Thứ 4 | 14/12/2016
Nằm giữa trung tâm thành phố Việt Trì, Thư viện tỉnh Phú Thọ được biết đến như là ngôi nhà chung, một địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Cách đây tròn 60 năm, ngày 20 tháng 12 năm 1956, Thư viện tỉnh Phú Thọ ra đời (lúc đó gọi là Phòng Thư viện). Chặng đường hơn nửa thế kỷ ấy đã ghi những dấu ấn đậm nét trong lịch sử ngành Văn hoá - Thông tin (VHTT) của tỉnh nói chung và tâm trí mỗi cán bộ, viên chức thư viện thuộc nhiều thế hệ nói riêng.
Ngày mới thành lập, trụ sở thư viện chỉ là một ngôi nhà tranh tre, trang thiết bị đơn sơ, nghèo nàn, vốn tài liệu chưa đến 2.000 bản sách và chỉ có vài ba loại báo, tạp chí. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ, Phú Thọ với nhiều đầu mối giao thông, nhiều khu công nghiệp đã trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Để đảm bảo sách báo không rời bạn đọc, Thư viện đã chuyển hướng phục vụ về cơ sở. Hàng ngàn bản sách, báo, tạp chí được được cõng trên lưng, thồ trên xe đạp đi tìm người đọc, về với từng thôn làng, cơ quan, xí nghiệp ở nơi sơ tán.
Năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú. Những người anh em đồng nghiệp ở hai tỉnh lại chung sức, chung lòng gánh vác công việc phục vụ công cuộc xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Chỉ một năm sau ngày thống nhất đất nước, hệ thống thư viện cấp huyện được thành lập và đi vào hoạt động. Lần lượt 13 huyện, thành, thị đã có thư viện với vốn sách báo ban đầu tuy ít ỏi nhưng đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phong trào xây dựng các thư viện, tủ sách cơ sở được nhen nhóm và phát triển từng bước.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Sự chuyển đổi cơ chế từ quản lý kinh tế quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, là một bước đột phá mang tính chiến lược. Trong thời điểm này, các Thư viện cơ sở vốn được "bao cấp" từ nguồn kinh phí của hợp tác xã nông nghiệp phải đứng trước nguy cơ tan rã. Hoạt động của các thư viện huyện, thị xã, thành phố cũng có dấu hiệu giảm sút. Song với lòng nhiệt huyết, quyết tâm của tập thể cán bộ thư viện và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở đã kịp thời tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ hệ thống Thư viện cấp huyện đã được ổn định. Đa số thư viện, tủ sách cấp xã đứng vững và duy trì hoạt động hiệu quả.
Tháng 2 năm 1996, công trình xây dựng trụ sở Thư viện tỉnh được hoàn thiện - một ngôi nhà 2 tầng khang trang với trên 2.000m2 sử dụng, toạ lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với diện tích 5.000m2 ở vị trí đắc địa bên đường Trần Phú - trung tâm thành phố Việt Trì. Vào thời điểm đó, Thư viện KHTH tỉnh Phú Thọ là một trong những thiết chế văn hoá, một trung tâm thông tin tư liệu có thể sánh vai với các Thư viện khu vực phía Bắc có điều kiện tương đồng.
Tháng 1 năm 1997, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, tỉnh Vĩnh Phú được chia tách thành hai tỉnh: Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Sau gần 30 năm sáp nhập và hoạt động dưới một mái nhà chung, hai Thư viện tỉnh cùng được tái lập. Toàn bộ tài liệu, trang thiết bị đều được chia sẻ để hai đơn vị tiếp tục ổn định và phục vụ bạn đọc.
Từ đó đến nay, đồng hành cùng với sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và Thư viện nói riêng, đội ngũ cán bộ Thư viện tỉnh luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thực tiễn cách mạng. Hiện Thư viện tỉnh Phú Thọ đã có một cơ sở khang trang, rộng lớn số vốn tài liệu sách, báo trên 22 vạn bản; hàng năm lượng bổ sung tăng lên không ngừng từ 7.000 cuốn đến 10.000 cuốn, với hơn 200 loại báo và tạp chí, trang thiết bị chuyên ngành từng bước đầu tư hiện đại hơn. Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thư viện cấp từ 2.500 - 3.000 thẻ độc giả; phục vụ từ 150.000 - 200.000 lượt bạn đọc; luân chuyển từ 350.000 - 450.000 lượt sách báo.
