Hát Xoan Phú Thọ là một thể loại ca nhạc nghi lễ, tín ngưỡng. Dưới thời Hậu Lê khi mà các hình thức ca nhạc được gọi chung là “khúc môn đình”theo nghĩa rộng của người Việt được thiết lập cùng với sự xuất hiện của ngôi đình và các lễ nghi thờ thần do Nhà nước phong kiến quy định. Trong hệ dân ca lễ nghi phong tục ở trung du và đồng bằng Bắc bộ, về mặt địa bàn Hát Xoan Phú Thọ có địa bàn rộng lớn nhất (rải rác trong 18 cửa đình khác nhau thuộc 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc).
Hát Xoan Phú Thọ là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, với nhiều làn điệu khác nhau, được diễn xướng bởi các yếu tố nghệ thuật dân gian tổng hợp: ca, múa, nhạc.
Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
Hát Xoan Phú Thọ gắn với tín ngưỡng phong tục thờ cúng Vua Hùng. Các nhà nghiên cứu âm nhạc và lịch sử đã khẳng định hát Xoan là nghệ thuật hát thờ Vua Hùng. Một chương trình hát Xoan đầy đủ, theo truyền thống, có lề lối diễn ra liên tục trong một buổi hay một ngày hoặc một đêm ít nhất có 24 tiết mục. Các tiết mục này chia làm 3 chặng hát :
- Chặng 1 : Hát mời Vua về dự hội với dân làng (4 bài).
- Chặng hai : Hát quả cách ( 14 bài ).
- Chặng ba : Hát trao duyên nam nữ giữa đào Xoan với trai làng (6 bài).
Hát quả cách là chặng tiếp theo trong quá trình diễn xướng của hát Xoan, là lối hát cách hay trình diễn các quả cách. Hát quả cách là hát những bài hát chúcVua và những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử, nghề nghiệp của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Gọi là “Quả cách” vì quả là một bài bản dài, một thiên, một áng văn, một chương, một diễn ca… Còn cách là một lối hát, một bài bản cụ thể. Ở chặng hát này khi hát một bài, với tên goi - tiêu đề có thêm từ cách như: Kiều Giang cách; Tràng mai cách; Nhàn ngâm cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Thuyền chèo cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ thời cách; Tứ dân cách và Chơi dâu cách.
Trong hát quả cách ở cuối mỗi bài thường có lời kết như:
“Cách ấy đã qua
Giở qua cách khác”
Trong cuộc hát tại đình làng, các quả cách có vị trí quan trọng; có lúc có nơi đã chiếm vị trí trung tâm của cuộc hát. Theo PGS, nhạc sĩ Tú Ngọc, một quả cách khi hát thường có bố cục làm 3 phần:
- Giáo cách: phần này chỉ do người dẫn cách (gọi là kép) - hát. Độ dài ngắn không nhất định (có khi chiếm 1/3, có khi chiếm 1/2 bài hát).
- Đưa cách: trong diễn xướng nhiều khi được coi là phần trọng tâm, cốt lõi của một quả cách. Ở phần này người dẫn cách hát một đoạn dài rồi các đào đứng ở phía bên hát đệm theo (phần hát của các đào được coi là hát phụ họa, có khi là lặp lại lời hát của kép dẫn cách; có khi phụ họa hát bằng lời mới).
- Kết cách: là phần kết thúc một quả cách. Phần này có khi chỉ là một câu ngắn do các đào diễn xướng. Kết cách thực chất là một bố cục rất ngắn gồm các tiếng đệm; đó là tín hiệu để báo hết một quả cách bằng một lời ca và là giai điệu dùng chung cho tất cả các quả cách, dù cho đã có câu, chữ báo hết ở cuối phần trên.
