Thứ 4 | 12/10/2016
I- Thực trạng về hoạt động lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ:
 
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện đang bảo tồn và duy trì hoạt động 231 lễ hội dân gian, các lễ hội dân gian đã được tổ chức định kỳ vào mùa Xuân với nhiều loại hình đa dạng và phong phú, phản ánh tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trong lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cư dân trên vùng quê Đất Tổ Vua Hùng. Một số lễ hội đã ăn sâu vào tâm thức của quần chúng nhân dân như lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Trò Trám, Hội Phết Hiền Quan v...v. Trong những năm qua, công tác quản lý và hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội truyền thống đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thiết thực góp phần xây dựng môi trường văn hóa truyền thống lành mạnh, tạo động lực tinh thần đẩy mạnh lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế ngày một phát triển.
 
 Hội Vật làng Vĩnh Mộ xã Cao Xá huyện Lâm Thao
 
 
1- Một số kết quả cụ thể sau đây:
 
1.1- Công  tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã từng bước đi vào nền nếp, nội dung lễ hội phong phú, đa dạng. Nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về vấn đề xã hội hóa trong công tác tổ chức lễ hội ngày càng được nâng cao, phát huy được vai trò chủ thể và năng lực sáng tạo giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; " Ăn quả nhớ người trồng cây" được thường xuyên quan tâm giáo dục cho các thế hệ gắn với tôn vinh những người có công với dân, với nước. Trước khi tổ chức, các lễ hội đều được xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, thành lập Ban tổ chức và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, chương trình lễ hội đã được ban hành. Việc quản lý tài chính trong lễ hội chặt chẽ, tiền công đức, tiền giọt dầu được công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích; các vấn đề về an ninh xã hội, về bảo vệ môi trường được quan tâm, cho thấy sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân trong công tác tổ chức lễ hội. Nguồn kinh phí thu được từ lễ hội đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch của địa phương, tái tu bổ di tích và tổ chức lễ hội.
1.2- Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được coi trọng và đã có nhiều biến chuyển tích cực. Mỗi di tích được khuyến khích đặt 01 hòm công đức, tích cực tuyên truyền hạn chế việc đặt tiền giọt dầu, đặt nhiều bát hương trong di tích, nhất là đối với những lễ hội có quy mô lớn. Nhiều di tích, lễ hội không còn hiện tượng dắt tiền lẻ, cắm hương bừa bãi vào tay tượng, cây cối... Ban tổ chức lễ hội xây dựng quy chế hoạt động, nội quy bảo vệ di tích cũng như hướng dẫn nhân dân, khách tham quan và hành lễ tại di tích, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích, cảnh quan, môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, giữ gìn sự trang nghiêm, linh thiêng nơi thờ tự, đẩy lùi những bất cập, tiêu cực, hành vi không hợp thuần phong mỹ tục trong việc thắp hương, đốt mã tràn lan, đặt quá nhiều hòm công đức, thương mại hóa lễ hội, bày bán hàng hóa lộn xộn và tự ý nâng giá…
1.3- Các lễ hội lịch sử cách mạng kháng chiến tại các di tích cách mạng trên địa bàn được chú trọng, không chỉ dừng lại ở hình thức mít tinh biểu dương lực lượng mà đã được tổ chức Lễ mít tinh, tưởng niệm cùng phần hội với nhiều hoạt động hấp dẫn, đã trở thành phong tục đẹp, thành định lệ hàng năm, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ như: Các hoạt động kỷ niệm tại các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm chiến thắng Sông Lô, chiến thắng Tu Vũ, chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản...
Nhìn chung, các loại hình lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn; ý thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, về đảm bảo vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những năm trước đây; các cấp chính quyền đã quan tâm chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn lễ hội, vì vậy đã không để xảy ra các sự cố, các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng... bước đầu đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân cũng như các tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, còn có một số lễ hội đang bảo tồn một số nghi thức, nghi lễ có nội dung không phù hợp với đời sống văn hóa hiện đại, gây bức xúc trong dư luận như: Lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha, xã Xuân Quang ( còn bảo tồn hình thức đập trâu gây phản cảm); lễ hội Phết xã Hiền Quan ( tổ chức tranh cướp Phết gây bạo lực) đã được dư luận quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề có tính khoa học cần phải được nghiên cứu để bảo tồn và phát huy mặt tích cực của các lễ hội này và hạn chế, xóa bỏ nội dung không còn phù hợp với quan niệm và tư duy văn hóa hiện nay.
 