Nhiều hoạt động thư viện được được Lãnh đạo cấp trên và bạn đọc đánh giá cao như tham gia tổ chức Hội báo Xuân; trưng bày sách, báo tuyên truyền cho các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn; tổ chức ngày “Hội Sách Đất Tổ" nhân Ngày Sách Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). Nhiều cuộc nói chuyện chuyên đề nhân các ngày kỷ niệm lớn, thu hút đông đảo khán thính giả đến dự. Tham gia nhiều chương trình tọa đàm tôn vinh “Văn hóa đọc” trong cộng đồng: “Sách và văn hóa đọc”, “Sách văn học dành cho thiếu nhi”... phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ; cung cấp tư liệu cho chuyên mục “Sách hay cho mọi người”, “Mỗi tuần một cuốn sách”, “Cuộc sống muôn màu”. Tổ chức thường niên Hội thi “Thiếu nhi Đất Tổ kể chuyện, tuyên truyền, giới thiệu sách” vào các dịp hè hàng năm. Biên soạn thư mục toàn văn "Phú Thọ qua báo chí trung ương và địa phương", đặc biệt là thư mục phục vụ các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và nhiều loại hình thư mục dành cho các đối tượng bạn đọc trên địa bàn.
Nhiều Đề án, kế hoạch phát triển sự nghiệp thư viện và nghiệp vụ được triển khai có hiệu quả: Dự án xây dựng “Tổng tập thư mục địa chí Phú Thọ” với 3.270 tư liệu là một bức tranh toàn cảnh về tư liệu, phản ánh sự hình thành và phát triển của nền kinh tế, văn hoá - xã hội địa phương suốt một chiều dài lịch sử mấy ngàn năm và là cơ sở khoa học để biên soạn bộ sách "Địa chí Phú Thọ". Đề án "Nâng cao hoạt động thư viện xã, phường, thị trấn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2003 - 2005" với tổng kinh phí 770 triệu đồng. Nhờ Đề án này mà Thư viện tỉnh đã xây dựng được Kho sách lưu động ban đầu gần 15.000 bản phục vụ công tác luân chuyển đều đặn về cơ sở; hệ thống thư viện, tủ sách báo trên địa bàn được mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ. Sau này nhiều dự án được Tỉnh cho phép đầu tư tạo nên một diện mạo mới như: "Dự án xây dựng Thư viện điện tử"; "Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở Thư viện tỉnh". Tham mưu xây dựng Đề án “Tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện công cộng tỉnh Phú Thọ”, Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” …
 

Thư viện tỉnh trưng bày sách phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ 
lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
 
          Ngoài những hoạt động tại thư viện trung tâm, mạng lưới thư viện cơ sở được duy trì, phát triển và hoạt động khá hiệu quả với 13 thư viện huyện, thành, thị;  277/277  thư viện xã, phường, thị trấn; trên 2.000 tủ sách khu dân cư và 565 tủ sách pháp luật. Nhiều địa phương đã năng động sáng tạo, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong và ngoài tỉnh để phát triển: Xây dựng trụ sở mới, tăng nguồn lực sách, báo và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chuyên ngành, điển hình như thư viện huyện Tân Sơn, thư viện thành phố Việt Trì, thư viện thị xã Phú Thọ....
          Để tăng cường nguồn lực thông tin về với cơ sở, Thư viện tỉnh thường xuyên luân chuyển sách báo đến các thư viện huyện, xã trong toàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch liên tịch “Phối hợp công tác giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Thông tin – Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách báo tại điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020”, thư viện đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức luân chuyển sách báo đến 241 điểm BĐVHX nhằm nâng cao dân trí cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hiện đã luân chuyển được gần 10.000 bản sách đến 91 điểm BĐVHX trong tỉnh. Việc luân chuyển sách đến từng huyện, từng xã đã giúp bà con nông dân được tiếp cận nhiều thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, lao động sản xuất; góp phần thu hẹp sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá tinh thần giữa các vùng miền trong toàn tỉnh; từng bước khẳng định văn hoá đọc là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống người dân.
