Đặng Mỹ Trang
Phòng Quản lý Di sản văn hóa
Sáng ngày 27/12/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn Kiểm kê di sản văn hóa năm 2024.
Tới dự chương trình khai mạc lớp tập huấn có ông Nguyễn Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và 454 cán bộ, công chức công tác văn hóa - xã hội, đại diện các Ban quản lý di tích và người am hiểu di sản văn hóa của 225 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 13 huyện, thành, thị. Tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản văn hóa của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và của tỉnh Phú Thọ.
Ảnh: Các đại biểu và học viên tham gia lớp Tập huấn
Trong những năm qua, thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Phú Thọ thường xuyên tổ chức các đợt kiểm kê di sản văn hóa. Mục tiêu tổng quát của kiểm kê là để bảo vệ các di sản văn hóa của địa phương. Hoạt động cụ thể của kiểm kê là nhận diện, xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ. Kiểm kê không phải là kiểm đếm, lập danh sách mà là xác định các yếu tố, các vấn đề liên quan để bảo vệ di sản. Qua các đợt kiểm kê di sản văn hóa theo từng năm, các địa phương đã thực hiện đúng phương pháp, tuân thủ quy định kiểm kê di sản văn hóa. Tuy nhiên do những yếu tố biến đổi văn hóa theo giai đoạn, từng năm nên số liệu kiểm kê di sản văn hóa phải được cập nhật và lập hồ sơ khoa học theo từng loại hình.
Tập huấn kiểm kê di sản văn hóa sẽ diễn ra trong 02 ngày (27 – 28/12/2024). Theo chương trình, các học viên sẽ được các giảng viên truyền đạt, trao đổi, chia sẻ và hướng dẫn các kỹ năng trong quá trình kiểm kê di sản văn hóa. Những nội dung cơ bản của công tác kiểm kê di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể): Phạm vi kiểm kê, đối tượng kiểm kê, nội dung kiểm kê, phương pháp kiểm kê, quy trình kiểm kê, hồ sơ và sản phẩm kiểm kê. Hướng dẫn kỹ năng cơ bản trong quá trình kiểm kê di sản văn hóa: Khảo sát, điền dã, thu thập thông tin, ghi chép, điền thông tin vào phiếu kiểm kê, danh mục kiểm kê, các câu hỏi điều tra, xây dựng hồ sơ kiểm kê và sản phẩm kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác khảo sát, thống kê, thu thập thông tin về di sản văn hóa, những kiến nghị, đề xuất của địa phương để công tác kiểm kê di sản văn hóa đạt hiệu quả cao.
Ảnh: Giảng viên truyền đạt tại lớp Tập huấn
Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực trong công tác quản lý Nhà nước đối với lãnh đạo và cán bộ các địa phương đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh./.