Thứ 4 | 05/11/2014
Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại bởi tính cổ xưa của tầng văn hoá dân gian bản địa mà nó chứa đựng và phản ánh trong từng lời ca, từng điệu múa và hình thức diễn xuất, biểu cảm. Đã có nhiều nhà nghiên cứu cho là Hát Xoan Phú Thọ ra đời từ rất sớm, có thể từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang.
Hát Xoan Phú Thọ là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian sơ khai nhất mang đậm yếu tố của tín ngưỡng truyền thống cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đó là tín ngưỡng phồn thực thờ trời và các thần linh cầu cho "nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, cây cối quanh năm xanh tốt, mùa màng bội thu". Tín ngưỡng ấy gắn liền với tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng và thờ Vua với những nghi thức hát thờ như giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Do vậy mà Hát Xoan thường được tổ chức ở những di tích tín ngưỡng truyền thống như Miếu, Đình làng để làm nơi trình diễn chuyển tải những ước nguyện và sự cầu mong của dân làng đến các bậc Thánh, Thần, Vua... Nên Hát Xoan Phú Thọ còn có các tên gọi khác là Hát cửa Đình hay gọi theo chữ Hán gọi là Ca môn đình.
 

Trình diễn Hát Thờ Vua - Một nghi thức Hát thờ Vua được tổ chức hàng năm tại các phường Xoan Phú Thọ

Mặt khác, Hát Xoan Phú Thọ còn mang nhiều giá trị văn hoá truyền thống cổ xưa bởi yếu tố âm nhạc, điệu múa, hình thức trình diễn bao hàm ý nghĩa nhân văn, nhân bản của người nông dân vùng Trung du Phú Thọ, đó là ca ngợi cuộc sống lao động đầy khó khăn vất vả thông qua các hoạt động nghề nghiệp tiêu biểu, khá điển hình của nhà nông trong lịch sử dựng nước và giữ nước như: Ngư (đánh cá); Tiều ( kiếm củi ); Canh ( nghề cửi canh dệt vải); Mục ( chăn trâu, cắt cỏ); xe chỉ, vá may... của các thế hệ người dân Đất Tổ đã trải qua và được dân gian hoá bằng hình thức nghệ thuật truyền thống chứa đầy bản sắc văn hoá của người dân vùng Trung du mà không nơi nào có được. Hát Xoan Phú Thọ còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn khác về tình cảm và mối quan hệ gắn bó giữa những người nông dân quanh năm " một nắng, hai sương" với thiên nhiên thông qua hình thức trình diễn hát quả cách để biểu cảm ước muốn, nguyện cầu thiên nhiên như: Tứ mùa cách; Xuân thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách. Ngoài ra, Hát Xoan Phú Thọ còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú thông qua các hoạt động lễ hội dân gian với hình thức hát đối đáp nam nữ giao duyên như Xin huê, đố chữ, hát đúm, hát bỏ bộ... Hát Xoan còn đề cập đến mối quan hệ xã hội giữa các làng, chạ với nhau thông qua tục lệ hát nước nghĩa giao lưu giữa các làng có Đình thờ Thành hoàng làng với nhau trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc. Mối quan hệ rất nhân văn ấy đã được thể hiện qua làn điệu trong Hát Xoan như: Hát đón Đào; Hát mời rượu; Hát nước nghĩa; Hát giã bạn... được thể hiện rất rõ trong Hát Xoan Phú Thọ. Chúng tôi xin trình bày một số nghiên cứu, nhận xét về tính nhân văn thể hiện trong lối hát Mời rượu của Hát Xoan Phú Thọ:
Trong lời hát của làn điệu Mời rượu có 3 khổ lời ca để hát. Nhiều người cứ nghĩ đây chỉ là lối hát mời rượu của các Đào, Kép Xoan được dùng trong các cuộc hát nước nghĩa với các cửa Đình thuộc các làng, chạ khác. Nhưng đi sâu tìm hiểu thì nhận định ấy có phần chưa được đầy đủ bởi mỗi khổ hát có lời ca khác nhau, thể hiện ý nghĩa, nội dung khác nhau chứ không chỉ có mời rượu ! Điều này chỉ đúng với khổ hát đầu: "Tay tiên nâng chén ( ối, a) (ố mấy) đào, rượu đào; (ố mấy rằng) đổ ra ( đi ) đổ ra (thời, thì ) tiếc, uống vào ( thời, thì) uống vào. Uống vào ( thời, thì ) say, ố mới say, tình say". Nhưng đến khổ hát thứ hai thì lời ca đã thay đổi và đương nhiên, ý nghĩa của lời ca cũng khác với lời chào, mời rượu ban đầu khi mới gặp mặt nhau. "Đố ai quét sạch ( ối, a, ố mấy) rừng lá rừng. Ố mấy rằng để ta ( để ta) khuyên gió, (ố mấy đừng), đừng gió đừng. Gió đừng rung cây, (ố mấy ru) tình ru". Ý nghĩa của những lời ca ấy nói lên sự cần thiết phải duy trì mối đoàn kết cộng đồng trong làng, trong chạ. Khuyên bảo nhau đoàn kết chặt chẽ để chống lại " phong ba, bão táp" với mong muốn nếu có dận dỗi nhau thì cũng chỉ như cơn gió nhẹ thoảng qua thôi chứ đừng có làm cho rụng lá, đổ cây, tan rừng, đánh mất đi tình đoàn kết, gắn bó keo sơn đã có được từ xưa đến nay. Cố gắng gìn giữ đừng để nó mất đi và tan hoang như những chiếc lá trong cơn gió bão mà rừng cây phải gánh chịu.
Ở khổ hát thứ 3 thì lời ca như một lời nhắn nhủ trước khi tạm biệt, chia tay, phản ánh tình cảm thiết tha, gắn bó đã nảy sinh từ tục hát nước nghĩa của các đào, kép Xoan giữa các phường của các làng chạ kết nghĩa. Cuộc chia tay ấy rất bị rịn với bao nỗi nhớ nhung sâu sắc và nhắc nhở nhau đừng bao giờ quên nhau mà phải luôn nhớ đến nhau như " gừng cay" như " muối mặn": " Tay nâng chén muối ( ối a) ố mấy gừng ( gừng đĩa gừng) ố mấy rằng gừng cay, gừng cay muối mặn ( ối a) ố mấy đừng ( đừng xin đừng) xin đừng quên nhau ( ố mấy ru tình ru, ố mấy ta ru hời). Có thể ví đây chính là lời hát chia tay " Giã bạn " của các Đào, Kép trong các phường Hát Xoan Phú Thọ mà các thế hệ nghệ nhân Hát Xoan đã cố ý gửi lại cho thế hệ tiếp theo bảo tồn và gìn giữ những giá trị nhân văn quý báu đó. Mặc dù trong lời hát không có ca từ nào nói đến " Giã bạn, chia tay, tạm biệt... " nhưng ý nghĩa của " gừng cay; muối mặn" đã nói lên lời nhắn nhủ khi chia tay tạm xa nhau hãy luôn nhớ đến nhau, gắn bó sâu nặng nghĩa tình như "gừng cay" như "muối mặn". Có thể sau này các lối hát dân ca của vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Hát Quan họ Bắc Ninh đã kế thừa và phát triển thành lối hát Giã bạn trong hát Quan họ trước khi chia tay giữa các liền anh, liền chị bằng những ca từ thấm đậm âm hưởng đằm thắm, trữ tình./.
Đặng Đình Thuận
PCT Hội VNDG Phú Thọ
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com