          Thư viện luôn chú trọng đổi mới hình thức hoạt động, đã có nhiều cách làm mới tạo nên sự hấp dẫn thu hút đông đảo bạn đọc các lứa tuổi tham gia như: Tổ chức các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách, báo; thi viết, thi vẽ, mời diễn giả nói chuyện chuyên đề. Bên cạnh đó là những hoạt động được tổ chức ngoài trời trong khuôn viên thư viện và các điểm trung tâm thành phố, đã thu hút được hàng chục nghìn bạn đọc và nhân dân quan tâm, tham gia và hưởng ứng. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ đã góp phần nâng cao trình độ và chia sẻ những kiến thức, chuẩn nghiệp vụ mới để áp dụng hiệu quả vào các hoạt động thư viện.
          Công tác phục vụ bạn đọc từng bước đổi mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người đọc. Tăng cường công tác khai thác, bổ sung nguồn tài liệu thích hợp, trong đó chú trọng những loại sách chính trị, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các bộ Luật, sách khoa học kỹ thuật thuộc nhiều lĩnh vực, sách nghiên cứu, tham khảo; giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi thông qua các kênh thông tin đại chúng và các phương tiện trực quan nhằm thu hút ngày càng đông đảo bạn đọc tới thư viện. Số người đọc đến nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, sử dụng tư liệu để làm đề tài, dự án khoa học vượt trội hẳn. Với lớp trẻ, Thư viện đã trở thành "Trường học thứ hai", là một trong những cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước, quê hương. Sách báo đã thực sự là bạn của mọi người, mọi nhà, mọi lứa tuổi. Thông qua sách báo, tư liệu, Thư viện đã phổ biến kinh nghiệm làm giàu, kinh nghiệm làm kinh tế giỏi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế đồi rừng phù hợp với điều kiện và tiềm năng của địa phương (như kỹ thuật trồng cây, gây rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm kinh tế VAC, thâm canh gối vụ, chọn giống cây, con có năng suất cao, phòng chống sâu bệnh; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, dịch vụ, hàng hoá nông nghiệp; tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội; ngăn chặn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
          Bên cạnh phương thức phục vụ truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành yêu cầu tất yếu và luôn đòi hỏi tính kịp thời, sự sáng tạo trong việc quản lý và chia sẻ tài nguyên thông tin theo mô hình thư viện hiện đại. Từ năm 2005, Bộ Văn hoá Thông tin đã phê duyệt cho Thư viện tỉnh Phú Thọ được hưởng thụ một phần vốn đầu tư kinh phí trong dự án "Nâng cấp và phát triển hệ thống Thư viện điện tử/ Thư viện kỹ thuật số của hệ thống Thư viện công cộng”. Chương trình đã được Thư viện Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn máy tính truyền thông CMC triển khai phần mềm hệ quản trị tích hợp Ilib 3.6 trong tháng 01/2006. Bên cạnh đó thư viện được UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đối ứng cho việc triển khai dự án này. Thư viện tỉnh đã chuyển đổi CSDL từ ISIS sang phần mềm Ilib3.6, xây dựng mạng LAN và triển khai hồi cố dữ liệu cũ và cập nhật dữ liệu mới, biên soạn được nhiều sản phẩm thông tin: Thư mục giới thiệu sách mới, thư mục địa chí, thư mục chuyên đề, thư mục thông báo định kỳ, thư mục toàn văn ... Các CSDL báo, tạp chí và địa chí thường xuyên được cập nhật, đến nay đã cập nhật được trên 27.000 biểu ghi. Ngoài ra còn áp dụng để in ấn các loại phích mô tả, sổ đăng ký tổng quát, sổ đăng ký cá biệt; cấp thẻ và thống kê lượt bạn đọc… tạo thuận lợi cho cán bộ thư viện trong việc cập nhật, xử lý thông tin và giúp bạn đọc thỏa mãn nhu cầu tra tìm thông tin. Việc ứng dụng phần mềm này đã đạt được những yêu cầu cơ bản trong chuyên môn nghiệp vụ đề ra, mở ra một bước phát triển mới trong việc tạo ra các sản phẩm thông tin phục vụ người dùng tin nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Năm 2014, cùng với 40 tỉnh trên cả nước, tỉnh Phú Thọ được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn để triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” gồm Thư viện tỉnh; 12 thư viện huyện, thị; 15 thư viện xã và 45 điểm BĐVHX được tiếp nhận và triển khai dự án với tổng số 460 máy tính có kết nối mạng, 73 máy in và các thiết bị ngoại vi khác. Nhờ đó, đã thu hút thêm số lượng lớn bạn đọc đến thư viện tra tìm thông tin và vào mạng Internet miễn phí. Năm 2015, Thư viện tỉnh Phú Thọ xây dựng được Website, mặc dù mới triển khai song đến thời điểm này lượt truy cập lên đến gần 15.000 lượt, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của người dùng tin, thu hút được nhiều thành phần bạn đọc là các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, kỹ sư đa ngành, cán bộ hưu trí, các em học sinh… Cung cấp nhiều thông tin, tài liệu cho hàng trăm lượt bạn đọc nghiên cứu sinh và nghiên cứu các đề tài cấp Quốc gia và cấp tỉnh về chính trị, lịch sử, văn học, kinh tế…nhanh chóng và thuận tiện.
