Thứ 5 | 06/12/2018
Kế nghiệp ông cha trở thành “bà” trùm phường Xoan An Thái, không chỉ nỗ lực đóng góp công sức trong bảo tồn hát Xoan, mà còn đưa Xoan lan tỏa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đó là cách nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch trả “nợ” cho mối “duyên” gắn bó của bà với hát Xoan - loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ.
Phú Thọ có bốn phường Xoan gốc, ở tại hai xã Phượng Lâu (phường Xoan An Thái) và Kim Đức (các phường Kim Đái, Thét, Phù Đức) của thành phố Việt Trì. Hát Xoan Phú Thọ được Unesco vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là phần thưởng lớn nhất đối với mỗi người dân Phú Thọ, đặc biệt là với các nghệ nhân hát Xoan, những người đã luôn nỗ lực, tâm huyết, khắc phục mọi khó khăn của đời sống để gìn giữ, truyền dạy và làm cho hát Xoan lan tỏa đến hôm nay. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - bà trùm phường Xoan An Thái là một trong những người như thế.   
 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (người đầu tiên bên trái) truyền dạy cho lớp nghệ nhân kế cận  

Làng Xoan An Thái kể rằng: hát Xoan có từ thời Hùng Vương, khi đó có người con gái tên Quế Hoa hát hay, múa dẻo. Điệu múa giọng hát của nàng giúp cho hoàng hậu quên đau mà hạ sinh hoàng tử dễ dàng, Vua Hùng rất coi trọng nên truyền cho các hoàng tử, công chúa và người dân theo học. Hát Xoan được hát ở cửa đình, để chúc mừng thành hoàng trong lễ hội và cầu chúc cho dân làng quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Trình diễn Hát Xoan có 3 chặng, gồm hát nghi lễ, hát các quả cách và hát hội. Người trình diễn nam gọi là kép, nữ gọi là đào. Cả đào và kép đều phải thuộc hết lời hát, khi hát biết ngừng nghỉ đúng nhịp, biết lấy hơi, nhả chữ cho to, rõ, nhịp nhàng cả khi trình diễn một mình lẫn khi cùng mọi người. Gắn với hát Xoan có nhiều tập quán như tục nước nghĩa, tục giữ cửa đình, tục cấm kết hôn giữa đào kép xoan với trai gái làng nước nghĩa, tục đưa đón tiếp đãi…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1950, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nối truyền hát Xoan. Ông nội bà là cụ Nguyễn Văn Trìu, bố là cụ Nguyễn Văn Thắng đều là trùm Xoan nổi tiếng. Trong gia đình còn có chú ruột là kép Xoan Nguyễn Văn Chế, các cô ruột là Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Thị Luyến đều là những cô đào tài sắc của phường Xoan xóm Chùa - An Thái thời kỳ trước cách mạng tháng Tám. Trưởng thành trong môi trường như thế, nên bà Lịch được thừa hưởng, được bồi đắp khả năng ca hát đặc biệt với hát Xoan. 
 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy động tác cuốn tay trong hát Xoan

