Thứ 2 | 03/11/2014
Phú Thọ - Miền đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, giàu truyền thống lịch sử và văn hoá, nơi có kho tàng văn hóa dân gian vô cùng đa dạng và phong phú. Đó là hệ thống các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, ngành văn hoá đang nỗ lực, cố gắng để phát huy những thế mạnh, ưu điểm, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế, khuyết điểm trong đó công tác quy hoạch tượng đài đã và đang là một vấn đề cần sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của cả nước nói chung.
Chức năng của tượng đài, được Bộ văn hoá quy định như sau: Tượng đài là công trình văn hoá nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc, đô thị và cảnh quan thiên nhiên, có quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến hình thức của xã hội.”
Trong thực tế, quy hoạch tượng đài là công việc hết sức khó khăn và phức tạp vì tượng đài là biểu tượng văn hóa lẫn tâm linh của mỗi địa phương. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ số tượng đài đã được quy hoạch và xây dựng không nhiều, có 04 công trình, đó là: Tượng đài chiến thắng sông Lô; tượng đài chiến thắng Tu Vũ; tượng danh tướng thời Trần - Trần Nhật Duật; tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số này chỉ có một tượng đài đạt yêu cầu về mặt bố cục, kiến trúc, mỹ thuật - đó là tượng đài chiến thắng Sông Lô, nằm trên núi Đồn, ngã ba sông Lô, sông Chảy thuộc địa phận xã Chi Đám, huyện Đoan Hùng, được xây dựng vào năm 1987. Khu vực xây dựng tượng đài có diện tích 19.300m2, trong đó diện tích mặt bằng quy hoạch xây dựng trên đỉnh núi là 2.537,5m2. Tượng đài chiến thắng sông Lô bao gồm hai phần: Tượng và đài. Đài cao 26m bên cạnh nhóm tượng cao 7m được làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép, bên ngoài sơn màu giả đồng. Tượng đài chiến thắng sông Lô là công trình lịch sử văn hoá ấn tượng và hoành tráng mang đậm sức biểu cảm, thể hiện niềm tự hào của quân và dân Phú Thọ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tượng đài Chiến thắng Sông Lô

Sau gần 20 năm kể từ khi tượng đài chiến thắng Sông Lô được hoàn thành, tỉnh Phú Thọ mới có công trình thứ hai - tượng đài chiến thắng Tu Vũ thuộc xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy. Tượng đài chiến thắng Tu Vũ đã chính thức được khởi công xây dựng vào năm 2002. Công trình này đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt từ năm 2002, với nguồn kinh phí đầu tư trên 4,6 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục: tượng đài, tượng điêu khắc bằng đồng, phần tưởng niệm và các công trình phụ trợ. Khu vực được xây dựng tượng đài có diện tích 5.213m2, được chia thành hai khu: Khu có diện tích 3.775m2 là khu xây dựng tượng đài và các công trình phù trợ; khu II là khu nằm trong gianh giới bảo vệ đê, dùng làm bãi đỗ xe và trồng cây xanh. Sau hơn 5 năm triển khai, cơ bản các hạng mục phụ trợ đã hoàn thành nhưng phần tượng đài - hạng mục quan trọng nhất - lại chưa hoàn thành do thiếu nguồn vốn.
Năm 2005, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng, Sở VH,TT đã phối hợp với Cục MT-NA tổ chức sáng tác vườn tượng quốc tế với sự tham gia của 29 nhà điêu khắc, hoạ sỹ trong nước và quốc tế. Kết quả đạt được rất phấn khởi với thành quả 29 pho tượng với nhiều nội dung phong phú phản ánh chủ đề về "Đất Tổ Hùng Vương- Hội tụ và toả sáng". Tuy nhiên, các tác phẩm nghệ thuật quý giá ấy vẫn chưa được quy hoạch để bố trí, trưng bày tại những vị trí thuận lợi cho công chúng thưởng thức, chiêm ngưỡng. Tất cả được tập trung trên diện tích trước tại ngã 4 đường Nguyễn Tất Thành- Đường Trần Phú phường Tân Dân thành phố Việt Trì, do đó đã phần nào hạn chế công tác tuyên truyền quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật của các tác phẩm nghệ thuật bằng đá rất có giá trị thẩm mỹ và giáo dục cao đối với các tầng lớp nhân dân.
          Năm 2008, công trình tượng Trần Nhật Duật ở bến sông Lô- Nơi tiếp giáp ngã ba sông Hồng- Lô- Đà trên địa bàn phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì cũng được khánh thành. Tượng cao 3,3m; đài cao 5,75m với chất liệu bằng đồng. Về quy mô xây dựng, đây là công trình nhỏ, chưa xây dựng quy hoạch tổng thể, mới chỉ có tượng, nên chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt kiến trúc mỹ thuật theo quy chế xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Năm 2009, Khu DTLS Đền Hùng đã phối hợp với Cục MT- NA tổ chức sáng tác vườn tượng quốc tế lần thứ 2 tại Khu di tích với sự tham gia của 32 nhà điêu khắc trong nước và quốc tế đến từ 11 quốc gia trên thế giới đã để lại 35 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng chất liệu đá với chủ đề:" Ấn tượng Đất Tổ Hùng Vương" đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp thông qua các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và du khách quốc tế về dự Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng thưởng thức và chiêm ngưỡng.
          Tượng đài được xây dựng sớm nhất trên địa bàn tỉnh, đó là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn. Tượng đài do một đơn vị binh chủng, công binh xây dựng năm 1971 trên quả đồi cao được trồng cây lấy gỗ. Tượng toàn thân dáng đứng có chiều cao 5,40 m được làm bằng chất liệu bê tông đắp thẳng. Do tượng làm bằng chất liệu bê tông, hơn nữa tác giả không có chuyên môn nên không tránh khỏi sai sót và thiếu tính nghệ thuật. Hiện trạng tượng đang bị xuống cấp, bị mốc, bong, loang lổ, vữa nứt nhiều. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ và Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh- Bộ VH,TT & DL đã có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh và đề nghị lập dự án trùng tu, tôn tạo.
Nghiêm túc đánh giá, quy hoạch tượng đài trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang là một mảng quy hoạch thiếu và yếu của tỉnh nhà. Theo quan điểm của một số nhà điêu khắc thì tượng đài thể hiện thẩm mỹ văn hoá chung của một thành phố, một tỉnh, thành bởi tượng đài không chỉ để trang trí mà còn thể hiện văn hoá, lịch sử, xã hội của một địa phương. Thực tế cho thấy công tác quản lý tượng đài trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính chiến lược và nhiều bất cập do chưa có quy hoạch tổng thể. Hầu hết các tượng đài trên địa bàn tỉnh đều xoay quanh đề tài về chiến tranh, về các sự kiện lịch sử…chưa có tượng nào về đề tài văn hoá, xã hội.
Hiện nay, thành phố Việt Trì đang phấn đấu trở thành thành phố lễ hội, nhưng khi đến với thành phố thuộc vùng Kinh đô Văn Lang xưa, chúng ta lại chưa thấy một biểu tượng văn hoá đặc sắc nào của thành phố lễ hội! Vậy tại sao ta không quy hoạch và xây dựng cho thành phố một tượng đài về đề tài văn hoá như: Trung tâm Kinh đô Văn Lang thời kỳ Hùng Vương dựng nước, Lễ hội truyền thống, hát Xoan... mang đặc trưng riêng để gây được ấn tượng và hấp dẫn du khách gần, xa khi đến thăm thành phố. Như vậy tính đặc sắc của văn hoá vùng, miền sẽ được khắc hoạ nổi bật và rõ nét.
Một số tượng đang tồn tại nhưng dường như chưa phát huy được giá trị ở cả góc độ lịch sử cũng như giá trị văn hóa, như: Tượng đài Hồ Chủ Tịch ở xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn; tượng Trần Nhật Duật ở Bạch Hạc (Việt Trì)… bởi những tượng đài này chưa đạt yêu cầu về mặt quy mô, kiến trúc, và không gian mỹ thuật; vị trí quy hoạch chưa phù hợp nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân.
Xuất phát từ tình hình thực trạng nêu trên Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ xin đề xuất, kiến nghị với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch một số nội dung sau:
- Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn để Sở VH,TT & DL tỉnh Phú Thọ tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể tượng đài trên địa bàn tỉnh làm căn cứ pháp lý để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả hệ thống tượng đài đã có và dự kiến quy hoạch trong tương lai với ý nghĩa đây là miền đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
- Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quan tâm, hỗ trợ về kinh phí để Phú Thọ có điều kiện xây dựng, trùng tu, tôn tạo tượng đài đã có trên địa bàn theo đúng chức năng của tượng đài được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quy định.
    
                                                               Đặng Đình Thuận
Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hoá- Sở VH,TT & DL Phú Thọ
 
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com