Thứ 6 | 09/01/2015
Phú Thọ là địa bàn còn bảo tồn khá nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước do thế hệ cha ông đi trước để lại. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện bảo tồn trên một nghìn địa điểm di tích và liên quan đến di tích. Hiện nay đã xếp hạng được 252 di tích, trong đó có 73 di tích LSVH cấp quốc gia; 179 di tích LSVH cấp tỉnh. Trong các di tích đã được xếp hạng bao gồm đủ các loại hình di tích theo luật di sản quy định: Di tích LSVH bao gồm các tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến; Di tích khảo cổ học. Các di tích tín ngưỡng, tôn giáo chủ yếu được phân bố trong địa bàn cư trú của cư dân như các di tích Đình, Đền, Miếu, Chùa…Các di tích lịch sử cách mạng mạng kháng chiến thường ở các địa điểm liên quan đến chiến khu cách mạng, liên quan đến địa hình rừng núi hiểm trở và gắn với địa danh chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Di tích LSVH đặc biệt là các di tích tín ngưỡng, tôn giáo bao giờ cũng gắn liền với môi trường cảnh quan thiên nhiên, gắn chặt với thuyết phong thuỷ; địa lý có từ hàng nghìn năm nay. Bởi theo cổ nhân, tín ngưỡng, tôn giáo bao giờ cũng có mối quan hệ mật thiết theo chiều “ thuận” với địa lý ( đất, nước, địa hình- đất linh thiêng) và phong thuỷ ( hướng gió, chiều nước chảy...). Có được những điều kiện ấy thì di tích mới linh thiêng, trường tồn và từ đó mới có vai trò quan trọng phù hộ, bảo vệ đời sống tâm linh cho dân làng, xã tắc được bình yên, làm ăn phát đạt, phú, quý, thọ, khang, ninh.
Chính vì vậy, các ngôi đình, các ngọn chùa, các mái đền, miếu, văn chỉ…đã được cha ông ta xây dựng tại các vị trí trung tâm của địa bàn dân cư có địa hình cao ráo, thoáng mát, có hướng đẹp phù hợp với địa hình của núi, sông, đồi gò.v.v…Đó là các hình thế địa linh: " Tả Thanh long; hữu Bạch Hổ" ( Bên trái có rồng xanh; bên phải có hổ trắng- Đều là những con vật linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc), hoặc " Tiền án; hậu chẩm" ( Phía trước có vật che chắn án ngữ ngăn chặn gió độc hay những điều xấu; Phía sau có chỗ dựa vững chắc, bảo vệ, che chắn) hay các thế đất " Rồng chầu; hổ phục".v...v. Những nơi ấy là điểm hội tụ linh khí thiêng sông núi, điểm hội tụ âm- dương. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ lý giải được vấn đề tại sao nhiều ngôi đình, ngọn chùa, mái đền… lại được xây dựng ở những vị trí cao ráo, thoáng đãng đón những ngọn gió mát (lành) về mùa hè và chặn những ngọn gió lạnh ( độc) về mùa đông và hứng ánh nắng ấm áp, trong lành của các mùa làm cho không khí trong di tích lúc nào cũng khô ráo, mát mẻ, thâm nghiêm. Các cụ ngày xưa khi xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, đền miếu… rất coi trọng vị trí địa lý, hướng và môi trường cảnh quan di tích ( thuyết phong thuỷ). Đặc biệt các cụ rất chú ý đến môi trường cây xanh trồng xung quang di tích: “ Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Do vậy mà bên cạnh các di tích tín ngưỡng, tôn giáo bao giờ cũng có cây đa, cây si, cây sanh, cây gạo, cây bồ đề, cây hoa đại hoặc một số cây sinh cảnh bản địa cổ thụ như Lim, Thông, Tùng, Bách... làm cảnh quan, môi trường di tích thêm thâm nghiêm, tạo môi trường không khí trong lành, linh thiêng mỗi khi chúng ta bước chân vào thăm viếng di tích. Mặt khác cây xanh góp phần quan trọng trong việc tạo không khí trong lành và linh thiêng giúp cho việc tế lễ, hành đạo đạt kết quả tâm linh tốt đẹp.

