Thứ 2 | 14/11/2016

Hát Xoan tại sân đình Hùng Lô năm 2013 (Ảnh: TL)

 
1. Đặt vấn đề
Hát nước nghĩa là hình thức hát giao kết giữa họ Xoan với làng kết nghĩa anh em. Hát nước nghĩa phản ánh nét đặc trưng riêng có trong Hát Xoan với nội dung hát thờ thần. Thực chất của hình thức hát nước nghĩa là việc giao lưu hát Xoan của các phường Xoan gốc với các làng có liên quan trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với nội dung khẩn nguyện, giao kết, cầu chúc của cư dân các làng làm nông nghiệp.
Đây là một hiện tượng văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, có nội dung tín ngưỡng với mục đích thờ thần, đã tồn tại hơn 2.000 năm, từ thời các vua Hùng dựng nước. Hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mà còn là để cầu trời, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân, cầu thần ban phát phù trợ cho dân làng tứ thời tiết lập, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, đông đàn dài lũ, thi cử đỗ đạt, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an…     
          Theo sử sách ghi lại, hát Xoan          Hát Xoan - còn có tên gọi khác là hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát thờ, hát cửa đình. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó có 4 phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu (Phú Thọ) hiện vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị nghệ thuật của hát Xoan.
          Hàng năm cứ vào ngày mồng 1 tháng Giêng, các phường Xoan tiến hành làm lễ ở trước Miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng; sau đó chia nhau đi hát ở các làng kết nghĩa. Cuộc lưu diễn của các phường Xoan đến các làng kết nghĩa thường diễn ra trong gần ba tháng.
2. Nội dung Hát Xoan nước nghĩa
2.1. Không gian văn hóa
Hát Xoan Phú Thọ là thể loại dân ca nghi lễ gắn liền với tục thờ Hùng Vương của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Hát Xoan có tổ chức phường họ, có những quy định về tổ chức, những tục lệ riêng. Họ Xoan dưới sự dẫn dắt của ông trùm phường dong duổi tới hát thờ ở các ngôi đình của các làng kết nghĩa.
Hát Xoan chủ yếu hát vào tháng Giêng, tháng Hai Âm lịch theo tục giữ cửa đình, hát vào các ngày nhất định không thay đổi. Lịch hát và các địa phương có hát Xoan - hát giữ cửa đình là tục lệ chung cho các họ Xoan.
Tục giữ cửa đình có liên quan tới tục nước nghĩa, họ Xoan giữ cửa đình nào thì kết nghĩa với làng đó. Hát Xoan không có tục kết nghĩa 2 làng mà chỉ có kết nghĩa họ Xoan với làng nước nghĩa, không phải kết nghĩa giữa 2 dân mà là kết nghĩa họ với dân “Dân là con trưởng, họ là con thứ”. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được 31 cửa đình thuộc 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ (9 huyện) và 18 xã có hát Xoan (trong đó Phú Thọ 15 xã, Vĩnh Phúc 3 xã) có nguồn gốc về hát Xoan. Hiện nay đã có 11/30 đình làng - không gian diễn xướng hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Về sự ra đời của tục hát nước nghĩa ở mỗi địa phương/mỗi cửa đình lại gắn với những tích chuyện khác nhau:
- Truyền thuyết xưa ở làng Cao Mại, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ kể rằng: " Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát để làm vơi nỗi đau khi trở dạ. Giọng hát của nàng Quế Hoa trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, thân mềm như tơ, tay dẻo như bún làm mê đắm lòng người. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa quên đi đau đớn mà sinh được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vua Hùng vui mừng khôn xiết, hết lời khen ngợi Quế Hoa, mời nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa thường hát chầu vua Hùng vào đầu mùa Xuân nên dân gian gọi lối hát ấy là hát Xuân, tục gọi hát Xoan”. Những điệu Xoan mê đắm từ đó cứ thế được truyền khẩu qua các đời.
