Thứ 5 | 06/12/2018
Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca mang tính nghi lễ, phong tục; có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, thường được trình diễn ở cửa đình vào dịp hội làng mùa xuân. Nội dung của các bài bản hát Xoan phong phú, mang ý nghĩa cầu chúc, khấn nguyện, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, tình yêu lao động, tình yêu nam nữ gắn với truyền thống văn hóa dân tộc.
Vì hát Xoan là hát cửa đình, hát thờ nên hát Xoan không hát ngoài trời như các dân ca khác mà phải hát trong lòng đình, trước bàn thờ thần. Hát Xoan có một phương thức trình diễn được hình thành từ rất lâu đời, đó là lề lối, là quy chế truyền thống của hát Xoan. Một cuộc hát Xoan được chia thành 3 giai đoạn và trình diễn theo một thứ tự nhất định: Mở đầu một cuộc hát Xoan là Chặng hát lễ nghi với các ca từ, giọng hát, điệu múa chặt chẽ, trang nghiêm, thành kính; Chặng thứ hai là đến phần hát các quả cách với giọng điệu, lời lẽ cởi mở, vui tươi, khỏe khoắn, chữ tình thể hiện niềm vui trong lao động sản xuất, trong  đời sống lứa đôi…và Chặng cuối là hát hội, hát giã đám, hát giao duyên nam nữ, hát giao lưu giữa người trình diễn hát Xoan với nhân dân địa phương và người đến xem hát, với giọng điệu khỏe mạnh, dồn dập tạo niềm vui, sự hào hứng cho cả người hát và người xem hát. 
 

Nghệ nhân phường Xoan An Thái trình diễn bài “Đối dẫy cách” tại đình Hùng Lô – xã Hùng Lô - TP Việt Trì – tỉnh Phú Thọ.
 
Nghệ thuật trình diễn của hát Xoan Phú Thọ có một diện mạo nghệ thuật riêng, vừa độc đáo vừa cổ kính. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hát Xoan là nghệ thuật thuộc tầng văn hóa cổ nhất Việt Nam với những ca từ cổ, động tác múa cũng rất cổ; nhạc cụ trong Xoan rất đơn giản chỉ là những phách tre, chống khẩu; giọng điệu mang đậm dấu ấn thổ ngữ của địa phương vùng trung du Phú Thọ. Tất cả các yếu tố đó tạo nên một di sản văn hóa cổ đại diện của nhân loại.
- Ca từ trong bài bản hát Xoan là những câu từ cổ, dân giã, gắn với đời sống thường ngày, mô tả lại các hoạt động trong lao động sản xuất, những suy nghĩ tình cảm diễn ra trong đời sống hàng ngày và thường được thể hiện dưới dạng thể thơ song thất lục bát, thất ngôn, lục bát, lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ.
- Nội dung các bài bản hát Xoan vừa mang tính khẩn cầu, chúc tụng có tính chất nghi lễ, phản ánh ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng vừa mang nội dung hiện thực, thể hiện ước mong có một cuộc sống tươi đẹp, mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, ước mong một cộng đồng dân cư gắn bó với nhau thành làng chạ; ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước; ngoài những ước mong trên, hát Xoan còn là những bài ca chữ tình về tình yêu lao động, tình yêu nam nữ.
- Nhạc cụ trong hát Xoan là những phách tre, trống con rất đơn giản kết hợp với những dụng cụ biểu diễn dân giã như quạt, nậm rượu.
- Về sắc thái âm nhạc của Xoan vừa có giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, vừa có giọng duyên dáng chữ tình.
- Loại hình biểu diễn của hát Xoan là loại hình ca nhạc biểu diễn tổng hợp đa yếu tố bao gồm cả hát, múa, nhạc và thơ. Hát có hát đồng ca nam, đồng ca nữ, hát tốp ca, hát đối đáp, hát đuổi, hát đan xen, hát lĩnh xướng;
-  Về sắc thái âm nhạc của Xoan vừa có giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, vừa có giọng duyên dáng chữ tình. Điều đó được thể hiện rõ nét qua từng chặng hát. Ở Chặng hát thờ chính, nam vẫn là người hát chính, còn bốn nữ hát hòa theo và hát đệm. Nhạc điệu của các quả cách này nghiêm trang, tiết tấu gọn gàng, không luyến láy ê a; hát nói là chính, hát ngâm chỉ xen kẽ một phần nhỏ ở các quả hát thờ. Đến Chặng hát hội thì lại hoàn toàn khác, đa dạng về hình thức: Có hát ngâm, là nhạc của các bài bản hát giao duyên, giàu chất chữ tình như: Cài Huê, Đúm; hát theo kiểu ca khúc, tạo nên những tiết mục vui, trữ tình mang yếu tố diễn xướng hoạt cảnh như các bài: Bỏ bộ, Bợm gái, Xin huê – Đố chữ, Mó cá.
- Trong hát Xoan có sự kết hợp giữa lời ca với các điệu múa đơn giản, chủ yếu bằng đôi tay của các đào, kép đưa ra, thu vào; ngửa bàn tay, úp bàn tay; cùng với sự di chuyển của đôi chân theo hàng dọc, hàng ngang và theo vòng tròn; kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ, như quạt, phách tre, nậm rượu. Trong múa Xoan chỉ có hai động tác múa: động tác múa thứ nhất là bốn ngón tay uốn tròn lại ôm lấy ngón tay cái (ngón tay cái dấu trong lòng bàn tay), kết hợp với hai bàn chân chụm lại với nhau, tượng trưng cho những nụ hoa Xuân; đồng thời cũng thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với vị Vua tôn kính của mình. Động tác múa thứ hai là hai nụ hoa úp xuống, các ngón tay từ từ xòe ra và đưa từ trái sang phải, kết hợp với bàn chân bước sang ngang cùng chiều với tay, tượng trưng cho những bông hoa xuân đang nở, thể hiện sức đâm chồi nảy lộc của cây trái, hoa màu; thể hiện sức sống mạnh mẽ, sự vui mừng của người dân khi được đón Vua về và niềm vui mừng khi đón nhận một năm bội thu.
 Điều đặc biệt của Xoan là trong các quả cách, nam luôn là người hát chính, nữ chỉ hát đệm, hát đuổi theo, hát những khúc ngắn vì nữ còn đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng đó là múa. Trong hát Xoan chỉ có bài Giáo trống, Giáo pháo là hai kép nhỏ múa, còn lại toàn bộ phần múa trong cuộc hát là do nữ đảm nhận.
Có thể nói hát Xoan là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, hội đủ các yếu tố của văn nghệ dân gian bao gồm về tổ chức Phường (họ); trình diễn theo hình thức đơn giản hát kết hợp với múa, gõ trống và phách, gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đó là hình thức âm nhạc cổ truyền, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu; Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hoá, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại./. 
 
    Nguyễn Bích Thủy – Bảo tàng Hùng Vương
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com