Thứ 4 | 27/08/2014

Ảnh sưu tầm

Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ vua đến nay, Hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của Hát Xoan; thông qua biểu diễn hát Xoan, tinh thần đoàn kết cộng đồng tại các vùng xoan ngày càng bền chặt, có thể khẳng định chính nhân dân tại cộng đồng giữ vai trò chính trong việc bảo tồn nghệ thuật hát Xoan. Tuy vậy, từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 Hát Xoan không được duy trì thường xuyên, việc truyền dạy Hát Xoan chủ yếu phát triển tự phát, do không có điều kiện và môi trường phát huy. Nhận thức được giá trị qúy báu  của di sản, trước thực trạng di sản hát Xoan đang đứng trước nguy cơ bị mai một và thất truyền bởi giới trẻ không được truyền dạy kịp thời và các nghệ nhân đang mất dần do tuổi cao, sức yếu, môi trường trình diễn Hát Xoan là các di tích, một số bị mất hoàn toàn, số còn lại phần lớn đã xuống cấp, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân chưa được quan tâm, thiếu các kế hoạch bảo tồn. Năm 2009, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo các cấp các ngành, đặc biệt là cộng đồng các phường Xoan thực hiện việc truyền dạy, phục hồi kịp thời di sản hát Xoan và xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Ngày 24/11/2011, Ủy ban Liên Chính phủ công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể quyết định ghi nhận Hát Xoan của Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Niềm vui thật lớn lao đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ - nơi sinh ra di sản hát Xoan nói riêng và cả người dân Việt Nam nói chung. UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa của nhân loại càng tôn vinh thêm giá trị di sản. Niềm vinh dự, tự hào ấy làm cho các nghệ nhân và cộng đồng các phường Xoan càng vui mừng như được mùa lúa, các nghệ nhân và các cháu “mê” hát Xoan càng náo nức, tiếp thêm sức mạnh để cùng nhau bảo tồn, gìn giữ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch phường Xoan An Thái nói: “Đây sẽ là bước đột phá mới để cho các nghệ nhân chúng tôi yên tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ để Hát Xoan không bị mai một mà tiếp tục phát triển mạnh trong cộng đồng dân cư…”.
Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đồng tâm, nhất trí cùng với những người dân vùng Xoan tích cực triển khai việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan, làm cho nghệ thuật hát Xoan được lan tỏa, thêm sức sống mãnh liệt. Trong những nỗ lực bảo tồn di sản, ngày 07 tháng 11 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2058/QĐ- TTg phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại- Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013-2020). Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khẳng định mục tiêu của Đề án là: Tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hát Xoan. Từng bước bảo tồn phát huy giá trị Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đến năm 2015, đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và năm 2016 trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đầu tư tu bổ, phục hồi các di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì; đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan gốc kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng để phần lớn thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ đều biết hát Xoan; bảo đảm cho những người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định....

Ảnh sưu tầm

Mở các lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát Xoan trong cộng đồng của 4 phường Xoan gốc xã Kim Đức và Phượng Lâu - thành phố Việt Trì là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Hát xoan của UBND tỉnh năm 2013-2014 và Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan giai đoạn 2013-2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình đã được các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy và được đông đảo nhân dân, nhất là lớp trẻ nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014 đến xã Kim Đức, Phượng Lâu, thành phố Việt Trì - nơi có 4 phường Xoan gốc, ở đâu ta cũng bắt gặp các cháu thanh, thiếu niên rộn ràng những bài Hát Xoan. Chỉ trong thời gian ngắn, đến nay các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy được 70 nghệ nhân kế cận để đến năm 2015 có thể thay lớp nghệ nhân già hiện nay kế tục truyền dạy cho lớp trẻ tương lai và truyền dạy cho gần 100 cháu thiếu niên, nhi đồng. Tham gia truyền dạy có 15 nghệ nhân của bốn phường Xoan gốc Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái thực hiện. Ngoài việc truyền dạy các bài bản Xoan như: Đón đào, Nhập tịch mời vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám... các em còn được tìm hiểu những đặc trưng của Hát Xoan Phú Thọ do nhà nghiên cứu âm nhạc - nhạc sỹ Đặng Hoành Loan và các nghệ nhân phổ biến trao đổi. Hiện nay, những người tham gia học Hát Xoan ngày càng nhiều, lớp trung niên có, lớp thanh thiếu nhi ngày càng đông hơn. Tham dự các lớp truyền dạy này tại nhà các nghệ nhân và tại miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Thét càng xem các cháu thanh, thiếu nhi biểu diễn càng thấy sự hấp dẫn của Xoan, càng cảm nhận được sức sống trường tồn của Xoan trong cộng đồng, bởi chúng ta được xem biểu diễn Xoan đúng tại nơi nó sinh ra, đúng với môi trường của nó mới cảm nhận hết được nghệ thuật Hát Xoan. Nhưng cũng thấy sự vất vả của nghệ nhân truyền dạy và người học Xoan. Bởi vì,  Xoan sinh ra từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, có lẽ Xoan là hình thức dân ca có tính tổng hợp và đa yếu tố nhất. Bởi Xoan bao gồm cả phần lễ, phần hội, trong đó lễ gắn liền với nghi thức tín ngưỡng, hội gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, hát gắn liền với múa, tất cả kết nối tạo nên một không gian Xoan vừa tâm linh, vừa thế tục. Với ba chặng hát: nghi lễ, quả cách và hát hội (giao duyên), phần hát nghi lễ trang nghiêm thành kính bao nhiêu, thì phần hát hội lại dân dã, tình tứ bấy nhiêu. Cùng với những lời ca gãy gọn, rộn ràng là những điệu múa vừa mềm mại, uyển chuyển của phái nữ, vừa khỏe khoắn, mạnh mẽ của phái nam. Bước chuyển từ phần lễ đến phần hội của Xoan khiến người trong cuộc như được trải qua một hành trình từ "đạo" đến "đời", càng về cuối càng hấp dẫn và thêm háo hức... cũng chính bởi tính đa dạng, phức hợp của các yếu tố và sự phong phú, linh hoạt trong trình tự diễn xướng đã khiến Xoan trở thành loại hình nghệ thuật khó truyền dạy, đòi hỏi phải có sự say xưa, công phu của các nghệ nhân và chỉ có các nghệ nhân truyền dạy mới bảo tồn được giá trị gốc nghệ thuật của Xoan. Người thưởng thức Xoan cũng cần hiểu biết, nhận thức đúng về Xoan, có như vậy chúng ta mới thấy hết cái hay, cái hấp dẫn của Xoan. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận định: Ðiểm độc đáo nhất về mặt âm nhạc học của Xoan là lối hát đối đáp ở hai giọng cách nhau quãng bốn đúng. Kép đưa cách cho đào đón cách, kẻ hỏi người thưa, chàng tung nàng hứng, cứ thế luân phiên trong lúc mỗi bên luôn trung thành với giọng điệu của riêng mình. Nếu không hiểu về Xoan sẽ giật mình tưởng phường Xoan hát "phô", hát chênh. Kéo theo sự "tưởng" đó, những "tai nhạc" đã được "phương Tây hóa" vô tình chỉnh những thang âm dân tộc trong Xoan thành đồng giọng cho dễ hát, dễ nghe, khiến Xoan không còn là Xoan nữa.

