Thứ 6 | 28/06/2024

Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình

     Giá trị truyền thống văn hóa của gia đình là những phẩm chất tốt đẹp được các gia đình kiến tạo từ đời này qua đời khác, vun đắp trong quá trình phát triển, là điểm tựa tinh thần, tạo môi trường văn hóa, có tác dụng giáo dục, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, định hướng con người đến những điều tốt đẹpGiá trị truyền thống văn hóa của gia đình là biểu hiện cốt cách của truyền thống, bản sắc văn hóa cộng đồng.

Ảnh minh họa (Sưu tầm)

Gia đình truyền thống Việt Nam luôn đề cao mối quan hệ giữa các thành viên, coi văn hóa ứng xử là hạt nhân gắn kết mọi người trong gia đình. Giá trị văn hoá gia đình truyền thống Việt Nam thể hiện ở “gia đạo”, “gia phong” và “gia lễ” của gia đình. “Gia đạo” là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em; là cha hiền con hiếu, anh nhường em nhịn, vợ chồng yêu thương nhau, việc học tập lấy tâm, tri, năng làm gốc… “Gia phong” được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Cốt lõi của gia phong truyền thống luôn hướng tới tinh thần trọng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa. “Gia lễ” là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử trở thành truyền thống, được cha ông chọn lựa qua nhiều thế hệ, con cháu cần noi theo.

Xuất phát từ những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, bao đời nay, gia đình truyền thống Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con, tôn trọng, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động... Có lẽ chính vì thế nên gia đình luôn được ví là “tổ ấm”, là bến đỗ bình yên cho mỗi thành viên, là nơi mà ngọn lửa yêu thương luôn ngự trị và sưởi ấm cho mỗi người. Gia đình Việt Nam còn là nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn, tri thức quý báu của dân tộc, hướng con người đến những giá trị của chân, thiện, mỹ. Sự phát triển, tiến bộ, văn minh, no ấm, hạnh phúc của các gia đình là thước đo quan trọng để đánh giá sự phát triển của đất nước. Việc giữ gìn, phát triển những giá trị, truyền thống tốt đẹp của gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp lý tưởng, lối sống, nhân cách con người; đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát triển để xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Đất nước đang ngày một đổi mới và phát triển, đời sống xã hội được nâng cao, mỗi gia đình ngày nay đều có chất lượng cuộc sống tốt hơnđời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ gia đình không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập toàn cầu đã có những tác động làm thay đổi quan niệm của nhiều người về hệ giá trị gia đình. Xu hướng đề cao giá trị vật chất, danh vị, tính ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân đã và đang có nguy cơ đảo lộn những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình đang dần trở nên lỏng lẻo. Tình trạng văn hóa phẩm độc hại, cổ súy cho lối sống nhanh, sống gấp, đề cao sự hưởng thụ, đi ngược lại những giá trị, đạo đức, thuần phong mỹ tục đang len lỏi vào trong mỗi gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một số loại hình tôn giáo lạ xuất hiện với những hành động kỳ quặc như không thờ cúng tổ tiên, chối bỏ, cắt đứt mối quan hệ với người thân, gia đình..v.v… Các hiện tượng đó đang  nguy cơ làm thay đổi giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.

Trong những năm qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình nhằm tăng cường các giải pháp về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình phù hợp với tình hình hiện nay trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW về "xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước"; Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Phát động các phong trào “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.v.v.. Kết quả từ thực hiện những phong trào này đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Để giữ gìn và phát huy giá trị tuyền thống văn hóa của gia đình trong quá trình hội nhập và phát triển, phải ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, mạnh dạn lựa chọn và xử lý đúng đắn những yếu tố mới nảy sinh, trong đó quan trọng là tiếp thu có chọn lọc những nội dung tiến bộ của thời đại phù hợp với truyền thống, văn hoá dân tộc và sự phát triển của xã hội. Theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII, và Chỉ thị 06 CT/TW, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời gian tới, ngoài các tiêu chí thể hiện đặc điểm các mối quan hệ trong gia đình như yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, gắn kết, cần quan tâm xây dựng tiêu chí gia đình trong mối quan hệ với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, gắn với bối cảnh kinh tế xã hội của đất nước.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 24 tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, khẳng định sự đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo sự nghiệp phát triển văn hóa của Đảng những năm qua, đồng thời nêu ra sáu giải pháp thiết thực, trong đó, giải pháp thứ hai đã được nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh;…”.

Để phát huy giá trị văn hóa gia đình và đạt được mục tiêu “gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh” gắn với xây dựng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, cần triển khai thực hiện hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, vai trò của gia đình cũng như những giá trị của văn hóa gia đình đối với sự phát triển đất nước, lan tỏa những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong, lễ giáo và văn hóa ứng xử trong gia đình. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa phương thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác gia đình.

Hai là, chú trọng giáo dục trong gia đình, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện mới, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc ông bà, cha mẹ đối với con cái qua hành động, cách thức ứng xử có văn hóa giữa người với người. 

Ba là, tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa và đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Gắn xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. 

Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các thiết chế văn hóa. Cụ thể hóa và tập trung “khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Tóm lại, để giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được quy định để thực hiện công tác gia đìnhCùng với đó là đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội. Phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc từ gia đình, tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, phát triển đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch mà cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay kết hợp của cả hệ thống chính trị-xã hội và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng./.

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com