1. Di sản văn hóa Phú Thọ - tài nguyên phong phú để phát triển du lịch:
Phú Thọ là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với hệ thống các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể: 1.372 di tích lịch sử văn hóa (trong đó Khu di tích Đền Hùng là Di tích quốc gia đặc biệt) và hệ thống các lễ hội dân gian, loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Tổ (trong đó hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới). Đây chính là tiềm năng, thế mạnh để du lịch Phú Thọ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Khi trở thành di sản văn hóa của nhân loại thì nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ, bảo tồn, trao truyền cho các thế hệ mai sau; đồng thời phát huy giá trị của di sản để quay lại phục vụ cho nhân loại. Di sản văn hóa có sứ mệnh là sống mãi với thời gian để truyền tải giá trị đích thực của mình cho mọi người các thế hệ tiếp nối cảm thụ; giá trị đó chỉ được sáng tỏ khi con người đến với nó, tìm hiểu, chiêm ngưỡng và đánh giá nó.
Thực tế cho thấy, không phải di sản văn hóa nào cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch; nếu không được đưa ra giới thiệu với công chúng, không phục vụ du lịch thì di sản văn hóa đó cũng không hình thành nên sản phẩm du lịch. Theo giáo sư Romeo Carabelli (Pháp): “Một di sản không có du lịch là một di sản “nghèo”, bởi vì di sản đó chỉ được biết đến bởi một cộng đồng hạn chế; một nền du lịch không di sản là một nền du lịch “nghèo”; bởi vì nền du lịch đó cũng chỉ tồn tại ở một địa bàn nhất định”. Có thể khẳng định du lịch là một tác nhân chính để phát huy giá trị của di sản đồng thời du lịch có khả năng tạo ra giá trị vật chất của di sản; du lịch đặt di sản trong một chu trình kinh tế có khả năng phát huy giá trị của di sản và hỗ trợ sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Các hoạt động tổ chức giới thiệu cho du khách về di tích, di sản văn hóa được coi là các dịch vụ tham quan di sản văn hóa, đây chính là thành phần cơ bản của sản phẩm du lịch văn hóa. Do đó, giá trị di sản càng lớn thì càng thu hút khách tham quan và khách thăm quan càng nhiều thì càng làm tăng thêm giá trị của di sản. Như vậy, hoạt động du lịch chính là cầu nối đưa con người đến với di sản, hiểu di sản và làm cho di sản sống mãi với thời gian. Quá trình phát triển du lịch ở Việt Nam đã chứng minh khi được UNESCO vinh danh, các di sản văn hóa thế giới đều có được sức sống mới do được Đảng và Nhà nước ta quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản. Điển hình cho di sản thu hút đông đảo người dân tham gia là di sản cố đô Huế. Di sản cố đô Huế thực sự sống trong cộng đồng, được đông đảo cộng đồng tham gia và mang lại lợi ích cho cộng đồng nhiều nhất. Song song với công tác bảo tồn, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phát huy hiệu quả của các di sản văn hóa thế giới cũng được chú ý. Vì vậy, hàng năm có hơn 2 triệu lượt khách đến thăm quan cố đô và nghe nhã nhạc cung đình. Đây chính là hình mẫu để phát triển du lịch trong các khu di sản văn hóa thế giới.
Trình diễn hát Xoan tại miếu Lãi lèn. ảnh Xuân Hương
2. Hát Xoan Phú Thọ trong mối quan hệ với du lịch.
Đối với tỉnh Phú Thọ, sau khi “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đến việc phát huy các giá trị của di sản thế giới gắn với phát triển du lịch. Tiến hành tổ chức chương trình “Vinh danh hát Xoan” gắn với Lễ khai mạc chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2012 tại Sân Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Chương trình đã được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam; thông qua chương trình, đã góp phần giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ và các làn điệu, quả cách của di sản Hát Xoan tới đồng bào và nhân dân cả nước cũng như người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Đồng thời, để tạo ra không gian cho di sản, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ngành, thành phố Việt Trì xây dựng và thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích liên quan đến hát Xoan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tái tạo không gian văn hoá, môi tồn ại của di sản như: đình An Thái (xã Phượng Lâu), đình Kim Đới, đình Thét và miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức).
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ gắn phát triển du lịch với phát huy giá trị di sản văn hóa cần có sự hỗ trợ, đan xen giữa hai di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các khu, điểm du lịch nổi trội để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo, mang bản sắc văn hóa riêng vùng đất Tổ tạo nên tính hấp dẫn riêng biệt của sản phẩm du lịch. Để hai di sản văn hóa thế giới ở Phú Thọ đến gần nhất với cộng đồng dân cư và du khách trong nước, quốc tế; từ năm 2013 đến nay, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chương trình du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa phục vụ du khách về dự lễ hội Đền Hùng. Khi tham gia chương trình, du khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ những không gian văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương trong tiết xuân rộn ràng và tưng bừng trong mùa lễ hội như: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; hội thi Bơi Chải trên Sông Lô; hội trại văn hóa và được thưởng thức các làn điệu Xoan tại các cửa đình của các làng Xoan gốc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ...Bước đầu chương trình đã thu hút được một số hãng lữ hành, cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh đến thăm quan tìm hiểu, thưởng thức nghệ thuật hát Xoan như Công ty du lịch Kinh Bắc, công ty du lịch Thiên Trường, Công ty du lịch ALO, công ty du lịch Ánh Dương, các đoàn khách du lịch Quốc tế đến từ các nước như Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ và các đoàn khách đến từ mọi miền tổ quốc...
