Thứ 5 | 06/12/2018
Phú Thọ - miền đất cội nguồn đã sản sinh ra hai di sản được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đó là hát Xoan Phú Thọ và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
          Vinh dự là vùng đất có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng đây cũng chính là trách nhiệm lớn lao đối với các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phú Thọ phải nhanh chóng đưa ra được các giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
          Vấn đề này đã được tỉnh Phú Thọ đưa ra trong hội nghị góp ý về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ. Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đóng góp của các chuyên gia đều tán thành, ủng hộ tỉnh Phú Thọ xây dựng đề án theo hướng liên kết bảo tồn, phát huy giá trị cả 2 di sản là hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bởi lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong cùng một thời điểm, ở cùng một vùng đất có tới hai di sản được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một lý giải duy nhất cho “kỳ tích” đó chính là trong hát Xoan có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có hát Xoan Phú Thọ. Điều này đã được chính các di sản tự khẳng định qua lịch sử hình thành và phát triển của nó: Với hát Xoan từ tên gọi, nguồn gốc ra đời đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết liên quan tới thời Hùng Vương; lối trình diễn, sắp đặt các bài bản, các chặng hát cũng tuân thủ theo các nghi thức hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính; các câu từ chúc tụng, ca ngợi công đức các Vua Hùng xuất hiện trong nhiều quả cách xuyên suốt từ chặng hát thờ cho đến phần hát hội. Điều này chứng tỏ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát triển được trong nghi thức có hát Xoan và hát Xoan là khí linh để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại, ăn sâu trong đời sống cộng đồng cư dân Lạc Việt. Ngược lại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gốc rễ hình thành nên làn điệu Xoan, các di tích thờ cúng Hùng Vương là không gian diễn xướng, là chất sống đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản hát Xoan… Chính mối quan hệ biện chứng đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay.
          Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã triển khai có hiệu quả các đề án, các chương trình hành động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy di sản.
          Trước tiên tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, khôi phục các lễ hội truyền thống liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với hát Xoan Phú Thọ để tạo không gian văn hóa, môi trường diễn xướng và đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hai di sản. Tuy nhiên, việc đầu tư, tôn tạo, khôi phục các di tích được làm chọn lọc, không quá dàn trải, ưu tiên tập trung đầu tư, khôi phục các di tích tại các phường Xoan gốc. Tính đến thời điểm này 20/31 di tích thờ cúng Hùng Vương gắn với hát Xoan đã được trùng tu, khôi phục tạo không gian văn hóa tâm linh để cộng đồng dân cư thực hành các nghi lễ, đồng thời cũng trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng của các phường Xoan, các câu lạc bộ Xoan.
 

Trình diễn hát Xoan tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân ngày mùng 6 tháng Giêng
 
Chế độ ưu đãi đối với nghệ nhân được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm bằng việc ban hành quy chế phong tặng nghệ nhân hát xoan Phú Thọ và ban hành một số chính sách đãi ngộ (từ việc cấp trang phục cho các nghệ nhân biểu diễn đến bồi dưỡng những ngày truyền dạy, luyện tập và biểu diễn cho các phường Xoan... tính đến năm 2017 Phú Thọ đã có 17 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú và 52 cá nhân được tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan. Đây là động lực rất lớn, cổ vũ, động viên những nghệ nhân, những người đang gìn giữ di sản đồng thời góp phần cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân kể cả các cháu thanh thiếu niên nỗ lực đóng góp vào việc giữ gìn phát huy di sản nói chung, di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng.
          Di sản có được gìn giữ, được thực hành hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của cộng đồng. Chính vì thế tỉnh Phú Thọ tập trung đào tạo, bồi dưỡng các lớp nghệ nhân kế cận, mở các lớp Xoan trong cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ hát Xoan và đưa Xoan vào trường học… Chủ trương này đã góp phần nâng cao nhận thức, lòng tự hào, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan; đưa số lượng người thực hành Xoan, hiểu biết về hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tăng lên một cách đáng kể.
           Bên cạnh đó tỉnh Phú Thọ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản không những trong tỉnh và trong phạm vi cả nước, kết nối với các đơn vị lữ hành tổ chức nhiều chương trình đưa khách trong nước và người nước ngoài tới tham quan các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan. Tour du lịch “Hát Xoan làng cổ” tại Miếu Lãi Lèn, đình Thét xã Kim Đức và tour du lịch thăm quan tại đình cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống xã Hùng Lô gắn với di sản Hát Xoan… đã để lại ấn tượng tốt đẹp và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, góp phần tích cực vào công tác quảng bá, từng bước đưa di sản vùng đất Tổ trở thành thương hiệu về sản phẩm văn hóa để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Phú Thọ.
          Bảo tồn hát Xoan chính là bảo tồn tính thiêng, bảo tồn một nghi thức riêng có trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bởi hát Xoan ra đời nhằm mục đích hát cửa đình, hát thờ Vua Hùng. Hai di sản này tuy hai mà một, gắn kết hai di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cùng một mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản là việc phải làm nhằm nâng cao giá trị cũng như lan tỏa sức sống của di sản đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, chung tay góp sức của cộng đồng cùng đưa di sản văn hóa vùng đất Tổ nói chung, di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng trường tồn trong dòng chảy văn hóa của Việt Nam và trong lòng bạn bè thế giới./.
  
 Lưu Thị Mai Vân – Bảo tàng Hùng Vương
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com