Thứ 2 | 13/05/2024

Nguyễn Thị Hương - Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình,
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ

 
     Giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng xã hội rộng lớn, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trong những năm qua, cùng với sự hình thành phát triển các khu công nghiệp trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) của tỉnh  ngày càng tăng nhanh về số lượng và chất lượng; Đặc biệt, đang tăng nhanh trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ trong các khu công nghiệp tuy đã ổn định và ngày càng được cải thiện, nhưng chưa tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp và những đóng góp của chính bản thân CNLĐ.
     Hiện nay, CNLĐ trong các khu công nghiệp, đặc biệt là công nhân ở các khu nhà trọ đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, đời sống tinh thần còn nghèo nàn; việc quan tâm giải quyết nhu cầu chính đáng của CNLĐ đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm nhưng chưa kịp thời, đầy đủ và còn nhiều vướng mắc, bất cập. Vì vậy, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho CNLĐ trong các khu công nghiệp (KCN) không chỉ là thoả mãn nhu cầu chính đáng, hợp pháp của CNLĐ, mà còn là biện pháp thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, đồng thời là biện pháp tích cực để tổ chức Công đoàn tập hợp đông đảo CNLĐ các thành phần kinh tế vào tổ chức Công đoàn, góp phần hạn chế đình công tự phát, hướng các hoạt động đình công (nếu có) diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động, tạo ra sức mạnh tổng hợp để các doanh nghiệp ngày càng phát triển vì lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và lợi ích của người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
     Thực trạng lao động và đời sống của công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay:
     Về lao động, việc làm trong các khu công nghiệp: Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 Khu công nghiệp (KCN) được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 4 KCN đi vào hoạt động. Đến nay, các KCN đã thu hút được 166 dự án vào đầu tư, bao gồm: 89 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.471 tỷ đồng; 77 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.638 triệu USD; 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN với vốn đăng ký là 4.207 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy trên 58% diện tích đất công nghiệp; tạo việc làm cho trên 49.500 lao động, thu nhập bình quân của người lao động tại các KCN đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
     Tỉnh Phú Thọ cũng có 21 Cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, mở rộng và triển khai thực hiện đã thu hút được 157 dự án đầu tư. Trong đó có 91 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng; 66 dự án có vốn FDI, vốn đăng ký trên 900 triệu USD. Đến nay, đã có 111 dự án đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy trên 56% diện tích đất công nghiệp; giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động.
     Về tiền lương, nhà ở, tình hình quan hệ lao động của CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp (tính đến tháng 12/2023): 1) Về tiền lương của CNLĐ: Do nhu cầu bức thiết hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận dụng linh hoạt các phương pháp quản lý, đặc biệt là biện pháp kinh tế. Một trong những biện pháp kinh tế là vấn đề tiền lương, tiền thưởng. Vì thế tiền lương là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với hiệu quả sản xuất. Do vậy việc gắn liền tiền lương với hiệu quả sản xuất kinh doanh và việc nâng cao mức sống ổn định và phát triển trên cơ sở kinh tế là những vấn đề không thể tách rời. Tiền lương bình quân của CNLĐ trong các khu công nghiệp tỉnh đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
     2) Về nhà ở của CNLĐ: Hiện nay, nhà ở đang được người lao động quan tâm, nhất là CNLĐ ở địa bàn các KCN, có khoảng 85% CNLĐ phải đi thuê nhà trọ ở những khu vực xung quanh các khu, cụm công nghiệp, mức thuê nhà bình quân từ 800 đến 1,2 triệu đồng /phòng /tháng (không bao gồm tiền vệ sinh, điện, nước sinh hoạt) với diện tích bình quân từ 12 – 20 m2, mỗi phòng từ 2 – 3 người. Nhà trọ cho CNLĐ thuê chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt, nhiều khu nhà trọ tạm bợ, chật hẹp, nóng bức, thiếu ánh sáng, vệ sinh môi trường ô nhiễm, môi trường sống dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại bộ phận CNLĐ ở nhà trọ không có phương tiện nghe nhìn, sách báo, dụng cụ thể thao, cơ sở vật chất để hưởng thụ văn hoá.
     Để đáp ứng yêu cầu ăn, ở rất lớn của bộ phận người lao động này trong khi hầu hết các doanh nghiệp không có điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân, do đó, trên địa bàn các phường, xã gần KCN đã hình thành các khu nhà trọ cho công nhân thuê, chủ yếu là các hộ tư nhân với quy mô và khả năng đầu tư khác nhau. Trung bình mỗi hộ có từ 8 đến 10 phòng, có từ 17-20 công nhân thuê trọ. Địa bàn tập trung chủ yếu là: xã Thụy vân, Vân Phú (Thành phố Việt Trì).
      Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, các tệ nạn xã hội ở một số địa bàn, nhất là ở các khu nhà trọ có đông CNLĐ vẫn còn phức tạp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, cả về cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện tiếp cận với CNLĐ, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu ngoài giờ làm việc hoặc ngày nghỉ.