Tại đây còn có câu truyện kể khác: “Công chúa Nguyệt Cư khi đi qua làng An Thái thì trở dạ, dân làng bèn cử nàng Quế Hoa ra hát múa cho công chúa nghe và cho các cô gái đi theo kiệu trở về Cao Mại, vừa đi vừa hát để công chúa quên đi cơn đau. Khi đến Cao Mại thì bà sinh hạ Hoàng tử”. Từ đó có tục kết nước nghĩa giữa hai làng An Thái - Cao Mại và tục các cô đào Xoan chạy hát theo kiệu của Cao Mại.
Việc tổ chức “Hát Xoan nước nghĩa” tại đình Đông Chấn - xã Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao) nhằm phục dựng tục “Hát Xoan nước nghĩa” đã có từ lâu đời của địa phương. Theo truyền thống, tục “Hát Xoan nước nghĩa” diễn ra từ mùng 3 đến mùng 7 tháng Giêng, bao gồm các hoạt động như rước lễ vật, rước kiệu, rước xôi ngũ sắc, tế lễ truyền thống, đón tiếp phường Xoan An Thái và tổ chức diễn xướng “Hát Xoan nước nghĩa”.
- Truyền thuyết của làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lại kể rằng: “ Hát Xoan được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước (nay là tỉnh Phú Thọ). Sau đó hát Xoan được lan tỏa tới các vùng lân cận, trong đó có làng Hoàng Thượng. Cũng giống như ở Phú Thọ, hát Xoan ở làng Hoàng Thượng có 3 hình thức chính: hát thờ cúng các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe; hát hội (là hình thức để nam nữ giao duyên). Trong hát Xoan lời ca kết hợp với động tác thể hiện cuộc sống hàng ngày của người dân lao động như: Mó cá, bợm gái, hát quả cách... Âm nhạc được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm. Giai điệu mộc mạc, tiết tấu đơn giản, giọng hát gần gũi với giọng nói. Nhạc cụ trong hát Xoan rất đơn giản, chỉ dùng một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách làm bằng tre. Bài hát được kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Trong khi hát còn có các điệu múa kết hợp cùng với việc sử dụng các đạo cụ như: quạt, phách tre, nậm rượu, quả đúm…
Bà Trần Thị Thanh Khu (hơn 80 tuổi), tổ trưởng tổ hát Xoan, thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là người được tiếp cận nhiều những làn điệu hát Xoan do được thân phụ là một cụ kép nổi tiếng của phường Xoan Sậu trước kia cho biết: “Hát Xoan là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống, đó là tín ngưỡng phồn thực thờ trời và các thần linh, cầu cho "nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, cây cối quanh năm xanh tốt, mùa màng bội thu". Trong hát Xoan có sự “lên níu” tức là sự đoàn kết xóm, làng, quan hệ rộng rãi, đặc biệt nam nữ có sự giao lưu; hát Xoan cũng tạo nên rất nhiều tình cảm trong người dân và bạn bè. Do được gắn với tín ngưỡng thờ trời, thờ vua Hùng và các thần linh nên hát Xoan thường được tổ chức ở các di tích tín ngưỡng truyền thống như miếu, đình làng mục đích nhằm chuyển tải những ước nguyện và cầu mong của dân làng đến các bậc Thánh, Thần”.
2.2. Nội dung, hình thức
          Xưa kia, hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, tục hát cửa đình của các phường xoan ngoài việc chúc tụng, cầu nguyện các bậc thánh thần còn là cơ hội để nhân dân các làng kết nghĩa với nhau. Theo lệ, làng sở tại là vai anh, phường Xoan là vai em. Khi kết nghĩa rồi, cấm trai gái hai bên kết hôn với nhau vì phải coi nhau như anh em ruột. 
Hát Xoan mang 2 thông điệp về văn hóa, đó chính là nội dung cầu chúc, khẩn nguyện, thờ lễ và trữ tình, giao duyên. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Nét đặc sắc hơn cả của hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da và đôi ba cái phách bằng tre.
