 2000 năm đã nảy sinh cuộc cách mạng luyện kim, sự xuất hiện kỹ thuật luyện kim, làm gốm, chế tác đá đạt trình độ văn minh điêu luyện. Đó là một sáng tạo của con người ở khu vực thuộc lưu vực sông Hồng và là một trong những thành tựu lớn của văn minh nhân loại thời tiền, sơ sử trên đất Phú Thọ. Điều đó không phải bất cứ tỉnh, thành nào của Việt Nam cũng có đ­ược và nó có giá trị khoa học đánh dấu phát triển của loài người, mang tầm khu vực Đông Nam Á và thế giới.
     Các di tích khảo cổ học trên đất Phú Thọ là bước phát triển văn hóa, văn minh của một thời kỳ lịch sử nhân loại. Giai đoạn lịch sử ấy gắn liền với sự ra đời của kinh tế nông nghiệp, kỹ thuật luyện kim đồng thau. Về mặt không gian, các di tích khảo cổ đều cơ bản trên địa vực: Sông Hồng, sông Lô, sông Đà trong bán kính 20km nên ta chọn núi Nghĩa Lĩnh có đền Hùng làm tâm điểm. Về mặt lịch đại, nếu di tích khảo cổ ngoại trừ  văn hoá Sơn Vi cách ngày nay khoảng 1 vạn năm đến 2 vạn năm thì các di tích thời sơ sử cách chúng ta khoảng 2000 đến 4000 nghìn năm.

Đ/c Trần Đức Lương – Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa XHCNVN thăm địa điểm khai quật di tích khảo cổ Xóm Rền xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh

        Xét trên phạm vi phân bố không gian thì các di tích khảo cổ rất tập trung, trùng với địa bàn mà thư tịch cũng như truyền thuyết Hùng Vương truyền lại về sự xuất hiện nhà nước cổ đại. Khi đặt vấn đề cơ sở khoa học cho vấn đề con người với văn hóa văn minh của người Việt cổ, chúng ta nhìn nhận từ khía cạnh tư liệu di tích, di vật khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu. Đây là yếu tố quyết định xem xét quần thể di sản khảo cổ trên địa bàn đất Tổ gắn với di tích Đền Hùng. Bởi vì các di tích khảo cổ là dấu tích vật chất của nền văn hóa khảo cổ thời đại kim khí, tương ứng với thời kỳ lịch sử Hùng Vương theo thư tịch và truyền thuyết. Giai đoạn di tích khảo cổ Phùng Nguyên mở đầu cho thời đại kim khí thì giai đoạn văn hóa Đông Sơn là giai đoạn cực thịnh đồ đồng thau nhưng đã bước sang thời đại đồ sắt. Về mặt lý thuyết thì khi con người biết nấu chảy kim loại thì nhân loại ra khỏi xã hội nguyên thủy, bước vào xã hội văn minh, xuất hiện nhà nước. Vấn đề là các di tích khảo cổ trên địa bàn Phú Thọ trong suốt khoảng 2000 năm liên tục là tiến trình phát triển và các chứng tích vô cùng giàu có về loại hình hiện vật, kỹ thuật chế tác đá, làm gốm, đúc đồng. Điều đó không chỉ chúng ta mà các nhà khảo cổ trong nước và quốc tế đều thấy rõ con đường sáng tạo văn hóa để rồi tích tụ biến miền đất gọi là Văn Lang ấy thành một quốc gia. Chúng ta đã có đủ cứ liệu đánh giá thành tựu quốc gia Văn Lang ấy là kết quả của sự sáng tạo văn hóa liên tục trong khoảng 2000 năm trước công nguyên. Sự hình thành văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn mà các di tích ở Phú Thọ góp phần là thành tựu sáng tạo, bền bỉ, cần cù của tổ tiên người Việt cổ trong khoảng 2000 năm. Đó là đóng góp lớn vào văn minh nhân loại.