     3) Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp hiện nay: Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh trong những năm vừa qua, có những bước phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động ở các doanh nghiệp phần nào còn có những diễn biến phức tạp. CNLĐ ở một số doanh nghiệp lo lắng về việc làm không ổn định. Một số doanh nghiệp đóng BHYT, BHXH, BHTN và làm sổ bảo hiểm cho CNLĐ còn chậm, muộn nên việc chi trả chế độ ốm đau, thai sản, chốt sổ bảo hiểm cho người lao động chưa kịp thời. Tình trạng người sử dụng lao động vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ còn diễn ra, nhất là trong doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ thống chính sách pháp luật có liên quan đến đảm bảo đời sống văn hoá, tinh thần của CNLĐ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và chưa có chế tài đủ mạnh; Một bộ phận lớn CNLĐ do những khó khăn về đời sống vật chất lấn át nên xem nhẹ đời sống văn hoá, tinh thần; Nhận thức và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị với giai cấp công nhân ở một số nơi chưa đầy đủ. Nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn của một số cơ sở chưa theo kịp với những đòi hỏi của phong trào công nhân, việc thành lập và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp dân doanh, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
      Thực trạng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
     1) Về đời sống vật chất: Nhiều doanh nghiệp trả công cho người lao động tuy có tăng lên so với những năm trước đây, lương bình quân đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng; tuy nhiên còn chưa tương xứng với sức lao động mà người lao động bỏ ra. Đời sống vật chất của CNLĐ ở các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nghèo nàn. Các chế độ cho người lao động như vấn đề tiền lương, tiền ăn ca, phụ cấp chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, trượt giá... tuy đã được người sử dụng lao động quan tâm, nhưng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động. Để đời sống vật chất của CNLĐ được nâng cao các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách tiền lương và tiền công lao động. Chăm lo giải quyết vấn đề nhà ở, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt về điện, nước, phương tiện đi lại, chữa bệnh vv…
      Với mức thu nhập bình quân hiện nay tuy có tăng, nhưng giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, tiền lương hàng tháng chỉ dành chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như: lương thực, thực phẩm chiếm gần hết tổng thu nhập, còn số ít lại dành cho chi trả tiền thuê nhà ở, đi lại, may mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân, nên đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đa phần người lao động thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần, như vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu. 2) Về đời sống văn hóa tinh thần: Trong khu công nghiệp: Đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ trong các khu công nghiệp hiện nay còn nghèo nàn. Công nhân lao động ít có điều kiện để được tham gia sinh hoạt và hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, tiếp nhận thông tin. Việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trong những năm gần đây đã được các công đoàn cơ sở và chủ sử dụng lao động chú trọng, như cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho CNLĐ. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho CNLĐ đã được một số doanh nghiệp chú trọng, quan tâm đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các giải thể thao, văn nghệ cho CNLĐ thường niên. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo CĐCS phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng một số mô hình điểm về đời sống văn hóa cho CNLĐ trong các KCN. Hằng năm tổ chức các hoạt động như: tổ chức giải bóng đá nam, ngày hội gia đình, tổ chức đại hội thể dục, thể thao, hội diễn văn nghệ ...
     Sau khi Liên đoàn lao động tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tổ chức xây dựng các mô hình điểm, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tuyên truyền phổ biến pháp luật ...nhận thức của chủ sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đối với việc nâng cao đời sống văn hóa cho CNLĐ được nâng lên rõ rệt. Hiện nay có trên 20 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ. Nội dung hình thức tổ chức hoạt động được đa dạng, phong phú. Một số đơn vị doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ kinh phí cho CĐCS để tổ chức các hoạt động.
      Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy CNLĐ còn lo lắng trước tình trạng sản xuất kinh doanh gặp khó khăn của một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động; tình trạng một số chủ doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN... đã ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. Những áp lực về đời sống vật chất trên khiến nhiều CNLĐ tập trung thời gian làm thêm giờ, tăng ca, tăng thu nhập, cường độ lao động căng thẳng, ít có thời gian quan tâm đến hoạt động văn hóa tinh thần, tham gia các hoạt động giải trí. Việc triển khai các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp đa số phải thuê địa điểm ngoài, các hoạt động tổ chức ngoài giờ làm việc và vào những ngày nghỉ. Cơ sở hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa chưa hình thành trong các KCN, như chưa có trạm xá, nhà trẻ, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao,vui chơi sau giờ làm việc cho CNLĐ. Một số doanh nghiệp có bố trí phòng đọc sách báo tại phòng công đoàn, sân chơi, phòng tập thể thao quy mô nhỏ, nhưng chủ yếu để phục vụ cho người sử dụng lao động và bộ phận quản lý hành chính. Các công trình văn hóa công cộng phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí còn mang tính dịch vụ, khó đáp ứng cho các đối tượng có thu nhập thấp.
     Qua khảo sát CNLĐ trong các khu công nghiệp cho thấy, đa số CNLĐ mong muốn có địa điểm vui chơi, sinh hoạt sau giờ làm việc, được các cấp công đoàn tổ chức thường xuyên các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, được cung cấp thông tin, được tuyên truyền pháp luật kết quả điều tra cụ thể:

 
TT

 
Nội dung

Mong muốn
(%)

Không lựa chọn
(%)

1

Địa điểm vui chơi, giải trí sau giờ làm việc

100

 

2

Có một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp

100

 

3

Được chăm sóc sức khoẻ

100

 

4

Được cung cấp thông tin

100

 

5

Được hỗ trợ pháp luật

100

 

6

Được vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, học hỏi lẫn nhau

90

10

      Trong các khu nhà trọ của công nhân: Hiện nay, có khoảng 85% số CNLĐ sống trong những khu nhà trọ dân lập, thiếu cả những trang thiết bị sinh hoạt đơn giản nhất. Phần lớn công nhân tại các khu nhà trọ đang sống trong môi trường ba không: không ti vi, không sách báo, không có sân tập thể dục, thể thao... Bên cạnh đó, áp lực của công việc và làm thêm giờ, nhiều công nhân cả tháng  không biết đến tivi, sách, báo.
      Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền  địa phương nơi có các nhà trọ cho công nhân thuê đã quan tâm, chỉ đạo các hoạt động trong khu nhà trọ như: Các chủ nhà trọ quản lý đảm bảo an ninh trật tự, thành lập các tổ tự quản trong nhà trọ, tổ chức thăm hỏi, động viên công nhân trong các dịp lễ, dịp Tết. Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn đã xây dựng những mô hình điểm trong các khu nhà trọ: Nhà trọ văn hóa công nhân, khu nhà trọ thanh niên công nhân văn hóa. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật miễn phí cho CNLĐ trong khu nhà trọ. Thông qua các hoạt động đã tập hợp, động viên CNLĐ tham gia các phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"... Tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ được tiếp cận thông tin, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên các hoạt động còn hạn chế so với nhu cầu của CNLĐ, các thiết chế văn hóa trong khu nhà trọ hầu như không có, CNLĐ phải sử dụng hoạt động nhờ các nhà văn hóa khu dân cư, số CNLĐ tham gia các hoạt động còn ít, thời gian tổ chức các hoạt động chủ yếu tổ chức các buổi tối và các ngày nghỉ. Các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay thiếu nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, sân khấu tổ chức biểu diễn, bể bơi, sân thể thao, nhà luyện tập thi đấu thể thao; chỉ có một số thư viện/ phòng đọc sách, báo, sân thể thao đơn giản (sân bóng chuyền, cầu lông), sân bóng đá mini…
      Từ thực trạng trên, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành xây dựng kế hoạch, các chương trình, dự án, đề án để từng bước nâng cao đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu:  Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiêp, tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao thúc đẩy hoạt động thường xuyên, chất lượng, hiệu quả; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa, lối sống tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng, hiệu quả; động viên và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội và CNLĐ, nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của CNLĐ tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp và sự đóng góp của đội ngũ CNLĐ.
       Để đạt được các mục tiêu trên, cần tập trung các nhóm giải pháp:               
     
1) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của công nhân và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nếp sống lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp trong công nhân: Tuyên truyền và hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền cho CNLĐ và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, tại các khu nhà trọ về tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật về văn hóa, nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp cho CNLĐ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Xây dựng các chuyên mục về đời sống văn hóa công nhân trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ và bản tin công đoàn tỉnh; hệ thống pa nô, áp phích tại các khu công nghiệp; bảng tin, loa truyền thanh nội bộ của doanh nghiệp. Trang bị các tài liệu cho CĐCS tại doanh nghiệp như: Báo Lao động, Báo Phú Thọ, các loại tờ rơi, tờ gấp và đời sống văn hóa....
       2) Xây dựng các mô hình và định hướng từng bước phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân: Đầu tư xây dựng từ 3 đến 5 mô hình điểm trong các doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân tại các doanh nghiệp như: Trang bị các ấn phẩm văn hóa, ti vi, loa đài, băng đĩa liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, tổ chức các hoạt động, các sự kiện về văn hóa, văn nghệ, TDTT trong doanh nghiệp...Xây dựng một số nhà văn hóa công nhân, các khu vui chơi giải trí cho CNLĐ tại các khu công nghiệp.
       Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất đầu tư, mở rộng các nhà văn hóa khu dân cư nơi có đông CNLĐ cư trú để công nhân được sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại nơi cư trú. Duy trì, đầu tư phát triển mô hình "nhà trọ văn hóa công nhân", câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt của công nhân trong khu nhà trọ. Trang bị cơ sở vật chất để phục vụ thông tin cho CNLĐ trong các khu nhà trọ như: Ti vi, lắp đặt Internet, tủ sách pháp luật...
       
3) Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho công nhân lao động: Xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; phong trào "Công nhân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; định kỳ hằng năm tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao, hội thao CNLĐ; xây dựng và phát triển các phong trào "nghe công nhân hát, hát cho công nhân nghe", các đội văn nghệ biểu diễn lưu động phục vụ CNLĐ tại các doanh nghiệp. Tổ chức các phong trào tại cơ sở, tại các doanh nghiệp: các giải thể thao, văn nghệ quần chúng, hội thi, hội diễn... Xây dựng chương trình truyền hình, truyền thanh Văn hóa công nhân. Thực hiện các phóng sự chuyên sâu về một số hoạt động như: Việc đọc sách báo của công nhân lao động trong KCN, các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể dục, thể thao của CNLĐ.  Xây dựng cụm văn hóa cơ sở, mỗi cụm có thể từ 5 đến 7 đơn vị trên địa bàn có vị trí gần nhau để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho CNLĐ. Phát triển các loại hình "Câu lạc bộ công nhân", " nhà trọ văn hóa công nhân" hoạt động theo sở thích, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng công nhân. Phát triển mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân cùng với việc tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ CNLĐ vào ngoài giờ làm việc tại các khu nhà trọ. Phát triển, duy trì sinh hoạt nhóm công nhân nòng cốt trong khu nhà trọ, tổ chức sinh hoạt nhóm để tiếp nhận thông tin, tuyên truyền các chế độ chính sách với người lao động, tư vấn, giải đáp những thắc mắc, đề xuất của CNLĐ.
       4)
Xây dựng quy chế khen thưởng doanh nghiệp "Đạt chuẩn văn hóa" của tỉnh và tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia: Triển khai các doanh nghiệp tích cực đăng ký và thực hiện doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa và tác phong công nghiệp trong công nhân. Tổ chức bình xét công nhận doanh nghiệp văn hóa, tôn vinh khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 5) Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp trong công nhân: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật để trang bị kiến thức cho CNLĐ, để CNLĐ có lập trường, tư tưởng vững vàng; có ý chí vượt khó, vươn lên, lập thân, lập nghiệp. Nếp sống lành mạnh, tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; không mắc các tệ nạn xã hội. Chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú. Triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến với công nhân, tạo điều kiện để khuyến khích CNLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Có tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật, năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com