Thứ 6 | 05/04/2019
Huyện miền núi Thanh Sơn có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Mỗi dân tộc nơi đây đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Trước xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng.
Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Thanh Sơn khá đa dạng, với các giá trị văn hóa vật thể như: 11 di tích lịch sử ( trong đó có 01 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh); một số địa điểm ghi dấu lịch sử: Bia lịch sử (xã Khả Cửu); Tượng đài Bác Hồ (xã Yên Sơn) và Mộ Đốc ngữ (xã Yên Lương). Cùng với những giá trị văn hoá vật thể, nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trong huyện tiếp tục được bảo tồn như: Nét ẩm thực độc đáo: Cỗ lá, xôi ngũ sắc, rượu hoãng, cơm lam… Các nghi lễ: Mừng cơm mới, mở cửa rừng, các làn điệu dân ca, hát ru, hát ví, hát rang, các giai điệu cồng chiêng; đâm đuống, văn hoá nhà sàn của đồng bào Mường; lễ Lập Tĩnh, tết nhảy, Cầu mưa của đồng bào Dao;... Đặc biệt, nhiều năm gần đây, một số Lễ hội của dân tộc Mường được khôi phục với những hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc. Việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa đã được các địa phương coi trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc  thiểu số còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do đời sống vật chất tinh thần của người dân trong huyện còn khó khăn, sự xâm nhập của nền văn hóa từ bên ngoài ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa còn hạn chế nhất định, chưa thúc đẩy được các hoạt động sưu tầm, khai thác. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực là người dân tộc, các nghệ nhân lâu đời ngày càng giảm dần, số còn lại rất ít...
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đặc biệt là nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm và ý thức gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; nhiều hoạt động văn hóa của người Mường, người Dao tiếp tục được duy trì, phát triển, được trình diễn ở nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa lớn. Điển hình là năm 2017, Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 của huyện ban hành đã bước đầu phát huy hiệu quả, với việc thành lập của trên 50 CLB văn hóa dân tộc Mường góp phần phát huy những nét đẹp truyền thống, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nhân lên vẻ đẹp truyền thống của người dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn nói chung.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc gắn với việc khai thác tiềm năng về du lịch trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị xã hội và cộng đồng; căn cứ vào tình hình thực tiễn từng địa phương đề ra các giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn, làm cho di sản văn hóa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa tiêu biểu; huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí mua sắm, phục chế các loại hình văn hóa vật thể, trang phục dân tộc, mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một./.

Phùng Huyền Trang
(UBND huyện Thanh Sơn)
 
Trong các dịp lễ, tết, những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được các đại phương duy trì-
Múa trống đu của người Mường xã Tất Thắng
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com