 

Các đồng chí Lãnh đạo cắt băng chào mừng
“Ngày hội Internet” tại Thư viện tỉnh năm 2015.
 
Tính đến nay, Thư viện tỉnh có 2 máy chủ, hơn 60 máy trạm cùng các thiết bị ngoại vi như máy in, máy photocoppy, máy chếu, máy scan chuyên dụng; đầu tư nâng cấp hệ thống mạng LAN, chuyển đổi dịch vụ Internet từ ADSL qua cáp quang để triển khai số hóa kho tài liệu địa chí, đặc biệt số hóa các tài liệu về “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” nhằm tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các di sản văn hóa vùng Đất Tổ tới đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.
Một trong những yếu tố tạo đà trong suốt quá trình phát triển, không thể không kể đến đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động Thư viện tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, với 24 cán bộ viên chức, người lao động, đa số có trình độ Đại học. Cơ cấu, tổ chức bộ máy gồm Ban giám đốc và 5 phòng chức năng: Phòng Bảo quản và xử lý tài liệu, Phòng Bạn đọc, Phòng Thông tin - Thư mục, Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng xây dựng phong trào cơ sở. Trong nhiều năm qua, cán bộ thư viện đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao. Một số đồng chí cán bộ Thư viện trưởng thành được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của HĐND tỉnh và các cơ quan, ban ngành của tỉnh.
           Các tổ chức chính trị đoàn thể từng bước lớn mạnh về mọi mặt. Chi bộ luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên của đơn vị, liên tục được công nhận là “Chi bộ trong sạch vững mạnh”. Công đoàn là một trong số Công đoàn tiêu biểu của ngành VHTTDL, đã phát huy hiệu quả các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", quan tâm đến đời sống của đoàn viên, xây dựng lối sống, phong cách làm việc văn hoá. Chi đoàn thanh niên hoạt động tích cực, nhiều năm được Đoàn cấp trên khen thưởng.
          Hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng với sự lớn mạnh của ngành Văn hoá Thông tin Phú Thọ, đến nay, Thư viện tỉnh Phú Thọ thực sự trở thành trung tâm thông tin lưu giữ, phát huy vốn tri thức nhân loại và kho tàng văn hoá Đất Tổ, là cầu nối của tri thức đến với mọi người dân, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Văn hoá Thông tin nói chung và sự nghiệp chuyên ngành nói riêng. Bằng những đóng góp ấy, nhiều năm liền đơn vị được nhận Cờ, Bằng khen của Bộ VHTTDL và của UBND tỉnh. Đặc biệt, ba lần Thư viện được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động: Năm 1999 Huân chương hạng Ba, năm 2004 Huân chương hạng Nhì, năm 2010 Huân chương hạng Nhất. 
          Hành trình 60 năm liên tục phấn đấu đã ghi nhận bao công sức, tâm trí của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống thư viện công cộng của tỉnh. Đó cũng chính là cơ sở vững vàng để đơn vị bước tiếp trên con đường hướng tới tương lai, xứng đáng là trung tâm VHTT của quê hương Đất Tổ Vua Hùng./.

Nguyễn Thị Tuyết Mai
Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com