Nghệ thuật hát Xoan là nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, hát đi đôi với múa và nhạc đỡ giọng giữ nhịp, trong đó yếu tố hát là chính. Hát Xoan là hình thức nghệ thuật “hát thơ”, hát trên rất nhiều thể thơ truyền thống Việt Nam như: lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, các thể thất ngôn và thể 4 chữ. Hát Xoan có không gian văn hóa và địa điểm trình diễn là không gian văn hóa hát thờ (hát cửa đình) và không gian văn hóa hát hội.
Hát Xoan được trình diễn theo một trình tự nhất định (lề lối). Mở đầu là hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; tiếp theo là hát quả cách - hát những bài  chúc vua, những bài kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; cuối cùng là hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng. Hát Xoan được trình diễn trong khoảng thời gian từ lúc lên đèn, qua đêm đến rạng sáng hôm sau là tan cuộc.Tuy nhiên theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng, mà phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ chương trình gồm các vũ điệu và gần 2.000 câu hát.
2.3. Ý nghĩa, giá trị
 Ở Phú Thọ có 21 làng có tục Hát Xoan song chỉ có 4 làng có người đi hát: Kim Đái, Phù Đức, Thét (thuộc xã Kim Đức) và làng An Thái ( xã Phượng Lâu - thành phố Việt Trì). Bởi vậy vào mùa lễ hội, 4 phường Xoan của làng sau khi khai xuân bằng múa hát ở miếu Lãi Lèn và đình làng mình từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 tết ( âm lịch), thì từ ngày mùng 5 tết các phường Xoan lại chia nhau đến hát ở các cửa đình làng bạn . Ngoài 4 làng Xoan gốc, 17 làng ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc có tục Hát Xoan nước nghĩa.
Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần 3 tháng. Lệ giữ cửa đình quy ước mỗi phường Xoan chỉ có một số cửa đình chính để hàng năm đến hát thờ. Ví dụ phường Kim Đơi giữ cửa đình Hữu Bổ, Thanh Mai, Nha Môn…phường Phù Đức giữ các đình Phù Ninh Đức Bác, Y Kỳ, Tây Cốc…
          Phường Xoan mời cả làng đến hát chung với nhau bằng “tục kết chạ” (nước nghĩa) anh em. Phường Xoan là em, làng sở tại là anh. Mối tình anh em này rất được trân trọng. Tục kết nghĩa cũng quy định đào, kép phường Xoan không được kết hôn với trai gái của làng mình kết nghĩa. Quy định này phản ánh tình cảm trong sáng, lành mạnh giữa đào kép phường Xoan với trai gái làng kết nghĩa.
Nói về ý nghĩa hát Xoan nước nghĩa, bà Trần Thị Thanh Khu cho biết: “Xưa kia, do quá trình giao lưu biểu diễn của các Phường Xoan dẫn đến sự gắn bó giữa phường Xoan với đình làng. Về sau tục kết nghĩa giữa làng và họ Xoan ra đời. Phường Xoan Sậu (Kim Xá) cũng không nằm ngoài tục lệ đó. Phường Xoan Sậu  kết nghĩa với các phường Xoan Phù Ninh (Phú Thọ). Vì hai phường Xoan có vị trí gần nhau, chỉ cách dòng sông Lô, nên năm nào đình Hoàng Thượng tổ chức lễ hội vào tháng Giêng và tháng Chín âm lịch thì phường Xoan ở Phù Ninh cũng sang hát Xoan và ngược lại. Bởi lẽ đó, có rất nhiều người ở làng Hoàng Thượng đã trở thành đào, kép để cùng hát giao lưu...”.
2.4. Sự tương đồng và khác biệt
2.4.1. Sự tương đồng
- Nghệ thuật hát Xoan được thể hiện với đầy đủ các dạng thức nhạc như hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Đặc biệt, trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca.
- Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là các tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, cầu chúc tụng, khẩn nguyện. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát các quả cách. Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau như mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể về các tích chuyện xưa.
