I- Người Mường và văn hoá cồng chiêng ở Phú Thọ:
Dân tộc Mường là một trong 54 dân tộc anh em cư trú, sinh sống chủ yếu trên khu vực phía Bắc Việt Nam. Có thể nói, ở đâu có người dân tộc Mường là ở đó có văn hoá dân gian cồng chiêng. Đây là nét văn hoá mang đậm bản sắc đặc trưng của dân tộc Mường. Bên cạnh không gian văn hoá dân gian cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, văn hoá dân gian cồng chiêng của dân tộc Mường là di sản văn hoá phi vật thể quý báu đã được các thế hệ nghệ nhân dân gian dân tộc Mường truyền nhau bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc của loại nhạc cụ truyền thống đặc biệt và riêng có của dân tộc Mường.
Phú Thọ là địa bàn sinh sống và cư trú lâu đời của dân tộc Mường, theo thống kê, dân số của người Mường là 184.141 người chiếm 14,1 % dân số tỉnh Phú thọ và chiếm 14,5 % dân số người Mường ở Việt Nam; là 1 trong 4 dân tộc có số dân đông ở Phú Thọ, đó là: Kinh- Mường- Dao- Cao Lan cư trú chủ yếu trên địa bàn các huyện miền núi như Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ... Người Mường ở Phú Thọ được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước và có vai trò là nguồn gốc của người Việt cổ, người Kinh ngày nay. Cũng như người Mường ở Hoà Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình, Lai Châu... người Mường ở Phú Thọ vẫn bảo tồn được vốn văn hoá dân gian đặc sắc, trong đó có văn hoá cồng chiêng được tổ chức và các dịp nghi lễ, hội hè truyền thống hàng năm của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Không gian văn hóa cồng chiêng Mường ở Phú Thọ bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Người Mường Phú Thọ đã sớm biết chế tác cồng chiêng từ xa xưa, họ đã sớm biết thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác được các bản nhạc và tạo ra những phương thức đánh cồng chiêng phù hợp với đặc tính của loại nhạc cụ độc đáo này dựa trên âm thanh cơ bản của cồng chiêng: Boong, bính, boong, rầm" . Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian- Nghệ sỹ ưu tú Bùi Chí Thanh đã viết: “Người Mường hiểu biết sâu về chế độ rung và lan truyền âm thanh trên mặt chiêng trong không gian. Đây quả thực là sự sáng tạo lớn”. Với đôi tai và tâm hồn nhạy cảm âm nhạc, những âm thanh từ cồng chiêng được tấu lên và ngân nga sâu lắng giữa không gian núi rừng hùng vĩ, khi thôi thúc, lúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió miền sơn cước, tạo nên một bản nhạc đặc trưng của cồng chiêng của người Mường trên vùng Đất Tổ Vua Hùng.
Cũng như cồng chiêng của dân tộc Mường ở một số tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Cồng chiêng của người Mường ở Phú Thọ vừa là một vật thiêng vừa là nhạc cụ truyền thống đặc sắc, gắn bó với mỗi cá nhân trong cộng đồng người dân tộc Mường từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Người Mường ở Phú Thọ phân biệt cồng là loại có núm để gõ ở chính giữa; còn chiêng là loại khôn có núm. Cồng chiêng đều là một nhạc cụ truyền thống không thể thiếu được trong cuộc đời mỗi con người thuộc cộng đồng dân tộc Mường. Cồng chiêng được sử dụng trong các dịp lễ tết dân tộc, trong việc vui như đón tết Nguyên Đán, đám cưới, việc buồn như đám ma. Trước kia, cồng chiêng còn được dùng làm hiệu lệnh trong các phường săn, bắt chim thú.
Vì vậy, trong các gia đình người dân tộc Mường xưa kia cũng như hiện nay nhà nào cũng phải sắm cho nhà mình một vài chiếc cồng chiêng. Cồng chiêng được coi là những vật báu tượng trưng cho sự giàu có, sang trọng của mỗi gia đình người Mường.
Cồng chiêng có giá trị rất lớn cả về vật chất và tinh thần. Trước đây, người Mường dùng trâu to, bò lớn để đúc hoặc đổi lấy cồng, chiêng. Những giá trị ấy đã khẳng định vị trí quan trọng của cồng chiêng trong đời sống tinh thần của người Mường. Đó là một trong những tài sản quý giá của mỗi gia đình người Mường trong cộng đồng, nó cũng là vật thiêng đánh giá vị thế xã hội của gia chủ đối với làng bản cư trú của dân tộc Mường ở Phú Thọ.