Di tích đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hà Hòa, tỉnh Phú Thọ

Bên cạnh việc chú ý đến cảnh quan, môi trường di tích, các cụ ta xưa còn rất chú ý đến thuật phong thuỷ ( Gió- Nước ) để ý đến hồ nước, ao, các dòng sông, suối ở gần và gần kề với nơi xây dựng đình, đền, chùa, miếu... Bởi đây cũng là yếu tố góp phần vào sự linh thiêng cho di tích. Chính vì vậy mà gần đình, chùa, đền, miếu bao giờ cũng có một cái ao, hay cái hồ nước, giếng nước để tạo cảnh quan môi trường và có lợi về mặt phong thuỷ ( có âm, có dương- Âm- Dương giao hoà tạo nên một không gian thiêng). Chính vì thế mà các ngôi đình làng thường có ao đình ngay ở phía trước đình hoặc có giếng chùa, giếng đền v...v. tạo cảnh quan di tích và không khí thoáng mát và linh thiêng. Câu ca dao: "Cây đa, bến nước, ao đình..." đã hàng nghìn đời nay đi cùng với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo trên các làng quê Bắc Bộ đã đi vào thi, ca, nhạc, hoạ của bao thế hệ đã đi trước trong lịch sử văn hoá dân tộc. Chú ý đến thuật phong thuỷ không phải chỉ vì cảnh quan môi trường di tích mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn đó là tạo cho di tích luôn luôn thâm nghiêm, linh thiêng do yếu tố địa linh và thuận phong, thuận thuỷ mang lại. Đó chính là nguyên nhân huyền bí nhưng có cơ sở thực tiễn và mang tính khoa học để tạo cho di tích mãi mãi trường tồn trong đời sống tinh thần của cộng đồng mà cho đến nay chúng ta đã phần nào giải mã được sự tác động và ảnh hưởng của thuật phong thuỷ tại các di tích tín ngưỡng tôn giáo thông qua việc cha ông chúng ta đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cảnh quan, môi trường thiên nhiên đối với di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình , chùa, đền , miếu.v...v. Đó chính là những điều kiện vật chất tự nhiên rất cần thiết giúp cho di tích được linh thiêng và gìn giữ lâu dài. Bởi trong thực tế, có nhiều di tích mặc dù đã bị thiên nhiên, chiến tranh huỷ hoại. Nhưng nền móng, cảnh quan môi trường tự nhiên của di tích vẫn còn mãi với thời gian " Trơ gan cùng tuế nguyệt" và rồi lại được nhân dân góp công, góp của tu bổ, tôn tạo phục hồi di tích như nó vẫn tồn tại trong lịch sử.
Các cụ xưa thường dạy: " Ôn cố nhi tri tân" chính là " Học cũ để biết mới". Chúng ta cần có ý thức trân trọng và gìn giữ tri thức của các bậc cổ nhân về mối quan hệ giữa môi trường, cảnh quan nói chung và di tích nói riêng thực sự là những kinh nghiệm dân gian vô cùng quý báu để cho chúng ta hôm nay trong công tác bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể, trong đó có lĩnh vực các di tích văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo còn lại đến ngày nay. Thông qua nó, chúng ta đã học tập được rất nhiều tri thức của thế hệ đi trước đối với mối quan hệ giữa con người và môi trường; giữa di tích tín ngưỡng,tôn giáo với môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Để từ đó ứng dụng, phát huy những tri thức dân gian trong công việc tu bổ, tôn tạo, khôi phục các di tích tín ngưỡng, tôn giáo hiện còn và đã bị mai một do thiên nhiên và chiến tranh gây ra. Những tri thức quý báu đó sẽ giúp chúng ta có nhãn quan khoa học về cảnh quan và môi trường nói chung và di tích nói riêng để mỗi khi chúng ta tu bổ, tôn tạo hoặc khôi phục các di tích thì cần phải chú ý đến môi truờng, cảnh quan của di tích, cụ thể là trồng cây gì? ở vị trí nào? hoặc hướng của di tích khôi phục là hướng gì ? và cần phải chọn thế đất có diện tích thích hợp để đào ao; giếng nước.v...v.
Trên đây mới chỉ là một vài ý kiến nhỏ về tri thức dân gian đối với cảnh quan môi trường tự nhiên gắn với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo xin được góp bàn để cùng nhau sưu tầm, nghiên cứu, bổ sung nguồn tri thức quý báu của cha ông để lại ./.
 
Đặng Đình Thuận
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com