Đình Vĩnh Xá, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh thờ Nhị vị đại vương: Cao Sơn, Quý Minh. Là một trong những di tích trên vùng đất Tổ Phú Thọ gắn liền với di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.
Đình Vĩnh Xá cũng như bao ngôi đình ở làng quê đất Việt, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Bên cạnh giá trị là linh hồn của làng, ngôi đình còn là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng trong làng với những người được sinh ra và lớn lên có cội nguồn ở làng. Hơn thế nữa, ngôi đình là tài sản vô giá cả về vật chất, tinh thần, văn hóa, tôn vinh giá trị truyền thống của làng.
Tọa lạc trên gò Cửa Đình (khu dân cư số 2), đình Vĩnh Xá nơi thờ tự thành hoàng làng của dân làng Vĩnh Xá cũng như bao ngôi đình làng Việt khác được các bậc tiền nhân tạo dựng ở vị trí bao giờ cũng cao hơn xung quanh, bao quanh là đồng ruộng và khu dân cư trù phú; phía trước có nguồn nước là con Sông Lô chảy dài theo vùng đất Tổ Phú Thọ, nhìn xa xa là dãy núi Thét thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, theo phong thủy đây là thế đất đẹp “Gối sơn đạp thủy”.
Mặt bằng tổng thể đình Vĩnh Xá có các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, tòa Đại đình, nhà khách. Đại đình, đình Vĩnh Xá quay theo hướng Đông Bắc, được tạo dựng ở cốt nền đi qua 5 bậc cấp, mặt bằng kiến trúc theo lối chữ Đinh ( J ) gồm hai tòa: Đại bái và Hậu cung, hệ tường bao xung quanh xây gạch chỉ, quét vôi ve màu ghi sáng. Bộ khung đình bằng bê tông cốt thép kiểu quá giang gỗi tường, sơn giả gỗ, mái lợp ngói Hương Canh. Không gian nội thất bài trí hệ thống đồ thờ, hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng uy nghi, trang nghiêm.
Toàn cảnh đình Vĩnh Xã, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh
Vĩnh Xá Là một trong các làng/thôn có liên quan đến việc thờ phụng gắn với tín ngưỡng thờ các nhân vật thời đại Hùng Vương, đình Vĩnh Xá trong một năm có các kỳ tiệc lệ sau:
Ngày sinh thần mùng 3 tháng Giêng, lễ trên dùng cỗ chay, hoa quả; lễ dưới dùng lợn đen, xôi, rượu, bánh chưng, bánh giầy, ca hát đến ngày mùng 6 thì dừng; vào tiệc từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 10.
Ngày thần hóa ngày 6 tháng 11, lễ trên dùng thượng tiến, lễ dưới dùng lợn đen (thủ lợn), xôi, rượu, bánh giầy trắng, có thể ca hát.
Ngày mùng 2 tháng 5 là Lễ khánh hạ, làm lễ cầu đảo, lễ cầu bình an, trên dùng cỗ chay, hoa quả, dưới dùng cỗ tùy nghi.
Xưa kia, theo các cụ cao niên làng Vĩnh Xá, sắm sửa lễ vật cứ mỗi năm 4 người, những người sửa lễ ấy đều được ăn uống không công. Khi tế lễ xong thì các đồ tế lễ ấy cả dân làng đều uống rượu, thụ lộc thánh. Tục ở làng Vĩnh cũng như làng Quỳnh, cứ vợ chồng người nào song toàn có con giai con gái, đã làm lý, phó trưởng trở lên mới được vào làm chủ tế, những người vào tế đều quang quẻ và đã làm rồi... mới được vào tế. Trước ngày lễ phải kiêng khem không được ăn các thức tanh hôi và phải tắm gội sạch sẽ. Lúc tế lễ mỗi người phải mặc một các áo thụng xanh, còn các đồ tế lễ không có gì đặc biệt cả, còn cũng không có tục bắt lỗi gì.
Lễ hội dân gian đình làng Vĩnh trước những năm 1964, bên cạnh các lễ thức tế lễ (đội tế khoảng 19 người, chủ tế và bồi tế mặc áo vàng, Đông xướng, Tây xướng, chấp sự, quan viên mặc áo xanh), rước kiệu (đám rước đi từ đình Vĩnh Xá ra miếu làng làm lễ, đến chùa Vĩnh Long và đi vòng quang làng Vĩnh Xá), người dân còn làm bánh chưng, bánh giầy và đặc biệt là cỗ lợn đen dâng lên các vị thần. Phần hội với nhiều diễn xướng, trò chơi dân gian phong phú, đặc sắc như: Cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, cướp cầu, trèo cột mỡ …
Trò chơi cướp cầu trong tâm thức dân gian được tái hiện lại đặc sắc, hấp dẫn: Sân cướp cầu trên bãi ruộng phía trước cửa đình, phải là ruộng bùn, không được khô ráo, đào 6 lỗ, lấy lỗ để quả cầu ở giữa làm tâm điểm, 5 lỗ xung quanh theo vòng tròn theo kiểu ngôi sao, mỗi lỗ cách nhau 5m, lỗ cầu kích thước vừa bằng kích thước của quả cầu. Phần sân thì như vậy, còn quả cầu để tranh cướp là củ cây chuối hột được đẽo tròn to kính khoảng 0,25m đến 0,30m, bôi phẩm đỏ. Quân tham gia cướp cầu phải là nam giới, được chia làm hai lực lượng. Lực lượng thứ nhất gọi là quân chạy gậy, tương tự như trọng tài trong đấu vật mặc quần áo lương dài, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ. Lực lượng thứ hai là quân cướp cầu, cởi trần đóng khố (do các xóm cử ra, không quy định tuổi tác, chia làm 5 đội tương xứng với 5 xóm trong làng Vĩnh Xá, mỗi đội 3 người). Trước khi vào thi đấu, những người tham gia phải làm lễ tế Nhị vị đại vương trong đình Vĩnh Xá.
