Thứ 4 | 02/12/2015
Trong quá trình sưu tầm tư liệu gốc về hát Xoan Phú Thọ, các nhà nghiên cứu Hán Nôm cũng chưa tìm ra một tư liệu nào ghi chép đầy đủ về nghi lễ Hát Xoan, lời ca Xoan để chúng ta dựa vào đó mà nghiên cứu một cách toàn diện nhất loại hình nghệ thuật ca múa cổ còn được bảo tồn tới ngày nay. Sở dĩ nói ghi chép chưa đầy đủ vì hát Xoan được chia ra làm 3 chặng. Chặng 1 là những bài hát mang tính nghi thức, khởi đầu một đêm hát thờ, từ tiếng trống đến việc mời thần về tại vị và cuối cùng được khẳng định rằng làng này chính thức vào đám. Chặng 2 là những bài hát quả cách trong đó chứa đựng những lời chúc phúc, tự sự tình yêu, tứ quý bốn mùa xuân hạ thu đông, tự do hóa cuộc sống nông nhàn. Chặng 3 là những bài hát giao duyên, với nỗi niềm khát khao hạnh phúc ví như “Xin huê đố chữ, mò cá…” Văn bản Xoan gốc được cho là cổ nhất do cụ Nguyễn Khắc Xương sưu tầm và tặng lại Viện Âm nhạc năm 1998 cũng chỉ ghi chép lại chặng 2 (14 quả cách) của nghi thức hát. Văn bản dầy 64 trang được viết trên giấy dó và đã bị mục rách một số chỗ. Thực tế về niên đại tuyệt đối của văn bản này cũng đã bị rách, song dựa vào tự dạng chữ Nôm và cách cấu tạo của chữ Nôm thì ta đưa ra cho văn bản này một giấy khai sinh tương đối là vào thời Nguyễn, mà chính xác hơn nữa là vào triều vua Minh Mệnh (1820 -1840). Qua lời thơ của 14 quả cách với thứ tự: Kiều giang cách, Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Ngư tiều canh mục cách, Đối rẫy cách, Hồi liên cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách, Tứ mùa cách, Thuyền chèo cách, Tứ dân cách và Chơi dâu cách. Qua đó ta có thể nhận diện dễ dàng bản Xoan Nôm được một thầy đồ am hiểu về Xoan trong làng Phù Đức chép lại, lời thơ của 14 quả cách không thống nhất thể loại tứ ngôn, ngũ ngôn hay thất ngôn hoặc các niêm luật trong thơ, mà chép ra mục đích là dễ hiểu, dễ nhớ sau này có chép lại ít bị sai lầm chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá. Nhưng trong các văn bản Xoan Nôm sau khi khảo sát, dịch thuật chúng tôi thấy xuất hiện những từ cổ, những từ, cụm từ liên quan đến điển tích điển cố ví dụ:
“Nhớ xưa vua Hán Vũ đế
Mới lại sinh ra
Được một con gái
Mềm mại nết na
Đến năm mười ba
Thanh tân dóng dảy.. .
Về thời vâng chạ
 (Kiều Giang cách)
   Bát ngang thuyền lại hỏi ngư ông
Khò lịm khò lịm
Ấy lời tôi khoong cho làng (Ngư tiều canh mục cách)…
Có thể nói nếu như người chép văn bản này không có trình độ nhất định am hiểu về Hán Nôm, am hiểu về Xoan thì có thể chép lại lời thơ Xoan của các bậc tiền nhân chính xác được như vậy không? và có thể để lại cho hậu thế một cuốn sách Nôm gần 200 năm để hiện tại làm bản gốc, làm căn cứ để đối chiếu với các văn bản Nôm, văn bản quốc ngữ sau này chép lại. Từ quả Kiều giang cách là quả cách thứ nhất đến quả cuối cùng là Chơi dâu cách, câu cuối cùng chữ Nôm được kết thúc bằng “Lên là lên lễ, lễ là lên lên là” phải chăng liên quan nhắc đến hai chữ “Lãi Lèn” mà nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Thị Kim Anh mạnh dạn đặt ra câu hỏi “phải chăng Hát Xoan là di sản của lối hát múa nơi cung thất từ thời Văn Lang”. Nếu như văn bản trên lời xoan chỉ chép ở chặng thứ 2 bỏ qua chặng 1 và chặng 3 thì văn bản Xoan Nôm của Tây Cốc - Đoan Hùng chỉ chép lại một phần của chặng 3 - đó là phần chơi đúm, hát