2- Một số tồn tại, hạn chế:
 
2.1- Do mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho lễ hội tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội, có địa phương nghiêng về phần lễ, phần hội ít được chú trọng, thậm chí không được tổ chức và ngược lại có địa phương chỉ chú trọng phần hội để thu kinh phí mà coi nhẹ phần lễ, làm giảm tính linh thiêng, trang trọng của nghi lễ truyền thống. Các trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng rất ít, thay vào đó là các môn thể thao hiện đại, có nơi còn để diễn ra các trò chơi mang tính thương mại có tính chất cờ bạc đỏ đen như cò quay, vui chơi có thưởng trá hình để thu lợi cho ngân sách địa phương.
2.2- Còn một số địa phương tổ chức lễ hội rườm rà, tốn kém, phô trương hình thức kém hiệu quả, chưa có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo nhân dân. Việc tổ chức lễ hội chưa kết hợp được với các hoạt động thương mại - du lịch, chưa tổ chức được các dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch hoặc có tổ chức nhưng còn đơn giản, không hấp dẫn du khách.
2.3- Chưa có những sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng đất Tổ phục vụ du khách làm quà lưu niệm. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu lượng khách ngày càng tăng nhất là những ngày hội chính, gây áp lực nơi tổ chức lễ hội, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra không đảm bảo an ninh trật tự.
2.4- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nội quy, quy chế Lễ hội, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường…chưa thường xuyên. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế lễ hội gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường của một số người tham gia lễ hội chưa cao, vẫn còn tình trạng ăn mặc tùy tiện, phản cảm thiếu văn hóa khi đi lễ hội, hiện tượng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường còn khá phổ biến tại các lễ hội. Một số cá nhân lợi dụng lễ hội lúc đông người bán hương nhang, thẻ tử vi, thẻ khánh, viết sớ, xem bói, chèo kéo khách, bầy bán hàng lấn chiếm đường đi gây phản cảm cho du khách. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong tại một số lễ hội chưa cao, đốt vàng mã còn nhiều, thắp hương nhiều, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi qui định, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo…làm ảnh hưởng đến mỹ quan trong lễ hội và di tích. Vẫn còn việc thả tiền xuống giếng, cài tiền vào tượng thờ. Thái độ của những người được phân công phục vụ nhân dân hành lễ trong lễ hội nhiều nơi chưa lịch sự. Công đức tiếp nhận, đưa đồ thờ tự không phù hợp với cảnh quản, kiến trúc của di tích chưa giải quyết một cách triệt để.
2.5- Việc khôi phục một số lễ hội còn thiếu tính sáng tạo hấp dẫn, mang nặng tính sao chép chưa đúng với lễ hội truyền thống từ xa xưa để lại.... Một số lễ hội dân gian được tổ chức định kỳ còn có tập tục cổ xưa như “đập trâu” trong lễ hội Cầu Trâu của xã Hương Nha và xã Xuân Quang, hoặc hội tranh cướp Phết mang tính bạo lực như các cơ quan báo chí đã phản ảnh.
2.6- Việc quy hoạch khu vực bán hàng, khu vực đỗ xe, khu vực vệ sinh…tại nhiều di tích chưa khoa học, hợp lý. Một số cơ sở vui chơi có thưởng lợi dụng lễ hội hoạt động vui chơi trá hình có tính chất cờ bạc, sử dụng loa phóng thanh quảng cáo mua bán hàng còn xảy ra.
3- Một số nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:
3.1- Nguyên nhân khách quan:
- Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế.
- Nhận thức của toàn xã hội về quản lý, tổ chức, tham gia lễ hội chưa thật sâu sắc, toàn diện. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân tham gia lễ hội chưa cao.
3.2- Nguyên nhân chủ quan:
- Nguồn nhân lực: Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa nói chung và về lễ hội nói riêng còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, nhất là từ cấp huyện đến cấp xã chưa đủ năng lực để quản lý, hướng dẫn, tổ chức hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa, phục dựng lễ hội và các hoạt động văn hoá dân gian.
- Mô hình Ban QLDT còn nhiều bất cập. Ban QLDT cấp xã, phường, thị trấn hầu hết chưa có cán bộ được đào tạo chuyên môn sâu, bên cạnh Lãnh đạo, cán bộ cấp xã, các thành viên còn lại những người có lòng nhiệt tình, có ý thức bảo vệ DSVH, có uy tín được dân làng cử ra; trong số họ chưa có ai được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ (kể cả các thành viên là cán bộ hưu trí cũng chưa có ai được học và làm đúng chuyên ngành khi còn là cán bộ đương chức).
- Một số lễ hội phục dựng một số nghi thức dân gian của lễ hội còn thiếu kinh nghiệm, chưa có đủ kiến thức hiểu biết về văn hoá truyền thống, do đó, phục dựng còn tùy tiện không đúng với nghi thức truyền thống tại địa phương.
 
4. Đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian theo Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 12/2/2015 của Bộ VHTTDL.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Tiêu chí, thang điểm đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian.
- Kết quả thực hiện Tiêu chí, thang điểm đánh giá công tác quản lý và tổ chức đối với 231 lễ hội dân gian:
+ Lễ hội có mức điểm từ 95 - 100, hoàn thành xuất sắc, loại A là: 48 lễ hội.
          + Lễ hội có mức điểm từ 85 - 94, hoàn thành tốt, loại B là: 179 lễ hội.
          + Lễ hội có mức điểm từ 51 - 84, hoàn thành, loại C là: 04 lễ hội.
+ Không có Lễ hội nào có mức điểm dưới 50, chưa hoàn thành, loại D.
- Một số huyện, thị, thành triển khai thực hiện tốt và đạt kết quả cao như: Thanh Ba, TP. Việt Trì, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tam Nông.
5. Một số giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng ứng xử thiếu văn hóa tại các lễ hội:
5.1- Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của lễ hội. Xác định vị trí, vai trò chủ đạo trong công tác tham mưu của Ban tổ chức lễ hội, BQL di tích trong việc quản lý, tổ chức và giải quyết các vấn đề phát sinh tại lễ hội và tại di tích, hạn chế mức thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra trong lễ hội.
5.2- Cần có sự phối hợp chặt chẽ vào cuộc  của các cấp, các ngành tại địa phương trong trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, liên tục và xử lý kịp thời và nghiêm minh những hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật, có sức thuyết phục với cơ sở kiểm tra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất.
5.3- Việc tuyên truyền giới thiệu về lễ hội, di tích phải được sưu tầm, nghiên cứu một cách khoa học, thận trọng trước khi tuyên truyền để bảo tồn nét đặc trưng của lễ hội, tránh sao chép, bắt trước các lễ hội khác mà địa phương không có. Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội đề cao để nâng cao nhận thức của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội. Tăng cường vận động nhân dân và du khách tham gia lễ hội, nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, ứng xử văn minh trong hoạt động tâm linh, lễ hội, không ép giá, không chèo kéo khách.
5.4- Công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng đối với những lễ hội tổ chức tốt và phê bình kịp thời những lễ hội còn để nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội phải được chú trọng tiến hành thường xuyên sau mỗi kỳ kết thúc lễ hội. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý di tích, cán bộ tổ chức lễ hội phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, để các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia các nghi lễ, hoạt động vui chơi giải trí trong phần hội.
5.5- Đối với một số lễ hội còn bảo tồn hoặc phát sinh hoạt động tiêu cực mang tính nhạy cảm, bạo lực cần kịp thời tổ chức hội thảo khoa học và thực tiễn để lấy ý kiến các nhà khoa học và quản lý nhằm bảo tồn những yếu tố tích cực phù hợp với thuần phong mỹ tục và cuộc sống đương đại, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, nhạy cảm, mang tính bạo lực./.
 
 
                                                                   Việt Trì, tháng 8 năm 2016
Đặng Đình Thuận
    TP Nghiệp vụ Văn hóa
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com