Bắt đầu cuộc chơi, quả cầu củ chuối được đặt ở hố chính giữa trên sân cướp cầu. Các đội tham gia thi đấu đứng bên lỗ cầu phía mình thành vòng tròn xung quanh lỗ để quả cầu. Bắt đầu vào trận, khi có hiệu lệnh của chủ đám, quân chạy gậy ra hố giữa bẩy quả cầu lên mặt đất và rút gậy chạy ra ngoài. Liền đó, quân 5 bên xô tới theo hiệu lệnh trống, giằng cướp quả cầu đem về lỗ phía bên mình. Quả cầu bằng củ chuối vừa tròn lại dính nước cộng với nhựa rỉ ra, gây trơn rất khó cầm nên việc tranh cướp không đơn giản. Người dân quan niệm xóm nào cướp được cầu năm đó thì có nhiều may mắn, niềm vui nên các trận cầu thường diễn ra sôi nổi, quyết liệt, mọi người ai cũng quyết giành lấy vận may. Do vậy, trận đấu rất hấp dẫn, nhiều kịch tính, trong tiếng trống thúc giục lúc khoan thai, lúc dồn dập, các bên cướp cầu vật lộn, quyết liệt, trên mình lấm lem đầy bùn mới đưa được cầu vào lỗ của mình. Tiếng hò reo, cổ vũ ở xung quanh cùng tiếng trống, chiêng rộn rã khiến quang cảnh ngày hội càng náo nhiệt. Đội nào cướp được mang về thả vào lỗ của hố mình là thắng cuộc, may mắn cả năm cho từng người trong cuộc cũng như cho dân xóm. Sau khi công bố thắng thua, quân chạy gậy mang quả cầu từ hố bên thắng đem lên mặt đất lăn cầu đi quanh bãi vài vòng. Kết thúc cuộc chơi, quả cầu thánh được làm sạch đưa lên ban thờ trong đình làm lễ tạ Thánh. Các quân cầu lại xếp hàng tạ Thánh rồi ùa ra sông Lô tắm rửa sạch sẽ kết thúc "trận chiến".
Đây là trò diễn vừa mang tính tín ngưỡng, vừa mang tính thể thao. Ngày nay, ở hội làng Vĩnh Xá không còn trò diễn cướp cầu, nhưng trong tâm trí các cụ cao tuổi vẫn còn in đậm dấu ấn. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa, thể thao độc đáo của địa phương. (Ngày nay, trong hội làng nhiều vùng quê trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, vẫn thường tổ chức trò diễn cướp cầu, như: Lễ hội Phết (Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ); Hội làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang); Hội làng Động Phí (Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội)....
Năm 2014, lễ hội truyền thống đình Vĩnh Xá được khôi phục trên cơ sở kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Phục dựng lễ hội làng Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ” thuộc Chương trình sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam do PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài. Lễ hội đình lãng Vĩnh Xá được tổ chức hàng năm 2 kỳ tiệc lệ:
- Ngày sinh thần, từ mùng 3 đến mùng 6 tháng Giêng;
- Ngày thần hóa, mùng 6 tháng 11 (âm lịch).
Lễ trên dùng cỗ chay, hoa quả; lễ dưới dùng lợn đen, xôi trắng, bánh chưng, bánh giầy. (Lễ lợn đen do khu dân cư có chủ tế nuôi dâng lễ; gạo nếp 150kg do 1 khu dân cư công đức, hai năm một lần, sau chuyển khu dân cư khác).
Nghi lễ: Tổ chức rước kiệu (đám rước đi theo hướng Đông sang hướng Tây tùy vào ngày tốt của năm ấy và đi vòng quang làng Vĩnh Xá); đánh trống khai hội; tế lễ truyền thống; dâng hương hoa.
Quang cảnh đám rước kiệu tại lễ hội đình Vĩnh Xá.
Phần hội: Tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian: Hát Xoan, cờ tướng, chọi gà, kéo co, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum...
Trò chơi bắt vịt trong lễ hội đình Vĩnh Xá.
Lễ hội truyền thống đình Vĩnh Xá với các nghi lễ, tập tục, trò chơi, diễn xướng dân gian không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi, nhu cầu hưởng thụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của các thế hệ người dân làng Vĩnh Xá, mà còn góp phần làm phong phú giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền Việt Nam; đồng thời di tích đình Vĩnh Xá và lễ hội truyền thống tiếp tục tiếp nối, duy trì sức mạnh đoàn kết cộng đồng, tôn vinh truyền thống; khẳng định hình ảnh, giá trị văn hóa của địa phương.
Với những giá trị văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích, ngày 30 tháng 01 năm 2019, đình Vĩnh Xá, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 229/QĐ-UBND./.
Thanh Thủy - Phòng Quản lý Di sản văn hóa