Hát Xoan là lễ tục của một xã hội nông nghiệp. Nội dung tín ngưỡng, ca ngợi thần linh, ước mong cuộc sống no đủ, ca ngợi thời tiết 4 mùa… Trong ca từ đều xoay quanh cây lúa - thành quả lao động sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Các quả cách có nội dung về lao động sản xuất là sự phản ánh hiện thực xã hội đương thời; cuộc sống làm ăn, các nghề: săn bắn, đánh cá, hái củi, làm ruộng, dệt vải, trồng bong, trồng đậu, may vá, canh cửi,.. Thông qua câu hát ta có thể hiểu được thực trạng nền kinh tế xã hội của một thời kỳ lịch sử nhất định.
Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
Các quả cách có nội dung về sinh hoạt xã hội đã diễn tả thực tiễn xã hội; bởi vậy có những khuynh hướng khác nhau: tôn thờ và tín ngưỡng (tôn thờ tự nhiên xã hội và lễ giáo phong kiến).
Các quả cách có nội dung diễn tích nghĩa là các quả cách này có nội dung đề cập trực tiếp đến lịch sử, các câu chuyện đã qua, các sự tích về sự vật hoặc nhân vật lịch sử… Trong nội dung này Xoan ca phô diễn trực tiếp, nói thẳng về sự tích ấy mà không lồng ý kiến bình luận của người đương thời hoặc diễn không trực tiếp là nhân kể về sự tích ấy nhưng có lồng ý chủ định, chủ quan của người đương thời để giáo dục đạo lý, nhân cách cho mọi tầng lớp trong xã hôi.
Các quả cách kể về lịch tiết: Tứ thời tiết lập, Xuân, Hạ, Thu, Đông về cơ bản là sản phẩm của văn chương bác học. Cảnh vật thiên nhiên 4 mùa trong con mắt kẻ sĩ (các nhà Nho) đã luôn tươi đẹp lại được thi vị hóa, được lồng với cảm xúc hoài niệm để câu hát Xoan toát lên phong độ nhàn tản.
Mỗi quả cách khi diễn xướng đều có một ý nghĩa độc đáo riêng:
- Kiều giang cách: là một áng thơ Nôm kể về sự tích công chúa Kiều Giang thời Hán Vũ Đế; xinh đẹp nết na, có tài ca hát. Nàng bẻ giát giường làm phách để gõ và hát theo. Tiếng hát của nàng đã làm cho vua cha khỏi bệnh, sống trường thọ, bách niên giai lão. Kiều Giang cách còn là lời cầu chúc cho Vua, cho Thần Thành hoàng làng và cho toàn dân làng xã luôn được an khang, thịnh vượng.
- Tứ dân cách: là bài hát ca ngợi 4 ngành nghề đã phát triển rất sớm ở Việt Nám; đó là Sĩ (giới chữ nghĩa học hành khoa cử); Nông (nghề làm ruộng, chăn tằm, dệt vải, đánh cá); Công (nghề đóng thuyền, làm mộc, rèn đúc công cụ sản xuất); Thương (nghề buôn bán, chợ búa, trao đổi sản vật). Thông qua đề tài này ta có thể hình dung được cuộc sống lao động với những sắc thái và dáng vẻ riêng của từng giới trong xã hội nông nghiệp. Nổi bật trong các tầng lớp ấy là kẻ sĩ. Trong gia đình và trong xã hội, kẻ sĩ luôn ở vị trí cao hơn các tầng lớp nhân dân khác.
- Thuyền chèo cách: là bài hát thể hiện ước vọng của những người làm nghề chài lưới trên các dòng sông: sông Lô, sông Thao, sông Chảy. Họ ước ao bắt được những con cá quý như cá măng, cá vược để dâng lên thờ Vua và thờ Thành hoàng làng nhằm cầu mong Vua cùng Thần ban phúc lộc cho.
