Thứ 4 | 03/08/2016
Nhắc đến miếu Lãi Lèn là chúng ta lại được quay trở về với truyền thuyết dân gian gắn liền với huyền thoại vua Hùng đi tìm đất xây thành “ba anh em vua Hùng đi qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại ở một khu rừng gần thôn. Từ trong rừng các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy lũ mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật, chỗ thì kéo co, thấy vậy Đức Thánh Cả liền bảo bọn tùy tùng đem một số điệu hát dạy thêm cho lũ trẻ những bài hát xướng, cầu chúc năm mới”. Để ghi nhớ kỷ niệm này, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 1 âm lịch dân làng lại mở hội cầu, sau này hội cầu kéo dài từ mùng 1 đến mùng 6/giêng hàng năm, lễ vật cúng các vị là bánh nẳng vào buổi trưa và thịt bò vào buổi chiều ở miếu Lãi Lèn. Đến chập tối hội cầu hàng năm phường Xoan phải lên hát thờ, hát mời vua ở miếu Lãi Lèn. Thế là câu chuyện về Hát Xoan được sinh ra từ đó, các họ Xoan đều coi ngôi miếu này là nơi phát tích của hát Xoan. Nơi mà các vua Hùng đã từng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân, và được người dân gọi là hát Lãi Lèn… phải chăng hát tại miếu Lãi Lèn thì gọi là hát Lãi Lèn, và vì sao lại xuất hiện từ thuần Việt, hay nói đúng hơn là từ Việt Cổ “Lãi Lèn” có lẽ là vì xuất phát từ từ khóa “Lễ Lên” trong cách diễn xướng của Xoan cổ (xuất hiện trong 14 quả cách tại bản Xoan gốc chữ Nôm có niên đại 1840), sau này biến âm đi hát thành “Len là len..hỡi là len”. Rất nhiều các học giả, các chuyên gia đã bàn về từ Lãi Lèn và có trích dẫn cả từ Đại Việt sử ký toàn thư, thượng điện xướng ca… Tôi chỉ xin dừng lại ở góc độ tìm về di tích miếu Lãi Lèn ngày nay, nơi biết đến là một điểm phát nguồn của làn điệu Hát Xoan. Miếu cổ không còn, trải qua thời gian, cùng với chiến tranh tàn phá miếu Lãi Lèn chỉ còn lại những vết tích, dấu tích và nền móng cũ trơ chọi với thời gian. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tại Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 30/11/2011 của UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt cho phép khôi phục miếu Lãi Lèn. Miếu Lãi Lèn được khôi phục trên nền móng cũ tại gò đất giữa đồng thuộc thôn Phù Đức xã Kim Đức nhìn quay theo hướng Đông Nam. Qua khoảng sân miếu rộng khoảng 200m2, khoảng rộng phù hợp với khuôn viên tổ chức lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng hàng năm. Đứng tại sân miếu ngắm tổng thể kiến trúc di tích ta thấy tòa tiền tế bề thế gồm 3 gian 2 dĩ, nền miếu được giật cấp cao hơn sân khoảng 0,50m, ta nhìn thấy sự thông thoáng của một ngôi miếu phục dựng theo phong cách truyền thống, với 4 hàng chân cột chạy song song, thượng thu hạ thách như từ đất mọc lên, vững vàng đỡ lấy mái miếu xòe rộng lan xuống thấp và cong dần lên. Kết hợp với đường cong của mũi ngói từ nóc miếu đến