Ngoài ý nghĩa về âm nhạc, cồng chiêng còn phản ánh ý nghĩa về nhân sinh quan vũ trụ của người Mường thể hiện về số lượng của bộ cồng chiêng có đủ 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm ( Cách nhìn nhận vũ trụ thông qua lịch mặt trăng với 12 tháng âm lịch. Họ quan niệm một năm là sự giao thoa của bốn mùa thời tiết để bắt đầu từ con số 1. Sự giao thoa của từng chiếc cồng chiêng âm hưởng của 12 tháng Vì vậy, một bộ cồng chiêng đầy đủ là 12 chiếc, nhưng nếu không đầy đủ vẫn có thể ít nhất bộ ấy phải có từ 4 - 5 chiếc trở lên.
Về cách thức thể hiện lối đánh cồng chiêng của người Mường ở Phú Thọ về cơ bản không khác gì với cách thức đánh cồng chiêng của người Mường ở Hoà Bình, ở Thanh Hoá, ở Ninh Bình. Điều này chứng tỏ văn hoá cồng chiêng của dân tộc mường có thể cùng chung một nguồn gốc phát tích, bởi người Mường có rất nhiều điểm tương đồng về đời sống vật chất và tinh thần từ khi hình thành cho đến nay.
Ngày hội cồng chiêng dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ
II- Công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng:
Sau một thời gian dài bị gián đoạn do chiến tranh ( 1954- 1975), hiện nay văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường ở Phú Thọ đang được quan tâm sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể đặc trưng của người Mường trên quê hương Đất Tổ. Để bảo tồn hình thức văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường, ngành Văn hoá đã tiến hành tổ chức Liên hoan cồng chiêng và diễn xướng dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ 2 lần. Lần thứ nhất năm 2005, lần thứ 2 năm 2011 tại huyện Thanh Sơn. Thông qua Liên hoan, các tiết mục trình diễn cồng chiêng của dân tộc Mường tại các xã có dân tộc Mường thuộc các huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ như Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Thuỷ... có dịp được thể hiện thông qua các nghệ nhân dân gian ở nhiều lứa tuổi. Trên cơ sở Liên hoan, ngành văn hoá tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng của di sản văn hoá phi vật thể nói chung trong đó có văn hoá cồng chiêng để từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức bảo tồn, phục dựng tại địa phương có đủ điều kiện tổ chức lễ hội cồng chiêng để tham gia các hoạt động ngày hội văn hoá truyền thống các dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi và tham gia chương trình " Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam" của tỉnh Phú Thọ từ những năm 2003- 2011 và chương trình " Du lịch về với cội nguồn" do 3 tỉnh Phú Thọ- Yên Bái- Lào Cai phối hợp tổ chức. Với những hoạt động văn hoá cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường tại các xã vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động văn hoá truyền thống tại các huyện miền núi, di sản văn hoá phi vật thể cồng chiêng của dân tộc Mường đã được các cấp các ngành ở huyện, ở tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng hoạt động nhằm thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc Mường trên đất Phú Thọ đang có nguy cơ bị mai một do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hoá nông thôn và miền núi.
Giá trị của nghệ thuật dân gian cồng chiêng dân tộc Mường đã được khẳng định trong vị trí đời sống văn hoá của cộng đồng đồng bào dân tộc Mường và đã trở thành bản sắc văn hoá truyền thống tại Phú Thọ. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, những việc đã làm được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hoá cồng chiêng mới chỉ là bước đầu, cần được tiếp tục quan tâm đầu tư về mọi mặt, đặc biệt là về kinh phí để liếp tục sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi những dàn cồng chiêng đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Trên cơ sở đó tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền dạy cho các lứa tuổi là con em đồng bào dân tộc Mường để phổ biến nghệ thuật cồng chiêng đến mọi người trong cộng đồng người Mường.