- Ngư tiều canh mục cách: là bài hát ca ngợi 4 nghề nông: Ngư (đánh cá), Tiều (kiếm củi); Canh (cày bừa, cấy hái); Mục (chăn thả gia súc). Nội dung quả cách này ca ngợi cuộc sống tự do, phóng khoáng, không gợn chút bụi trần ai của những người nông dân sống chết với ruộng đồng, núi rừng, sông suối, đầm ao. Thực tế đây là những công việc của nhà nông được cụ thể hóa bằng lời ca, khúc hát của nhân dân lao động.
- Đối dẫy cách: là điệu hát khẩn nguyện, đi tìm người thương nhưng mãi không thấy người, chỉ thấy vầng trăng giống như cái lược của người con gái thường hay cài ở đầu tóc mai và chỉ thấy “ Rầu rầu dõi tiếng chuông thôi ; Đôi hàng nước mắt cảm ai đượm lòng ” .
- Chơi Dâu cách: là điệu hát vui chơi của trai gái trong ngày hội chùa Dâu (mùng 8/4 Âm lịch) rồi nhân chuyện ấy, sự tích ấy mà dậy bảo về đạo lý làm ăn cho con trai, con gái.
Ảnh tư liệu Hát Xoan Phú Thọ
Hát Xoan Phú Thọ là một hiện tượng của văn nghệ dân gian nói chung và của người Việt ở đồng bằng, trung du Bắc bộ nói riêng; là sản phẩm văn hóa đặc sắc của người nông dân vùng đất Tổ; nó ra đời và được nuôi dưỡng trong môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội có lịch sử từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang; khi cộng đồng người Việt biết khẩn hoang trồng lúa nước và định cư trên đất Tổ Phong Châu thuộc vùng trung lưu châu thổ sông Hồng. Môi trường kinh tế sản sinh và nuôi dưỡng hát Xoan là nghề trồng lúa nước kết hợp với khai thác lâm sản (hái củi), săn bắn, đánh bắt cá trên hồ đầm, sông suối, khe ngòi,.. và canh tác trồng cây tạp giao trên đất vườn chủ yếu là cây lương thực và cây ăn quả.
Hát Xoan ra đời gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng xã, chính những người dân làng xã luôn là chủ nhân nuôi dưỡng hát Xoan. Thông qua lễ hội, hội hè, nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng, lễ tết, hoạt động văn hóa làng… hát Xoan Phú Thọ được hiện diện, bảo tồn và phát huy giá trị.
Hát Xoan Phú Thọ là nghệ thuật diễn xướng chứ không phải nghệ thuật diễn trò. Trong diễn xướng hát Xoan nội dung phản ánh đều được thông qua tiết mục chứ không phải thông qua các nhân vật. So với ca trù thì vùng hát Xoan lan tỏa rộng rãi hơn. Ca trù chỉ hát ở từng cửa đình riêng biệt, còn hát Xoan lại hát trong 18 cửa đình khác nhau trên địa bàn 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Mặc dù chưa được phát triển rộng rãi, cơ tầng lan tỏa còn hạn hẹp song từ hàng ngàn năm nay hát Xoan vẫn hiện diện qua các biến thiên của lịch sử. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong nội hàm của ca Xoan; đồng thời đó còn là sự biến đổi theo hướng thích nghi để tồn tại của diễn xướng hát Xoan Phú Thọ trong đời sống cộng đồng.
Hát Xoan Phú Thọ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Với người Việt thờ cúng Vua Hùng là sự thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” để tri ân công đức các Vua Hùng:
“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về đất Tổ
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
Vật chất có thể sẽ thay đổi, thậm chí sẽ mất đi song niềm tin thiêng liêng sẽ còn lại mãi mãi với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, trong ký ức của mỗi con người. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, đó là cơ hội với đa dạng môi trường để bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển hát Xoan lên một tầm cao mới bởi hát Xoan ngày nay không chỉ là di sản văn hóa của riêng người Phú Thọ mà là của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam, của cả nhân loại trên toàn thế giới./.
Phạm Bá Khiêm