giữa uốn nhẹ và khi gần kết thúc nó lại lượn vút lên ăn khớp với đường mũi ngói mái bên cạnh vừa chạy tới, vươn cao thành đao miếu cong vút mập mạp mang đầy sức sống. Bốn mái đao cong, chạy cùng đường cong là các đường gờ, đường soi của lá mái, lá diềm lượn cùng nhịp độ. Bờ nóc miếu với kiến trúc tạo hình của những con giống như vẫn còn ghi dấu về tục thờ mặt trời của cư dân làm lúa nước. Đó là hình đôi rồng từ 2 đầu bò xoải vào chầu mặt trời, bờ giải được đắp trơn gần xuống tới đao đình mới có rồng ghìm đao lại. Kiến trúc miếu Lãi Lèn được làm theo kết cấu kiến trúc truyền thống kiểu chữ Đinh (J) gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế gồm 5 gian, 2 dĩ bít đốc, chiều dài tổng thể 18,4m x rộng 6,62m; gian giữa cách đều nhau 3,2m, các
gian cạnh cách đều 2,67m; các gian dĩ cách đều nhau 1,6m. Kết cấu kiến trúc bộ khung tiền tế miếu Lãi Lèn được làm đúng theo truyền thống, theo kiểu nhà truyền thống lòng thuyền, thượng thu hạ thách. Các bộ vì gian giữa, gian cạnh đều được làm theo kiểu chồng bồn kẻ nghé,  các cốn đều được chạm khắc đề tài tứ linh . Miếu Lãi Lèn được làm theo kiểu miếu cổ truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ 4 hàng chân cột có 3 loại cột: Cột cái, cột quân, cột hiên, với tổng số 48 cột gỗ, các cột đều được làm từ gỗ lim. Hậu cung miếu Lãi Lèn được làm 3 gian, một dĩ với chiều dài hậu cung dài 10,75m x rộng 6,4m. Các bộ vì hậu cung được làm theo kiểu chồng rường cốn mê. Trên cốn mê hoặc cốn nách đều được chạm khắc hổ phù. Nền miếu Lãi Lèn được lát gạch bát cổ sạch sẽ. Từ nền miếu tới xà nóc (thượng lương) là 4,9m. Toàn bộ các cột được kê trên đá xanh đã được các nghệ nhân chế tác, nổi trên nền đình 0,10m so với mặt nền để chống ẩm và tránh cho các vi sinh vật ăn tiêu tâm cột sau này. Các cột, xà ngang, dọc được ăn khớp với nhau. Có thể nói khung miếu Lãi Lèn là sự liên kết tài tình của các nhóm gỗ, chủ yếu là gỗ lim và táu mật, chỉ có mộng, mẹo, không cần sự tham gia của bất cứ một kim loại nào. Đầu cột được giằng với nhau bằng những quá giang, những xà, những kẻ. Sự liên kết đó được thực hiện bằng các mộng, mộng chéo, mộng đuôi, mộng cá, mộng kép…chúng tự hãm lấy nhau rất chặt chẽ tạo ra sự cân bằng tuyệt đối khiến cho ngôi miếu khỏe khoắn vững vàng. Lối cấu trúc này khi trùng tu hoặc cần thay đổi một bộ phận nào đó có thể tháo rất dễ dàng và khi chờ lắp cấu kiện mới vẫn không ảnh hưởng gì tới sự vững chắc của di tích. Tóm lại miếu Lãi Lèn có qui mô kiến trúc không quá đồ sộ, nhưng không gian nội thất thoáng mát, hài hòa ấm cúng. Các cấu kiện chi tiết kiến trúc của miếu được làm chủ yếu bằng vật liệu gỗ tốt và được gia cố cẩn thận, mực thước chính xác đến tuyệt đối. Xung quanh được xây tường gạch chỉ và bít đốc, phía trước là bộ cửa bức bàn ngồi trên ngưỡng vững chắc và an toàn cho di tích.
 