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chọn hát Xoan để gắn bó không chỉ vì truyền thống gia đình, mà còn vì tâm thích của bà với lời ca, điệu múa của quê hương. Từ năm lên 9 tuổi, bà đã được ông nội và cha truyền dạy làn điệu và cho theo các cuộc trình diễn Hát Xoan trong các lễ hội ở đình làng An Thái, đình Hùng Lô, đình Tây Cốc (Đoan Hùng), Cao Mại, Kinh Kệ (Lâm Thao), Hương Nộn (Tam Nông), đình Lâu Thượng (Việt Trì), đình Phú Hậu (Vĩnh Phúc). Đến năm 13 tuổi, bà chính thức được trình diễn trong lễ hội tại đình làng An Thái vào ngày mùng một tháng Giêng. Và từ đó, bà bắt đầu đi hát ở các đình làng nước nghĩa như  đình Hữu Bổ, đình Đức Bác, đình Tây Cốc. Thời đó, người biết trình diễn Xoan ít nên ngoài vai trò đào Xoan, bà phải đảm nhiệm cả kép trống và dẫn cách khi trình diễn tại lễ hội đình của các địa phương.
Thời đất nước có chiến tranh, lễ hội nhiều nơi không được tổ chức, nhiều thứ bị mất đi hoặc gián đoạn nhưng mạch nguồn hát Xoan ở An Thái vẫn được duy trì. Hát Xoan vẫn được trình diễn hàng năm vào các dịp tiệc đình, bà Lịch cùng mọi người trong phường Xoan vẫn tự tổ chức tập luyện tại nhà trùm phường và truyền dạy cho nhau lúc bên giếng nước, khi trên cánh đồng. Lời ca tiếng hát dù hoàn cảnh nào vẫn có ý nghĩa của nó, đặc biệt với hát Xoan, đứa con tinh thần do chính cộng đồng An Thái đã chung sức tạo nên.    
Sau hòa bình năm 1975, bà Lịch khi đó mới 25 tuổi, đã tự mình thành lập một nhóm Hát Xoan gồm 15 người ở nhiều độ tuổi và bà là người truyền dạy. Việc làm của bà được nhân dân và chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Sau đó, bà cùng mọi người trình diễn Hát Xoan trong các dịp tiệc đình đầu năm ở Hùng Lô, Cao Mại, Lâu Thượng, Hữu Bổ. Điều này rất quan trọng với việc nối lại truyền thống sinh hoạt văn hóa của các địa phương, và hết sức ý nghĩa để hát Xoan được bảo tồn và lan tỏa. Thời gian này, vì ông trùm Nguyễn Văn Thắng thường xuyên đi công tác, nên bà Lịch gần như thay bố đảm nhiệm mọi việc từ truyền dạy, tập luyện đến tổ chức phường đi trình diễn,... của phường Xoan.
Năm 1998, Câu lạc bộ hát Xoan An Thái - xã Phượng Lâu được thành lập. Bà Lịch được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm câu lạc bộ. Đây là khoảng thời gian hoạt động mạnh mẽ của hát Xoan. Hát Xoan vừa được trình diễn tại các đình làng, vừa trình diễn trong các cuộc liên hoan, hội diễn văn hóa văn nghệ của tỉnh và quốc gia. Vì thế, người theo học Hát Xoan đông hơn, những gương mặt nghệ nhân Xoan sau này như: Bùi Tiến Giang, Lê Ngọc Tuấn, Bùi Văn Thủy, Bùi Đức Thịnh, Bùi Văn Vượng, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Nụ, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Thắm, Bùi Thị Hà, Nguyễn Thị Chuông đều do bà Lịch truyền dạy. Bà vừa truyền dạy kỹ năng hát dẫn, đánh trống của kép, vừa truyền dạy cả kỹ năng hát múa của đào. Có thể nói, với loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như Hát Xoan, có được người am hiểu tường tận, toàn diện và tâm huyết như nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch thật quý giá. Ghi nhận sự đóng góp ấy, năm 2006, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Năm 2006 được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận trở lại tên phường là Phường Xoan An Thái, bà Lịch được bầu là Trùm phường (trùm Xoan là nữ duy nhất của tỉnh Phú Thọ). Bà đã kế tục truyền thống của một gia đình trùm Xoan, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn hát Xoan. Bên cạnh hoạt động truyền dạy, tham gia các liên hoan văn hóa, văn nghệ, bà còn đóng góp tích cực trong xây dựng hồ sơ hát Xoan đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2012, bà được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan. Năm 2015, bà là một trong 19 người am hiểu về di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Phường Xoan của bà ngày càng thu hút được sự tham gia của nhiều người yêu Xoan. Đến nay, phường Xoan đã có 107 thành viên, ít tuổi nhất là 6 tuổi, cao tuổi nhất là 94 tuổi. Hiểu sâu sắc về những giá trị mà hát Xoan mang lại cho cộng đồng, nên bà liên tục mở lớp truyền dạy miễn phí Hát Xoan cho các em nhỏ trong xã. Và vẫn luôn có nhiều người yêu Xoan trong tỉnh đến đề nghị được theo học lớp của bà.
 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch đánh trống trong tiết mục Mó cá

Biết đến Phú Thọ, nói tới Hát Xoan, người ta nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch với lòng yêu mến, nể phục. Bà là trùm nữ duy nhất trong lịch sử phường Xoan. Dẫn dắt phường Xoan của mình, bà không chỉ cùng các thành viên phường Xoan An Thái chuyển tải những giá trị tốt đẹp của hát Xoan đến cộng đồng, đưa hát Xoan hòa mình vào đời sống hàng ngày. Cách làm của bà đã tạo dựng một Phường Xoan An Thái văn hóa, sáng tạo, văn minh, thân thiện. Hơn thế, tham gia vào hoạt động du lịch, bà đã góp phần đưa hát Xoan đến với cộng đồng du khách quốc tế.
Bà Lịch chia sẻ: “Thường thì tháng hai lần phường chúng tôi đến đình Hùng Lô trình diễn và giao lưu với các đoàn khách quốc tế. Họ rất thích và bày tỏ sự trân trọng hát Xoan. Chúng tôi thấy tự hào và thầm cảm ơn tổ tiên đã để lại cho mình tài sản văn hóa này. Tôi đã luôn cố gắng gìn giữ, giờ có nhiều người cùng làm việc đó tôi vui lắm. Hát Xoan giúp chúng tôi gắn kết tình làng nghĩa xóm, giúp tôi biết thêm bè bạn gần xa. Hát Xoan cho tôi rất nhiều”.
Thực hiện kế hoạch về bảo tồn hát Xoan, hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức các lớp truyền dạy hát Xoan cho đối tượng là các lớp nghệ nhân kế cận, thành viên các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh, các giáo viên âm nhạc trong trường tiểu học, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch luôn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào sự thành công của các lớp học này.
 

Một buổi truyền dạy hát Xoan cho các cháu học sinh Trường tiểu học Gia Cẩm của Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch

Với người Phú Thọ, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch không chỉ như cuốn từ điển về hát Xoan, mà còn là một phần quan trọng tạo nên bức tranh hát Xoan đó. Vậy nên, tìm hiểu về hát Xoan mà chưa nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, thì sự hiểu biết ấy chưa thể gọi là đầy đủ được.
 
Bài: Nguyễn Thị Xuân Ngàn - Phòng QLVH&GĐ.
 Ảnh: Vũ Mạnh Cường-Chi Hội Nhiếp ảnh Phú Thọ; Nguyễn Thị Liên-TTVH&CP
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com