Ảnh sưu tầm

Nếu bạn có dịp về các làng Xoan, đặc biệt là trong dịp đầu xuân hay Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đến các di tích như đình Thét, Miếu Lãi Lèn, đình An Thái...ở đâu chúng ta cũng thấy các đào tuổi chừng mười sáu, mặc áo tứ thân mầu nâu non, đầu vấn khăn mỏ quạ thật là xinh đẹp đang múa hát cùng các kép mặc áo the dài, quần lụa trắng...
“Ngồi rồi dệt gấm thêu hoa
Thêu chim loan phượng
Ta bớ ru hời
Qua ngõ ta thêu...”
Và sau đó mọi người cùng được hòa đồng, quên đi ranh giới giữa người hát và người xem hát, tất cả nắm tay nhau lần theo tiếng hát của phường Xoan, tình tứ:
“Huê lúa mùa này nó chưa nở
Để một mai nó nở, thiếp lại bẻ cho chàng
Sợ chàng chẳng yêu, sợ chàng chẳng dấu
Để huê nụ héo, huê hời huê hỡi là huê...”
Có lẽ vì thế mà Xoan trường tồn mãi trong cộng đồng, làm cho cộng đồng càng gắn kết, bền chặt hơn và chính cộng đồng làm cho Xoan có sức sống lan tỏa mãnh liệt hơn. Các nghệ nhân - Những "báu vật nhân văn sống" về Xoan của Phú Thọ như bà Nguyễn Thị Lịch, ông Lê Xuân Ngũ... đã trên dưới trăm tuổi, nay mắt mờ, lưng còng, chân yếu, hôm nay không biểu diễn mà xem con, cháu, chắt mình biểu diễn càng thấy vui mừng phấn khởi, bởi cả đời chỉ duy tình yêu Xoan vẫn tha thiết, đắm say. Tình yêu ấy hôm nay được nhân rộng, đến với thế hệ trẻ và vì thế sức sống của Xoan mới thật sự lan tỏa, trường tồn.

Ảnh sưu tầm

Với những kết quả đáng khích lệ như hôm nay, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Phú Thọ, như ý kiến của đồng chí Hoàng Dâm Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ đã khẳng định: Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xoan, trong thời gian tới, tỉnh chú trọng tới việc quảng bá giới thiệu giá trị của hát Xoan với cộng đồng trong tỉnh, trong cả nước và với bạn bè quốc tế. Đồng hành với đó là việc tổ chức truyền dạy và phổ biến rộng rãi nghệ thuật hát Xoan. Tỉnh cũng đã đưa hát Xoan vào giáo dục trong các trường học ở Thành phố Việt Trì, đồng thời tại các làng Xoan cổ sẽ khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Chúng ta tin tưởng rằng với sức sống bền bỉ, sức lan tỏa mãnh liệt và kế hoạch bảo tồn cụ thể, Hát Xoan sẽ mãi mãi trường tồn, không chỉ bừng sáng trong lòng mỗi người dân nước Việt mà còn của bạn bè khắp năm châu./.

Th.s Vũ Trường Thành
                                                                          PGĐ Sở VH, TT & DL tỉnh Phú Thọ
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com