Khai quật di tích khảo cổ Làng Cả, thành phố Việt Trì năm 2005

     Như vậy, trên vùng Đất Tổ Hùng Vương người ta đã phát hiện được hệ thống di chỉ khảo cổ học với mật độ dày và liên tục đủ 4 giai đoạn phát triển của Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn, những di tích khảo cổ học, đặc biệt là di tích khảo cổ học đồng thau và sơ kỳ đồ sắt khẳng định sự hiện diện rất lâu đời của người Việt cổ ở vùng đất này và điều đó có nghĩa là thời đại Hùng Vương là một thời đại có thật tồn tại hiển nhiên trong lịch sử. Di tích Đền Hùng là một thực tế lịch sử càng ngày càng được làm sáng rõ qua ánh sáng của các hiện vật mà chúng ta đã tìm được từ giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho đến giai đoạn văn hoá Đông Sơn.
     Trong đó, Văn hoá Phùng Nguyên: Là nền văn hoá mở đầu thời đại kim khí ở vùng miền núi và đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Phú Thọ cũng là tỉnh có địa danh được dùng để đặt tên cho nền văn hoá này: Địa điểm Phùng Nguyên ở xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Văn hoá Phùng Nguyên có niên đại mở đầu cách ngày nay vào khoảng 3800 năm và niên đại kết thúc vào khoảng 3400-3000 năm cách đây. Phú Thọ là tỉnh có nhiều di tích văn hoá Phùng Nguyên, toàn tỉnh có trên 32 địa điểm thuộc nền văn hoá này và tập trung chủ yếu ở huyện Lâm Thao, Phù Ninh với những địa điểm nổi tiếng như: Phùng Nguyên, Đồi Giàm, Gò Bông, An Đạo, Đồng Sấu, xóm Rền...; Văn hoá Đồng Đậu: Là nền văn hoá tiếp nối văn hoá Phùng Nguyên. Nền Văn hoá này có niên đại mở đầu vào khoảng thế kỷ XV-XVI trước Công Nguyên và chấm dứt vào khoảng thế kỷ thứ X- IX trước Công Nguyên. Ở Phú Thọ có một số địa điểm thuộc nền văn hoá này và cũng là một trong những tỉnh có nhiều địa điểm Đồng Đậu nhất. Đó là địa điểm Nội Gan, Đồng Đậu con…; Văn hoá Gò Mun: Là nền văn hoá tiếp nối Văn hoá Đồng Đậu. Tỉnh Phú Thọ lại một lần nữa vinh dự là nơi có địa danh đặt tên cho nền văn hoá này: Địa điểm Gò Mun, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Có trên 17 địa điểm thuộc nền văn hoá này ở Phú Thọ. Có những địa điểm nổi tiếng như: Gò Mun, Gò Gai, Gò Ghệ, Bãi Dưới, gò Chiền. Niên đại nền Văn hoá Gò Mun mở đầu vào khoảng 1100-1000 năm trước Công Nguyên và kết thúc vào khoảng 800-700 năm trước Công Nguyên;

Hiện vật khai quật tại Di tích khảo cổ Làng Cả, thành phố Việt Trì.

      Văn hoá Đông Sơn: Là nền văn hoá nối tiếp văn hoá Gò Mun trên đất Phú Thọ, có niên đại mở đầu khoảng thế kỷ thứ VII trước Công Nguyên và kết thúc vào khoảng thế kỷ thứ I sau Công Nguyên ( cùng với sự chấm dứt của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 - 43 sau Công Nguyên). Văn hoá Đông Sơn có địa bàn là miền núi và trung du Bắc bộ, đồng bằng Bắc bộ và Bắc trung bộ nước ta. Phía Nam có thể vào Đèo Ngang - Quảng Bình.
     Văn hoá Đông Sơn là nền văn nổi tiếng và phát triển rực rỡ nhất trong thời đại kim khí ở Việt Nam và Đông Nam Á. Con người thời này có nền kinh tế phát triển, đặc biệt đã có kỹ nghệ luyện đồng tuyệt đỉnh. Nền Văn hoá này cũng là nền tảng của các quốc gia Văn Lang thời các Vua Hùng, Âu Lạc, An Dương Vương. Phú Thọ có trên 15 địa điểm khảo cổ thuộc văn hoá Đông Sơn, có những địa điểm nổi tiếng như Làng Cả, gò De. Nhiều hiện vật tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn cũng tìm thấy ở Phú Thọ như trống đồng, thạp đồng. Chính nền văn hoá Đông Sơn là cơ sở để chúng ta có quyền tự hào: Phú Thọ là đất Tổ Hùng Vương nơi có Đền Hùng, có kinh đô Văn Lang.
      Việc đầu tư bảo tồn và phát huy di tích khảo cổ trên địa bàn đất Tổ gắn với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, đặc biệt di tích khảo cổ học đồng thau và sơ kỳ đồ sắt trên đất Phú Thọ đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của người dân góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới là một nhiệm vụ hết sức cần thiết không chỉ đối với tỉnh Phú Thọ nói riêng mà còn đối với Việt Nam nói chung./.

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com