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cồng chiêng, một yếu tố vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định đó là nhân tố con người. Các nghệ nhân dân gian cao tuổi đang nắm giữ nghệ thụât diễn tấu cồng chiêng là những " Báu vật sống" sẽ là người trao truyền nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng theo nghệ thuật dân gian đã được bảo lưu trong trí nhớ của các nghệ nhân. Có thể nói, không có nghệ nhân dân gian thì không có nghệ thuật trình diễn cồng chiêng. Các nghệ nhân sẽ là nhân tố đóng góp tích cực đối với công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Vì vậy, trong nhưng năm qua, ngành văn hoá tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các phòng văn hoá tại các huyện miền núi có đồng bào dân tộc Mường sinh sống đặc biệt quan tâm đến các nghệ nhân cồng chiêng bằng các hành động cụ thể như tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để truyền dạy cho cộng đồng. Có chế độ bồi dưỡng về kinh phí cho nghệ nhân khi truyền dạy. Có kinh phí đi lại để các nghệ nhân tham gia các hoạt động trình diễn cồng chiêng ở trong và ngoài địa bàn tỉnh... Trong những năm qua, để kịp thời bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng, Sở VH,TT & DL Phú Thọ đã tổ chức một số diễn viên, nhạc công của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như Trung tâm VHTT, Đoàn nghệ thuật Chèo đi xuống cơ sở để tiếp thu nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng do các nghệ nhân dân gian người dân tộc Mường truyền dạy. Trên cơ sở đó, những bí quyết về nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng đã được các nghệ sỹ tiếp thu và xây dựng thành các tiết mục trình diễn nghệ thuật cồng chiêng tham gia ngày hội văn hoá các dân tộc do Bộ VH,TT & DL tổ chức hàng năm góp phần tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường trên quê hương Đất Tổ Phú Thọ với đông đảo quần chúng trong nước và khách quốc tế. Bên cạnh đó, Sở VH,TT & DL xây dựng kế hoạch và xin UBND tỉnh bố trí kinh phí phục chế bộ cồng chiêng theo quy cách dân gian tại một số trung tâm có công nghệ đúc đồng truyền thống để sử dụng cho hoạt động trình diễn cồng chiêng trong những dịp tổ chức lễ hội.
Tuy nhiên, những việc đã làm chưa đáp ứng được với hiện trạng và nhu cầu thực tế của đông đảo quần chúng nhân dân địa phương đối với di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
III- Một số kiến nghị, đề xuất:
Để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp cụ thể như sau:
1- Tiến hành khảo sát, kiểm kê nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng trên toàn bộ địa bàn vùng đồng bào dân tộc Mường sinh sống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để đánh giá thực trạng di sản văn hoá phi vật thể cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường. Trên cơ sở đó hệ thống hoá các tư liệu đã sưu tầm được về các nội dung sau:
1.1- Tên các địa bàn còn bảo tồn được nghệ thuật cồng chiêng.
1.2- Số lượng nghệ nhân trình diễn được nghệ thuật cồng chiêng.
1.3- Số lượng cồng chiêng còn được lưu giữ tại các gia đình và cộng đồng.
1.4- Cách thức trình diễn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng còn được bảo tồn.
2- Lập dự án bảo tồn, phục dựng nghệ thuật trình diễn cồng chiêng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3- Triển khai thực hiện dự án sau khi đã được phê duyệt với nguồn kinh phí được nhà nước cấp theo chương trình mục tiêu quốc gia về và nguồn kinh phí xã hội hoá.
4- Làm các thủ tục theo quy định của luật di sản văn hoá để phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho công tác sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Trên cơ sở đó đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho các nghệ nhân.
5- Xây dựng bản đồ các địa điểm diễn tấu cồng chiêng phục vụ khách du lịch tham quan tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá dân gian của dân tộc Mường.
6- Tổ chức các lớp truyền dạy cho các lứa tuổi về diễn tấu cồng chiêng do các nghệ nhân cồng chiêng người dân tộc Mường thực hành.
7- Tăng cường giao lưu diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh có nền văn hoá cồng chiêng thuộc dân tộc Mường và các dân tộc khác thông qua tổ chức các cuộc Liên hoan trình diễn cồng chiêng để trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể cồng chiêng trong cơ chế thị trường định hướng XHCN và dưới những tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Trên cơ sở đó có tiếng nói chung với Bộ VH,TT & DL về lập dự án cấp nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng của dân tộc Mường ở Việt Nam nói chung. Từ đó, xúc tiến công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận không gian văn hoá dân gian cồng chiêng của dân tộc Mường ở Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
8- Bên cạnh việc bảo tồn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, cần có ý tưởng kịch bản phối hợp trình diễn cồng chiêng với một số nghệ thuật dân gian khác của dân tộc Mường như Đâm Đuống, đánh trống đồng, chạm ống... tạo thành bức tranh hoạt động nghệ thuật dân gian đa dạng, phong phú của dân tộc Mường phục vụ phát triển du lịch.
Bảo tồn để phát huy giá trị không gian văn hoá cồng chiêng dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là công việc rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm lưu giữ một di sản văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của đồng bào dân tộc Mường trên vùng quê đất Tổ Vua Hùng góp phần xây dựng và phát triển văn hóa và con người mới đáp ứng với nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Việt Trì, tháng 11/ 2014
Đặng Đình Thuận
PCT Hội VNDG- TP NVVH