Thứ 3 | 07/05/2024

PhuthoPortal - Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn Điện Biên Phủ, cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, biết bao nhiêu người con của Phú Thọ đã xung phong lên đường trở thành những chiến sỹ Điện Biên, chị gánh, anh thồ “dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ đã dồn hết sức lực, tình cảm cho mặt trận Điện Biên Phủ.

 

Dân công vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Nguồn Báo Quân đội Nhân dân)

Theo dòng lịch sử
Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 giành thắng lợi, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tháng 11/1946, thực dân Pháp chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường, chiếm một số trụ sở của Chính phủ cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng.
Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: phát động Toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến. Sáng 20/12/1946, "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước.
Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng đánh giặc cứu nước với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Từ năm 1946 đến năm 1953, quân và dân ta đã giành được những chiến thắng quân sự quan trọng như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Chiến dịch Sông Thao, Sông Lô năm 1949; Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng năm 1949; Chiến dịch Biên giới năm 1950; Chiến dịch Hòa Bình năm 1952; Chiến dịch Tây Bắc năm 1952…
Bước sang năm 1953, tình hình quân sự trên phạm vi cả nước có nhiều chuyển biến quan trọng, có lợi cho ta. Trong khi đó, thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề, các kế hoạch xâm lược liên tiếp bị thất bại. Tháng 5/1953, Chính phủ Pháp cử tướng Hăngri Nava - Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương sang làm Tổng chỉ huy viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tháng 7/1953, Hội đồng quốc phòng Pháp chuẩn y Kế hoạch Nava với ý đồ giải quyết gọn vấn đề Đông Dương trong vòng 18 tháng.
Nắm rõ âm mưu của địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tấn công Đông Xuân 1953 - 1954. Nhằm phá tan kế hoạch Nava của địch, Phú Thọ được Trung ương và Liên khu Việt Bắc giao nhiệm vụ vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa chi viện sức người sức của cho tiền tuyến.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tỉnh ủy Phú Thọ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang Nhân dân chủ động đối phó với địch, giữ nghiêm các quy định về bảo mật phòng gian truy lùng biệt kích, chuẩn bị chi viện cho chiến trường chính. Lực lượng vũ trang tỉnh đã xây dựng những trận địa, bắn máy bay bằng súng bộ binh ở thị xã Phú Thọ, Đoan Hùng, Thanh Sơn. Các huyện Thanh Thủy, Yên Lập tổ chức, bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích khi chúng vừa đặt chân tới địa phương. Trong năm 1953, lực lượng vũ trang tỉnh đã tham gia chiến đấu 32 trận, diệt 89 tên địch, làm bị thương 43 tên… bảo vệ an toàn hậu phương chiến đấu.
Nhằm huy động tối đa nhân tài, vật lực của hậu phương cho tiền tuyến lớn, ngày 19/8/1953, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 348-QN/PT thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận của tỉnh với nhiệm vụ tìm hiểu và nắm vững khả năng của địa phương để có kế hoạch huy động nhân tài, vật lực cho chiến trường, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt.
Trong khi phục vụ chiến dịch, bên cạnh việc đóng góp về lương thực thực phẩm, dân công Phú Thọ cùng dân công các tỉnh bạn còn dốc sức mở đường số 11, số 13 xuyên qua núi rừng trùng điệp nối liền Tây Bắc với vùng tự do Liên khu III. Thanh niên Phú Thọ hăng hái lên đường tòng quân theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ. Năm 1953, toàn tỉnh đã động viên 91.508 dân công, tham gia 4.269.036 ngày công, huy động 937 chiếc xe đạp thồ, 87 xe trâu, 1.377 chiếc thuyền phục vụ chiến trường.
 

Kế hoạch Nava liên tiếp bị thất bại, thực dân Pháp quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với ta. Chúng tập trung nỗ lực hòng xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, một pháo đài bất khả xâm phạm.
Không để cho thực dân Pháp thực hiện được ý đồ đen tối, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau nhiều ngày đêm chuẩn bị, 17 giờ ngày 13/3/1954 quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Góp phần chi viện cho mặt trận
Để chia lửa với chiến trường chính, Liên khu ủy Việt Bắc chỉ thị cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ vừa chiến đấu, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cung cấp về lương thực, thực phẩm, dân công, phương tiện vận tải cho chiến dịch. Thực hiện chỉ thị của trên, từ đầu năm 1954, Đảng bộ tỉnh vừa tổ chức tốt lực lượng chiến đấu ở địa phương, vừa huy động tới mức cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch lịch sử này.
Với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, toàn tỉnh đã động viên được 1.434 thanh niên lên đường nhập ngũ, phân công và giao nhiệm vụ cho 17 huyện ủy viên, 20 cán bộ cơ quan quân sự và 70 cán bộ xã trực tiếp tổ chức động viên, chỉ huy lực lượng dân công. Các địa phương trong tỉnh đã huy động 261.500 người phục vụ các chiến dịch (trong đó số dân công trực tiếp phục vụ chiến đấu là 113.337 người), 1.087 chiếc xe đạp thồ, 80 xe trâu, xe ngựa của đồng bào.
Chắt chiu một lòng cho kháng chiến thắng lợi, mặc dù lương thực, thực phẩm còn thiếu thốn nhưng Nhân dân các dân tộc trên tỉnh đồng lòng, tự giác cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Nhân dân đã đóng góp 4.318 tấn gạo, 4.149 con trâu, bò và 41 tấn thịt lợn cùng nhiều loại thực phẩm khác cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đi đôi với việc tích cực động viên Nhân dân đóng góp về sức người, sức của cho mặt trận chính, tháng 3/1954, Tỉnh ủy phát động phong trào “bắn bia sống”. Bộ đội các huyện Hạc Trì, Lâm Thao, Thanh Thủy, Tam Nông dũng cảm vượt vành đai trắng, ngày đêm áp sát vị trí Hạ Nông và Việt Trì, kiên nhẫn phục kích tiêu hao sinh lực địch.
Bị ta uy hiếp mạnh, địch phải co lại không dám cho quân tuần tiễu lùng sục như trước. Trong khi đó, các huyện miền núi, nhất là Thanh Sơn, Yên Lập, Nhân dân cùng lực lượng vũ trang tích cực lùng bắt gián điệp, truy quét biệt kích, bảo vệ kho tàng, cầu đường và các cơ sở kinh tế trên địa bàn với tinh thần chủ động tấn công địch, phối hợp đắc lực với chiến trường chính. Tỉnh đội Phú Thọ còn đưa Tiểu đoàn 58 và các đại đội huyện sang hoạt động ở vùng tạm chiếm huyện Quảng Oai (Sơn Tây) để hỗ trợ cho tỉnh bạn. Trong thời gian hoạt động ở vùng này, các đơn vị đã chiến đấu nhiều trận trên tuyến đường Trung Hà - Sơn Tây, phục kích các đoàn tàu, thuyền của địch trên sông Hồng, làm cho quân giặc ở 2 vị trí Việt Trì và Hạ Nông càng bị cô lập.


Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 604, Cựu chiến binh xã Minh Tiến và các em học sinh Trường THPT Chân Mộng tham quan, nghe giới thiệu về bối cảnh lịch sử diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ tại triển lãm “70 năm - Âm vang Điện Biên” do Quân khu 2 phối hợp với Lữ đoàn 604 tổ chức ngày 18/4/2024 tại Lữ đoàn 406 (huyện Đoan Hùng)
Chiều ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải rút quân khỏi các vị trí ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó có vị trí Việt Trì và Hạ Nông ở Phú Thọ. Ngày 20/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Phú Thọ vừa là hậu phương trực tiếp của Tây Bắc và Việt Bắc, vừa là nơi diễn ra nhiều chiến dịch với những chiến thắng oanh liệt như Sông Lô, Tu Vũ, Chân Mộng, Trạm Thản…  Đảng bộ, quân và dân Phú Thọ tự hào vì đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung và trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng. Ghi nhận những thành tích đó, 63 tập thể, 16.000 cá nhân, 420 cán bộ lão thành cách mạng và gia đình có công với nước được tặng thưởng huân, huy chương các loại; 8 địa phương được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 389 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ còn được nhận nhiều cờ thưởng, bằng khen, giấy khen của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Hội đồng cung cấp Mặt trận và Liên khu Việt Bắc.
Hương Giang
Dẫn nguồn: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Quân và dân Phú Thọ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (phutho.gov.vn)

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com