Trong thời gian qua, mặc dù cơ sở hạ tầng du lịch dịch vụ và không gian văn hóa gắn với hai di sản văn hóa thế giới của tỉnh đã được quan tâm đầu tư để từng bước phục vụ cho phát triển du lịch, tuy nhiên để xây dựng hai di sản văn hóa thế giới thành sản phẩm du lịch đặc trưng còn một số thách thức đặt ra:
- Mâu thuẫn giữa trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa việc giữ gìn các yếu tố nguyên gốc với sự phát triển của nhịp sống đương đại; sự tác động không ngừng của các yếu tố văn hoá, kinh tế dễ làm di sản hát Xoan biến đổi.
- Sau khi di sản hát Xoan được công nhận và vinh danh đã thu hút được nhiều khách du lịch về tham quan, tìm hiểu di sản, làm cho lượng khách tăng lên trong khi hiện nay tại các khu vực đình gắn với hát Xoan chưa được xây dựng quy hoạch thành các khu vực tâm linh, kết hợp dịch vụ du lịch để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, nhiều loại hình dịch vụ phát triển tự phát gây nên hiện tượng phá vỡ không gian, môi trường di sản.
- Khi lượng khách du lịch tăng mạnh thì giá trị kinh tế sẽ gia tăng, khi đó việc bảo tồn giá trị di sản sẽ gặp khó khăn, người dân địa phương dễ chạy theo lợi nhuận, quan tâm đến lợi ích vật chất trước mắt hơn việc bảo tồn các giá trị di sản, chạy theo nhu cầu sở thích của khách du lịch điều đó dễ làm biến dạng giá trị ban đầu của di sản.
3. Một số định hướng để xây dựng “Hát Xoan làng cổ” trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đất Tổ:
Để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh gắn với bảo tồn di sản hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trước mắt cần tập trung một số giải pháp:
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch không gian văn hóa hát Xoan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để phục vụ phát triển du lịch. Thông thường không gian tại các khu vực di sản chưa có sẵn cơ sở hạ tầng và cơ sở kỹ thuật cần thiết để phục vụ khách du lịch. Cho nên xây dựng quy hoạch tại các khu vực liên quan đến di sản cần được coi là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch thời gian tới. Trong công tác quy hoạch cần phải đảm bảo giữ nguyên giá trị, bản sắc yếu tố gốc của di sản. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các phân khu về dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí phù hợp ới không gian văn hoá của di sản.
Thứ hai, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển du lịch và bảo tồn hai di sản văn hóa của tỉnh được UNESCO vinh danh. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, nhân dân tham gia đầu tư và bảo tồn di sản như: Hỗ trợ cho các nghệ nhân tham gia truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đầu tư trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn….
Thứ ba, tổ chức đào tạo thuyết minh viên, hướng dẫn viên chuyên sâu giới thiệu về hai di sản văn hóa thế giới để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. Ưu tiên đào tạo người dân địa phương tại các làng Xoan gốc trở thành thuyết minh viên tại điểm, giới thiệu những giá trị độc đáo của hát Xoan tới du khách trong và ngoài nước. Thuyết minh viên tại điểm cần có trình độ hiểu biết sâu về hát Xoan, nắm bắt được sự mong đợi của du khách, làm cho du khách cảm nhận được giá trị của di sản. Nội dung thuyết minh cần được thiết kế cho từng đối tượng khách khác nhau.
Thứ tư, trong phát triển du lịch cần ưu tiên bảo tồn di sản văn hóa và tuân thủ các quy định công ước quốc tế 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và luật di sản văn hóa, đảm bảo đúng nguyên tắc bảo lưu tối đa những giá trị nguyên gốc của di sản. Đồng thời bảo vệ không gian văn hóa, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội gắn với di sản văn hóa hát Xoan.
Thứ năm, tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di sản; đồng thời tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch để nâng cao đời sống. Khi cộng đồng xác định mình là chủ thể di sản thì họ sẽ có ý thức giữ gìn, bảo tồn di sản để khai thác phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, sự chu đáo, lòng nhiệt tình và mến khách của cộng đồng dân cư địa phương cũng góp phần quan trọng tạo ấn tượng tốt về di sản.
Tóm lại, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là cần thiết trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh trong những năm tiếp theo. Một mặt phát triển du lịch càng làm tăng thêm giá trị cho di sản, làm đa dạng hóa các hoạt động du lịch Phú Thọ; mặt khác sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân cư địa phương và góp phần giữ gìn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam./.
Nguyễn Đắc Thủy
Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL