Hát Xoan Phú Thọ là lối hát có lịch sử rất lâu đời của người Việt, ra đời và được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa sinh thái tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội từ khi cộng đồng người Việt định cư trên bậc thềm trung du của vùng châu thổ sông Hồng.
Hát Xoan là dân ca địa phương, tiếng hát của người dân lao động, là sản phẩm văn hóa cộng đồng của cư dân nông nghiệp và là loại hình nghệ thuật sinh ra để hát thờ Vua Hùng. Hát Xoan là nghệ thuật diễn xướng thông qua các hoạt cảnh chứ không phải nghệ thuật diễn trò thông qua từng nhân vật.
Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã nhận xét: “So với nhiều hình thức trình diễn cổ truyền, hát xoan có diện mạo nghệ thuật riêng vừa độc đáo vừa cổ kính. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hát xoan là nghệ thuật thuộc tầng văn hóa cổ nhất Việt Nam”; và theo Tiến sĩ Trần Thị Kim Anh thì “phải chăng hát Xoan là di sản của lối hát múa nơi vương thất từ thời Văn Lang?”
Hát đúm là một phần diễn xướng giao duyên trong hội hát Xoan. Hát đúm thực chất là lối hát giao duyên, đối đáp giữa trai và gái, thường diễn ra vào mùa xuân, trong các hội làng. Theo kiểm kê di sản hát Xoan của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2011, tới trước cách mạng tháng 8 năm 1945 “Hát Xoan Phú Thọ” được lan tỏa trên vùng đất Văn Lang gồm 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc ngày nay; trải dài qua 9 huyện, 21 xã; từ Tây Cốc (Đoan Hùng) tới Vĩnh Tường, từ Hương Nha (Tam Nông) tới Tiên Du (Lập Thạch) trong khoảng không gian gần 2000 km2. Hát Xoan có 31 bài cơ bản, với nhiều nội dung phù hợp từng phần: hát nghi lễ; hát mô tả đời sống sản xuất của người nông dân và hát hội. Hát đúm được thực hành sau phần hát Xoan nghi lễ; được tách ra thành 1 lối chơi riêng do các cô đào phường Xoan và các trai làng hoặc có các quan viên hàng tổng hay hàng xã cùng tham gia.
Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
Sự giao duyên sau câu hát là việc ném trao tay nhau quả đúm từ tay người con gái bay thẳng vào tay người con trai và ngược lại. Quả đúm hình tròn được làm bằng một mảnh vải điều trong có gói quả cau, lá trầu cuộn lại. Mở đầu cuộc hát một cô đào đại diện cho bên nữ tay cầm quả đúm cất giọng:
Đúm này em dặn thì nghe
Đúm bay cho tới áo the đúm vào
Đúm vào người hỏi làm sao
Em là quả đúm em vào kết duyên.
Dứt câu hát cô gái tung quả đúm về phía các chàng trai, hoặc nhằm vào lòng 1 vị quan viên nào đó. Vị quan viên nhận được quả đúm sẽ mỏ ra lấy trầu, cau gói trong đó, rồi đặt vào một vài đồng tiền thưởng, cuộn tròn lại trong mảnh vải, rồi hoặc tự đứng lên hát đối đáp với cô đào hoặc trao quả đúm cho một chàng trai nào đó hát thay mình.
Khi tới trước mặt cô đào, chàng trai hát:
- Đào ởi, đào ơi
Đào dích lại đây
Đào dịch lại đây
Anh cầm quả đúm trao tay cho đào.
- Đúm này là quả đúm tiên
Đào muốn lấy tiền đào dịch lại đây…
Cuối câu hát, chàng trai tiến lại phía cô đào, cầm tay và trao quả đúm cho cô đào. Cứ như thế lần lượt các cô đào tiến ra hát đối đáp với các chàng trai hoặc các quan viên. Vừa hát vừa tung trao tay nhau quả đúm. Hát đúm thường diễn ra cả ngày từ sáng đến tối, có khi lại là từ chập tối đến sáng tùy theo diễn biến của từng cuộc hát Xoan. Thực chất hát đúm là 1 phần trong hội hát Xoan, nhưng không phải là một tiết mục bắt buộc trong lề lối hát nghi lễ, nên không nhất thiết cuộc hát Xoan nào cũng phải có hát đúm. Sau hát đúm là hát xin huê – đố chữ.
Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
Hát đúm là hình thức hát giao duyên của cộng đồng cư dân nông nghiệp ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Hát đúm không liên quan gì đến nghi lễ trong hát Xoan xong được các nghệ nhân dân gian cấy ghép vào các cuộc hát Xoan. Sự cấy ghép linh hoạt ấy đã nói lên sự phát triển của hình thức dân ca này không chỉ lệ thuộc vào không gian (chốn cửa đình) mà còn có sự hòa nhập vào thời gian để hát Xoan có đủ cơ hội thích nghi vói các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, trường tồn cùng dân tộc. Điều đó nói lên sức lan tỏa và tính bền vững của hát Xoan trong đời sống văn hóa cộng đồng của cư dân nông nghiệp vùng Đất Tổ Hùng Vương./.
Phạm Bá Khiêm
PGĐ Sở VHTTDL Phú Thọ