Di tích Miếu Lãi Lèn. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
 
Miếu Lãi Lèn với vẻ bề ngoài bề thế vững chãi, đăng đối với vẻ bề thế ấy bên trong di tích cũng được sắp xếp bố trí nội thất tương đối phong phú. Ngay khi qua ngưỡng cửa bức bàn chính giữa, bước chân vào tiền tế ta bắt gặp bức hoành phi 神降嶽惟 “duy nhạc giáng thần” (thần từ núi giáng xuống), tiếp đến gian chính giữa bên trên cùng là bức hoành phi 德合陽陰 “âm dương hợp đức” (đức sinh từ sự hòa hợp âm dương), hoành phi có kích thước dài 1,82m x rộng 0,62m được sơn son thếp hoàng kim, lòng hoành phi là bốn chữ hán đen, nền hoành phi được trang trí hình triện gấm, triện chữ vạn và hoa văn kỷ hà. Bên dưới hoành phi là bộ cửa võng dài 2,2m được chạm lộng lưỡng long chầu nhật vào chính giữa, bên dưới cách điệu mặt hổ phù, hai bên cạnh được đục chạm hình long mã, phượng càm thư. Bên dưới hoành phi và cửa võng được bố trí câu đối:
 
 
肇祖建文郎義领風光隨處有
生民居富壽越池春色自天來
Triệu tổ kiến Văn Lang Nghĩa Lĩnh phong quang tùy xứ hữu
Sinh dân cư Phú Thọ Việt Trì xuân sắc tự thiên lai 
Nghĩa là: Tổ dựng nước Văn Lang vẻ phong quang Nghĩa Lĩnh nơi nào cũng có
                Dân cư Việt Trì Phú Thọ đẹp rực rỡ như sắc xuân trời mang lại
 
Câu đối được đục chạm khá công phu, son son thếp hoàng kim, lối viết chữ hán theo thể khải thư, chữ đen lòng vàng được tranh trí bởi triện gấm chữ vạn xen lẫn hoa văn kỷ hà. Phía đầu trên câu đối được đục chạm con dơi – một biểu tượng của đại phúc, xung quanh đường diềm câu đối được cách điệu hoa cúc dây leo và hình linh vật.
Cột đối xứng của gian cạnh cũng được bố trí đôi câu đối dài 2,1m x rộng 0,36m không kể diềm đối, được sơn son thếp hoàng kim:
 
節届三春觀合行典禮
時維四季斂福錫仝民
Tiết giới tam xuân quan hợp hành điển lễ
Thời duy tứ quý liễm phúc tích đồng dân
Nghĩa là: Dịp xuân tháng ba dân đến xem cung nghinh hành lễ
      Quanh năm suốt bốn mùa thần gom phúc ban tặng toàn dân
 
Tiến vào hậu cung, gian giữa được đặt sập thờ chân quỳ dạ cá, hai bên bày chấp kích bát bửu, rồi đến hương án cũng được chạm trổ khá đẹp, bằng những kỹ thuật đục bong, chạm lộng tạo nên một hương án hội tụ đầy đủ tứ linh. Phía ngoài hương án trên cột được bố trí câu đối, bên trên là hoành phi và cửa võng, hoành phi có bốn chữ觀可樂禮lễ nhạc khả quan (chiêm ngưỡng lễ nhạc) hoành phi được làm theo phong cách truyền thống, sơn son thếp hoàng kim như các hoành phi khác trong di tích. Bên dưới là cửa võng chạm trổ cầu kỳ, phía dưới nữa là đôi câu đối:
 
禮正尊卑金德淳風存邃古
樂隨音律蠡春曲引來今
Lễ chính tôn ty Kim Đức thuần phong tồn thúy cổ
Nhạc tùy âm luật Lãi Lèn xuân khúc dẫn lai kim
Nghĩa là: Lễ chuẩn dưới trên thuần phong Kim Đức được bảo lưu từ cổ
                Nhạc theo âm luật khúc Xoan Lãi Lèn còn truyền mãi tới nay
 
