baophutho.vnĐể bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hát Xoan Phú Thọ, ngành Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, xuất bản các tài liệu về Hát Xoan, trong đó có tài liệu phục vụ giảng dạy Hát Xoan trong các trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các tài liệu giảng dạy này chưa thực sự thu hút giáo viên và học sinh.
Giáo viên Trường THCS Vĩnh Phú hướng dẫn học sinh quét mã QR code để tìm hiểu Hát Xoan.
Để giải quyết vấn đề này, Trường THCS Vĩnh Phú, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh đã triển khai giải pháp “Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ” với mong muốn cùng các em học sinh vận dụng tất cả các kiến thức đã học trong nhà trường áp dụng vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, lan toả niềm đam mê trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương thông qua nghệ thuật Hát Xoan, góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của nền văn hóa dân tộc. Giải pháp này đã giành giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2024.
Cô giáo Đinh Thị Huệ - Trưởng Nhóm tác giả nghiên cứu giải pháp “Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ” cho biết: Với mục tiêu quảng bá, lan tỏa nghệ thuật Hát Xoan đến công chúng gần xa, nhóm tác giả nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ, sử dụng các nền tảng như youtube, zalo, meet... Trong đó, nhóm đã sử dụng kênh youtube của Nhà trường là chủ yếu để tổ chức được các buổi giao lưu với các câu lạc bộ Hát Xoan của các trường học, đặc biệt là những đơn vị có khoảng cách địa lý xa, khó khăn trong đi lại. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm nhận thấy hiện tượng khán giả không có thời gian đi xem trực tiếp, hoặc ngồi xem tại vị trí xa khó quan sát, xem vị trí gần quá thì dễ mất đi tính nghệ thuật. Để khắc phục hạn chế này, nhóm đã thực hiện phương án sử dụng kỹ thuật livestream chương trình lên màn hình lớn vừa giúp khán giả theo dõi được chương trình biểu diễn, vừa gây hứng thú cho người xem qua đó góp phần đưa nghệ thuật Hát Xoan đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người chưa có điều kiện đến với Phú Thọ.
CLB Hát Xoan của Trường THCS Vĩnh Phú thể hiện phong cách biểu diễn theo các nghệ nhân phường Xoan gốc TP Việt Trì.
Ngoài việc giữ vững các giá trị truyền thống của nghệ thuật Hát Xoan, trong quá trình thể hiện, người diễn còn phải pha trộn được những nét mang “màu sắc âm hưởng” dân gian pha lẫn hiện đại trong tiết mục. Đó cũng đang là hướng đi của nhiều môn nghệ thuật ngày nay. Chính vì lý do đó, trong quá trình thực hiện, nhóm đã sử dụng một số phần mềm như OBS studio, camtasia, capcut, Kine Master, Iriun webcam... để tạo các hiệu ứng kỹ thuật số làm video biểu diễn thêm sinh động hấp dẫn hơn mà không làm mất đi màu sắc dân gian vốn có của nó.
Ngoài ra, nhóm còn tìm hiểu và ứng dụng công nghệ số vào biểu diễn từ các kỹ thuật chỉnh sửa, tạo hiệu ứng 3D cho video đến livestream các chương trình giao lưu nghệ thuật, qua đó đã thu hút được lượng lớn khán giả, những nhà làm chuyên môn trong và ngoài tỉnh quan tâm theo dõi đến loại hình nghệ thuật độc đáo, truyền thống này.
Với mong muốn bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt với mục tiêu quảng bá Nghệ thuật Hát Xoan đến bạn bè quốc tế, nhóm tác giả đã thực hiện livetream trực tiếp với video có sẵn, giao lưu trực tuyến trên mạng xã hội để gặp gỡ chuyên gia. Đặc biệt, tiến hành số hoá, tạo các mã QR code cho các video thực hiện dự án, video biểu diễn và giao lưu trực tuyến để lưu trữ, truyền tải, tạo kênh học liệu số bài bản, phong phú về nội dung và dễ dàng sử dụng cho học sinh, giáo viên và người yêu nghệ thuật...
Giải pháp “Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ” đã góp phần không nhỏ trong quá trình bảo tồn và phát huy “Nghệ thuật Hát Xoan truyền thống” không chỉ tại địa phương mà còn trên nhiều vùng miền khác của Tổ quốc. Ngoài ra còn tạo kho thiết bị số, học liệu điện tử bài bản, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học hỏi của những người yêu thích Hát Xoan nói riêng và những người yêu quê hương, dân tộc nói chung. Tạo điều kiện cho các câu lạc bộ Hát Xoan của nhiều địa phương bất kể khoảng cách địa lý vẫn có thể giao lưu, học hỏi, cùng nhau chung tay giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa của dân tộc. Đưa nghệ thuật Hát Xoan đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế đặc biệt là những người chưa có điều kiện đến với Phú Thọ.
Anh Thơ
Dẫn nguồn: Ứng dụng số trong bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan