Thứ 6 | 15/04/2016
Chính thức được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại từ ngày 24/11/2011, Hát Xoan Phú Thọ đã được bảo tồn và phát huy bài bản, hiệu quả. Theo đúng kỳ hạn, sau bốn năm được ghi danh, báo cáo về tình trạng Hát Xoan Phú Thọ đã được gửi tới UNESCO với những minh chứng cụ thể cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Hát Xoan. Có được điều đó là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền và cộng đồng để đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
 


Đ/c Hà kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và đ/c Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì họp báo

Sau khi được vinh danh, tỉnh Phú Thọ đã có những nỗ lực trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan, làm cho di sản Hát Xoan thực sự hồi sinh, lan tỏa và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng. Tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho đến nay, dựa trên các tiêu chí của UNESCO thì Hát Xoan bảo đảm mang tính giá trị, tính cộng đồng và được truyền dạy liên tục từ đời này qua đời khác. Những gì mà chúng ta đã, đang làm khẳng định sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan kể cả trong không gian văn hóa đặc trưng và trong đời sống đương đại. Hát Xoan đã có những tín hiệu vui, nếu năm 2010 chỉ có khoảng 13 câu lạc bộ của những người yêu thích Xoan với tổng số 298 thành viên thì đến năm 2015, ở Phú Thọ đã có hơn 30 câu lạc bộ Xoan với 1.103 thành viên. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân cao niên có thể diễn xướng, truyền dạy Xoan cổ thì nay Hát Xoan đã có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ. Phú Thọ cũng đã đi đầu trong việc vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan cho 52 nghệ nhân và 19 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ Nhất. Đặc biệt, hiện đã hình thành ba thế hệ Hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ đầy triển vọng. 31 bài cơ bản của 3 chặng Hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận. Các di tích liên quan tới Hát Xoan, nhất là miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đái (xã Kim Đức) và đình An Thái (xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì) - những di tích cổ nhất gắn với sự ra đời Hát Xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về không gian diễn xướng của Hát Xoan và trao cho cộng đồng quyền quản lý. Đồng thời đã bước đầu phục hồi các tập tục và một số không gian trình diễn Hát Xoan tại cộng đồng. Điều này đã đem lại niềm hân hoan, phấn khởi cho các phường Xoan và người dân địa phương.

Cuối năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tổ chức ở Namibia, đề nghị của Việt Nam về việc xem xét cho di sản Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp và xét đề cử di sản này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được thông qua. Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO đưa di sản ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Đa số các quốc gia thành viên của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã đánh giá cao quá trình bảo tồn di sản và ủng hộ Việt Nam chuyển thẳng Hát Xoan Phú Thọ sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo hạn định, trước ngày 31/3/2016 các quốc gia thành viên phải hoàn thành hồ sơ đề cử di sản vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngay sau khi có ý kiến của UNESCO về việc xây dựng hồ sơ đưa Hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) và một số đơn vị liên quan triển khai xây dựng hồ sơ đề cử. Hồ sơ được thảo luận và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như: Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và một số sở, ngành tại địa phương. Hồ sơ trình UNESCO công nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được chuẩn bị công phu từ phóng sự giới thiệu về di sản đến các ảnh và nội dung hồ sơ, thông tin đầy đủ của các tổ chức, cộng đồng liên quan đến di sản, kết cấu hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO. Trong quá trình lập hồ sơ đã nhận được sự nhiệt tình tham gia của cộng đồng. Đại diện cộng đồng đã rất phấn khởi, hưởng ứng, bày tỏ nguyện vọng, tích cực thảo luận, cung cấp, chia sẻ thông tin với các chuyên gia và thể hiện sự đồng thuận một cách tự nguyện. Cả 4 phường Xoan gốc và một số câu lạc bộ Hát Xoan đã gửi văn bản cam kết và bày tỏ nguyện vọng được đề cử di sản Hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hồ sơ được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định và cho rằng: Thành công nhất của tỉnh Phú Thọ là nâng cao được nhận thức của đội ngũ lãnh đạo của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xoan và cộng đồng đã thực sự làm chủ di sản của mình. Với những nét độc đáo riêng có vùng đất Tổ, Hát Xoan Phú Thọ xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại.

Hiện nay, hồ sơ đề nghị đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã gửi hồ sơ, báo cáo đề nghị Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét, xác nhận Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong năm 2016, UNESCO sẽ triển khai các hoạt động giám sát, kiểm tra về tình trạng của di sản Hát Xoan Phú Thọ và phản hồi về việc Hát Xoan đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp hay chưa. Dự kiến năm 2017 UNESCO sẽ xem xét, đưa ra quyết định rút hay không rút Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần phải bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và dự kiến chuyển sang danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hy vọng rằng hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ sẽ nhận được sự đánh giá cao của UNESCO để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong thời gian tiếp theo, tỉnh tiếp tục lộ trình thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung nghiên cứu, sản xuất các chương trình nghe nhìn về Hát Xoan từ tư liệu trình diễn của các nghệ nhân lão thành đưa trở lại cộng đồng để giúp cộng đồng nhận diện giá trị di sản và truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường Xoan. Xây dựng chính sách của tỉnh, của quốc gia hỗ trợ để các nghệ nhân truyền dạy liên tục;  đồng thời cung cấp tài liệu truyền dạy cho các câu lạc bộ, nhóm công chúng đang tham gia thực hành và thưởng thức Xoan để đảm bảo bài bản và nghệ thuật múa, hát Xoan giữ được giá trị di sản. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi các không gian và tục kết nghĩa, hát cửa đình ở những nơi thờ cúng Hùng Vương. Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng 4 phường Xoan tham gia bằng việc gắn kết, sử dụng nguồn đầu tư từ các chương trình văn hóa cơ sở hoặc xã hội hóa và sẽ thiết lập quỹ bảo tồn Hát Xoan, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ…

Nguồn: phutho.gov.vn

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com