- Hát hội (còn gọi là hát giao lưu): hát các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá...
- Lệ quy định Trưởng phường phải là nam giới.
- Lệ cấm người có tang đi hát. Khi đến làng nước nghĩa, nơi nghỉ riêng, nơi ăn riêng. Việc cơm nước cho phường Xoan do dân làng gánh vác, gạo lấy từ ruộng công, thức ăn do nhà đăng cai chịu. Lệ còn cấm việc đùa cợt, trêu ghẹo các đào Xoan; ai vi phạm sẽ bị trói cột đình và phải sửa lễ tạ làng.
2.4.2. Sự khác biệt
          a. Mỗi phường Xoan (họ Xoan) kết nghĩa với một số làng riêng biệt:
          - Phường Phù Đức kết nghĩa với làng:
+ Làng Tây Cốc,xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng.
+ Làng Tử Đà, xã Tử Đà huyện Phù Ninh,
+ Làng Phù Ninh, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh
+ Làng An Đạo, xã An Đạo, huyện Phù Ninh.
+ Làng Tiên Du, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh.
+ Làng Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là TP Việt Trì).
                - Phường Thét kết nghĩa với làng:
+ Làng Tử Du, xã Tử Du, huyện Lập Thạch.
+ Làng Hoàng Chuế, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường.
+ Làng Sậu, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường.
                - Phường An Thái kết nghĩa với làng:
+ Làng Nông Trang, xã Minh Nông, thành phố Việt Trì.
+ Làng Cẩm Đội, xã Thụy Vân,  thành phố Việt Trì.
+ Làng Dữu Lâu, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì.
+ Làng Cao Mại, xã Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao), huyện Lâm Thao.
+ Làng Hữu Bổ,xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao.
+ Làng Thanh Mai, xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao (nay là TP Việt Trì).
+ Làng Đức Bác, xã Đức Bác, huyện Sông Lô.
+ Làng Hương Nộn, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.
          - Phường Kim Đái:
Chính thức không giữ cửa đình nào mà chỉ đi hát theo các họ bạn, chủ yếu trên địa bàn huyện Phù Ninh.
b. Các phường Xoan cùng chung làng đến hát:
          + Làng Cao Mại, xã Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao), huyện Lâm Thao.
          Tuy cùng đến hát nhưng phường kết nghĩa vẫn được ưu đãi hơn, chủ yếu về mặt tinh thần: rước kiệu Thành hoàng làng (đi dưới gầm kiệu, hát nhập tịch mời Vua), dự lễ tế thần và hát múa thờ…
          c. Mời phường Xoan hát tại nhà:
Ngoài việc hát tại đình làng vào các ngày lễ hội, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở Hoàng Thượng cũng mời phường Xoan ở Phù Ninh về hát tại nhà những lúc có việc vui nên mối quan hệ giữa họ và làng rất thân thiết, gắn bó.
d. Tiền công: Xoan đến hát ở đâu, ngoài việc được dân làng đãi ăn uống đều được trả thù lao. Có phường lấy tiền, có phường lấy gạo hoặc ngô.
3. Kết luận
          Hát Xoan vừa là sản phẩm, vừa là hiện t­ượng văn hóa dân gian đặc trư­ng của vùng đất Tổ Hùng V­­ương. Nhân dân ta quan niệm rằng: những câu hát Xoan sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người. Bởi vậy nên hát Xoan qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống. Hát Xoan xứng đáng là di sản văn hóa không chỉ riêng của Phú Thọ mà còn là di sản văn hóa của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam và cả nhân loại trên toàn thế giới. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ trong thời kỳ hội nhập quốc tế là việc làm có ý nghĩa to lớn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hát Xoan gắn với tín ngư­ỡng thờ cúng Hùng V­ương là điểm nhấn quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Việt Nam./.                                                             
Phạm Bá Khiêm
     Chủ tịch Hội VNDG tỉnh Phú Thọ
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com