đúm. Cũng như văn bản Xoan Nôm trước, về tác giả và niên đại đều đã bị mục nát trang cuối cùng. Căn cứ vào tự dạng và thể loại chữ Nôm chúng tôi cũng xác định được văn bản này ra đời trong khoảng niên đại Thành Thái (1889-1907), văn bản Nôm này có khoảng trên dưới 2000 chữ được chia làm nhiều đoạn, nhiều khúc khác nhau. Điểm khác nhau về lối diễn đạt giữa hai văn bản Nôm này ở chỗ nếu như văn bản Nôm thời Minh Mệnh (1820-1840) sao chép 14 quả cách bằng các thể loại tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn…thì đặc thù của Nôm hát đúm chỉ có một thể loại song thất lục bát, vần điệu rất chỉnh, lời ca Xoan giản dị dễ ghi nhớ, dễ thuộc và có một nguyên tắc trình bày trong khúc đoạn mở đầu và kết thúc. Các đoạn bao giờ cũng được mở bằng hai câu liên quan đến đúm, liên quan đến thể lệ trình thánh, trình dân làng, trình bốn phương, trình trời đất để được vào hội:
Tôi trình dân sự bốn bến
Lắng nghe quả đúm kết duyên châu trần
Trước là công phụng thánh quân
Sau mừng dân xã làm ăn thuận hòa…
…Tôi trình dân sự bốn bên
Lắng nghe câu đúm đứng lên hát thờ
…Tôi trình dân sự bốn bên
Lắng nghe quả đúm nhân duyên tình cờ
…Tôi trình dân sự bốn bên
Lắng nghe quả đúm kết duyên đá vàng…
Cứ như thế cho đến lúc kết thúc phân đoạn bằng câu “Có thơ rằng”
Khấu đầu thánh bái tạ tiên thiên
Nguyện chữ châu trần phối hợp duyên
Nghĩa cả kết giao cam đã ước
Duyên thường ghi chút gửi lòng tin
Đúm này anh đã đề thơ
Lại đây nhận đúm anh đưa cho đào…
Thực tế văn bản Nôm này cũng cho ta biết thêm về sự sáng tạo sự lan tỏa sâu rộng giữa cộng đồng Xoan sở tại để làm nên sự khác biệt trong các đoạn hát đúm giao duyên giữa làng Xoan gốc Phù Đức, An Thái các cửa đình còn lại trên địa bàn Phú Thọ. Có thể khảng định rằng lời ca Xoan trong các văn bản Hán Nôm cách ngày nay trên dưới 200 năm là tương đối chuẩn xác, có thể dùng làm văn bản đối chiếu với các dị bản Xoan chép tay quốc ngữ sau này. Trong 3 chặng hát, hát nghi thức, hát quả cách và hát giao duyên thì phần sai lệch “Tam sao thất bản” nhiều nhất là vẫn là hát quả cách. Ví dụ sách chữ Nôm ở quả Đông thời cách có câu “Chẳng nằm  ngồi tựa giăng câu” thì các nhà nghiên cứu và vở chép tay lại chép rằng: Chẳng nằm ngồi tựa giăng lên (Hát Xoan Phú Thọ - Nguyễn Khắc Xương); Chẳng nằm ngồi tựa bóng giăng câu (Nguyễn Đình Khả - chép tay); Chẳng nằm ngồi tựa giăng câu (Lê Xuân Ngũ – chép tay). Hay ở quả Hạ thời cách chữ Nôm có câu “Tự nguyệt ngày chày” nghĩa là mùa này dài hơn, thì lại có các dị bản: Tiếng tự ngày rầy (Hát Xoan Phú Thọ - Nguyễn Khắc Xương); Tiếng ngày dày (Nguyễn Đình Khả); Tựa nguyệt ngày rằm (Lê Xuân Ngũ)…Nghiên cứu qua hai văn bản Xoan Nôm này cho chúng ta biết thêm nhiều về những từ cổ, những điển cố điển tích gắn với Xoan, sự am tường của các bậc tiền nhân không phải là túc nho của làng mà vẫn ghi chép được hoàn chỉnh từng chặng hát. Hành trình khi hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại thì việc tiếp tục nghiên cứu các văn bản Hán Nôm liên quan đến Hát Xoan để chỉnh sửa những sai lạc về từ ngữ, điển cố điển tích trong văn học Hát Xoan là vô cùng cần thiết góp phần trả lại giá trị đúng của ca từ văn học và văn hóa hát Xoan./.

Lê Công Luận
                                                    Phó Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com