Tiếp đến gian trong cùng hậu cung được bố trí đặt ở 03 vị trí ở giữa và hai bên cạnh, 03 cỗ long ngai, bài vị đặt trên bệ đá được làm từ đá nguyên khối, đá xanh Thanh Hóa dài 1,7m x rộng 0,99m x cao 1,05m; xung quanh được đục chạm tứ linh, hoa lá. Bên trên bệ đá đặt 03 bộ long ngai thờ các vua Hùng, 03 bộ long ngai có chiều cao 1,2m x rộng 0,66m cả 3 cỗ long ngai đều được chạm trổ, sơn thếp lộng lẫy bằng kỹ thuật chạm thủng, chạm lộng, mang phong cách nghệ thuật chạm truyền thống, thể hiện các hoạ tiết thường được trang trí trên ngai thờ: gai dứa, rồng uốn, cột tiện cổ bồng, cánh sen, giác lòng tôm...Bệ ngai  được chạm trổ hình linh vật, lưỡng long chầu nhật ở mặt trước và đốc hai bên, tay ngai được đặt trên mặt bệ với tư thế của hai đầu rồng ngậm ngọc đua ra phía trước; mỗi bên tay ngai được tạo bởi 3 con  song tiện, ở mỗi song tiện lại được chạm nổi hình rồng lộn khá công phu, lưng ngai được chạm thủng hình tứ linh chia đều 3 ô, tầng trên cùng là lưỡng long chầu nhật, ở giữa là hình ly lớn nằm trong tia lửa điện, ô dưới là hình phượng xen lẫn vân, mây hoa lá. Trên mặt long ngai được đặt bài vị, cả 3 bài vị đều được chạm với công thức chung giống nhau theo nghệ thuật chạm khắc truyền thống đầu bài vị được tạo một núm tròn nổi gồ, xung quanh là hình rồng được chạm nổi đang lẩn khuất trong mây, tiếp giáp với mộc dục được chạm đôi rồng đỡ đầu bài vị, viền quanh bài vị được đục chạm hình gai dứa, gần trong lòng bài vị chỗ để ghi chữ Hán mỹ tự của vị thần mỗi bên có hình rồng lộn chạy sát xuống chân bài vị rồi ngóc đầu sang hai bên chầu vào bài vị.
Phía cột giữa gian trong cùng hậu cung được bố trí câu đối:
 
 
攸萃精神洋洋如在上
不遷功德屹屹仰彌高
Du tụy tinh thần dương dương như tại thượng
Bất thiên công đức ngật ngật ngưỡng di cao
Nghĩa là: Tinh thần của thần mênh mang như trên cao vậy
                Công đức ấy vòi vọi không dời trông lại càng thấy cao thêm
 
Hoành phi và câu đối trong miếu Lãi Lèn đều được đục chạm, trang trí phủ hoàng kim cầu kỳ, tinh xảo, chúng mang trên mình một ý nghĩa hay nói đúng hơn là một thông điệp gửi lại hậu thế rằng nơi đây là nơi thần giáng, nơi đất thiêng, và nơi vang lên mãi khúc ca Xoan truyền cho hậu thế. Có thể khẳng định miếu Lãi Lèn là sự tổng hòa tương đối của một di tích vừa liên quán đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đồng thời cũng là di tích gốc liên quan đến nguồn gốc ra đời của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghi lễ hát thờ, hát Xoan Phú Thọ. Vì vậy công tác bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích cần được sự quan tâm đồng bộ của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương. Hiện tại công trình phục hồi, tu bổ miếu Lãi Lèn đã hoàn thành, còn rất nhiều hạng mục của các công trình phụ trợ đang tiếp tục được triển khai như: sân vườn, nghi môn, cổng, tả vu, hữu vu, lầu hóa vàng, nhà khách… đặc biệt là công trình nhà trưng bày bởi đây sẽ là nơi giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế đầy đủ nhất những hình ảnh hát Xoan xưa và nay của bốn phường Xoan gốc, giới thiệu các trang phục, đạo cụ, bài bản, lề lối, cách thức trình diễn của loại hình nghệ thuật độc đáo này trước khi bước vào thắp nén tâm nhang, chiêm bái ngôi miếu chính và đích mục sở thị xem các nghệ nhân của phường Xoan gốc trình diễn. Tổng thể công trình di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Lãi Lèn hoàn thành sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc biệt là giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ.   
                                                                 Lê Công Luận
Phó trường phòng Di sản Văn hóa
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com